Lời khuyên từ bác sĩ Trung y để có một giấc ngủ ngon
Không có gì tuyệt hơn là một đêm ngủ ngon giấc. Giấc ngủ chất lượng là điều cần thiết cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong thế giới nhộn nhịp thời nay, chất lượng giấc ngủ của mọi người thường bị ảnh hưởng. Các yếu tố như căng thẳng, lo âu, chất kích thích, ăn uống hoặc thức khuya và việc dùng thiết bị điện tử đều có thể dẫn đến mất ngủ.
Các nghiên cứu cho thấy một giấc ngủ chất lượng có thể mang lại nhiều tác dụng tích cực, như giảm mệt mỏi và tăng cảm giác thư thái. Một giấc ngủ ngon giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, cải thiện tâm trạng và hoạt động trí óc, đồng thời củng cố các mối quan hệ tích cực. Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến mệt mỏi, khó chịu, phản ứng chậm, rối loạn chức năng ban ngày và tăng lạm dụng caffeine và rượu.
Nếu bạn đang tìm những phương pháp đơn giản và hiệu quả để có được một giấc ngủ ngon suốt đêm, khiến bạn cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng — hãy đọc bài viết dưới đây.
Trị liệu bằng huyệt vị
Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 02/2023 xác nhận rằng phương pháp kích thích vào huyệt có thể thay đổi hoạt động điện cục bộ của não, ức chế hệ thần kinh trung ương và đạt được cảm giác an thần sâu. Các tác giả còn phát hiện trị liệu bằng huyệt vị có hiệu quả tốt trong cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân sau phẫu thuật.
Trị liệu bằng huyệt vị là một trong những phương pháp y học lâu đời nhất của Trung y và đang dần được các bác sĩ trên toàn thế giới công nhận. Các phương pháp trị liệu bằng huyệt hiện đại bao gồm bấm huyệt, châm cứu và điện châm.
2 huyệt vị thiết yếu giúp an thần
Huyệt Thần môn và Tam âm giao gắn liền với tâm trí và hệ nội tiết.
Huyệt Thần môn nằm ở nếp gấp cổ tay.
Huyệt Tam âm giao nằm ở phía trên mắt cá chân trong khoảng bốn ngón tay.
Hai huyệt này có vai trò điều hòa cảm xúc và cân bằng hormone. Bấm đồng thời 2 huyệt có thể giúp bạn thư thái đầu óc và cải thiện giấc ngủ.
Hướng dẫn: Dùng một tay nhẹ nhàng xoa bóp huyệt Thần môn trên cổ tay, đồng thời dùng đầu ngón tay của tay kia ấn xuống huyệt Tam âm giao ở cẳng chân. Giữ trong khoảng 3 phút, sau đó đổi bên và lặp lại.
Thiền định và thực hành chánh niệm
Trong nhiều năm, các nghiên cứu cho thấy thiền định có hiệu quả trong điều trị một số khía cạnh của rối loạn giấc ngủ.
Thiền chánh niệm là một kỹ thuật thả lỏng cơ thể giúp điều chỉnh các chỉ số sinh lý như hơi thở, nhịp tim và huyết áp. Kỹ thuật này cũng giúp điều hòa tâm trí, kiểm soát suy nghĩ và tăng sự tập trung.
Thiền định cũng đẩy mạnh sự phát triển và kích hoạt tuyến tùng, một cơ quan nội tiết nằm ở trung tâm não. Tuyến này chịu trách nhiệm tiết melatonin, một loại hormone điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức và có vai trò cải thiện hệ miễn dịch.
Thực hành thiền định hàng ngày có thể làm tăng mức melatonin trong cơ thể, từ đó nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Thực phẩm dồi dào melatonin giúp cải thiện giấc ngủ
Nghiên cứu cho thấy melatonin có tác dụng cải thiện kết quả giấc ngủ. Mọi người có thể tăng mức melatonin qua ăn uống bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm như cà chua, hành tây, chuối, gạo, hạt vừng, hạt bí ngô và hạnh nhân. Bạn có thể bổ sung những thực phẩm này vào bữa tối hoặc ăn trước khi ngủ để giúp ngủ ngon hơn.
