Thiên nhiên là ‘vị thuốc’ chữa lành
Những ngày nghỉ lễ dường như các đô thị đều khoác màu áo mới, màu áo của sự vắng lặng bình yên. Chợ vắng, đường vắng và các khu dân cư cũng vắng lặng. Khá nhiều gia đình dành những ngày nghỉ lễ để về quê hay đi du lịch ở những nơi danh lam thắng cảnh. Tôi chầm chậm đi dọc theo chiều dài của thành phố, cảm nhận sự lạ lẫm yên bình trong khung cảnh quen thuộc mỗi ngày, mọi hoạt động dường như ngưng lại, ngơi nghỉ một chút để ngày mai, ngày kia lại quay trở lại nhịp sống sôi động hàng ngày.
Công viên những ngày này dường như cũng dịu dàng trầm tư một nghĩ suy gì đó. Những hàng cây nối tiếp đan xen tạo thành khoảng không gian xanh mát. Những loại cây lâu năm ở công viên này, mới ngày nào còn khẳng khiu nay đã dần khép tán cao thấp tầng tầng. Nói chuyện về cây xanh trong thành phố, tôi nhớ đến một bác kiến trúc sư già, bác kể rằng về khoảng xanh đô thị cũng cần phải có cái nhìn tổng thể, phải có quy hoạch để con người có một không gian sống hoàn hảo.
Tôi không chuyên sâu về kiến trúc, về quy hoạch đô thị, nhưng cây xanh công viên cho tôi một khoảng nhớ, một khoảng thương về quê nhà, nơi thôn quê dân dã tràn đây màu xanh cây lá. Công viên trung tâm thành phố Bắc Ninh này thật là đẹp. Nó được thiết kế theo xu hướng hiện đại: Công viên mở, ranh giới công viên là những con đường, khoảng cây xanh, hồ nước, quảng trường hài hòa đối xứng, nên trong dân gian hình thành nên cái tên dân dã: Công viên Hồ Đôi. Các loại cây trồng trong công viên cũng có bố cục nhịp nhàng, cao thấp, lớn nhỏ… tạo sự đa dạng và vui mắt.
Khoảng xanh này giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ khoảng xanh quê nhà. Đấy là cảm giác của mọi ngày, nhưng buổi chiều hôm nay, trong ánh nắng cuối ngày chiếu xiên trên thảm cỏ, tạo những vệt sáng rực rỡ, tôi ngồi nơi này, mắt dõi về mãi cuối con đường nhỏ, hút theo những vòm cây đan tán thưa vắng bóng người… mà không khỏi nôn nao nhớ tiếc những vòm xanh tuổi thơ quê nhà. Những đồi, những bãi, những bờ bụi cây lá rậm rạp, um tùm. Cơ man là các loại cây, tầng tầng, lớp lớp cây to nhỏ, cây thân gỗ, cây thân thảo, cây tầm gửi, dây leo chằng chịt, quấn quýt. Đúng là cả thảm thực vật vô cùng phong phú ẩn chứa trong chúng biết bao các loài động vật lớn nhỏ. Trên cành lá thì có các loài chim, ẩn trong thân, trong lá, trong bờ bụi dây leo thì có chim cuốc, bìm bịp, dũi, chồn, cáo, rắn, rết… Mỗi loài đều có đời sống bí ẩn riêng của chúng, luôn gây trí tò mò trong suy nghĩ của những đứa trẻ như tôi ngày ấy. Ông bà tôi thường bảo “Vì cây dây quấn” vừa để nói về thế giới động thực vật trong tự nhiên vừa để nói về các mối quan hệ họ hàng thân quyến, hàng xóm láng giềng đến các thế hệ trước sau. Mọi loài, mọi vật đều vì nhau mà tồn tại, mà sinh trưởng tạo thành các mối ràng buộc ân tình bền chặt, dài lâu.
Tôi cùng lũ bạn thuở ấy thì thích khám phá cái thế giới chằng chịt cây cỏ ấy. Những tán cây hoang dại tự nhiên luôn ẩn chứa những điều lý thú. Dọc con đường mòn ven làng, đường ra đồng, đường đến trường lớp là những bụi cây canh trâu, cây hoa ngũ sắc, cây vú bò, cây móc mèo… Cây móc mèo gai sắc nhọn đến nỗi cáo mèo mà lỡ lọt vào bụi cây này cũng khó thoát ra được, nên mới gọi là móc mèo. Cây canh trâu cũng có gai, nhưng không đáng sợ lắm… Gai là thế mà bọn trẻ vẫn sà vào bẻ những ngọn non của cây móc mèo, tước vỏ đi để ăn, nó có vị hơi chua chua. Quả canh trâu thì bé li ti cũng có vị chua chua chan chát, còn quả mây thì chát xít cổ họng mà vẫn thấy ngon. Quả mắt quỷ thì thật đẹp, chúng có đủ hình thù lồi lồi nhòn nhọn tùy theo số hạt trên quả. Ban đầu là màu xanh bóng, lúc ương có màu vàng cam và khi chín lại màu đỏ tươi. Quả mắt quỷ nhìn rất vui mắt nhưng không ăn được, sau này tôi được biết nó cũng là một vị thuốc nam quý…
Lớn hơn một chút, tôi mới biết cái thế giới đa dạng sắc màu cây lá ấy là đa dạng các vị thuốc nam. Cây bọ mẩy, cây cải đồng có vị hăng hăng được các bà các mẹ luộc cho gái đẻ ăn để phòng ngừa hậu sản. Đám dây leo chằng chịt, tua rua rễ kia thì có dây đau xương để phòng thoái hóa xương cốt, đau nhức mình mẩy. Dây tơ hồng quấn quýt trên rặng cúc tần, dây lạc tiên mềm mại uyển chuyển bên bờ tre, rặng duối… đều là vị thuốc trong các bài thuốc nam truyền thống. Tôi còn nhớ như in cái vị thơm ngòn ngọt thoang thoảng của dây đau xương khi bà tôi ngồi sao bên bếp lửa. Tầm gửi luôn là vị thuốc bổ trung hòa các vị trong ấm thuốc nam. Tùy thuộc vào cây chủ chúng “gửi gắm sự sống” mà chúng có mùi vị khác nhau và công dụng khác nhau. Tầm gửi cây dâu tằm thì hiếm và quí, đó là vị thuốc vừa mát vừa bổ mà ai cũng có thể dùng được.
Cây canh trâu dùng để đốt lấy khói xông cho trẻ em bị lên thủy đậu. Khi con gái đầu lòng của tôi lên thủy đậu, chồng tôi đã đi dọc theo đoạn đường sắt ngang qua thành phố này để tìm cây canh trâu mà chẳng có, rồi cũng phải cậy nhờ ông bà gửi từ quê lên. Lúc đó cây hoang dại bờ bãi đã hiếm hoi rất nhiều. Bây giờ chỉ còn trong vườn của những gia đình có chủ ý lưu giữ lại.
Tình yêu với cây cỏ thiên nhiên khiến tôi chú tâm tìm hiểu về cây thuốc nam và cảm nhận được rất nhiều điều. Dường như mỗi loại bệnh đều có các loại cây cỏ để hỗ trợ điều trị, chỉ là người ta có tìm hiểu và tin dùng hay không. Có những bài thuốc đơn giản quá mà khiến người ta không tin, không dùng, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay khi mọi người đều phổ biến dùng thuốc tây, tin tưởng tuyệt đối vào khoa học thực chứng, cây gì, con gì dùng làm thuốc cũng đòi hỏi các thông tin thành phần của chúng bao gồm những chất này, chất kia chiếm bao nhiêu phần trăm, trong khi người xưa chỉ dùng theo kinh nghiệm, chỉ đơn giản phân ra vị bổ, vị mát, vị tiêu độc… mà phối hợp thành phương thuốc, bài thuốc khá hiệu quả. Đúng là vạn sự, vạn vật đều vì con người mà sinh sôi, mà nảy nở.
Cuộc sống văn minh dường như đang tiến đến sự giàu có tiện nghi, sự đủ đầy của vật chất, cảm tưởng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thứ gì cũng có, thứ gì cũng sẵn… Trong khoảng lặng bình yên của ngày đầu năm mới này, tôi ngồi trong công viên thành phố, dưới những tán cây xanh mát và và nghĩ về đời sống của những loài cây. Tôi chợt nhận ra rằng, thiên nhiên đang nghèo đi rất nhiều, kiệt quệ đi rất nhiều… có những loài biến mất hoàn toàn trong cuộc sống của chúng ta mà trong dòng chảy bận rộn của cuộc sống, tôi cũng không biết nó biến mất từ khi nào?
Câu chuyện xưa cũ của ông bà, cha mẹ trở về trong tâm trí của tôi lúc này là những vị Thần. Có vị cai quản đồng ruộng, có vị cai quản rừng xanh, sông nước “Đất có Thổ công, sông có Hà bá…”; có vị Thần dạy con người trồng cấy lương thực, nếm cây lá trong rừng tìm thuốc trị bệnh. Những câu chuyện thần thoại cho tôi hiểu sâu xa hơn về mối quan hệ thiên, địa, nhân hợp nhất, khởi lên tâm kính ngưỡng Thần Phật, từ đó giúp tôi tự ước thúc bản thân trong mỗi hành xử của cuộc sống. Không chỉ giữa con người với nhau cần có sự tôn trọng mà với thiên nhiên cũng cần có sự tôn trọng giữ gìn. Rời xa thiên nhiên, phá hủy thiên nhiên con người sẽ dần mất đi môi trường sống của chính mình.
Vũ Việt Tâm
Xem thêm: