Hướng dẫn mới về sàng lọc ung thư vú có thể không cứu được nhiều phụ nữ hơn
Vào ngày 09/05, một khuyến nghị dự thảo từ Lực lượng Đặc nhiệm Các dịch vụ Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ đã thông báo rằng phụ nữ nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú ở tuổi 40 và mỗi năm tiếp theo. Sự thay đổi này trái ngược với khuyến nghị năm 2009 rằng phụ nữ bắt đầu sàng lọc ung thư vú từ tuổi 50.
Tiến sĩ Carol Mangione, cựu chủ tịch lực lượng đặc nhiệm, cho biết: “Khuyến nghị mới này sẽ giúp cứu sống và ngăn chặn nhiều phụ nữ tử vong vì ung thư vú.”
Các hướng dẫn mới làm dấy lên câu hỏi liệu việc chụp nhũ ảnh có giá trị trong một thập niên nữa hay không — phương pháp ép tuyến vú trong một chiếc máy với áp lực lên tới 45 pound (20.4kg) và chụp hình bằng bức xạ ion hóa — có là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiều trường hợp tử vong hơn từ một căn bệnh có thể gây ra do tiếp xúc với bức xạ?
Chụp nhũ ảnh có đem lại kết quả tốt hơn?
Trong một bài báo trước đây có tiêu đề “Kinh doanh từ bệnh ung thư vú: Những rủi ro của chụp nhũ ảnh,” tôi đã báo cáo về những rủi ro khi chụp nhũ ảnh, các nghiên cứu xem xét những rủi ro đó, và quan điểm của một số chuyên gia về chủ đề này.
Một trong những chuyên gia đó là Tiến sĩ Michael Baum, bác sĩ phẫu thuật ung thư người Anh chuyên điều trị ung thư vú và là một trong những người xây dựng chương trình sàng lọc ung thư vú quốc gia tại Vương quốc Anh, đã mở trung tâm đầu tiên ở Anh vào năm 1987. Tiến sĩ Baum từ một trong những người ủng hộ kiên định nhất của chương trình trở thành một trong những nhà phê bình có tiếng nói nhất.
Ông tóm tắt trong một cuộc phỏng vấn từ tháng 04/2023:
“Cứ một nghìn phụ nữ được sàng lọc bằng chụp nhũ ảnh trong hơn 10 năm, chúng ta sẽ tránh được một trường hợp tử vong do ung thư vú. Tôi không nói rằng điều đó sẽ giúp họ sống lâu hơn, mà chỉ là tránh được một trường hợp tử vong do ung thư vú.”
Ông gọi chương trình sàng lọc vú [phương pháp chụp nhũ ảnh] là một “thử nghiệm dũng cảm” nhưng “khi dữ liệu thay đổi, bạn phải thay đổi tư duy.” Ông nói thêm rằng “dữ liệu không còn ủng hộ cho việc sàng lọc chụp nhũ ảnh nữa”.
Độ chính xác
Chụp nhũ ảnh được các nhóm, tổ chức và hiệp hội ung thư xem là “tiêu chuẩn vàng” vì có thể phát hiện ung thư vú. Điều này được cho là sẽ giúp cứu mạng sống. Nhiều bằng chứng cho thấy chụp nhũ ảnh là không chính xác; nó có thể bỏ sót các bệnh ung thư tiến triển nhanh cần được phát hiện nhưng lại tìm thấy một số bệnh ung thư mà không cần phát hiện, chẳng hạn như ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS). DCIS liên quan đến sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư khu trú trong một hoặc nhiều ống dẫn tuyến vú. Bệnh phát triển chậm và chỉ phát triển thành ung thư ở khoảng 20% phụ nữ. Nhiều phụ nữ không biết về loại ung thư này và cũng không được cho biết chi tiết. Chẩn đoán DCIS thường dẫn đến các phương pháp điều trị có thể không cần thiết. DCIS hiếm khi được chẩn đoán trước khi sàng lọc vú ra đời nhưng hiện có 60,000 phụ nữ được chẩn đoán hàng năm tại Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2016, Tiến sĩ Otis W. Brawley, giám đốc khoa học và y tế của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cho biết: “Trong trường hợp tốt nhất, các nghiên cứu cho thấy rằng chụp nhũ ảnh làm giảm nguy cơ tử vong từ 20% đến 30%. Điều đó có nghĩa là phương pháp này không mang lại lợi ích cho 70% đến 80% phụ nữ cần xét nghiệm để cứu sống họ.”