Xoa bóp lòng bàn chân bằng dầu
Xoa bóp lòng bàn chân bằng dầu là một phương pháp cổ xưa và hiệu quả giúp cải thiện giấc ngủ. Thoa dầu ô liu, dừa, vừng hoặc jojoba vào lòng bàn chân trước khi đi ngủ và xoa bóp cho đến khi dầu thấm vào da.
Xoa bóp bằng dầu có thể kích thích các huyệt và đầu dây thần kinh ở lòng bàn chân, từ đó đẩy mạnh tuần hoàn máu và chuyển hóa, đồng thời giảm tình trạng tiểu đêm (tình trạng đi tiểu 2 lần trở lên trong đêm) và mất ngủ. Việc xoa bóp cũng đem lại cảm giác dễ chịu!
Chà xát lòng bàn tay và lòng bàn chân
Nếu bạn thường xuyên ngủ kém, ngủ chập chờn, tỉnh giấc hoặc tiểu đêm, bạn có thể thử chà xát lòng bàn tay và lòng bàn chân trước khi đi ngủ.
Phương pháp này giúp kích thích huyệt Lao cung ở lòng bàn tay và huyệt Dũng tuyền ở lòng bàn chân. Hai huyệt này lần lượt thuộc kinh Tâm bào lạc và kinh Thận, giúp điều hòa sự phối hợp giữa tâm và thận, khiến tâm hỏa hạ xuống và thận thủy thăng lên, từ đó đạt được sự cân bằng âm dương trong cơ thể.
Hướng dẫn: Dùng lòng bàn tay trái xoa lòng bàn chân phải trong khoảng 3 phút, sau đó đổi bên và lặp lại.
Theo Trung y, kinh lạc là những kênh năng lượng chảy trong cơ thể, chịu trách nhiệm vận chuyển khí và huyết — những chất cơ bản tạo thành và duy trì sự sống — đi khắp cơ thể.
Cơ thể có 12 kinh lạc, mỗi kinh lạc tương ứng với một cơ quan cụ thể. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể thông qua các kinh lạc. Dọc theo kinh lạc là các điểm cụ thể được gọi là huyệt, với chức năng rất độc đáo. Bằng cách kích thích vào huyệt tương ứng thông qua các kỹ thuật như châm cứu và xoa bóp, người ta có thể điều trị các bệnh liên quan đến cơ quan cụ thể.
Học thuyết Trung y bắt nguồn từ nguyên lý Âm Dương và Ngũ Hành. Ngũ Hành — kim mộc thủy hỏa thổ — tương ứng với năm cơ quan quan trọng trong cơ thể: can, tâm, tỳ, phế và thận. Theo học thuyết Âm Dương trong Trung y, mọi khía cạnh của thế giới tự nhiên đều thể hiện những đặc điểm âm dương tương ứng. Những đặc tính đối lập này biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như sự đối lập của đất và trời, lạnh và nóng. Năng lượng âm và dương đối lập nhưng phụ thuộc lẫn nhau và sự cân bằng giữa chúng là điều cần thiết. Khi âm dương cân bằng, con người có được sức khỏe tốt, sức sống, sự hài hòa và ổn định. Tuy nhiên, khi sự cân bằng bị phá vỡ, nhiều vấn đề sức khỏe có thể phát sinh.
Vì vậy, thầy thuốc Trung y thường áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều hòa sự cân bằng âm dương trong cơ thể, từ đó đạt được mục đích phòng và chữa bệnh.
Liệu pháp ăn kiêng
1. Súp hạt sen và củ lily (hoa huệ)
Súp hạt sen và lily là một bài thuốc thảo dược phổ biến trong Trung y, có thể dùng hàng ngày. Món súp này rất có lợi cho việc cải thiện giấc ngủ.
