Thuốc Aspirin giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư đại trực tràng
Một nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho việc sử dụng aspirin hàng ngày giúp giảm nguy cơ ung thư, tuy nhiên, ở nghiên cứu khác lại cho thấy aspirin có tác dụng ngược lại ở người lớn tuổi.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng Tư trên Journal of the American Cancer Society (ACS) (Tập san của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ) cho thấy dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng. Ngược lại, một thử nghiệm lâm sàng cỡ lớn năm 2020 có tên ASPREE, công bố trên tập san của Viện Ung thư Tự nhiên, cho rằng aspirin làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi.
Điều này có nghĩa là aspirin giúp ích cho một số nhóm tuổi bị bệnh ung thư nhưng không giúp ích cho những nhóm tuổi khác? Câu trả lời ngắn gọn là: Có thể.
Sự thật là kết luận của nghiên cứu ACS phù hợp với một loạt nghiên cứu cho thấy aspirin giúp chống lại ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, quy mô lớn của thử nghiệm ASPREE và các kết quả hấp dẫn khiến điều này quá quan trọng để xem nhẹ. Một bài bình luận nghiên cứu về thử nghiệm ASPREE đã kết luận rằng việc sử dụng aspirin hàng ngày có thể chỉ phù hợp với những người có nguy cơ bị bệnh ung thư cao hơn.
Aspirin có thể nâng cao khả năng miễn dịch trong bệnh ung thư
Nghiên cứu ACS từ Đại học Padoa (UP) ở Ý đã xem xét 238 bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã phẫu thuật từ năm 2015 đến năm 2019. Trong số này, 12% bệnh nhân dùng aspirin thường xuyên. Những người dùng aspirin cho thấy:
- Ung thư ít di căn đến hạch bạch huyết
- Tăng tế bào lympho xâm nhập khối u (tế bào giúp chống lại ung thư)
- Tăng protein CD80 trong tế bào đại tràng
- Tăng protein CD80 trong mô khỏe mạnh xung quanh khối ung thư
Trong thông cáo báo chí của UP, các tác giả đã giải thích tầm quan trọng của việc tăng protein CD80. Trong các tế bào ung thư, protein CD80 dường như thúc đẩy khả năng gửi thông tin đến các tế bào bảo vệ khác rằng có protein liên quan đến khối u. Đối với các tế bào khỏe mạnh, aspirin cho thấy khả năng có thể nâng cao tác dụng giám sát miễn dịch.
Nghiên cứu ACS chỉ là bằng chứng mới nhất cho thấy aspirin là một trợ thủ có giá trị trong việc phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Một tổng quan năm 2020 đã nêu, “các phân tích tổng hợp và tổng quan hệ thống về các nghiên cứu theo dõi trên nhóm lớn đã ước tính rằng aspirin làm giảm nguy cơ bị u tân sinh đại tràng khoảng 20–30%.”
Do những phát hiện được đánh giá là “chất lượng cao,” các cơ quan giám sát y tế đã khuyến nghị sử dụng aspirin để phòng ngừa ung thư đại trực tràng ở những nhóm người cụ thể. Ngược lại với ung thư đại trực tràng, [bằng chứng] khoa học trợ giúp việc sử dụng aspirin để phòng ngừa các loại ung thư khác không mạnh bằng.
Aspirin có thể đẩy nhanh tiến triển của ung thư
Các thử nghiệm lâm sàng về aspirin như một biện pháp phòng ngừa ung thư chủ yếu liên quan đến những người trẻ tuổi, theo ghi nhận của thử nghiệm ASPREE. Để khám phá tác dụng của việc sử dụng aspirin ở người lớn tuổi, nghiên cứu đã theo dõi 19,114 người khỏe mạnh từ 70 tuổi trở lên trong thời gian trung bình là 4.7 năm. Liều dùng aspirin hàng ngày là 100mg. Bất chấp bản chất rõ ràng của nghiên cứu ACS và những phát hiện tương tự từ các nghiên cứu trước đó, kết quả của thử nghiệm ASPREE vẫn đáng được xem xét kỹ lưỡng.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc ung thư giữa những người dùng aspirin và nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, những người dùng aspirin có nguy cơ bị ung thư di căn hoặc ung thư giai đoạn 4 cao hơn, bao gồm cả ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, khả năng tử vong do ung thư giai đoạn 3 cũng cao hơn. Các tác giả kết luận rằng việc sử dụng aspirin “có thể đẩy nhanh tiến triển của ung thư” ở người lớn tuổi.
Giải thích các kết quả khác nhau
Tiến sĩ Marco Scarpa, điều phối viên nghiên cứu ACS, đã viết mail trả lời The Epoch Times, “Độ tuổi của những người tham gia hai cuộc điều tra không khác nhau nhiều. Trong nghiên cứu ACS, độ tuổi trung bình là 64 ở những người không dùng aspirin và 76 ở những người dùng aspirin. Trong thử nghiệm ASPREE, độ tuổi trung bình là 70 ở những người không dùng aspirin và 74 ở những người dùng aspirin.”
