Amidan: Người gác cổng thầm lặng của hệ miễn dịch mà nhiều người không biết

Loạt bài về Hệ miễn dịch kỳ diệu – Phần 1

Trong loạt bài “Hệ miễn dịch kỳ diệu” này, chúng ta sẽ khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch, vốn là những cơ quan hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ cơ thể. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những cách thiết thực để bảo vệ những món quà quan trọng mà Thần đã ban cho chúng ta.

Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta cơ hội duy nhất để khám phá sức mạnh thực sự của khả năng miễn dịch bẩm sinh – một món quà có sức mạnh to lớn. Với sức mạnh đáng kinh ngạc này, một số người đã có thể chống lại virus mà không gặp phải một triệu chứng nào.

Hệ miễn dịch kỳ diệu. (Ảnh: The Epoch Times)
Hệ miễn dịch kỳ diệu. (Ảnh: The Epoch Times)

Amidan là những hạch hình bầu dục, mềm, không có mô thịt và mỡ, đứng như những vệ sĩ ở cổng ngoài dẫn vào bên trong cơ thể. Amidan làm việc không mệt mỏi để bảo vệ chúng ta chống lại virus và vi trùng xâm nhập qua không khí và thực phẩm.

Hầu hết mọi người chỉ biết rằng đôi khi bác sĩ cắt amidan để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như viêm amidan kinh niên. Hiếm khi người ta mô tả về các hậu quả tiềm ẩn của quy trình này và vai trò thiết yếu của amidan.

Tóm tắt các thông tin chính

  • Amidan là một phần của hệ bạch huyết tạo thành một cấu trúc giống như người gác cổng ở vòm họng.
  • Do tầm quan trọng mang tính chiến lược trong hệ miễn dịch, amidan có cả vai trò “người gác cổng” và “sứ giả”.
  • Viêm amidan là một quá trình rèn luyện và trưởng thành của amidan.
  • Điều trị nội khoa viêm amidan bằng thuốc kháng sinh có thể có những hạn chế và tác dụng phụ.
  • Thảo dược tự nhiên có ích trong việc giảm các triệu chứng viêm amidan.
  • Kết hợp thuốc kháng sinh với các liệu pháp thảo dược tự nhiên có thể có tác dụng hiệp đồng.
  • Có một số cách để bảo vệ amidan.

Amidan hoạt động như người gác cổng

Khu vực amidan chứa rất nhiều tế bào miễn dịch.

Khi virus và vi khuẩn lọt qua miệng và mũi, amidan sẽ đứng sẵn sàng, 24 tiếng một ngày, bảo vệ cổ họng – cánh cổng của cơ thể.

Amidan là mô bạch huyết, được tạo thành từ bốn phần: vòm họng, hai amidan ống, hai amidan khẩu cái và amidan lưỡi. Bốn phần này tạo thành một vòng [bạch huyết] phòng thủ mạnh mẽ được gọi là vòng Waldeyer.

Amidan khẩu cái có khoảng 15 khoảng nhỏ (hố), làm tăng diện tích bề mặt để tăng khả năng lọc mầm bệnh bên ngoài.

Amidan vòm họng hay amidan hầu họng, là một khối mô bạch huyết tương tự như amidan khẩu cái treo ở phần sau trên khoang mũi, và không thể nhìn thấy được giống các phần khác của amidan. Amidan vòm họng có xu hướng co lại sau thời thơ ấu và thường biến mất gần như hoàn toàn ở tuổi thiếu niên.

Bốn phần của amidan tạo thành một cấu trúc giống như chiếc nhẫn được gọi là vòng Waldeyer. (Ảnh: The Epoch Times)
Bốn phần của amidan tạo thành một cấu trúc giống như chiếc nhẫn được gọi là vòng Waldeyer. (Ảnh: The Epoch Times)

Công việc chính của amidan là bẫy virus hoặc vi trùng từ thực phẩm và không khí. Cơ thể thường cung cấp máu nhiều hơn đến khu vực amidan thường để chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường.

Tóm lại, vai trò của amidan là bảo vệ cơ thể của chúng ta. Nếu những người gác cổng này ngủ gật, thì kẻ thù, chẳng hạn như virus, sẽ lẻn vào. Amidan sử dụng các giác quan nhạy cảm để đề phòng những kẻ xâm lược. Mô bạch huyết này có thể xác định và loại bỏ virus COVID-19 và các biến thể cũng như hàng nghìn loại virus khác.

Hơn nữa, theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 08/03/2023 trên tập san Nature (Tự nhiên,) các tế bào thần kinh amidan có thể truyền các phân tử truyền tin đến não để khởi phát các hành vi ốm yếu khi bị nhiễm cúm khiến cơ thể nghỉ ngơi hoặc ăn ít hơn. Điều này củng cố vai trò của amidan với tư cách là người gác cổng và sứ giả của cơ thể.

Tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm sức mạnh của amidan. Một dấu hiệu phổ biến của bệnh tật là đau họng hoặc khó chịu ở cổ họng. Mặc dù chúng ta có thể xem đó là một căn bệnh nhỏ, nhưng chúng ta có thể không biết rằng chính amidan đã đưa ra cảnh báo về sự vi phạm hệ miễn dịch và chúng ta nên chuẩn bị tinh thần chiến đấu.

Vai trò thiết yếu trong hệ miễn dịch

Amidan có một lớp tế bào biểu mô đóng vai trò là tế bào tín hiệu tiền tuyến giúp phát hiện và loại bỏ các dị vật.

Các tế bào này được kết nối bằng các mối nối chặt chẽ, tạo thành một hàng rào vững chắc chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập. Nếu cảm thấy rằng những kẻ xâm lược có thể đã vượt quá khả năng loại bỏ của mình, các tế bào biểu mô sẽ truyền tín hiệu cho các đội quân miễn dịch khác.

Nhiều tế bào miễn dịch có cấu tạo đặc biệt để chuyên thực hiện các chức năng khác nhau. Ví dụ, một số tế bào bắt giữ và hấp thụ các kháng nguyên của virus và vi khuẩn, một số tế bào gửi tín hiệu cho những tế bào khác, một số rất giỏi trong việc tiêu diệt virus trực tiếp và những tế bào khác có thể tạo ra kháng thể.

Các kháng thể, một loại protein, có thể liên kết với các đoạn protein đặc trưng trên bề mặt của virus để vô hiệu hóa và loại bỏ virus khỏi cơ thể.

Amidan chứa nhiều tế bào miễn dịch như vậy có thể tạo ra nhiều loại kháng thể khác nhau (ví dụ: IgA, IgD, IgE, IgG và IgM). Các loại kháng thể khác nhau giống như anh chị em trong một đại gia đình, được tạo ra vào những thời điểm khác nhau trong quá trình nhiễm trùng hoặc trong điều kiện bất thường. Mỗi loại nhắm vào các tế bào hoặc mô khác nhau.

Trong quá trình phát triển của thai nhi, amidan là một trong những khu vực đầu tiên có nhiều tế bào miễn dịch phát triển do vị trí chiến lược của chúng. Amidan phát triển sớm, vào khoảng tuần thứ 14 của thai kỳ.

Nghiên cứu gần đây chứng minh rằng, giống như tuyến ức, amidan có biểu hiện các chất trung gian phát triển tế bào T giống với các chất trung gian trong tuyến ức và tủy xương. Phát hiện đó có thể có ý nghĩa khoa học và lâm sàng quan trọng vì tế bào T là một loại tế bào bạch cầu quan trọng, là xương sống của phản ứng miễn dịch thích nghi.

Viêm amidan: Quá trình học hỏi để trở nên mạnh mẽ hơn

Trong cuộc chiến mệt mỏi chống lại virus hoặc vi khuẩn, amidan có thể to ra, sưng tấy, và đỏ. Tình trạng này thường gây ra cảm giác khó chịu ở vùng cổ họng. Đó là những dấu hiệu viêm amidan điển hình. Sưng tấy là do tích tụ dịch bạch huyết, virus, vi khuẩn và tế bào miễn dịch. Màu đỏ là kết quả của việc tăng lưu lượng máu đến khu vực này.

Trong 50% đến 80% các trường hợp viêm amidan cấp tính, các loại virus như Epstein-Barr, virus mũi, virus hợp bào hô hấp, adenovirus và coronavirus là nguyên nhân. Trong 5% đến 36% các trường hợp, nhiễm trùng là do vi khuẩn gây ra, với liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A là loại phổ biến nhất.

Viêm amidan thường xảy ra trong thời kỳ tuổi trẻ, khi đó amidan chưa đủ mạnh để chống lại virus và vi khuẩn một cách hiệu quả, bất chấp những cố gắng tốt nhất của chúng. Viêm amidan phát triển không nhất thiết có nghĩa là hệ miễn dịch yếu. Trên thực tế, tình trạng này thường gợi ý rằng hệ miễn dịch đang phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn khi học cách chống lại những kẻ xâm lược.

Viêm amidan tái phát khi còn trẻ cho thấy sự tương tác giữa amidan, hệ miễn dịch và virus, vi trùng bên ngoài. Bị viêm amidan không có nghĩa là amidan không làm nhiệm vụ. Điều đó có nghĩa là chúng đang phải vật lộn trong cuộc chiến. Amidan của người trẻ tuổi cần thời gian để phát triển mạnh hơn. Viêm amidan cho thấy rằng cơ quan này đang quá tải và đó là tín hiệu cần giúp đỡ.

Phương pháp điều trị viêm amidan và những hạn chế

Khi amidan đã kiệt sức, bất kỳ phương pháp nào có thể giúp tiêu diệt virus hoặc vi trùng, giảm viêm nhiễm, nâng cao miễn dịch đều giúp amidan phục hồi.

Y học hiện đại chủ yếu tập trung vào điều trị các triệu chứng của viêm amidan cấp tính bằng cách bù dịch cho cơ thể, hoặc các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, hạ sốt, và corticosteroid để giảm viêm.

Thuốc kháng sinh sẽ được kê toa nếu vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng nề. Tuy nhiên, dùng nhiều kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Kháng sinh cũng làm hỏng hệ vi sinh vật vốn có vai trò thiết yếu trong chức năng miễn dịch.

Một số loại thuốc dùng để điều trị viêm amidan cấp tính có tác dụng phụ, chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid.

Thủ thuật cắt amidan đôi khi được chỉ định để điều trị viêm amidan cấp tính tái phát. Thủ thuật được thực hiện khi hết đợt nhiễm trùng cấp tính nhưng có thể có hạn chế về lợi ích lâu dài.

Bên cạnh thuốc kháng sinh và các giải pháp can thiệp y tế khác, các loại thảo mộc tự nhiên có thể giúp amidan đẩy lùi mầm bệnh và chữa lành. Kết hợp các hình thức trị liệu khác nhau có thể tạo ra tác dụng hiệp đồng nhờ các cơ chế hoạt động khác nhau.

Các cách hiệp đồng trong điều trị viêm amidan

1.Echinacea (hoa cúc tím) với Azithromycin

Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu tiến cứu, ngẫu nhiên, có đối chứng trên 300 trẻ em bị viêm amidan tái phát nhằm đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị dự phòng để ngăn ngừa tái phát. Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng kết hợp echinacea có bán trên thị trường với kháng sinh azithromycin đem lại kết quả tốt hơn so với chỉ sử dụng azithromycin. Azithromycin đã được báo cáo là gây ra các tác dụng phụ, bao gồm các biến cố về tim gây tử vong, vì vậy cần thận trọng.

Echinacea có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như chất bổ sung, chất lỏng, kem, nước súc miệng và thuốc xịt họng. Liều lượng của echinacea khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để xác định loại sản phẩm và liều lượng thích hợp cho một tình trạng cụ thể.

2.Trà xanh

Trà xanh là một nguồn dồi dào chất chống oxy hóa với đặc tính chống viêm. Trà xanh cũng có thể giúp giảm các triệu chứng đau họng xuất hiện phổ biến trong viêm họng (viêm phía sau cổ họng), thường đi kèm với viêm amidan. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trong Anesthesiology and Pain Medicine (Tập san Thuốc gây mê và Thuốc giảm đau) rằng súc miệng bằng trà xanh giúp tránh các triệu chứng đau họng ở bệnh nhân sau phẫu thuật.

3.Rễ cam thảo, rễ dâu tây, cỏ xạ hương và kinh giới

Một nghiên cứu trong ống nghiệm đã điều tra xem liệu nước thuốc sắc gồm 13 loại thảo mộc khác nhau có thể giúp chống lại viêm họng do liên cầu khuẩn, loại nhiễm trùng phổ biến nhất ở cổ họng. Viêm họng và viêm amidan là những tình trạng liên quan chặt chẽ với nhau, thường có cùng nguyên nhân và cách điều trị. Các loại thảo mộc hiệu quả nhất cho viêm họng theo nghiên cứu bao gồm:

  • Rễ cam thảo, có tác dụng nhanh nhất và mạnh nhất
  • Rễ dâu tây
  • Xạ hương
  • Chồi hoa kinh giới

4.Bồ công anh, bạc hà và hoàng cầm

Một phân tích gộp được công bố trên Cochrane, đã phân tích 12 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá các loại thuốc thảo dược Trung Hoa để điều trị viêm họng và viêm amidan với 1,954 người tham gia. Các giải pháp khắc phục sau đây được phát hiện là hiệu quả hơn thuốc kháng sinh trong các nghiên cứu.

Bồ công anh hiệu quả hơn sodium penicillin đối với viêm amidan cấp tính có mủ.

Một hỗn hợp điều trị khác hiệu quả hơn so với thuốc hít nguyên tử gentamicin (khí dung) đối với viêm họng cấp tính, chủ yếu chứa các loại thảo mộc sau:

  • Bạc hà
  • Hoàng cầm
  • Hoa cúc dại
  • Cây Kim ngân hoa
  • Diếp cá

5.Sho-Saiko-To

Một công thức gọi là “Sho-saiko-to” từ lâu đã được ghi trong sách Trung y để điều trị viêm họng hoặc viêm amidan. Công thức bao gồm sáu loại thảo mộc:

  • Sài hồ
  • Rễ Hoàng cầm
  • Rễ Nhân sâm
  • Củ thông
  • Rễ cam thảo
  • Củ gừng

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thử nghiệm và cho biết công thức điều chỉnh, Sho-saiko-to-ka-kikyo-sekko làm giảm các đợt viêm amidan kinh niên trong hơn hai năm trong một thử nghiệm lâm sàng nhỏ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân thậm chí còn hủy bỏ kế hoạch cắt amidan. Công thức này có thêm thạch cao, rễ Cát cánh và quả Táo tàu.

6.Thảo dược Trung Quốc

Một phân tích tổng hợp của 110 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đã xem xét 12,152 bệnh nhân bị viêm amidan cấp tính. Kết quả phát hiện ra rằng việc kết hợp chích thảo dược Trung Hoa với thuốc Tây giúp cải thiện 89.5% hiệu quả lâm sàng, giảm thời gian giảm đau họng, amidan sưng đỏ và tiết dịch amidan từ 76.8% đến 94.8%, và có tỷ lệ tác dụng phụ phản ứng ít hơn 4.62%.

Các hoạt chất chính bao gồm:

  • Liên kiều
  • Phan tả diệp
  • Kim ngân
  • Hoàng cầm (thành phần chính: Baicalin)
  • Tùng lam
  • Dành dành

Mẹo bảo vệ amidan

Do vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại virus và vi trùng, nên việc duy trì và tối ưu hóa chức năng của amidan là điều nên làm.

Hầu hết các loại virus và vi khuẩn được truyền qua không khí. Amidan rất dễ bị quá tải khi sống trong môi trường có nhiều mầm bệnh.

  • Một gợi ý đơn giản là giữ cho không gian sống sạch sẽ và thông thoáng để giảm nguy cơ phơi nhiễm. Ngoài ra, tránh khói thuốc là rất quan trọng, vì khói thuốc chứa các chất độc hại.
  • Giữ cho cơ thể đủ nước cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của cổ họng. Duy trì độ ẩm không khí và uống nước đầy đủ có thể giúp amidan luôn khỏe mạnh.
  • Thực phẩm và thức uống là những nguồn mầm bệnh khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cổ họng, vì mọi thứ chúng ta tiêu thụ đều đi qua khu vực này. Để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm, hãy ăn thực phẩm hữu cơ, bổ dưỡng, nguyên chất. Ăn nhiều rau và trái cây sẽ trợ giúp hoạt động cơ bản của hệ miễn dịch.

Việc kết hợp nhiều giải pháp khắc phục có nguồn gốc tự nhiên hơn vào thói quen hàng ngày, cũng có thể nâng cao hệ miễn dịch và trợ giúp amidan tốt hơn để giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.

Trong bài viết tiếp theo: Cắt amidan: Thủ thuật ‘nhỏ’ – rủi ro lớn về lâu dài

Cắt amidan, hoặc phẫu thuật cắt bỏ amidan, là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Mặc dù lợi ích của việc giảm nhiễm trùng cổ họng là rõ ràng trong vòng một năm sau khi cắt amidan, nhưng không kéo dài quá một năm. Một nghiên cứu đã theo dõi một nhóm lớn gồm hơn 1.18 triệu trẻ em Đan Mạch trong 10 đến 30 năm – kết quả thật đáng ngạc nhiên.

Lời cảm ơn: Chúng tôi cảm ơn Tiến sĩ Jonathan Liu đã xem xét công thức thảo dược trong bài viết này.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Yuhong Dong, M.D., Ph.D.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ, phụ trách chuyên mục Sức khỏe của The Epoch Times. Và là cựu chuyên gia khoa học y tế cao cấp và lãnh đạo cảnh giác dược tại Trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ. Bà đã từng đoạt giải thưởng Novartis trong bốn năm. Bà có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư học, thần kinh học và nhãn khoa, đồng thời cũng có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Bà lấy bằng bác sĩ và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn