Khoai lang tím có thể chống ung thư?
Khoai lang tím rất thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Các nghiên cứu đã cho thấy loại rau củ này còn có tác dụng chống ung thư.
Cơ chế tác dụng chống ung thư của khoai lang tím
Các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin C, beta carotene và các khoáng chất khác. Bên cạnh việc chứa các chất dinh dưỡng tương tự như khoai lang thông thường, khoai lang tím còn có lượng anthocyanin dồi dào. Đây là loại flavonoid tạo ra sắc tố cho hoa, trái cây và rau củ có màu đỏ, xanh, và tím.
Trong những năm gần đây, do sự nâng cao nhận thức về sức khỏe, người dân đã chú ý đến lợi ích của anthocyanin đối với sức khỏe vì tính phổ biến rộng rãi và an toàn khi tiêu thụ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng anthocyanin có chức năng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, đồng thời có thể ức chế sự phát triển và lan rộng của các tế bào khối u, cũng như kích thích quá trình chết của các tế bào này.
Khoai lang tím được tiêu thụ rộng rãi trên khắp thế giới. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đài Loan (TARI) đã trồng một loại khoai lang tím có hàm lượng anthocyanin rất cao. Các thí nghiệm trong ống nghiệm đã quan sát tác dụng ức chế của chiết xuất từ khoai lang tím đối với tế bào khối u và các yếu tố gây viêm. Kết quả cho thấy chiết xuất khoai lang tím Đài Loan có thể ức chế sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư, gây ra sự tự chết tế bào theo chương trình và làm suy yếu hoạt động của các yếu tố gây viêm.
Các thực phẩm chống ung thư khác
Ngoài khoai lang tím, nhiều loại trái cây và rau củ sẫm màu như trái mâm xôi, việt quất, dâu tây, đậu đen, gạo đen, trái lựu và cà chua cũng chứa anthocyanin. Việc bổ sung những thực phẩm nhiều màu sắc vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp bạn có được nguồn dinh dưỡng toàn diện.
Trung y tin rằng ngũ hành – kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – tương ứng với ngũ tạng: phế (lá phổi), can (gan), thận, tâm (tim) và tỳ (lá lách). Ngũ tạng lại tương ứng với ngũ sắc: trắng, xanh lá cây, đen, đỏ và vàng. Vì vậy, ăn thực phẩm có màu sắc khác nhau có thể nuôi dưỡng các cơ quan tương ứng. Ví dụ, thực phẩm màu đỏ có ích cho tim; thực phẩm màu xanh bổ cho gan; thực phẩm màu đen tốt cho thận; thực phẩm màu trắng bổ cho phổi; và thực phẩm màu vàng bổ cho tỳ vị. Lý thuyết này có ý nghĩa bởi vì, từ góc độ sinh hóa, các hóa chất thực vật khác nhau có tác dụng khác nhau đối với sức khỏe; từ góc độ năng lượng của con người, thực phẩm có màu sắc khác nhau phù hợp với nhu cầu năng lượng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Chiết xuất anthocyanin
Anthocyanin rất hữu ích, vậy tại sao chúng ta không thể tiêu thụ trực tiếp chiết xuất anthocyanin? Có hai lý do chính:
Nguyên nhân đầu tiên là khi được chiết xuất từ thực phẩm, anthocyanin có thể không đến từ nguồn thực phẩm [tự nhiên] mà là một chất được tổng hợp qua các quá trình sinh hóa. Vì vậy, chúng ta không thể chắc chắn liệu chiết xuất anthocyanin có thực sự tự nhiên hay nguyên chất.
Nguyên nhân thứ hai là bất kỳ chất sinh hóa nào trong thực phẩm đều duy trì sự cân bằng với các chất sinh hóa khác. Thực vật cũng duy trì sự cân bằng của nhiều yếu tố khác nhau để sinh tồn. Việc tách chiết từ [hỗn hợp] các hóa chất thực vật sẽ khiến một hợp chất trở thành giống như thuốc. Chẳng hạn như phytoncide (chất diệt khuẩn có nguồn gốc thực vật) có những tác dụng và hoạt tính khác nhau trong cơ thể.
Đối với những người bị khối u và ung thư, [dùng] chiết xuất anthocyanin có thể hiệu quả hơn việc lấy anthocyanin từ thực phẩm. Tuy nhiên, từ góc độ phòng ngừa, tôi vẫn ủng hộ việc ăn uống nhiều thực phẩm [tự nhiên] và hạn chế chiết xuất. Tinh chất thường được dùng trong thời gian ngắn và có thể hiệu quả hơn trong việc điều trị bệnh.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times