Một trang bài trên trang web của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ có tên “Những hạn chế của chụp nhũ ảnh” nêu rõ: “Nhìn chung tầm soát chụp nhũ ảnh bỏ sót khoảng 1/8 ca ung thư vú.” Trang bài này cũng cho biết, “Khoảng một nửa số phụ nữ chụp nhũ ảnh hàng năm trong 10 năm sẽ có kết quả dương tính giả vào một lần nào đó.”
Bức xạ
Vú là mô nhạy cảm nhất trong cơ thể phụ nữ và rất dễ bị tổn thương bởi bức xạ. Trên thực tế, Chương trình về Ung thư Vú và Các Yếu tố Nguy cơ từ Môi trường (pdf) của Đại học Cornell tuyên bố rằng “phơi nhiễm bức xạ trước thời kỳ mãn kinh rất dễ gây ra ung thư tuyến vú ở phụ nữ.” Chụp nhũ ảnh hướng bức xạ trực tiếp vào vú và các cơ quan quan trọng phía sau, như tim và phổi.
Một nghiên cứu thuần tập được công bố trên Tập san British Journal of Cancer năm 2012 đã theo dõi hơn 500,000 phụ nữ từ năm 1973 đến năm 2009. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã được xạ trị ung thư vú (tia X năng lượng cao) có nguy cơ bị bệnh tim và ung thư phổi cao hơn đáng kể trong nhiều thập niên sau khi điều trị.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ và tỷ lệ tử vong do bệnh tim và ung thư phổi liên quan đến bức xạ tăng dần theo thời gian – vào thập niên thứ 3 – sau khi tiếp xúc với bức xạ.
Chụp nhũ ảnh gồm loại 2D hoặc 3D (chụp cắt lớp tuyến vú) sử dụng bức xạ ion hóa để ghi lại hình ảnh của vú. Thời nay, phụ nữ được chụp kỹ thuật mới 3D nhiều hơn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật 3D mang lại nhiều bức xạ hơn cho tuyến vú của phụ nữ so với loại 2D cũ hơn.
Trang web của Susan G. Komen cho biết: “chụp cắt lớp tuyến vú kỹ thuật số có thể cho liều bức xạ cao hơn một chút so với chụp nhũ ảnh 2D tiêu chuẩn. Tuy nhiên, liều lượng cao hơn này nằm trong hướng dẫn của FDA.”
Mật độ mô vú
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ chính xác của chụp nhũ ảnh là mật độ mô vú. Một số phụ nữ có nhiều mô mỡ ở ngực hơn trong khi một số phụ nữ có mô vú săn chắc hơn. Chụp nhũ ảnh không thể thấy rõ những thay đổi trong mô vú ở những phụ nữ có bộ ngực săn chắc. Một số người nói rằng mật độ vú làm cho chụp nhũ ảnh kém chính xác hơn 50% (pdf). Ngoài ra, mô vú săn chắc hấp thụ bức xạ nhiều hơn đáng kể so với mô vú nhiều mỡ. Điều này khiến cho phụ nữ có bộ ngực săn chắc có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of the National Cancer Institute (Tập san của Viện Ung thư Quốc gia) cho thấy 43.3% phụ nữ Hoa Kỳ từ 40 đến 74 tuổi có bộ ngực săn chắc. Theo trang web Are You Dense (pdf), có bốn mức mật độ vú: A (nhiều mỡ), B (rải rác), C (không đồng nhất) và D (dày đặc).
