Khoa học thần kinh của lòng trắc ẩn
Các nhà khoa học thần kinh đang khẳng định điều mà con người đã biết trong nhiều thế kỷ: Chúng ta có thể dạy cho bộ não có lòng trắc ẩn. Các thực hành cổ xưa bao gồm nuôi dưỡng lòng trắc ẩn; theo cách nói hiện đại, chúng ta nói rằng chúng ta có thể cấu trúc lại bộ não. Những thay đổi này có thể giúp chúng ta mở rộng khả năng yêu thương, cảm nhận hạnh phúc và nuôi dưỡng thành công. Bộ não của bạn có thể dễ dàng kết nối với lòng trắc ẩn và khi bạn thực hành đều đặn.
Tại sao lòng trắc ẩn lại quan trọng
Chúng ta có những nhu cầu sâu sắc về tình yêu và sự kết nối, nhưng chúng ta lại mãi tầm cầu những điều này một cách sai lầm. Chúng ta tìm đến các nguồn bên ngoài như mạng xã hội hoặc những dấu ấn thành công, chẳng hạn như mua một chiếc xe hơi mà chúng ta không thực sự đủ khả năng chi trả. Chúng ta tự hỏi tại sao cuộc sống này lại có quá nhiều hỗn loạn và phóng túng trong khi chúng ta cần vun bồi và chăm chút cho không gian tinh thần của chúng ta.
Trong nhiều thiên niên kỷ, các nhà thơ, nhà thần học, triết gia, nhà sư và những người tu luyện lòng trắc ẩn đã phổ truyền trí tuệ về những gì họ biết là đúng đắn về cơ thể và sự tồn tại của sinh mệnh. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu đào sâu vào mối quan hệ tâm trí – cơ thể – bộ não này, nghiên cứu và định lượng những gì con người đã học được qua hàng thiên niên kỷ trải nghiệm trực tiếp.
“Nuôi dưỡng cảm giác gần gũi, ấm áp với người khác sẽ tự động khiến tâm trí trở nên thoải mái. Điều này giúp loại bỏ bất kỳ nỗi sợ hãi hoặc bất an nào mà chúng ta có thể có và cho chúng ta sức mạnh để đối phó với bất kỳ trở ngại nào mà chúng ta gặp phải,” Tenzin Gyatso, Dalai Lama thứ 14 cho biết.
Lòng trắc ẩn xoa dịu nỗi đau và sự thống khổ của chúng ta, ngay cả khi chúng ta thấy rằng chúng ta không phải là những người duy nhất trải qua nỗi đau và đau khổ. Sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi của chúng ta khiến cho lòng trắc ẩn trở thành một phẩm chất tự nhiên và cần thiết của con người. Vì vậy, lòng trắc ẩn không chỉ là một sức mạnh và đức hạnh để chúng ta rèn luyện mà còn có vai trò quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta.
Cân bằng giữa truyền thống với khoa học
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn không phải là điều mới mẻ, nhưng một cuộc thảo luận gần đây đang thu hút được nhiều sự chú ý. Các nhà sư Phật giáo và những người khác đã thiền định từ lâu để rèn luyện phẩm hạnh này. Bây giờ, các nhà khoa học thần kinh đang bắt đầu hiểu tại sao.
Bạn có thể tự hỏi liệu bạn có thể đạt được mức độ thức tỉnh và cảnh giới tinh thần này hay không. Suy cho cùng, trong thế giới hiện đại, hầu hết chúng ta đều bị tấn công bởi sự xao lãng và [vô số] nhiệm vụ cần dành nhiều thời gian, do đó, việc ngồi thiền trong nhiều giờ không phải lúc nào cũng khả thi.
Nhưng cũng thật may mắn vì chúng ta vẫn còn có nhiều cách để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, và một số cách đòi hỏi nhiều hơn một chút ngoài ý định làm như vậy và sự duy trì chánh niệm để nhận thức được cách chúng ta đang suy nghĩ và cảm nhận.
Đánh thức lòng trắc ẩn không phải là một loại thay đổi có thể được gói gọn trong một viên thuốc, cũng không phải là một cấu trúc được mổ xẻ với độ chính xác ở cấp phân tử. Trong khi khoa học cố gắng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết tốt hơn về vũ trụ năng động của chúng ta, thì khoa học lại không thể trả lời câu hỏi day dứt của nhân loại hàng nghìn năm qua rằng chúng ta là ai, cũng như khoa học cũng không thể thay thế bản chất tâm linh của chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Chúng ta không giống như những đồ vật được tạo ra từ máy móc. Thật là sai lầm nếu chỉ đặt tất cả hy vọng hạnh phúc của chúng ta vào sự phát triển bên ngoài.”
Nói cách khác, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đòi hỏi một cái gì đó vĩ đại hơn bề rộng của khoa học; đòi hỏi năng lực siêu việt của con người.
Lợi ích của lòng trắc ẩn
Như người xưa đã biết, thực hành chánh niệm, bao gồm việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn giúp chúng ta khoẻ mạnh hơn, giảm căng thẳng và trong một số trường hợp, thậm chí giảm viêm.
Một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên tập san Psychoneuroendocrinology đã xem xét cách thiền trắc ẩn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và nội tiết thần kinh bẩm sinh và “phản ứng hành vi đối với căng thẳng tâm lý xã hội” như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc gia tăng lòng trắc ẩn trong cuộc sống của chúng ta “có thể làm giảm các phản ứng miễn dịch và hành vi do căng thẳng gây ra.”
Một bài nghiên cứu tổng quan năm 2017 được xuất bản trong Biên niên sử của Học viện Khoa học New York đã xem xét một số nghiên cứu tương tự và cũng phát hiện ra rằng thiền định có liên quan đến cải thiện chức năng miễn dịch.
Khoa học về vai trò của lòng trắc ẩn
Ngày nay, các nhà nghiên cứu tâm lý học và thần kinh học tìm cách tìm hiểu mối quan hệ sâu sắc giữa tâm trí và cơ thể dưới góc độ khoa học hiện đại. Một nghiên cứu từ Trung tâm Điều tra Suy nghĩ Khỏe mạnh tại Trung tâm Waisman thuộc Đại học Wisconsin – Madison, cho thấy lĩnh vực khoa học thần kinh đang nổi lên có thể giúp định lượng cách bộ não của chúng ta thay đổi thông qua lòng trắc ẩn. Sau khi tham gia vào thiền định trắc ẩn, một kỹ thuật cổ xưa của Phật giáo, những người tham gia nghiên cứu đã cho thấy sự gia tăng lòng trắc ẩn có thể đo lường được.
Những phát hiện trước đây đã chỉ ra rằng cách chúng ta sử dụng tâm trí, bao gồm cả việc lặp đi lặp lại những suy nghĩ và hành vi sẽ thay đổi cấu trúc của chính bộ não của chúng ta. Điều này ngụ ý rằng chúng ta không phải lúc nào cũng cần thiền định hàng giờ để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, mặc dù phương pháp đó có thể có những lợi ích riêng. Một số nhà khoa học thần kinh đã xác nhận thông qua thử nghiệm rằng mọi người có thể tập trung, nhận ra và thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Quan điểm của một nhà khoa học thần kinh
Theo Tiến sĩ Rick Hanson, tác giả và người sáng lập Viện Khoa học Thần kinh và Trí tuệ chiêm nghiệm Wellspring, chìa khóa để tua lại bộ não của chúng ta là học cách chuyển ra khỏi trạng thái tiêu cực.
“Cách chính để phát triển sức mạnh bên trong là trải nghiệm chúng,” ông viết trong nghiên cứu về sự dẻo dai thần kinh tích cực năm 2013 của mình. “Các đặc điểm thần kinh tích cực được xây dựng từ các trạng thái tinh thần tích cực.”
Ông gọi đây là “sự dẻo dai thần kinh phụ thuộc vào trải nghiệm.” Để thay đổi trạng thái tiêu cực, chúng ta cần có cảm giác thay đổi trạng thái tiêu cực lặp đi lặp lại nhiều hơn. Một cách để thực hiện điều này là cảm nhận những trải nghiệm tích cực một cách trọn vẹn hơn và tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Điều này tạo ra các rãnh tích cực trong não và lần tới khi bạn lâm vào tình huống tiêu cực, bạn sẽ dễ dàng thoát ra hơn vì bộ não đã biết phải làm gì.
Mặc dù chúng ta biết rằng phải mất hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng thập niên để đạt đến trình độ của những thiền sinh cao cấp, nhưng các nhà khoa học thần kinh đã quan sát và đo lường những phương pháp mà con người có thể thay đổi tính cách theo hướng tích cực hơn.
Quy trình bốn bước của Tiến sĩ Hanson được thiết kế để tiếp thu những điều tốt đẹp và học hỏi sâu hơn từ những trải nghiệm tích cực. Ông gọi là H.E.A.L.; nghĩa là trực tiếp chống lại xu hướng suy nghĩ và trải nghiệm tiêu cực:
- Have – Có một trải nghiệm tích cực.
- Enrich – Làm phong phú.
- Absorb – Hấp thụ.
- Link – Liên kết vật chất tích cực và tiêu cực
Một lý do khiến bộ não khó thay đổi là thành kiến tiêu cực cố hữu của chúng ta. Bộ não của chúng ta giúp chúng ta an toàn trước nguy hiểm bằng cách cảnh giác cao độ, liên tục tìm kiếm các mối đe dọa. Điều đó có thể có lợi, nhưng kết quả là chúng ta có thể trở nên có xu hướng tiêu cực. Và trong thế giới hiện đại, nơi mà toàn bộ các ngành công nghiệp như truyền thông và bảo hiểm được xây dựng dựa trên nỗi sợ hãi của chúng ta về những tình huống xấu và vô số các bộ phim và chương trình truyền hình mang đến cho chúng ta những viễn cảnh tồi tệ về tương lai, chúng ta có thể liên tục bị kích hoạt theo hướng suy nghĩ tiêu cực. Điều này có thể góp phần gây ra căng thẳng kinh niên. chúng ta luôn ở trong tư thế hoặc là chiến đấu hoặc là bỏ chạy.
Thành kiến tiêu cực này “ngăn cản những trải nghiệm tốt trở thành sức mạnh bên trong được xây dựng trong cấu trúc thần kinh,” Tiến sĩ Hanson viết. Thông qua H.E.A.L. ông đã phát hiện ra rằng “có thể dạy mọi người cách làm cho điều tốt trở nên mạnh mẽ hơn điều xấu.”
Một kỹ thuật hiện đại khác đến từ công trình của Eric Langshur và Tiến sĩ Nate Klemp, và được gọi là Notice-Shift-Rewire như sau
- Chú ý đến thành kiến tiêu cực của bạn.
- Chuyển sang một khoảnh khắc của lòng biết ơn.
- Sắp xếp lại bộ não của bạn.
Bất cứ khi nào chúng ta gặp điều gì đó khó chịu, bộ não sẽ tự động chuyển sang chế độ hướng về tiêu cực. Để thoát ra, một số người gọi sự thay đổi này từ tiêu cực sang tích cực là “một kiểu ngắt quãng”. Một khi bạn nhận thấy một sự thiên vị tiêu cực này, bạn hãy chuyển sang cảm giác biết ơn. Khi bạn ngồi với cảm giác mới mẻ này, sự “thưởng thức” đó sẽ quay lại bộ não của bạn.
Chỉ cần dưới 30 giây để thực hành cả hai kỹ thuật này. Mặc dù các kỹ thuật khác nhau, ý tưởng đằng sau đều giống nhau: Cả hai đều giúp bạn tạo ra sự thay đổi tư duy.
Những kỹ thuật này về cơ bản là những phương pháp thế tục của các thực hành cổ xưa, đòi hỏi người thực hành phải nhìn vào bên trong và xem xét cách họ phản ứng với thế giới xung quanh như thế nào. Khi họ có những suy nghĩ đen tối, những cách thực hành này đã hướng dẫn họ hướng tới lòng trắc ẩn và sự tha thứ, và buông bỏ những suy nghĩ sinh ra cảm giác tiêu cực để tìm kiếm sự yên tĩnh.
Bộ não và lòng trắc ẩn trong hành động
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định niềm tin lâu nay rằng chúng ta có thể kết nối bộ não với lòng trắc ẩn và giờ đây chúng ta thấy những tuyên bố rằng “lòng trắc ẩn kết nối với bộ não” như Tiến sĩ David Hamilton, tác giả và nhà khoa học nhân ái, đã viết trên blog của mình.
Những quá trình này thay đổi bộ não phản kháng và giúp bộ não ghi lại những trải nghiệm mới. Kết quả là, bộ não sẽ hình thành những cấu trúc và con đường mới.
Khi bạn cảm nhận tâm trí và cơ thể được dịu lại, bạn biết rằng những con đường này đang được duy trì và bất cứ điều gì bạn đang thực hiện đều đang hoạt động hiệu quả. Hệ thống thần kinh của bạn đã chuyển từ giao cảm (chiến đấu hoặc bỏ chạy) sang phó giao cảm (nghỉ ngơi và phục hồi.)
Tiến sĩ Hanson viết, “vì chúng ta liên tục tìm kiếm thông tin tiêu cực, phản ứng quá mức với nó, và sau đó nhanh chóng lưu trữ những phản ứng này trong cấu trúc não, nên các mô hình hoạt động não lặp đi lặp lại sẽ thay đổi cấu trúc và chức năng thần kinh của chúng ta.”
Cũng như khi bạn muốn thành thục một thứ gì đó, bạn cần phải luyện tập lặp đi lặp lại là chìa khóa. Tương tự như vậy, bạn muốn chuyển bộ não từ trạng thái phàn nàn sang trắc ẩn, bạn cũng hãy xem đó là một bài tập trong việc chuyển đổi bản thân mà khi bắt tay vào, bạn sẽ nhận ra rằng, bạn càng thực hiện thì bài tập lại càng dễ dàng.
Bài báo này được đăng tải lần đầu tiên trên Tập san Radiant Life.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times