Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp cổ truyền không đau, không cần phẫu thuật

Bạn có bao giờ bị đau đầu gối khi leo cầu thang hoặc khi đứng lên sau ngồi lâu không? Nếu bạn thức dậy với tình trạng cứng khớp và cảm thấy cơn đau tăng lên vào buổi tối, cùng với tiếng kêu lục cục khi di chuyển đầu gối, bạn có thể đang bị thoái hoá khớp.

Bác sĩ Trung y Jonathan Liu với hơn 26 năm kinh nghiệm y khoa đã thảo luận trong chương trình “Health 1+1” về cách giảm đau khớp bằng Trung y, liệu pháp ẩm thực và châm cứu. Bác sĩ cũng cho chúng ta lời khuyên về cách tập thể dục hàng ngày để duy trì sức khỏe khớp.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hoá khớp ảnh hưởng đến hơn 32.5 triệu người Mỹ trưởng thành. Khớp thường gặp là tay, hông và đầu gối. BS Liu lưu ý rằng thoái hoá khớp gối đặc biệt phổ biến vì khớp gối phải chịu trọng lượng và một nửa số bệnh nhân mà ông khám tại phòng khám của mình bị bệnh này.

BS Liu giải thích rằng tình trạng cứng khớp và đau nhức thường xảy ra trong giai đoạn đầu của bệnh thoái hóa khớp và có thể phát triển thành một triệu chứng gọi là “cứng khớp vào buổi sáng,” tức là độ cứng khớp tăng lên khiến việc ra khỏi giường và đi lại ban đầu trở nên khó khăn sau một đêm ngủ—như thể khớp bị khóa. Bạn sẽ mất khoảng 30 phút vận động chậm để mở khóa đầu gối trước khi có thể đi lại bình thường.

Ông nhắc nhở chúng ta rằng nếu tình trạng cứng khớp kéo dài trên 30 phút thì có thể là bệnh viêm khớp dạng thấp mà không phải thoái hoá khớp. Khi bệnh nặng hơn người bệnh bị đau khi hoạt động, hạn chế cử động và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất có thể phải phẫu thuật thay khớp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh thoái hoá khớp

Tại sao thoái hóa khớp xảy ra? BS Liu đã liệt kê các yếu tố ảnh hưởng sau:

  1. Lão hóa: Cứ tăng 5 năm tuổi thì tỷ lệ thoái hóa khớp gối tăng 20%.
  1. Nguy cơ cao hơn ở nữ giới: Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới do suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh.
  1. Trọng lượng cơ thể: Có mối tương quan thuận giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và tuổi bắt đầu thoái hóa khớp gối. Chỉ số BMI càng cao thì các triệu chứng khởi phát càng sớm. Giảm cân có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối.
  1. Căng thẳng trong hoạt động và nghề nghiệp: Các vận động viên chuyên nghiệp và công nhân thương mại thường bị thoái hóa khớp gối do các khớp vận động quá mức và chấn thương.
  1. Mật độ xương: Loãng xương và thoái hóa khớp gối có mối quan hệ với nhau, nên bổ sung canxi đầy đủ mới có thể bảo vệ sức khỏe khớp gối.

.

(Ảnh: JU.STOCKER/Shutterstock)
(Ảnh: JU.STOCKER/Shutterstock)

Trung y điều trị thoái hóa khớp như thế nào?

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y học Baltimore vào năm 2019 đã theo dõi dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu nghiên cứu bảo hiểm y tế quốc gia Đài Loan và phát hiện thấy những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối đã trải qua điều trị Trung y có nguy cơ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần thấp hơn.

Nghiên cứu đã phân tích 34,231 bệnh nhân được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối từ năm 1997 đến năm 2003. Nghiên cứu chia họ thành hai nhóm: một nhóm được điều trị Trung y (bao gồm cả thảo dược Trung Quốc và châm cứu), và nhóm còn lại được điều trị không dùng Trung y. Kết quả cho thấy 7.3% bệnh nhân trong nhóm Trung y đã trải qua phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ, trong khi 8.2% bệnh nhân trong nhóm còn lại đã trải qua phẫu thuật.

Ngoài ra, số ngày nằm viện trung bình đối với bệnh nhân thoái hóa khớp gối ở nhóm Trung y là 30.5 ngày, so với 43.5 ngày ở nhóm còn lại. Những phát hiện này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả của Trung y trong điều trị đau khớp.

BS Liu cho biết trong lý thuyết Trung y, gan và thận có liên quan mật thiết đến các bệnh về khớp. Gan được cho là làm chủ cân, bao gồm cơ, dây chằng và bao khớp—trong khi thận chi phối xương, và sự suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến xương dễ gãy. Do đó, Trung y thường bắt đầu bằng việc điều hòa gan và thận để ngăn ngừa đau khớp.

Điều trị Trung y bao gồm châm cứu, thảo dược Trung Quốc và liệu pháp ẩm thực. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Arthritis & Rheumatology vào năm 2021 cho thấy châm cứu có thể làm giảm đau khớp gối và cải thiện chức năng khớp.

Trung y đã khám phá ra một hệ thống “kinh mạch” trong cơ thể con người—một kênh lưu thông năng lượng. Các cơ quan nội tạng được kết nối với các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua kinh mạch. Một số điểm trên kinh mạch, được gọi là huyệt, có thể được kích thích thông qua châm cứu hoặc bấm huyệt để điều trị các bệnh tương ứng.

Vậy những huyệt nào có tác dụng giảm đau nhức xương khớp?

BS Liu gợi ý chọn các huyệt ở đầu gối, chẳng hạn như huyệt Tất nhãn (Ex-LE5), Dương lăng tuyền (GB 34), Âm lăng tuyền (SP 9), Huyết hải (SP 10) và Lương khâu (ST 34), cùng với các huyệt điều hòa gan thận như Can du (BL 18), Thận du (BL 23), Thái khê (KI 3). Ông cho biết, châm cứu vào các huyệt này có thể giảm đau nhanh chóng và điều trị các đợt cấp của thoái hóa khớp gối.

Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp cổ truyền không đau, không cần phẫu thuật
(Ảnh: Epoch Health)
Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp cổ truyền không đau, không cần phẫu thuật
(Ảnh: Epoch Health)

Đối với điều trị bằng thảo dược, BS Liu cho biết các bài thuốc Trung y cổ điển trong điều trị lâm sàng, chẳng hạn như Độc Hoạt Ký Sinh thang và Tam Lý thang, có thể giúp cường thận và có lợi cho khớp.

Về liệu pháp ẩm thực, BS Liu đề xuất hai món ăn chữa bệnh:

1. Cháo tam thất và đan sâm

Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp cổ truyền không đau, không cần phẫu thuật
(Ảnh: Epoch Health)

Thành phần:

15g rễ tam thất
20g rễ đan sâm
30g kê huyết đằng
300g gạo

Hướng dẫn thực hiện:

Sắc ba loại thảo mộc trong 600ml nước cho đến khi còn một nửa lượng nước. Nấu gạo với nước thành cháo, sau đó trộn cháo với nước sắc thuốc. Dùng một phần hàng ngày.

BS Liu giải thích rằng rễ tam thất và rễ đan sâm có thể thúc đẩy lưu thông máu, giải quyết ứ đọng và giảm đau, trong khi kê huyết đằng có thể bổ huyết hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Món cháo dược liệu này phù hợp với những người trẻ tuổi, từng bị chấn thương khớp nhưng không mắc các bệnh mãn tính khác.

2. Trà đỗ trọng và tầm gửi dâu tằm

Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp cổ truyền không đau, không cần phẫu thuật
(Ảnh: Epoch Health)

Thành phần:

15g vỏ cây đỗ trọng
15g rễ độc hoạt
15g dâm dương hoắc
5g tầm gửi dâu tằm
12g rễ tần giao
10g rễ đương quy
10g rễ xuyên khung

Hướng dẫn thực hiện:

Các vị thuốc rửa sạch rồi sắc trong ấm đất với nước
Đun sôi ở nhiệt độ cao, thêm 15g rượu nấu ăn
Đun nhỏ lửa trong 20 phút

Lọc lấy phần dịch thảo dược và lặp lại quy trình trên với phần bã thảo mộc. Kết hợp hai phần nước sắc. Uống khi đói vào buổi sáng và buổi chiều trong ít nhất một tuần.

Trà vỏ cây đỗ trọng và tầm gửi dâu tằm có tác dụng cường gan, bổ thận, cường gân cốt, trừ thấp hàn, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau. Nó phù hợp với những người lớn tuổi có kèm theo các triệu chứng đau lưng và đau chân.

BS Liu khuyên rằng những công thức nấu ăn và trà thuốc này phù hợp để điều trị thoái hóa khớp giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng đã đến giai đoạn nặng, điều quan trọng là phải tham vấn ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị.

Cách tập thể dục cho người bị thoái hoá khớp

Tập thể dục là một khía cạnh quan trọng khác của việc duy trì sức khỏe chung. BS Liu nhấn mạnh rằng những người bị thoái hóa khớp nên tránh các bài tập gắng sức và cường độ cao như đi bộ đường dài hoặc leo cầu thang, vì chúng có thể tăng gánh nặng và gây tổn thương khớp gối. Các môn thể thao được khuyến nghị bao gồm bơi lội, đạp xe và đi bộ nhanh. Ông đề xuất các buổi tập thể dục thường xuyên với cường độ thấp đến trung bình, hai đến ba lần mỗi tuần, trong 8 đến 11 tuần, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

BS Liu khuyên nên tuân thủ bốn nguyên tắc để duy trì sức khỏe khớp:

  1. Tập thể dục vừa phải và tránh các hoạt động cường độ cao.
  1. Bảo vệ khớp gối: Điều kiện lạnh và ẩm có hại cho sức khỏe của khớp, vì vậy tốt nhất là tránh mặc quần đùi hoặc quần áo để lộ đầu gối không cần thiết.
  1. Ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng: Béo phì là kẻ thù lớn nhất của khớp gối, duy trì cân nặng hợp lý sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho khớp.
  1. Bổ sung vitamin C và D: Ngoài chế độ ăn uống cân bằng, việc bổ sung vitamin C và D cũng rất có lợi vì chúng hỗ trợ sức khỏe của cơ và xương. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng giúp bổ sung vitamin D.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập ở trên có thể không quen thuộc, nhưng nhiều loại có sẵn trong các cửa hàng thực phẩm sức khỏe và cửa hàng tạp hóa châu Á. Ngoài ra, thể chất của mỗi người là khác nhau nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau; vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa để có các lựa chọn điều trị cụ thể.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là huấn luyện viên cá nhân có chứng nhận. Cô đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ để phát triển và thực hiện các chương trình tập thể dục cá nhân hóa. giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn