Omega-3 liều cao có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer
Bổ sung axit béo omega-3 đã được nghiên cứu rộng rãi như một cách điều trị nhiều hứa hẹn trong điều trị các bệnh thần kinh như rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nặng. Gần đây, mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer di truyền và sự hấp thụ thấp chất béo lành mạnh đã được chứng minh.
Axit béo omega-3 được biết đến là tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng bạn có biết rằng ở liều lượng cao chúng cũng có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California (USC) đã thử nghiệm việc bổ sung omega-3 nhằm trì hoãn khởi phát bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu tiên- thử nghiệm lâm sàng trong nỗ lực tìm kiếm các lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả cho chứng suy giảm nhận thức.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sỹ Hussein Yassine, phó giáo sư y khoa và thần kinh học tại Trường Y khoa Keck của USC, đã có một nghiên cứu về khả năng ngăn ngừa sa sút trí tuệ của axit béo omega-3. Tuy nhiên, không có dữ liệu về liều lượng cụ thể cần thiết để đạt được lợi ích trong cuộc chiến chống lại sự suy giảm nhận thức.
“Các thử nghiệm đã được xây dựng dựa trên giả định rằng omega-3 đi vào não,” Yassine nói trong một bản tin. “Nghiên cứu của chúng tôi được thiết kế đặc biệt để giải quyết câu hỏi này.”
Các tình nguyện viên dũng cảm giúp khoa học trì hoãn khởi phát bệnh Alzheimer
Yassine và nhóm các nhà nghiên cứu của ông đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ, trong đó những người tham gia đã hy sinh dũng cảm vì sự tiến bộ khoa học.
Để xác định lượng omega-3 bổ sung vào được hệ thống thần kinh trung ương hấp thụ so với lượng còn lại trong máu, ngoài việc lấy máu, những người tình nguyện nghiên cứu còn phải trải qua hai lần bị chọc kim vào tủy sống để lấy dịch não tủy xét nghiệm.
Lần đầu được thực hiện khi bắt đầu nghiên cứu để có số liệu cơ sở, lần hai được thực hiện sau khi hoàn thành nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu huyết tương và dịch não tủy này để đánh giá xem liệu omega-3 có đến não hay không, và nếu có thì với lượng bao nhiêu.
Các nhà khoa học đã đo mức độ của hai loại axit béo omega-3 khác nhau: axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA). Thử nghiệm bao gồm 33 người tham gia có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, bao gồm tiền sử gia đình bị Alzheimer, lối sống ít vận động và chế độ ăn ít cá béo. Tại thời điểm can thiệp, không ai trong số những người tham gia bị suy giảm nhận thức.
Trong tổng số 33 người tham gia, 15 người mang biến thể gen APOE4, có liên quan đến chứng viêm trong não và làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer 4 lần trở lên.
18 người tham gia khác không phải là người mang biến thể này. Những người tham gia được tổ chức thành hai nhóm: kiểm soát và điều trị. Nhóm điều trị đã bổ sung hơn 2 gam DHA mỗi ngày trong sáu tháng. Nhóm đối chứng đã dùng viên nang giả dược hàng ngày giống hệt nhau trong cùng một khoảng thời gian. Cả hai nhóm đều dùng vitamin B-complex hàng ngày để giúp chuyển hóa tối ưu omega-3.
Di truyền có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ Omega-3
Sau khi hoàn tất giai đoạn can thiệp trong sáu tháng và phân tích các mẫu sinh học, nhóm nghiên cứu đã có kết luận rằng những người tham gia điều trị bổ sung omega-3 có lượng DHA trong máu cao hơn 200% so với nhóm đối chứng.
Nồng độ DHA trong dịch não tủy ở nhóm điều trị cao hơn 28% so với nhóm đối chứng, cho thấy tỷ lệ hấp thụ omega-3 trong não thấp hơn nhiều so với tỷ lệ có thể phát hiện trong máu.
Trong số các cá nhân trong nhóm điều trị không có đột biến gen APOE4 làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, lượng EPA trong dịch não tủy cao gấp ba lần so với những người có APOE4. Phát hiện này chỉ ra rằng những người có yếu tố nguy cơ Alzheimer có thể cần liều lượng axit béo omega-3 cao hơn để đạt được mức điều trị trong não.
“Người mang APOE4, mặc dù được cho cùng liều lượng, nhưng hàm lượng omega-3 trong não thấp hơn. Phát hiện này cho thấy rằng EPA hoặc đang bị tiêu hao, bị mất đi hoặc không được hấp thụ vào não một cách hiệu quả với gen E4,” Tiến sĩ Yassine nói. Liều hai gam omega-3 được sử dụng trong thử nghiệm này gấp đôi liều một gam điển hình được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng lớn trước đây về omega-3 để ngăn ngừa Alzheimer.
Yassine cảnh báo rằng việc sử dụng chất bổ sung 1 gam omega-3 tương quan với mức tăng ít hơn 10 phần trăm omega-3 trong não, một liều lượng mà theo ông, “có thể không được coi là có ý nghĩa” trong cuộc chiến chống lại sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng liều lượng axit béo omega-3 cao hơn có thể được chỉ định để làm trì hoãn các triệu chứng suy giảm sức khỏe trên não ở những người mang gen APOE4.
Kết quả của nhóm nghiên cứu USC đã được xuất bản vào tháng 7 trên tạp chí EBioMedicine. Yassine đã có thêm tài trợ cho một thử nghiệm lớn hơn, dài hơn về việc liệu liều cao omega-3 có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở những người mang gen APOE4 hay không.
Nghiên cứu kéo dài hai năm, được thực hiện trên 320 người tham gia, có mục tiêu ngắn hạn là thiết lập bằng chứng về khái niệm rằng thuốc đang đi vào não và ảnh hưởng tích cực đến các dấu hiệu sinh học của bệnh. Các nhà nghiên cứu cuối cùng hy vọng xác định và phát triển các liệu pháp để ngăn ngừa Alzheimer.
Omega-3 cung cấp 60 lợi ích sức khỏe được biết đến
Thực phẩm cung cấp chất béo là chủ đề được quan tâm nhiều năm nay. Ý tưởng về chất béo lành mạnh so với chất béo không lành mạnh không còn được xem ý tưởng gây tranh cãi nữa, và axit béo omega-3 được cho là chất béo “tốt” được biết đến nhiều nhất.
Nếu bạn thích tiêu thụ chất béo lành mạnh từ các nguồn thực phẩm hơn là từ thực phẩm chức năng, thì các loại cá như cá thu, cá mòi và cá hồi là một trong những nguồn cung cấp chất béo omega-3 tốt nhất. Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe não bộ, ăn cá, bổ sung vitamin D và omega-3 còn có thể giúp bạn ngăn ngừa các cơn đau tim và ngăn ngừa ung thư.
Có hơn 60 lợi ích sức khỏe được biết đến của axit béo omega-3. Thực phẩm bổ sung EPA chất lượng cao thậm chí có thể giúp cải thiện tâm trạng. Các nghiên cứu đã chỉ ra EPA có hiệu quả như thuốc chống trầm cảm Prozac trong điều trị rối loạn trầm cảm nặng.
Trúc Đoàn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times