9 loại thực phẩm là ‘thuốc tiêu hóa tự nhiên’, có thể cải thiện trào ngược dạ dày
Lời của biên tập viên: Dạ dày là nơi đầu tiên thức ăn lưu lại trong cơ thể, muốn chăm sóc tốt dạ dày và tránh tình trạng trào ngược acid thì việc lựa chọn thức ăn là rất quan trọng. Ông Hideaki Shimada, Giáo sư giảng dạy tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa thuộc Viện Nghiên cứu của Đại học Toho, Nhật Bản, kiêm Giám đốc Trung tâm Ung thư của Bệnh viện Omori, kiến nghị quý vị nên tích cực bổ sung 9 loại thực phẩm dưới đây. Các loại thực phẩm này hoạt động giống như “thuốc tiêu hóa tự nhiên”, giúp quý vị cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày.
9 loại thực phẩm chính cải thiện chứng trào ngược dạ dày
-
Các loại rau giàu vitamin U
Các loại rau giàu vitamin U như bắp cải có thể bảo vệ màng nhầy, được công nhận là có tác dụng chống oxy hóa và có thể điều trị viêm loét. Dùng những loại rau này vào buổi sáng hoặc uống nước ép, các vùng da bị viêm sẽ có thể được chữa trị.
-
Các loại thực phẩm giàu Pectin
Pectin cũng có hiệu quả trong việc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài pectin, táo còn chứa polyphenol, không chỉ đóng vai trò chống oxy hóa mà còn ức chế dạ dày tiết acid.
-
Các loại rau giàu Carotene
Vitamin A có trong các loại rau này có thể được sử dụng để tạo màng tế bào, đồng thời nó cũng có tác dụng chống oxy hóa nên có thể ức chế tình trạng viêm tế bào.
-
Các loại thịt và hải sản giàu kẽm
Bổ sung nhiều kẽm – chất cần thiết để tiêu hóa protein – sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Các thực phẩm như cua và thịt bò (sử dụng một lượng nhỏ phần không có mỡ) có thể được nấu theo cách dễ tiêu hóa như hấp, hầm, sử dụng phần thịt để băm hoặc xay, v.v.
-
Các thực phẩm chứa Carbohydrate tốt
Thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao sẽ xuất hiện trạng thái dính khi nấu với nước. Gạo nấu thành cháo khá hữu ích cho việc bảo vệ màng nhầy. Khoai tây được hầm, hoặc nấu chín hoàn toàn và ép thành bột nhuyễn, đều có thể bảo vệ màng nhầy hiệu quả. Miến cũng nên nấu chín trước khi ăn.
-
Thịt và cá có hàm lượng chất béo thấp
Về thịt gà, nên ăn những phần thịt ít ngấy, ít mỡ. Đối với các loại thịt khác, tốt nhất nên chọn phần ít mỡ để không cản trở quá trình tiêu hóa. Cá thì nên chọn thịt trắng, tức là ưu tiên loại có hàm lượng chất béo ít hơn. An toàn nhất là nấu bằng cách hầm hoặc hấp.
-
Các loại thực phẩm khác giàu protein và ít chất béo
Trong số các sản phẩm từ đậu nành, đậu phụ không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn không gây kích ứng dạ dày. Quý vị nên chế biến nó thành các món hầm, canh, súp hoặc đậu phụ lạnh xay nhuyễn để thưởng thức. Còn trứng thì được tiêu hóa nhanh nhất khi chúng được luộc chín một nửa.
Gelatin cũng là một loại protein cấu tạo từ collagen, glycoprotein sẽ tăng lên sau khi tiêu thụ nó, giúp tăng sinh tế bào. Vậy nên, có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như sữa bò hoặc sữa chua để làm thạch và các loại thực phẩm khác.
-
Thực phẩm chứa chất béo không gây kích ứng
Cần chú ý khi dùng các thực phẩm chứa chất béo có tính kích ứng thấp (như dầu oliu) và chất béo nhũ tương dễ tiêu hóa (như kem, kem tươi, sốt mayonnaise), tiêu thụ một lượng ít là được.
-
Các loại gia vị và thảo mộc dùng để chữa bệnh đường tiêu hóa
Nên tránh dùng các loại gia vị và thảo mộc có mùi hăng nồng, tính kích thích mạnh, nhưng trong đó có một số loại lại khá có lợi, ví dụ như quế, hồi, đinh hương và cỏ xạ hương thường được dùng làm thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa. Ngoài ra, hạt tiêu Nhật Bản còn rất hữu ích đối với chứng nấc cụt và nóng rát ngực, quý vị cũng có thể ăn loại kẹo gọi là “Kirizansho” của Nhật Bản.
Mận khô tốt hay xấu?
Những người bị trào ngược dạ dày về cơ bản nên tránh dùng những thực phẩm làm tăng nồng độ acid của dịch vị, tuy nhiên những thực phẩm đơn thuần có tính acid mạnh không phải là không dùng được. Vì thực phẩm có tính acid đôi khi sẽ được chuyển hóa thành thực phẩm có tính kiềm sau khi vào cơ thể.
Ví dụ, thực phẩm tiêu biểu nhất có hàm lượng muối cao chính là mận khô. Mận khô có tính acid rất mạnh, nhưng lại chứa nhiều natri, vì vậy chúng sẽ chuyển hóa thành kiềm khi vào trong cơ thể. Mặc dù phải chú ý đến vấn đề tiêu thụ quá nhiều muối, nhưng một trái mận khô với hàm lượng muối 13% (khoảng 15 gam sau khi tách hạt) chỉ chứa 2g muối mà thôi.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