Tam y luận đàm: Cơ sở khoa học của câu nói ‘tức giận hại gan’
Dưới góc nhìn của Trung y, gan được coi là vị tổng tư lệnh cấp cao, chỉ huy quân đội ra trận.
Cuộc sống hiện đại có thể rất sống động nhưng sống vội vã cũng mang đến những lo lắng, căng thẳng, lo âu và thậm chí là kiệt sức về tinh thần. Trong thế giới hỗn loạn ngày nay, nhiều người đang tìm kiếm cảm giác bình yên và sức khỏe. Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, một bác sĩ tâm thần học nổi tiếng người Trung Quốc ở Philadelphia, đã đưa ra một loạt bài giảng có tựa đề “Tam y luận đàm” để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của ông về sức khỏe tinh thần và thể chất. Sau đây là bản ghi chép về bài nói chuyện của ông:
Gan là một trong những cơ quan lớn nhất trong cơ thể con người, đảm nhận vai trò quan trọng là tuyến tiêu hóa và cơ quan trao đổi chất lớn nhất. Theo y học hiện đại, gan đóng vai trò là nơi tổng hợp protein, lưu trữ nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu có nguồn gốc từ thực phẩm như vitamin B12, acid folic và các chất thiết yếu khác. Máu, các acid béo như chất béo trung tính, cholesterol và các chất mang khác đều có nguồn gốc từ gan. Ngoài ra, gan đóng một vai trò quan trọng trong việc thải độc, xử lý và thải độc các chất khác nhau mà chúng ta đưa vào cơ thể.
Dưới góc nhìn của y học cổ truyền Trung Hoa (Trung y), nếu ví cơ thể của chúng ta như một đất nước thì gan được coi là vị tổng tư lệnh cấp cao, chỉ huy quân đội ra trận. Nói cách khác, miễn là bạn tỉnh táo và hoạt động, gan cùng với cơ quan tương ứng là túi mật sẽ hoạt động liên tục.
Vì vậy, theo Trung y, gan không chỉ đảm nhiệm tất cả các chức năng được y học hiện đại công nhận như tiêu hóa, trao đổi chất mà quan trọng hơn, gan đóng vai trò then chốt trong việc vận chuyển năng lượng đi khắp cơ thể, bảo đảm dòng năng lượng không bị cản trở. Ngoài ra, gan được cho là có vai trò điều chỉnh các chức năng khác nhau của não, bao gồm ra quyết định, phán đoán và thực hiện các hành động. Đồng thời, gan liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc, giấc ngủ, huyết áp và các chức năng thiết yếu khác.
Gan là trung tâm năng lượng
Trung y không chỉ coi cơ thể con người là một thực thể sinh hóa mà còn là một thực thể tràn đầy năng lượng. Sự hiểu biết của Trung y về gan khác với y học phương Tây. Trong Trung y, khái niệm gan vượt ra ngoài cơ quan vật lý — gan được coi là trung tâm năng lượng. Gan được cho là có mối liên hệ sâu rộng và phức tạp với các cơ quan khác trên khắp cơ thể qua các con đường năng lượng phức tạp được gọi là kinh lạc. Những kinh lạc này tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy không chỉ của máu và chất dịch cơ thể như được y học hiện đại công nhận, mà quan trọng hơn, chúng tạo điều kiện thuận lợi cho dòng năng lượng, còn được gọi là “khí.”
Không khí khi đi vào cơ thể qua hô hấp sẽ trở thành một phần của khí. Tương tự, thức ăn đi vào cơ thể và chuyển hóa thành năng lượng, chẳng hạn như adenosine triphosphate (ATP), cũng trở thành một phần của khí. Vì vậy, khí không phải là điều gì đó đặc biệt hay bí ẩn. Mặc dù mắt thường không nhìn thấy được nhưng cả khí, không khí và ATP đều đóng những vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta.
Trong Trung y, gan được coi là một hệ thống năng lượng có khả năng phản ứng mạnh với các dạng năng lượng khác nhau, bao gồm cả các lực tự nhiên như gió. Gió, với tính chất năng động, chuyển động nhanh và những thay đổi đáng kể, có những điểm tương đồng với năng lượng của gan. Từ góc độ Trung y, năng lượng của gan rất năng động, đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự lưu thông của cả máu và năng lượng khắp cơ thể. Gan có thể được ví như một sĩ quan cảnh sát giao thông, bảo đảm các tuyến đường không bị cản trở và điều chỉnh dòng năng lượng khác nhau theo các hướng đã định trước — tất cả đều là chức năng quan trọng của gan.
Cảm xúc là năng lượng gây bệnh
Cảm xúc của con người thực sự là một dạng năng lượng. Niềm vui, sự tức giận, nỗi buồn và hạnh phúc đều đại diện cho những biểu hiện khác nhau của năng lượng. Trong tiếng Trung, khi thảo luận về cảm xúc, người ta thường thêm từ “khí,” có nghĩa là “năng lượng.” Ví dụ: các cụm từ như “tức khí” bao gồm từ “khí.” Từ quan điểm của Trung y, cả năng lượng bên ngoài và cảm xúc bên trong đều có tác động sâu sắc đến hệ thống năng lượng của cơ thể.
Trung y có câu nói phổ biến “tức giận hại gan.” Khi một người trải qua cơn tức giận dữ dội, gan sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Sự tức giận này có thể xuất phát từ việc người khác hướng sự thất vọng của họ vào bạn, điều này cũng ảnh hưởng đến gan của bạn. Tương tự như vậy, nếu bạn nuôi dưỡng sự tức giận hoặc oán giận người khác thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan của bản thân.
Cảm xúc luôn được coi là có ý nghĩa quan trọng trong Trung y. Nguyên nhân gây bệnh được chia thành các yếu tố bên trong, bên ngoài và không phải bên trong hay bên ngoài. Mất cân bằng cảm xúc và trạng thái cảm xúc kém được coi là nguyên nhân gây bệnh chính từ các yếu tố bên trong. Trung y khẳng định chỉ khi có mặt những yếu tố bên trong này thì yếu tố bên ngoài mới tác động rõ rệt hơn đến cơ thể. Do đó, từ góc độ Trung y, cảm xúc và căng thẳng tinh thần đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng của gan.
Cảm xúc và căng thẳng ảnh hưởng đến gan và góp phần phát triển các bệnh về gan như thế nào? Tại sao các yếu tố cảm xúc và tinh thần lại ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt là ảnh hưởng đến gan?
Trung y từ lâu đã thừa nhận cảm xúc là một dạng năng lượng, hiểu rằng trạng thái cảm xúc của một người ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể. Y học hiện đại ngày càng ghi nhận tác động của các yếu tố tâm lý lên hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, trong y học lâm sàng, những phát hiện này của y học hiện đại vẫn chưa được tích hợp đầy đủ. Y học lâm sàng vẫn chủ yếu thiên về phẫu thuật và dùng thuốc, ít chú trọng đến tác động của yếu tố tâm lý.
Một nhóm từ Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh đã công bố một báo cáo khảo sát trên Tập san Gastroenterology (Khoa tiêu hóa) vào năm 2015. Báo cáo tiết lộ rằng những bệnh nhân gặp khó khăn về tâm lý và trầm cảm có tỷ lệ tử vong do bệnh gan cao hơn đáng kể so với các nhóm khác. Nghiên cứu có sự tham gia của khoảng 160,000 người, kéo dài khoảng 10 năm. Nghiên cứu trực tiếp nhấn mạnh tác động của trầm cảm và đau khổ tâm lý đối với sự tiến triển và trầm trọng của bệnh gan.
Trầm cảm là gì? Trầm cảm bao gồm cảm giác chán nản, bị áp bức, thất vọng và tức giận, cùng những cảm xúc khác. Trầm cảm về cơ bản là biểu hiện của sự tức giận, đôi khi hướng tới người khác, đặc trưng bởi sự cáu kỉnh, nóng nảy và thường xuyên bộc phát. Thông thường, sự tức giận bị kìm nén này hướng vào bên trong, dẫn đến trạng thái trầm cảm. Vì vậy, trầm cảm cực độ thực chất là trạng thái tức giận tột độ, thậm chí có thể dẫn đến hành vi bạo lực hoặc tự sát. Nhiều người bị trầm cảm cuối cùng tiến triển đến mức có ý định tự tử hoặc tự sát. Nói cách khác, bản chất của trầm cảm phù hợp với quan niệm của Trung y rằng “tức giận có hại cho gan.”
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những con chuột bị kích thích tạo căng thẳng có số lượng khối u gan và tải lượng khối u cao hơn đáng kể so với những con chuột không bị căng thẳng. Ngoài ra, mức độ biểu hiện của dấu ấn sinh học Ki67 và Survivin liên quan đến sự sản sinh u, đều cao hơn ở chuột mắc cả ung thư gan và trầm cảm. Điều này cho thấy rằng những con chuột trong nhóm bị ung thư gan kết hợp với trầm cảm có sự tăng sinh tế bào nhiều hơn và ít bị chết tế bào hơn, minh chứng rằng căng thẳng tâm lý kéo dài có thể dẫn đến sự phát triển khối u và tiến triển ung thư.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Nature Medicine (Y khoa Tự nhiên) vào năm 2019 đã tiết lộ rằng sự thất bại về mặt xã hội dẫn đến các hành vi giống như lo lắng ở chuột, và làm giảm đáp ứng điều trị đối với các khối u cấy ghép và u sinh ra bởi các chất gây ung thư.
Khi mọi người suy sụp về tinh thần và cảm xúc, họ có thể sử dụng nhiều phương pháp đối phó khác nhau. Ví dụ, một số người có thể tìm đến rượu khi tức giận. Tuy nhiên, uống rượu có thể gây hại cho gan, như câu nói “Uống rượu để át đi nỗi buồn chỉ làm nỗi buồn thêm sâu sắc.” Những người khác, khi khó chịu, có thể chuyển sang ăn uống, đôi khi ăn vô độ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, dẫn đến lượng đường trong máu và huyết áp tăng cao. Ngoài ra, những người bị trầm cảm có thể rút lui khỏi các tương tác xã hội và tránh tham gia vào các hoạt động lành mạnh. Tất cả những cách đối phó này đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Trong tình huống này, Trung y sử dụng một phép so sánh sống động, ví gan với một cái cây. Tương tự như một cái cây chống lại sự ức chế và tìm kiếm tự do để phát triển không hạn chế, gan phản ứng bất lợi trước những nỗ lực ức chế. Giống như cây cối phát triển tự do vào mùa xuân và gió là hiện thân của một nguồn năng lượng độc đáo trong mùa này, khi tâm trạng và cảm xúc của một người có sự thoải mái và tự do sẽ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của gan.
Do đó, dù nhìn từ góc độ Trung y, Tây y, khoa học hiện đại hay nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, người ta đều thừa nhận rộng rãi rằng căng thẳng tinh thần và trầm cảm là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của cơ thể. Điều này đặc biệt rõ ràng ở gan khi chúng gây ra tác hại đáng kể cho cơ quan này, ảnh hưởng nhiều đến tiên lượng các bệnh về gan, bao gồm cả ung thư gan.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
Tỷ lệ tử vong cao và hiệu quả điều trị hạn chế khi bệnh ở giai đoạn cuối khiến việc phòng ngừa ung thư gan trở nên quan trọng. Ngoài ảnh hưởng của cảm xúc, ung thư gan có còn có yếu tố nguy cơ khác.
Ai dễ bị ung thư gan? Trước đây chúng ta đã thảo luận về sự phức tạp của các yếu tố di truyền. Ngay cả khi ai đó mang những yếu tố di truyền này, cũng không chắc chắn các gene có vấn đề sẽ biểu hiện và dẫn đến ung thư gan.
Hiện nay, nhiễm trùng viêm gan siêu vi, đặc biệt là viêm gan B và viêm gan C, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư gan, đặc biệt là trong bệnh cảnh viêm kinh niên. Sau khi nhiễm hai loại viêm gan kinh niên này, một số người có thể dần dần phát triển bệnh xơ gan, tiến triển thành ung thư gan. Viêm gan, xơ gan và ung thư gan tạo thành một chuỗi các sự kiện phổ biến. Vì vậy, phòng ngừa và điều trị viêm gan là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư gan.
Việc phòng ngừa viêm gan B có thể đạt được qua tiêm chủng, nhưng hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C. Vì vậy, hiểu rõ các đường lây truyền của viêm gan để phòng ngừa là rất quan trọng. Các phương thức lây truyền chính của bệnh viêm gan B và C là qua đường máu và nhiều trường hợp lây nhiễm xảy ra do truyền máu.
Tiêu thụ rượu là được biết đến một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư gan. Uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ bị các bệnh ung thư khác nhau và có thể gây tổn hại đáng kể cho gan. Có câu nói say rượu một lần tương đương với việc mắc bệnh viêm gan một lần, điều này tuy cường điệu nhưng có thể không quá xa sự thật. Uống rượu lâu dài có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, càng làm tăng thêm nguy cơ ung thư gan.
Ngoài ra, nấm mốc, đặc biệt là aflatoxin, là một nguyên nhân chính gây ung thư gan. Các nguyên liệu phổ biến như đậu phộng, ngô, gạo, lúa mì và các loại hạt khác nhau có thể bị mốc khi bảo quản trong môi trường ẩm ướt, dẫn đến sản sinh ra aflatoxin. Vì vậy, cần đảm bảo độ tươi của những nguyên liệu này và kiểm tra xem có dấu hiệu nấm mốc trước khi tiêu thụ.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times