Những lợi ích sức khỏe ít được biết đến của súp miso Nhật Bản
Miso chứa probiotics giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, nghiên cứu hiện tại thậm chí cho thấy miso có thể bảo vệ khỏi tác hại của phóng xạ.
Khi tìm hiểu nhiều bí ẩn về sức khỏe con người, trí tuệ cổ xưa từ văn hóa và lịch sử truyền thống cũng là điều đáng để khám phá.
Mỗi nền văn hóa đều có sự hiểu biết độc đáo của riêng mình về sức khỏe, nhưng thường không được chú ý tới, đồng thời nhiều thứ đã dần mai một theo thời gian. Miso Nhật Bản là một trong số đó.
Miso là một món súp thường ngày ở Nhật Bản. Miso chứa probiotics có thể trợ giúp quá trình tiêu hóa và tăng chức năng miễn dịch. Không quá khi nói rằng miso tốt cho sức khỏe tổng thể.
Chống lại hiệu ứng có hại của bức xạ
Bên cạnh những lợi ích kể trên, miso còn có một tác dụng ít được biết đến khác — đó là khả năng bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của phóng xạ.
Người ta đã khám phá ra khả năng này như thế nào? Ngược dòng thời gian khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử vào Nagasaki trong Thế chiến thứ hai. Lúc đó có một vị bác sĩ tên Tatsuichiro Akizuki làm việc ở bệnh viện cách vụ nổ một dặm (1.6km) đã giúp đỡ những người nhiễm phóng xạ hạt nhân. Bác sĩ Akizuki thấy rằng bệnh viện trữ rất nhiều miso, xì dầu, gạo lứt và rong biển, nên ông đã nấu món súp cho các đồng nghiệp, và thật đáng ngạc nhiên, không ai trong số họ bị nhiễm phóng xạ.
Bác sĩ Akizuki viết về những trải nghiệm ấy trong cuốn sách “The Nagasaki Nuclear Bombing” (Trận bom hạt nhân Nagasaki), mà sau này đã được dịch sang tiếng Anh.
Trong suốt thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào ngày 26/04/1986, nhiều người Âu Châu đã ăn súp miso để chống lại các bệnh phóng xạ. Nhờ vậy mà xuất khẩu miso từ Nhật Bản tăng trưởng một cách ổn định.
Được truyền cảm hứng từ những phát hiện của bác sĩ Akizuki và bác sĩ Atsumitsu Watanabe, nhà nghiên cứu khoa học y học tại Học viện Y học và Sinh học phóng xạ, Đại học Hiroshima, đã công bố một nghiên cứu thí nghiệm trong “Tập san Bệnh lý Độc chất” vào năm 2013, chứng minh tác dụng chống lại phóng xạ độc hại của miso.
Trong thí nghiệm, ba nhóm chuột được cho ăn miso, muối mỏ có nồng độ muối tương tự miso và bữa ăn thông thường trong một tuần trước khi phơi nhiễm với phóng xạ.
Kết quả cho thấy số lượng các tuyến ruột mới tăng lên đáng kể sau khi tiếp xúc phóng xạ ở chuột ăn miso, từ đó kết luận rằng miso giúp bảo vệ khỏi tổn thương do phóng xạ. Hiện tượng như vậy không xuất hiện ở hai nhóm chuột còn lại, nghĩa là muối mỏ và bữa ăn thông thường không có tác dụng bảo vệ khỏi phóng xạ.
Miso lên men
Một nghiên cứu khác phát hiện thấy thời gian lên men của miso cũng đóng một phần vai trò [quan trọng]. Nghiên cứu cho thấy thời gian lên men càng lâu, tác dụng bảo vệ khỏi phóng xạ càng lớn.
Để giảm tổn thương phóng xạ, miso cần lên men ít nhất 180 ngày và dùng trước khi tiếp xúc với phóng xạ, chẳng hạn như trước khi đi chụp X-quang hoặc chụp CT ở bệnh viện.
Tuy nhiên, tác dụng của miso thay đổi phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm phóng xạ. Thêm vào đó, trong các thí nghiệm khác, bác sĩ Watanabe phát hiện thấy miso cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày, ung thư ruột kết, ung thư gan, ung thư vú, v.v…
Vậy vì sao miso có thể bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi phóng xạ? Một số nghiên cứu cho rằng miso chứa acid dipicolinic (một loại kiềm alkaloid), giúp thải độc và tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ kim loại nặng khỏi cơ thể.
Tăng bài tiết serotonin
Miso chứa các amino acid cần thiết và vitamin có thể tăng sức khỏe miễn dịch, trợ giúp tiêu hóa, và kích thích bài tiết serotonin, còn được biết như một “hormone hạnh phúc.”
Khoảng 90% tổng serotonin của cơ thể được tìm thấy trong các chromophore của đường tiêu hóa, giúp điều hòa nhu động ống tiêu hóa.
Phần serotonin còn lại nằm trong hệ thần kinh trung ương và được tạo ra bởi những neuron có chức năng như điều chỉnh tâm trạng, sự ngon miệng và giấc ngủ. Serotonin cũng ảnh hưởng tới một số chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ và học tập.
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não liên quan đến khả năng tập trung, tâm trạng và cân bằng tự chủ. Mức serotonin quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ mất trí nhớ, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu, khó tập trung và suy nhược.
Miso có thể làm tăng mức serotonin trong cơ thể, từ đó giúp ngăn chặn và cải thiện những triệu chứng trên. Miso cũng giàu các amino acid giúp bảo vệ làn da, mái tóc, các cơ quan, cơ bắp, xương, máu và về cơ bản là toàn bộ cơ thể.
Nguồn gốc của miso
Miso bắt nguồn từ Trung Hoa và lần đầu tiên được đưa vào Nhật Bản cách đây 1,200 năm vào triều đại nhà Đường (năm 618 – 907 sau Công nguyên).
Lúc đó, các nhà sư và học giả đã đến Nhật Bản và mang miso (ở dạng khô và cứng như đá) cho giới quý tộc, hoàng gia Nhật Bản, đồng thời cũng dùng chúng trong nhà chùa.
Sau này, các nhà sư trong tu viện nghiền và thêm nước để biến miso thành sốt gia vị. Dần dần, trong suốt thời kỳ Giang Hộ (Edo) dưới sự thống trị của Mạc phủ Đức Xuyên (Tokugawa Shogunate) từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, các võ sĩ Nhật samurai đã hình thành thói quen uống súp miso tại nhà.
Trong suốt thời kỳ Chiến Quốc (Sengoku) của Nhật Bản khoảng 500 năm trước, súp miso là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho những người lính và được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, súp miso chưa phổ biến với dân thường cho đến sau thời kỳ Giang Hộ, khi cuốn “Honcho Shokkan,” bách khoa toàn thư Nhật Bản về thảo dược truyền thống, phổ biến kiến thức về những thuộc tính y học và phương pháp nấu súp miso ở các gia đình thường dân Nhật Bản. Cuốn sách này cũng phổ biến niềm tin truyền thống rằng “thực phẩm là thuốc.’’
Hơn nữa, những người ở thời đại Giang Hộ đã bắt đầu học cách ăn uống bảo vệ sức khỏe, tạo ra nhiều công thức chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Cuốn “Honcho Shokkan” cho rằng đậu nành lên men trong miso là vị thuốc đứng đầu trong y học, nhờ tác dụng điều hòa khí huyết, làm dịu dạ dày và ruột. Miso cũng giúp thải độc, trợ giúp tiêu hóa, và khôi phục sinh khí.
Cách làm Miso
Những nguyên liệu dùng để làm miso bao gồm đậu nành, gạo, lúa mì, gạo lứt, lúa mạch, hoặc đậu gà. Theo truyền thống, đầu tiên đậu nành được luộc và nghiền nát, sau đó thêm muối mỏ, gạo hoặc men gạo đỏ (monascus). Cuối cùng, miso được đặt trong thùng gỗ đóng kín và lên men.
Thời gian lên men là từ vài tháng đến vài năm. Sau khi miso được lên men đúng cách, người ta sẽ gạt bỏ lớp bột đậu đen trên cùng, phần còn lại là tương miso đặc và thơm.
Những sản phẩm từ đậu nành lên men bao gồm miso, natto, tempeh (tương nén) và tamari (nước tương lâu năm). Đây là các loại nước tương dễ tiêu hóa được tạo ra trong quá trình làm miso.
Lời khuyên thưởng thức súp miso của Cheryl
Thêm miso vào các bữa ăn hàng ngày thật sự tốt cho sức khỏe chúng ta. Tôi thường chọn miso chất lượng cao, hữu cơ, và có biểu tượng “國產” (sản xuất trong nước) trên nhãn để bảo đảm chất lượng. Có hai loại miso chính, loại màu đỏ đậm có vị mặn và mạnh hơn, trong khi loại màu trắng hoặc vàng nhạt có vị hơi ngọt và thanh hơn.
Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là miso chứa nhiều probiotics vốn nhạy cảm với nhiệt độ cao. Vậy nên không được đun miso quá 120°F (49°C), đun quá 160°F (71°C) có thể phá hủy hoàn toàn giá trị dinh dưỡng của loại tương này.
Thông thường, thay vì cho miso trực tiếp vào bát súp, hãy trộn riêng miso thành nước sốt, sau đó đổ vào bát súp rong biển và rau nóng hổi. Để nguội khoảng 10 phút và thưởng thức.
Một điều cần lưu ý là không nên thêm quá nhiều sốt miso. Nói chung, chỉ nên thêm miso đủ để tạo hương vị nhẹ nhàng và mùi thơm cho món súp. Cách dùng miso thực dưỡng hơn nữa là thưởng thức miso nhưng không cho muối.
Ở các nhà hàng sang trọng của Nhật Bản , súp miso thường được dùng trong bát có nắp đậy, để lưu giữ hương vị và màu sắc.
Bên cạnh dùng làm súp, miso cũng được dùng để làm nước sốt salad. Một trong những món salad yêu thích của tôi thực sự rất đơn giản. Bạn chỉ cần một muỗng miso, một muỗng giấm rượu táo, và lượng nước vừa đủ để pha loãng miso, thêm trái bơ và đôi khi là trái sung tươi. Độ mặn nhạt phụ thuộc vào lượng miso. Giấm táo sẽ thực sự làm nổi bật vị mặn của miso, bên cạnh vị chua. Bạn có thể tùy ý điều chỉnh hàm lượng theo sở thích cá nhân.
Ngoài ra, giống như với nước sốt salad thông thường, đừng quên thêm dầu olive nếu dùng nước sốt miso cho món salad rau củ.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times