Ký sinh trùng: Mối đe dọa đối với sức khỏe bị bỏ qua và đánh giá thấp
Hãy tưởng tượng một sinh vật đáng sợ sống trong cơ thể bạn nhiều năm, ăn máu, mô và thức ăn, sau đó lớn lên và sinh sản từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Những sinh vật đó là ký sinh trùng với các kích thước rất đa dạng và độ nguy hiểm khác nhau. Một số có kích thước lớn và dễ phát hiện, chẳng hạn như bọ ve. Nhưng những loài khác thì âm thầm hơn nhiều và có thể không được chú ý đến trong nhiều năm, chúng ký sinh trên cơ bạn mà không bị phát hiện ra.
Giun và sán có thể đang bò trong cơ thể bạn ngay lúc này, nhưng nếu không hiểu rõ về các dấu hiệu, triệu chứng hoặc xét nghiệm phân dương tính, bạn có thể không bao giờ biết được.
Mặc dù ký sinh trùng khó có thể nhìn thấy được nhưng người xưa đã rất quen thuộc với bệnh do ký sinh trùng. Các thư tịch y học cổ có ghi chép nhiều toa thuốc và phương pháp để điều trị nhiễm giun sán trong cơ thể.
Đường lây nhiễm vào cơ thể của ký sinh trùng
Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều con đường khác nhau như ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm, bị côn trùng cắn, hít phải các hạt bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với động vật. Phương thức lây truyền phụ thuộc vào loại ký sinh trùng cụ thể và vòng đời của nó.
Thiếu nhận thức
Tuy nhiên, thời nay chúng ta ít khi cho rằng các chứng bệnh của mình là do giun sán. Một phần nguyên nhân là vì những lầm tưởng về cuộc sống hiện đại. Chúng ta thường nghĩ ký sinh trùng chỉ là vấn đề đối với động vật và con người sống ở những vùng nhiệt đới xa xôi. Đối với hầu hết người ở vùng khí hậu ôn đới phát triển của thế kỷ 21, ký sinh trùng dường như là mối lo ngại sức khỏe hiếm gặp hoặc không tồn tại.
Tuy nhiên, trong thực hành tiêu chuẩn, chúng ta thường xuyên diệt ký sinh trùng cho vật nuôi và gia súc. Vậy tại sao ký sinh trùng không phải là mối lo ngại đối với người?
Chúng ta có thể không nghĩ nhiều về khả năng này, nhưng bà Ann Louise Gittleman, người có bằng tiến sĩ về dinh dưỡng toàn diện và là chuyên gia dinh dưỡng trong hơn 30 năm, cho rằng chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến ký sinh trùng.
‘Dịch bệnh chưa từng thấy’
Bà Gittleman nói, “Ký sinh trùng phổ biến ở Hoa Kỳ hơn nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng. Trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy rằng cứ 3 người thì có 1 người có thể bị nhiễm bệnh.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 68 triệu người Mỹ bị nhiễm ký sinh trùng kinh niên.
Mặc dù ký sinh trùng chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực nhiệt đới đang phát triển, nơi có tới 2/3 dân số có thể bị nhiễm bệnh, nhưng ký sinh trùng đường ruột ảnh hưởng đến 3.5 tỷ người trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có 450 triệu trường hợp có triệu chứng.
Mặc dù nhận thức của công chúng về ký sinh trùng đã phai mờ nhưng bà Gittleman vẫn cảnh báo về một “dịch bệnh chưa từng thấy” cách đây nhiều thập niên. Cuốn sách bà viết năm 1991 của bà “Guess What Came to Dinner” (Điều Gì Đến Cùng với Bữa Ăn Tối) đã liên kết ký sinh trùng với các vấn đề sức khỏe phổ biến.
Nhiễm ký sinh trùng gây ra các vấn đề sức khỏe đa dạng
Năm 1974, giáo sư của bà Gittleman trưng bày các mẫu bệnh phẩm, cho thấy ký sinh trùng từ amip cực nhỏ cho đến sán dây dài cỡ bàn chân. Bà chia sẻ, “Điều đó khiến tôi không thể đi ăn nhà hàng trong ít nhất hai năm.”
Trải nghiệm này đã định hình niềm tin của bà Gittleman rằng ký sinh trùng là nguyên nhân gây ra các bệnh khác không chỉ là bệnh đường tiêu hoá. Trong quá trình thực hành khám bệnh, bà cho biết đã thấy các tình trạng như mệt mỏi, đau đớn và trầm cảm được giải quyết bằng cách dùng thuốc diệt ký sinh trùng. Ký sinh trùng thường bị các bác sĩ chăm sóc sức khỏe bỏ qua khi tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Bà Gittleman nói thêm, “Ký sinh trùng có xu hướng là điều cuối cùng mà họ kiểm tra. Đó phải là nơi đầu tiên.”
Các loại ký sinh trùng khác nhau gây ra những triệu chứng khác nhau. Một số có thể dẫn đến nhiễm trùng da; số khác có thể dẫn đến tổn thương nội tạng. Ví dụ, một số ký sinh trùng lây truyền qua đường máu, chẳng hạn như Plasmodium và giun móc, có thể dẫn đến thiếu máu do mất hoặc phá hủy các tế bào hồng cầu. Ký sinh trùng amip ăn não, được gọi là Naegleria fowleri, có thể gây ra các triệu chứng thần kinh trầm trọng, bao gồm đau đầu, lú lẫn, co giật và thậm chí tử vong.
Vì ký sinh trùng thường cư trú trong ruột nên đây cũng là nơi thường xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn và đầy hơi. Ký sinh trùng cũng cạnh tranh chất dinh dưỡng với vật chủ, làm suy giảm khả năng sử dụng protein bình thường của cơ thể và cản trở sự hấp thụ chất béo, tất cả đều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Các tình trạng khác mà bà Gittleman cho rằng có liên quan đến ký sinh trùng là hạ đường huyết, đau nhức giống như viêm khớp, béo phì, các vấn đề về tự miễn dịch và các vấn đề khác mà bạn có thể không bao giờ nghi ngờ là có nguồn gốc từ ký sinh trùng.
Mối quan hệ giữa ký sinh trùng và bệnh tật vẫn chưa rõ ràng. Chúng có thể gây ra các triệu chứng trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến cơ thể bằng cách khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hoặc bị các tình trạng khác.
Ví dụ, nhiều bác sĩ gần đây đã thử điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bằng thuốc chống ký sinh trùng hydroxychloroquine và ivermectin vốn trước đây thường được sử dụng cho các bệnh như sốt rét và giun tim, và đã thành công. Tuy nhiên, những loại thuốc này vẫn còn gây tranh cãi khi dùng để điều trị COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy ký sinh trùng có thể ảnh hưởng đến quá trình diễn biến của COVID-19. Một bài tổng quan công bố trên ấn bản tháng 06/2021 của Journal of Clinical Medicine (Tập san Y học Lâm Sàng) nêu bật sự giống nhau giữa các triệu chứng của bệnh ký sinh trùng và triệu chứng của COVID-19, cũng như cách bệnh ký sinh trùng có thể dẫn đến chẩn đoán sai COVID-19.
Nghiên cứu ủng hộ đề nghị của bà Gittleman rằng các triệu chứng khác nhau có thể liên quan đến ký sinh trùng mà các trung tâm dịch vụ chăm sóc y tế không nhận ra. Khi loại bỏ ảnh hưởng của ký sinh trùng, cơ thể có thể giải quyết được nhiều tình trạng bệnh khác nhau.
Một ví dụ điển hình đến từ trường hợp của Joe Tippen, được chẩn đoán bị bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối vào năm 2017. Chỉ trong ba tháng, một bác sĩ thú y đã đề nghị dùng thuốc tẩy giun fenbendazole cho chó, loại thuốc này đã cho thấy có triển vọng chống lại các bệnh ung thư nguy hiểm. Đến đầu năm 2018, Tippen được xem là không còn bị ung thư.
Xét nghiệm đúng
Nếu ký sinh trùng thực sự là một vấn đề phổ biến và là nguyên nhân cơ bản gây ra nhiều bệnh tật, thì tại sao các xét nghiệm chẩn đoán hiện đại lại không phát hiện ra chúng? Người ta có thể kỳ vọng rằng các phân tích phân thông thường sẽ phát hiện được nhiễm ký sinh trùng.
Bà Gittleman nói rằng những xét nghiệm này chưa đủ sâu. Ký sinh trùng có thể tránh khỏi kiểm tra phân thông thường vì có xu hướng cư trú sâu trong ruột kết. Có thể phải mất nhiều lần đi tiêu liên tục mới phát hiện được ký sinh trùng [trong phân].
Bà nói thêm, “Xét nghiệm không tìm thấy ký sinh trùng vì không xổ phân.”
Khái niệm làm sạch ruột trước khi xét nghiệm không phải là mới, chỉ là đã bị lãng quên. Một trong những người mà bà Gittleman đã học khi tìm hiểu cách nhận biết ký sinh trùng là bác sĩ ký sinh trùng đến từ Mesa, Arizona, Tiến sĩ LuCrece Dowell, người đã có được kiến thức chuyên môn khi làm việc với những người lính ở nước ngoài trong Thế chiến thứ hai. Trong một số trường hợp, bà phải xổ ruột bệnh nhân tới 10 lần mới phát hiện được ký sinh trùng ẩn nấp bên trong.
Bà Gittleman nói, “Đó là điều còn thiếu. Chúng ta đang sử dụng các mẫu phân ngẫu nhiên và không tìm thấy ký sinh trùng vì chúng đi vào ruột không đủ nhiều.”
Cách bảo vệ bản thân
Xét nghiệm phân kỹ lưỡng có thể tìm thấy loại ký sinh trùng cụ thể, bất kỳ thành phần virus nào, sức khỏe màng nhầy và khả năng dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm. Nhưng khi nói đến ký sinh trùng, xét nghiệm gần như không quan trọng bằng việc phòng ngừa.
Lối sống tốt giúp làm giảm phơi nhiễm nhưng không ngăn ngừa được hoàn toàn việc nhiễm ký sinh trùng. Dùng thuốc chống ký sinh trùng hàng tuần có thể giúp ích ở những vùng dễ bị sốt rét. Thuốc thảo dược cũng có tác dụng điều trị ký sinh trùng.
Tẩy ký sinh trùng
Bà Gittleman ủng hộ việc tẩy trùng bằng thảo dược để loại bỏ ký sinh trùng hai lần một năm. Bà trích dẫn những trường hợp đạt hiệu quả tốt, bao gồm cả những khách hàng đã khỏi bệnh về da, lo lắng, mất ngủ, viêm khớp và các vấn đề tự miễn dịch.
Bà thường kê toa ngải cứu, loại thảo dược được sử dụng hàng thế kỷ qua ở Âu Châu và Á Châu để điều trị ký sinh trùng.
Nghiên cứu hiện đại xác nhận hiệu quả chống giun của cây ngải. Bà Gittleman lưu ý rằng loại thảo mộc có họ với ngải cứu cũng chống ký sinh trùng hiệu quả nhưng mùi vị không ngon bằng.
Các loại thảo mộc chống ký sinh trùng khác bao gồm đinh hương và các thực phẩm như hạt bí ngô, hành và tỏi. Những thứ này có vị ngon, nhưng liều điều trị có thể cao hơn so lượng dùng trong ẩm thực.
Các giải pháp phòng ngừa
Khả năng nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta có thể tránh ăn một số loại thực phẩm hay không. Để giảm thiểu rủi ro, bà Gittleman kêu gọi mọi người rửa sạch sản phẩm và nấu chín thịt.
Bà nói, “Tôi không thể nói hết có bao nhiêu bệnh nhân của tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn khi ngừng ăn sushi vì họ ăn giun, trứng giun, nang giun tư dưỡng và đủ thứ bệnh khi ăn cá chưa nấu chín. Cá còn chứa nhiều ký sinh trùng hơn thịt nhiều.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng có mức độ nhạy cảm với ký sinh trùng như nhau. Theo bà Gittleman, nhiều người có nhiều acid dạ dày, khả năng tiêu hóa và khả năng miễn dịch chống lại ký sinh trùng tốt hơn. Độ mạnh của acid dạ dày có thể xác định bằng xét nghiệm chẩn đoán gọi là xét nghiệm Heidelberg, thường được sử dụng để đánh giá các tình trạng như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong đó acid dạ dày giảm có thể là một yếu tố góp phần.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times