Sinh mổ chủ động: Nguy cơ cao hơn cho bà mẹ, lợi nhuận cao hơn cho bệnh viện
Mổ lấy thai chủ động hay sinh mổ chủ động là một trong những thành tựu nổi bật nhất của y học hiện đại, đang ngày càng được xem xét kỹ lưỡng.
Với hơn 30% trẻ sơ sinh ở Mỹ được sinh mổ, nhiều chuyên gia y tế đang đưa ra cảnh báo về việc bình thường hóa quy trình này. Theo nghiên cứu, sinh mổ chủ động có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau sinh và tử vong mẹ.
Ngoài ra, một báo cáo điều tra năm 2021 được công bố trên Tập san JAMA Network Open cho thấy các khuyến khích tài chính có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn sinh mổ chủ động.
Việc sinh mổ chủ động không cần thiết có khiến các bà mẹ gặp nguy hiểm không?
Tiến sĩ Nathan Riley, bác sĩ sản phụ khoa nói với The Epoch Times rằng có rất ít ca sinh nở tự nhiên và thực sự cần sinh mổ. Ông nói thêm, vì nhiều bác sĩ ngại xử lý các ca sinh nở qua đường âm đạo phức tạp như sinh ngôi ngược, nên thường khuyến nghị sinh mổ chủ động để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy nhiên, sinh mổ có tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn và tỷ lệ biến chứng trầm trọng so với sinh thường, theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ.
Nghiên cứu của Canada cho thấy, sinh mổ chủ động theo kế hoạch có nhiều vấn đề hơn như nhiễm trùng, xuất huyết, cắt tử cung, thời gian nằm viện lâu hơn và thậm chí là ngừng tim so với sinh thường theo kế hoạch.
Các bác sĩ nên cân nhắc cẩn thận các rủi ro khi sinh mổ và tránh lạm dụng. Sinh mổ con đầu lòng đặc biệt không được khuyến khích vì mỗi ca sinh mổ chủ động sẽ làm tăng nguy cơ nhau thai gặp vấn đề trong những lần mang thai tiếp theo.
Những bất thường về nhau thai như nhau tiền đạo và nhau cài răng lược xảy ra khi nhau thai phát triển không đúng vị trí trong tử cung. Mỗi lần bác sĩ rạch vào tử cung thì nguy cơ nhau thai dính vào vết sẹo càng cao.Điều này gây ra những nguy cơ đáng kể cho cả mẹ và bé.
Từ năm 1999 đến năm 2019, tỷ lệ sinh mổ đã tăng từ 22% lên hơn 32% trên toàn quốc. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ đó. Xu hướng song song này nhấn mạnh cần phải thảo luận sâu sắc về rủi ro và lợi ích của việc sinh mổ chủ động.
Nguy cơ ngoài những vết sẹo
Mặc dù sinh mổ có thể là một thủ thuật cứu sống cả mẹ và bé khi có biến chứng, nhưng phương pháp sinh mổ chủ động này cũng đi kèm với một số tác dụng phụ tiềm ẩn bên cạnh vết sẹo vĩnh viễn trên da và tử cung.
1. Vấn đề cho con bú
Nghiên cứu đã cho thấy rằng sinh mổ có thể trì hoãn việc bắt đầu sản xuất sữa trưởng thành, hoặc khi sữa mẹ về.
Các biến chứng khi cho con bú thường không lâu dài. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, suy giảm [chức năng] thần kinh vĩnh viễn có thể ngừng hoàn toàn việc sản xuất sữa.
2. Sự đau đớn
Bệnh nhân sinh mổ thường phải vật lộn với cơn đau sau phẫu thuật. Một bệnh nhân nói rằng cô ấy bị đau dây thần kinh nhiều ngày sau khi sinh mổ chủ động, cơn đau còn nặng hơn cả những cơn co thắt chuyển dạ và việc hồi phục sau sinh mổ là điều khó khăn nhất từ trước đến nay đối với cô.
Các bác sĩ tiến hành gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống để làm tê cơ thể người mẹ để thực hiện các ca mổ. Gây tê có thể gây đau liên tục tại vết mổ hoặc chỗ chích [thuốc]. Đau đầu dữ dội ở cột sống cũng có thể xảy ra do rò rỉ dịch [não tủy qua lỗ chọc kim].
3. Các vấn đề sức khỏe khác
Một số ít trường hợp đã ghi nhận tổn thương thần kinh, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về hô hấp do thuốc tê di chuyển lên cột sống.
Kim đâm quá sâu hoặc sai góc có thể gây tổn thương tủy sống.
Trong một số trường hợp, khối máu tụ có thể hình thành xung quanh tủy sống nếu vô tình làm thủng mạch máu trong quá trình thực hiện. Điều này có thể gây áp lực lên dây thần kinh và có khả năng gây tổn thương.
Phản ứng dị ứng với thuốc gây tê có thể gây ra các triệu chứng giống tổn thương dây thần kinh, chẳng hạn như tê, ngứa ran, hoặc yếu nhược.
Nhiễm trùng có thể xảy ra nếu da ở vị trí đâm kim không được làm sạch và khử trùng đúng cách trước khi thực hiện thủ thuật. Việc đưa vi khuẩn từ bề mặt da vào khoang dưới nhện, nơi dịch não tủy lưu thông, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như đang bị một số bệnh lý nhất định hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, có thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Tại sao tỷ lệ sinh mổ chủ động lại tăng lên?
Nhiều yếu tố làm tăng tỷ lệ sinh mổ.
Theo Tiến sĩ Riley, đầu tiên, sự suy giảm sức khỏe trao đổi chất tổng thể của người Mỹ đã dẫn đến nhiều nguy cơ khi mang thai và cần sinh mổ chủ động hơn. Thai phụ bị các bệnh như tiểu đường thai kỳ và cao huyết áp có tỷ lệ sinh mổ cao hơn nhiều.
Ngoài ra, việc đào tạo y tế không đầy đủ về cách đỡ sinh qua đường âm đạo phức tạp là một lý do khác. Khi em bé không ở vị trí tối ưu, nhiều bác sĩ sẽ mặc định sinh mổ chủ động như một thủ thuật quen thuộc hơn.
Sinh mổ chủ động tạo ra nhiều lợi nhuận hơn
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có chi phí sinh con đắt đỏ nhất, với chi phí sinh mổ cao gấp 5 lần so với sinh thường.
Báo cáo năm 2021 đã tìm thấy mối liên quan “đáng kinh ngạc” giữa lợi nhuận và tỷ lệ sinh mổ chủ động của bệnh viện. Các tác giả cũng nhận thấy chi phí cao hơn ở các bệnh viện có nhiều ca mổ hơn.
Nghiên cứu tiết lộ rằng trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe nơi thu nhập của bác sĩ có liên quan đến số lượng thủ thuật họ thực hiện, có khả năng các khuyến khích tài chính có thể ảnh hưởng đến hành vi của bác sĩ.
Như nghiên cứu lưu ý, “Nhiều thủ thuật sinh mổ hơn sẽ đem lại mức lương cao hơn.”
Các phát hiện này nhấn mạnh các khuyến khích tài chính là động lực tiềm năng dẫn đến tỷ lệ sinh mổ chủ động cao ở quốc gia này. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên kiểm tra các khoản tăng thu nhập của bệnh viện để khuyến khích lựa chọn sinh mổ hợp lý.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times