Thuốc tâm thần hay Vitamin B12?
Một số triệu chứng như tâm thần phân liệt có thể là do thiếu vitamin B12.
Báo cáo ca lâm sàng được công bố hồi năm 2015 trên Indian Journal of Psychological Medicine (Tập san Y học Tâm lý Ấn Độ) có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ em (và người lớn) bị chứng rối loạn chức năng thần kinh tâm lý. Một cậu bé 13 tuổi đang theo cách ăn chay lacto (Cách ăn chay lacto về cơ bản là dựa trên thực vật không bao gồm thịt, cá và gia cầm, nhưng bao gồm các sản phẩm từ sữa) đột nhiên ngừng nói và có biểu hiện “cứng nhắc, bất động, nhìn chằm chằm, rối loạn giấc ngủ, có ý nghĩ tự ti và tuyệt vọng, đi lang thang không mục đích, mặc cảm tội lỗi và có ý định tự tử.” Một số người có thể nhận ra những triệu chứng này tương tự như triệu chứng của bệnh tự kỷ.
Báo cáo lưu ý rằng tất cả các xét nghiệm máu, bao gồm cả xét nghiệm thiếu máu (và xét nghiệm sau đó về chức năng tuyến giáp, đều cho kết quả bình thường). Bệnh nhân được chẩn đoán mắc “rối loạn tâm thần giống tâm thần phân liệt cấp tính” và được điều trị bằng một loạt thuốc bao gồm lorazepam (dùng để điều trị rối loạn lo âu) trong ba ngày, sau đó là olanzapine (thuốc chống loạn thần), sertraline (thuốc chống trầm cảm, thường được gọi là Zoloft) và aripiprazole (một loại thuốc chống loạn thần) trong hai tháng.
Tổng cộng có bốn loại thuốc mạnh được chích vào cơ thể cậu bé. “Mặc dù tuân thủ chặt chẽ,” cậu tái phát. Lúc đầu, cậu bé trở nên quá khích với “sự nghi ngờ, nghe thấy giọng nói, nói quá nhiều, vui sướng quá mức, lòng tự trọng tăng cao, giảm nhu cầu ngủ, tăng cảm giác thèm ăn, tăng các hoạt động vui vẻ và rối loạn giáo dục-xã hội.”
Chẩn đoán của cậu bé đã được sửa lại thành “rối loạn phân liệt cảm xúc, loại hưng cảm” và bác sĩ đã thay thế Zoloft bằng divalproate sodium (dùng để điều trị động kinh). Bốn ngày sau, cậu trở lại với các triệu chứng ngày càng trầm trọng và lithium carbonate (để điều trị rối loạn lưỡng cực) và haloperidol (một loại thuốc chống loạn thần khác) được thêm vào đơn điều trị. Tổng cộng có sáu loại thuốc trong cơ thể cậu bé mười ba tuổi này.
Tuy nhiên, các triệu chứng của cậu tiếp tục trở nên xấu hơn và hai ngày sau cậu bé được tái nhập viện, với một lần nữa điều chỉnh lại chẩn đoán. Cậu bé trải qua nhiều xét nghiệm hơn — bao gồm xét nghiệm nồng độ vitamin B12 — mà các bác sĩ nhận thấy nồng độ cực kỳ thấp ở mức 112ng/mL (phạm vi bình thường là 180–914 ng/mL). Mức 180ng/mL có liên quan đến biểu hiện nghiêm trọng nhất của tình trạng thiếu vitamin B12 — bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia) — và ở Nhật Bản và một số nước châu Âu, mức 500–550ng/mL có liên quan đến các biểu hiện tâm lý và hành vi như chứng sa sút trí tuệ và mất trí nhớ.
Và thực sự, chỉ số vitamin B12 của bệnh nhân rất thấp! Chẩn đoán của cậu bé đã được sửa đổi thành “rối loạn phân liệt cảm xúc thứ phát do thiếu Cobalamin [vitamin B12].” Thật đáng ngạc nhiên – sau hai mũi chích vitamin B12, bệnh nhân đã hồi phục và sau đó giảm dần lượng thuốc. Cậu bé vẫn duy trì được sự tỉnh táo trong thời gian dưỡng bệnh.
Tất nhiên, điều này đặt ra câu hỏi, tại sao không kiểm tra tình trạng thiếu vitamin B12 ngay khi bất kỳ đứa trẻ hoặc người lớn nào có hành vi được coi là tâm thần phân liệt, trầm cảm hoặc bất thường theo bất kỳ cách nào? Thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến nhiều rối loạn tâm lý như trầm cảm, mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, lo âu, tức giận vô cớ hoặc mạn tính, hành vi bạo lực và các vấn đề tâm lý khác.
Liệu pháp vitamin B12 đã tỏ ra hữu ích đối với một loạt các tình trạng được coi là thuộc về thần kinh – các vấn đề về thị lực, mất thính lực và ù tai, tê và ngứa ran ở tay chân, nghiện rượu, liệt dương, tiểu không kiểm soát, đau dây thần kinh và mất thăng bằng hoặc dáng đi bất thường. Ngoài ra, vitamin B12 liều thấp còn được chỉ định trong một loạt các bệnh khác như loãng xương, hen suyễn, các bệnh về da bao gồm bệnh vẩy nến, tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, vô sinh và tất nhiên là thiếu máu.
Vitamin B12 là một phân tử lớn chứa một nguyên tử coban mà chúng ta chỉ nhận được từ các sản phẩm động vật – tuy nhiên, ngay cả những người ăn thịt cũng có thể bị thiếu hụt vitamin B12 vì chất này khó hấp thụ và sử dụng, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Ví dụ, vitamin B12 cần gắn vào yếu tố nội sinh để cơ thể hấp thu, các yếu tố này được sản xuất từ cùng một tế bào tạo ra acid hydrochloric trong dạ dày. Nếu chúng ta không tạo ra đủ acid hydrochloric (thường là do ăn ít muối), quá trình hấp thu vitamin B12 sẽ chịu ảnh hưởng. Thiếu một số enzyme cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu vitamin B12.
Thực phẩm từ thực vật vốn được coi là nguồn cung cấp vitamin B12 — chẳng hạn như đậu nành, nấm và tảo xoắn — lại có chứa các chất giả vitamin B12 (gọi là cobamide) — có thể càng làm trầm trọng thêm các triệu chứng thiếu vitamin B12. Sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non là nguồn cung cấp cobamide đáng ngạc nhiên. Việc sử dụng kháng sinh hoặc thực đơn ăn nhiều carbohydrate tinh chế có thể thúc đẩy tình trạng này và dẫn đến thiếu hụt vitamin B12.
Nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào nhất là gan và động vật thân mềm. Một khẩu phần gan hoặc hàu mỗi tuần một lần là cách tốt nhất để có được vitamin B12 từ thực đơn ăn uống. Nếu chỉ số vitamin B12 vẫn ở mức thấp, bạn có thể bổ sung qua đường uống và đường chích.
Một vài lời nhắn nhủ về việc ăn chay ở Ấn Độ. Mặc dù cư dân miền nam Ấn Độ có thể không cao lớn và khỏe mạnh như những người anh em ăn thịt của họ ở miền bắc, nhưng cách ăn chay lacto đã duy trì dân số miền nam Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Đó là bởi vì họ có hai nguồn vitamin B12 dồi dào trong cách ăn truyền thống. Một là sữa tươi và sữa lên men. Sữa tươi chứa protein liên kết với vitamin B12, cần thiết cho quá trình tiêu hóa vitamin B12, nhưng đã bị phá hủy bởi quá trình tiệt trùng.
Nguồn thứ hai là các bộ phận của côn trùng và phân trong ngũ cốc dự trữ vốn dồi dào vitamin B12. Giờ đây, Ấn Độ đã gia nhập thế giới hiện đại – do đó phải tiệt trùng sữa và khử trùng ngũ cốc – nên các nguồn vitamin B12 này ngày càng hiếm hơn.
Tình trạng thiếu hụt vitamin B12 phổ biến như thế nào? Một nghiên cứu năm 1982 trên các đối tượng tình nguyện thuộc American vegetarian society (Hiệp Hội Ăn Chay Hoa Kỳ) cho thấy trong số những người không dùng chất bổ sung vitamin B12, “92% người ăn chay (tổng số người ăn chay), 64% người ăn chay lacto, 47% người ăn chay lacto-ovo và 20% người ăn bán chay có nồng độ vitamin B12 trong huyết thanh dưới 200.”
Các tác giả lưu ý rằng những số liệu tương tự có thể thấy ở những người không ăn chay. Như một báo cáo đã chỉ ra:
“Thiếu vitamin B12 là nguyên nhân thường bị bỏ qua gây ra bệnh lý thần kinh và rối loạn tâm thần. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các nhóm lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường và bệnh nhân có tiền sử bệnh acid dạ dày. Bệnh lý này có thể gây rối loạn tâm thần kinh hoặc làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Liệu pháp vitamin B12 giúp đảo ngược hoặc cải thiện các triệu chứng tâm thần ở hầu hết bệnh nhân. Khuyến nghị luôn xét nghiệm vitamin B12 trong đợt xét nghiệm đầu tiên ở những bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên có biểu hiện rối loạn tâm thần kinh ngay cả khi không có biểu hiện về huyết học [nghĩa là không bị thiếu máu (anemia)].”
Tiếc là, hầu hết các bác sĩ tâm thần và bác sĩ ngày nay không làm như vậy – họ kê đơn thuốc thay vì yêu cầu xét nghiệm vitamin B12. Tuy nhiên — bạn với tư cách là bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân — có thể yêu cầu lấy máu để xét nghiệm vitamin B12. Nếu nồng độ vitamin B12 thấp — dưới 500ng/mL — bác sĩ có nghĩa vụ phải điều trị bằng vitamin B12 bổ sung, bằng đường chích hoặc viên uống. Đó là một giải pháp đơn giản cho một số căn bệnh gây ra nhiều đau khổ — chứng tự kỷ và hành vi tâm thần phân liệt, mất trí nhớ, trầm cảm, suy giảm thần kinh và mệt mỏi.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times