Theo Tiến sĩ Thomas Kolb, chuyên gia phát hiện và chẩn đoán ung thư vú, là tác giả chính của một nghiên cứu đăng trên Tập san Radiology, “Độ nhạy của chụp nhũ ảnh đối với ung thư vú giảm đáng kể khi mật độ vú tăng (48% đối với bộ ngực dày nhất).” Trong cùng một nghiên cứu, tiến sĩ Kolb cũng cho biết “việc bổ sung sàng lọc [siêu âm] làm tăng đáng kể khả năng phát hiện các bệnh ung thư nhỏ.”
Ông cho biết: “Hai phần ba (66%) phụ nữ tiền mãn kinh và 25% phụ nữ sau mãn kinh có bộ ngực dày đến mức chụp nhũ ảnh sẽ bỏ sót ung thư vú.”
Theo AreYouDense.org, “Mật độ vú là một trong những yếu tố dự báo mạnh nhất về sự thất bại của sàng lọc chụp nhũ ảnh.”
Chẩn đoán quá mức, điều trị quá mức và chẩn đoán không chính xác
Một trong những mối quan tâm lớn nhất về việc sử dụng rộng rãi chụp nhũ ảnh là chẩn đoán quá mức. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện những bất thường có thể không phải là ung thư hoặc ung thư có thể tự thoái triển. Những bất thường này thường được điều trị bằng hóa trị, xạ trị,và phẫu thuật mà không biết liệu chúng có ý nghĩa về mặt lâm sàng hay không.
Với các bằng chứng ngày càng tăng, chẩn đoán quá mức hiện được xem là hậu quả trầm trọng nhất của việc sàng lọc toàn dân bằng chụp nhũ ảnh.
Một bất thường được phát hiện bằng cách chụp nhũ ảnh thường được sinh thiết (một thủ thuật lấy các tế bào tại vùng nghi ngờ) và xem xét dưới kính hiển vi. Một nghiên cứu được công bố trên Tập san American Journal of Roentgenology (một thuật ngữ khác của X quang) cho biết: “Hơn 1 triệu ca sinh thiết vú được thực hiện hàng năm tại Hoa Kỳ, khoảng 75% – 80% có kết quả lành tính.”
Chẩn đoán sai cũng là một hiệu ứng vô cùng xấu của chụp nhũ ảnh và sinh thiết nếu phát hiện bất thường. Trên thực tế, theo sách trắng của Susan J. Komen (pdf) từ tháng 06/2006, “ hơn 90,000 người hiện đang sống chung với bệnh ung thư vú có thể đang sống (hoặc đã tử vong) với chẩn đoán không chính xác.”
Một phương pháp thay thế tốt hơn
Nhiều phương pháp sàng lọc không xâm lấn khác để ngăn ngừa và phát hiện ung thư vú đã được thảo luận trong bài viết “Finding Breast Cancer–Low-Risk Early Detection Tools You May Not Know About” (Tìm kiếm ung thư vú–Các công cụ phát hiện sớm có rủi ro thấp mà bạn có thể chưa biết). Chúng bao gồm đo nhiệt bức xạ (thermography) và nhiều xét nghiệm máu để phát hiện các tế bào ung thư trước khi chúng kết hợp thành một khối u.
Thermography sử dụng camera hồng ngoại để phát hiện nhiệt trên bề mặt da. Phương pháp này có thể thấy sự thay đổi về nhiệt độ, nhiệt độ tăng lên có thể chỉ ra các giai đoạn khác nhau của bệnh vú. Không giống như chụp nhũ ảnh, không có ép tuyến vú, không có bức xạ, và máy móc không chạm vào cơ thể. Thermography chỉ đơn giản như chụp hình.
Tiến sĩ Galina Migalko, người điều hành một cơ sở chẩn đoán hình ảnh thay thế và bổ sung không xâm lấn, là một trong số ít bác sĩ trên toàn quốc thực hiện song song đo nhiệt độ bức xạ và siêu âm. Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của mình, cô nói rằng siêu âm có thể cho độ chính xác tới 90%, nhưng sự kết hợp giữa đo nhiệt độ bức xạ và siêu âm có độ chính xác từ 95% – 99%.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times