Trà hoa bụt giấm giúp giảm cân, giảm huyết áp và kháng viêm
Hoa bụt giấm gợi nhớ đến một thiên đường nhiệt đới. Một loài hoa to, sặc sỡ, một họa tiết phổ biến cho áo sơ mi Hawaii, có nguồn gốc từ Ai Cập.
Trà bụt giấm – một loại thức uống có vị chua nhẹ, màu đỏ ruby dễ chịu phổ biến vùng Bắc Phi và Trung Đông nhiều thế kỷ qua. Người Ai Cập đã nhâm nhi trà hoa bụt giấm kể từ khi các vị hoàng đế Pharaoh cai trị sông Nile.
Người Mexico và người Jamaica đã nhanh chóng phát triển hương vị thức uống làm từ hoa bụt giấm, nhưng nó vẫn chưa được ưa chuộng ở Bắc Mỹ. Cho đến những năm 1970, khi Celestial Seasonings tung ra thị trường hỗn hợp trà Red Zinger thì thức uống này trở nên phổ biến. Ngày nay, trà bụt giấm được tìm thấy trong hầu hết các loại trà trái cây trên thị trường. Nó cũng được sử dụng để tạo hương vị cho sữa chua, kem, soda, rượu sâm banh và thức uống cần vị chua nhẹ tự nhiên.
Đài hoa giúp thanh nhiệt
Trong khi cánh hoa là phần đẹp nhất, thì phần được lựa chọn để chế biến trà là đài hoa – chính là một đoạn màu đỏ đậm mà từ đó cánh hoa nở ra. Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa là da hoặc vỏ. Đài hoa thường được sấy khô để làm trà, nhưng búp đài hoa tươi lại là một loại rau chua phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng có kết cấu dạng nhầy tương tự như một loài bụt giấm khác là đậu bắp (Hibiscus esculentus).
Trong Trung y, vị chua thường đến từ một loại thảo mộc thanh nhiệt, điều này giải thích tại sao cây bụt giấm có vị chua được dùng để làm dịu các tình trạng đặc trưng gây ra bởi nhiệt và viêm. Roselle thường được sử dụng trong y học cổ truyền Ayurvedic và Trung Đông để điều trị bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, mật và các chứng viêm da và đường ruột.
Đài hoa bụt giấm có hương vị tương tự như nam việt quất (cranberry), trên thực tế nó còn được gọi là nam việt quất Florida. Giống như nam việt quất, trà bụt giấm cũng được sử dụng để làm dịu triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trà bụt giấm dành cho giải khát rất tốt, ngoài ra nó cũng là một loại thuốc lợi tiểu đáng tin cậy. Hibiscus cũng có thể giúp giảm cân. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống trà bụt giấm ức chế men phân giải tinh bột (amylase), một loại men giúp phân hủy carbohydrate và đường. Điều này chỉ ra rằng khi có sự hiện diện của chất này, cơ thể sẽ ít hấp thụ tinh bột hơn.
Hibiscus cung cấp nhiều sắt, vitamin C và các chất chống oxy hóa có công dụng hỗ trợ hệ miễn dịch. Vì có đặc tính kháng khuẩn nên nó cũng thường được dùng để chữa bệnh cảm lạnh, cúm, và ho.
Giảm huyết áp, giảm xơ vữa mạch máu và giảm đau
Theo Trung y, hoa bụt giấm được dùng để tịnh tâm và nó cũng có tác dụng hỗ trợ tim. Một thử nghiệm lâm sàng từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy sau sáu tuần uống trà bụt giấm, huyết áp đã giảm tới 13%. Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng bụt giấm cũng có thể làm giảm cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Hibiscus cũng có thể được dùng để điều trị đau do viêm khớp. Một nghiên cứu trên động vật từ Đại học Bagdad, được công bố vào tháng 10/2015, đã chứng minh rằng hoa bụt giấm sabdariffa có “hoạt động chống viêm đáng kể”.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy trà bụt giấm cũng có thể có một số đặc tính chống ung thư. Trà bụt giấm có chứa axit protocatechuic, và một nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.
Cách sử dụng
Hibiscus rất an toàn, mặc dù có tin đồn cho rằng nó có thể gây ảo giác nhẹ cho một vài người. Tuy nhiên, đối với một sản phẩm phổ biến đã được sử dụng lâu như vậy, rất khó để tìm ra bằng chứng cho tuyên bố này.
Để pha một tách trà, bạn chỉ cần cho một muỗng cà phê đài hoa khô vào cốc nước nóng và ngâm trong ít nhất 10 phút. Uống một đến ba cốc mỗi ngày.
Đối với nhiều người, bụt giấm thường có vị quá chua. Ở Mexico và những nơi khác, giải pháp là làm ngọt nước uống bụt giấm với một lượng lớn đường. Một giải pháp khác là ủ hoa bụt giấm với các loại thảo mộc ngọt, chẳng hạn như rễ cam thảo hoặc cây cỏ ngọt stevia, để đạt được sự cân bằng chua ngọt dễ chịu hơn.
Conan Milner
Xuân Thu biên dịch
Xem thêm: