Xoa bóp bấm huyệt giúp cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng không chỉ dựa vào thuốc, nên thử phương pháp xoa bóp bấm huyệt đơn giản và an toàn.
Viêm mũi dị ứng gây hắt hơi, sổ mũi và khó chịu. Tình trạng dị ứng như vậy có phải là gánh nặng suốt đời không? Dĩ nhiên là không. Để điều trị viêm mũi dị ứng không chỉ dựa vào thuốc, mà có thể xoa bóp bấm huyệt, đây là phương pháp đơn giản và an toàn.
Hắt hơi và ho không hẳn là xấu
Người bị viêm mũi dị ứng thường hắt hơi ngay khi thức dậy vào buổi sáng. Theo Trung y, các triệu chứng như hắt hơi không phải do dị ứng mà là do lạnh hoặc nóng. Từ góc độ Trung y, nhiều bệnh tật là do môi trường gây ra, được gọi là “Lục ác ngoại tại,” đó là gió, lạnh, nóng, khô, ẩm và lửa. Tất cả đều là tác nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
Ví dụ, nếu thường xuyên không mặc đủ ấm khi thức dậy vào buổi sáng hoặc đi chân trần trên sàn thì không khí “lạnh” sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây ớn lạnh, hắt hơi, nghẹt mũi và ngứa mũi, chảy nước mắt, v.v… Trẻ em cũng có thể bị sổ mũi. Khi gặp phải tình trạng này, nhiều người tin rằng họ đang bị bệnh.
Thực tế, đôi khi có gió điều hòa hoặc không khí lạnh thổi vào từ bên ngoài, việc chúng ta hắt hơi không phải là điều xấu vì đó là phản ứng thích hợp để cơ thể tự bảo vệ. Hắt hơi giúp chúng ta trục xuất không khí lạnh.
Một số người còn bị ho khi ở trong môi trường lạnh. Khi ho, chất độc có trong đờm sẽ bị tống ra khỏi cơ thể. Lúc này có thể thấy cơ thể ấm lên, đó là do cơ thể dùng ho để tự sưởi ấm. Sinh lý học cho rằng, cả run và ho đều giúp cơ thể nóng lên. Vì vậy, ho và hắt hơi thực sự là những phản ứng tích cực.
Tuy nhiên, ho quá mạnh hoặc quá nhiều lần có thể gây tổn thương phổi và khí quản. Vì vậy, mặc thêm nhiều lớp quần áo để giữ ấm vẫn là ý tưởng hay hơn việc ho dữ dội.
Xoa bóp bấm 3 huyệt vào buổi sáng phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Xoa bóp bấm huyệt có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm mũi dị ứng.
Buổi sáng, khi thức dậy, nên nằm trên giường, đắp chăn và xoa tay. Khi tay ấm, úp bàn tay lên huyệt Toản trúc, huyệt Tình minh quanh mắt và huyệt Nghinh hương cạnh mũi. Thực hiện khoảng 20 đến 30 lần hoặc trong 2 đến 3 phút.
Những người thường xuyên hắt hơi do dị ứng mũi cũng có thể xoa bóp bấm huyệt Nghinh hương khi muốn hắt hơi. Huyệt Nghinh hương cách hai bên mũi khoảng nửa inch (1.27cm). Xoa bóp nhẹ nhàng trước. Khi cảm thấy không thở được là đã tìm đúng huyệt. Thường xuyên xoa bóp những huyệt này sẽ không chỉ cải thiện tình trạng dị ứng mà còn có thể ngăn ngừa cảm lạnh.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times