Vì độ tuổi tương tự nhau nên các kết luận có vẻ hơi mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, trọng tâm lại khác nhau, với nghiên cứu ACS xem xét các giai đoạn đầu của bệnh ung thư và thử nghiệm ASPREE xem xét các giai đoạn sau. Tiến sĩ Scarpa giải thích rằng nghiên cứu ACS đã điều tra các cơ chế giám sát tại chỗ, vì vậy những người tham gia chủ yếu ở giai đoạn ung thư sớm và tiến triển tại chỗ. Ngược lại, thử nghiệm ASPREE đã điều tra tác động của aspirin đối với khả năng sống sót nói chung.
Tiến sĩ Scarpa tiếp tục, các nhà nghiên cứu nghiên cứu ACS suy đoán rằng các cơ chế giám sát miễn dịch hoạt động tốt hơn trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư, ông nói: “Các cơ chế như vậy tập trung vào thông tin giữa các tế bào biểu mô ruột già và các tế bào miễn dịch lympho T chống ung thư, những tế bào mà aspirin có thể trợ giúp. Ở giai đoạn sau, có thể có thêm vai trò của các loại tế bào khác, và tương tác mà aspirin có thể bổ trợ này có khả nặng trở thành thứ yếu.”
Tiến triển của ung thư ở người lớn tuổi
Tổng quan năm 2020 về cơ quan nghiên cứu việc sử dụng aspirin như một biện pháp phòng ngừa ung thư thừa nhận rằng thử nghiệm ASPREE là một yếu tố đóng góp đáng kể vào bức tranh toàn cảnh. Tổng quan thừa nhận rằng những lo ngại về việc sử dụng aspirin ở người lớn tuổi cần được xem xét.
Tại thời điểm này, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về các yếu tố cơ bản khiến aspirin có thể đẩy nhanh quá trình tiến triển ung thư ở người cao tuổi, nhưng họ suy đoán rằng chúng có thể bắt nguồn từ những thay đổi trong hệ miễn dịch liên quan đến tuổi tác.
Tiến sĩ Leslie Ford, đồng tác giả của thử nghiệm ASPREE cho biết trong một thông cáo báo chí của Viện Ung thư Quốc gia, “Có thể aspirin có tác dụng khác nhau đối với mỗi người khi họ già đi. Và, tương tự như những gì chúng ta đã thấy với COVID-19, liệu aspirin có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch khác nhau giữa nhóm dân số lớn tuổi so với nhóm dân số trẻ hơn, khỏe mạnh hơn với hệ thống miễn dịch mạnh hơn không? Đây chắc chắn là một lời giải thích hợp lý.”
Các tác giả của thử nghiệm ASPREE đưa ra giả thuyết rằng aspirin có thể ức chế phản ứng miễn dịch chống khối u hoặc phản ứng viêm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển và lây lan của ung thư ở các giai đoạn sau. Tác dụng này có thể xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Tuổi tác cũng liên quan đến các đột biến và thay đổi phân tử trong gene ung thư ở người lớn tuổi.
Aspirin – Lợi ích và nguy cơ
Vì aspirin có những rủi ro, nên phải cân nhắc giữa lợi ích trên những người khác nhau.
Theo bình luận của ASPREE, thử nghiệm ASPREE đặt ra nghi ngờ về tác dụng phòng ngừa ung thư của aspirin, ít nhất là ở người lớn tuổi, và aspirin có liên quan đến nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa trầm trọng đã được xác định rõ. Vì những lý do này, các tác giả không khuyến nghị dùng aspirin như một biện pháp phòng ngừa ung thư ở những người từ 70 tuổi trở lên.
Các tác giả bình luận cho biết thêm vì nghiên cứu dường như “bỏ lỡ một phần quan trọng của câu hỏi” về tác động sinh học của ung thư ở các độ tuổi khác nhau, nên việc sử dụng aspirin hàng ngày nên được hạn chế hơn nữa.
Họ cho biết, “Việc sử dụng aspirin chỉ dành cho những người có nguy cơ ung thư do phân tử đặc trưng, chẳng hạn như những người bị hội chứng Lynch, những người đã được chứng minh là có thể giảm một nửa nguy cơ ung thư đại trực tràng, mà không có nguy cơ chảy máu nặng, sau khi theo dõi kéo dài.” Hội chứng Lynch là một tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư.
Bất chấp phần kết luận của bình luận, mọi người nên làm theo lời khuyên của bác sĩ ung thư, người sẽ đưa ra khuyến nghị dựa trên nhu cầu sức khỏe của mỗi người.
Trụ cột phòng ngừa ung thư
Bình luận của ASPREE cho biết trụ cột phòng ngừa ung thư ở những người khỏe mạnh bao gồm thay đổi lối sống và sàng lọc dựa trên độ tuổi và rủi ro. Những thay đổi lối sống được khuyến nghị bao gồm:
- Bỏ hút thuốc, nếu có
- Hạn chế sử dụng rượu
- Duy trì cân nặng tối ưu
- Tập thể dục thường xuyên
Cần lưu ý rằng những thay đổi lối sống nêu trên có liên quan đến các lợi ích sức khỏe khác và không có khả năng gây hại, không giống như việc sử dụng aspirin.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times