Nguyên liệu nấu súp hạt sen củ lily bao gồm củ lily, hạt sen và nấm tuyết. Bạn có thể thêm một chút đường phèn nếu ưa thích vị ngọt. Món súp này có công dụng an thần, bổ tỳ, vị và bổ thận.
2. Thuốc sắc cam thảo và táo tàu
Thuốc sắc cam thảo và táo tàu là một phương thuốc thảo dược khác thường được dùng trong Trung y. Thành phần bao gồm táo tàu, cành quế, rễ hoa mẫu đơn và rễ cam thảo. Bài thuốc này giúp tán khí ở gan, hoạt huyết và điều hòa cảm xúc.
3. Súp niêu đầu cá
Súp niêu đầu cá là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, cung cấp nguồn vitamin D và acid béo omega-3 dồi dào có trong cá biển sâu. Cả hai hợp chất này đều giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ bằng cách tăng dẫn truyền thần kinh và cung cấp máu cho não.
Dùng đầu cá hồi hoặc cá béo biển sâu như cá ngừ, cá thu, cùng các nguyên liệu như đậu hũ, cải thảo và các loại rau rồi hầm trong nồi đất. Món súp này không chỉ thơm ngon mà chất béo và dầu cá trong nước dùng còn có giúp cải thiện giấc ngủ.
Với người ăn chay, các lựa chọn như đậu nành, các loại hạt và hạt lanh cũng có tác dụng nâng cao chất lượng giấc ngủ.
4. Trà hoa hồng tía tô và trà hoa cúc mật ong
Trà hoa hồng tía tô và hoa cúc mật ong là hai loại trà thảo mộc thơm ngon và thú vị. Uống một ly trước khi ngủ có thể giúp bạn cải thiện miễn dịch, làm dịu và bảo vệ gan.
Nguyên liệu làm trà hoa hồng tía tô bao gồm 3g lá tía tô, 3g lá bạc hà và 3 đến 5 bông hoa hồng. Tía tô giúp cải thiện sức khỏe của gan và làm dịu tâm trí, bạc hà có tác dụng làm mát và hoa hồng giúp tăng lưu thông máu, trừ thấp và cải thiện vẻ đẹp cho làn da. Sau khi rửa kỹ ba nguyên liệu này, hãy cho chúng vào túi trà, rồi ngâm trong 500ml (16 ounce) nước nóng trong 10 phút trước khi thưởng thức.
Nguyên liệu làm trà hoa cúc mật ong là hoa cúc và mật ong. Hoa cúc có tác dụng thải độc, lợi tiểu, bảo vệ mắt, bổ gan, còn mật ong rất có lợi cho dạ dày. Cho hoa cúc khô vào cốc, thêm một thìa mật ong rồi ngâm với nước nóng. Thưởng thức khi trà đã nguội.
Tầm quan trọng của thói quen ngủ lành mạnh
Dậy sớm và ngủ sớm là thói quen ngủ cơ bản, cho phép cơ thể tuân theo nhịp tự nhiên và duy trì sự cân bằng giữa âm và dương.
Theo “Hoàng Đế Nội Kinh,” mọi người nên ngủ sớm và dậy sớm theo “tiếng gà gáy vào mùa thu.” Lời khuyên này không chỉ áp dụng vào mùa thu mà còn cho các mùa khác. Ngủ sớm giúp dưỡng âm trong khi dậy sớm giúp dưỡng dương. Trong Trung y, âm tương ứng với các cơ quan nội tạng như can và thận, trong khi dương tương ứng với tỳ vị và phế.
Ngủ trước 11 giờ đêm giúp bảo vệ can và đởm trong khi dậy trước 6 giờ sáng giúp cải thiện chức năng tỳ và phế. Bằng cách đó, cơ thể bạn được nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ, từ đó chất lượng giấc ngủ cũng được cải thiện.
Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết có thể chưa quen thuộc nhưng thường có sẵn ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe và cửa hàng tạp hóa Á Châu. Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để có kế hoạch điều trị cụ thể.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes