EMF có thể là tác nhân gây ung thư cho con người
EMF: Hiểm họa vô hình (Phần 4)
Theo dõi loạt bài “EMF: Hiểm họa vô hình” tại đây.
Phần 1: Tại sao các nhà khoa học lo lắng về 5G?
Phần 2: Hội chứng vi sóng đang gia tăng một cách đáng lo ngại
Phần 3: Vì sao Wi-Fi, Bluetooth, điện thoại di động lại gây hại cho tế bào?
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá các trường điện từ vô hình nhưng có mặt khắp nơi từ các thiết bị điện tử gia dụng thông thường đến 5G và tác động tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe.
Nhiều người biết tia cực tím và tia X có thể gây ung thư.
Đây là những trường điện từ tần số cao (EMF) có ion hoá. Các EMF ion hóa được coi là chất gây ung thư, trong khi các EMF không ion hóa như Wi-Fi, tín hiệu Bluetooth và các trường từ các thiết bị điện tử thường không gây ung thư. Cách hiểu này phổ biến trong suy nghĩ của công chúng nhiều thập niên qua.
Tuy nhiên, ít người biết rằng một số EMF không ion hóa nhất định cũng được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là chất gây ung thư loại 2B — nghĩa là có tiềm năng gây ung thư ở người.
Tiến sĩ David Carpenter là giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học University of Albany và có bằng tiến sĩ y khoa tại Trường Y khoa Harvard, lưu ý rằng tần số vô tuyến, vốn là một loại bức xạ không ion hóa được sử dụng trong viễn thông, rốt cuộc có thể xếp vào phân nhóm 2A, nghĩa là có thể gây ung thư ở người.
Quá trình oxy hóa, biến đổi DNA và ung thư
Ung thư thường do đột biến hoặc biến đổi DNA. Các yếu tố như nhiễm virus, phóng xạ và độc tố môi trường có thể gây ra những biến đổi này.
Các EMF ion hóa gây tổn thương DNA một cách trực tiếp. Tia cực tím, tia X và tia gamma loại bỏ các electron khỏi DNA, gây ra đột biến. Đột biến tích lũy dẫn đến ác tính hoá tế bào. Cơ thể đã quen với tổn thương như vậy với một lượng nhất định, đặc biệt là từ ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu lượng tổn thương quá nhiều thì lại là một vấn đề khác.
Bức xạ không ion hóa không có đủ năng lượng để trực tiếp làm tổn thương DNA. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc EMF không ion hóa với sự phá vỡ DNA. Các tế bào từ động vật tiếp xúc EMF và người dùng điện thoại đều cho thấy có tổn thương gene.
Ung thư cũng có thể đơn thuần do căng thẳng sinh lý gây ra. Ví dụ như amiăng và thạch tín đều gây ung thư dù DNA không chịu tổn hại trực tiếp.
Vì lý do này, tiến sĩ Carpenter cho rằng EMF có thể gây ung thư chỉ bằng cách tạo ra “các dạng oxy hoạt động” gây căng thẳng cho môi trường tế bào qua quá trình oxy hóa. Quá trình oxy hóa do EMF tạo ra đã được chứng minh là phá vỡ DNA trong tế bào tinh trùng và nguyên bào sợi của con người, cho thấy EMF có tiềm năng gây ung thư.
Giáo sư danh dự Martin Pall, chuyên về hóa sinh và y khoa cơ bản tại Đại học Washington State University, giải thích rằng các EMF rất phức tạp ở chỗ EMF mạnh hơn không nhất thiết có nghĩa là DNA bị tổn hại nhiều hơn. Thay vào đó, chỉ những tần số và cường độ cụ thể mới gây ra ảnh hưởng.
Điều này được chứng minh trong một nghiên cứu gần đây của Đại học University of Colorado, phát hiện thấy ở tần số 4.2 megahertz (MHz), nguyên bào sợi của con người và ty thể fibrosarcoma tăng khối lượng, gây căng thẳng cho tế bào. Ảnh hưởng này không có ở tần số cao hơn cũng như thấp hơn.
Theo IARC, các EMF không ion hóa có thể gây ung thư bao gồm:
- Các EMF tần số cực thấp thường có tần số từ 50 đến 60Hz phát ra từ dây điện, dây điện tử và hầu như tất cả các thiết bị chạy bằng điện.
- Các EMF tần số vô tuyến phát ra từ các thiết bị không dây như điện thoại, modem Wi-Fi, TV và tháp điện thoại di động được sử dụng trong viễn thông, và cũng được dùng trong chụp cộng hưởng từ (MRI).
Nghiên cứu cho thấy nhiễm sắc thể bị đứt gãy sau các lần chụp cộng hưởng từ (MRI).
IARC đánh giá tần số vô tuyến thuộc phân nhóm 2B thay vì 2A, với một trong những lý do là thiếu bằng chứng liên quan đến ung thư trong các nghiên cứu trên động vật.
Ngược lại, nghiên cứu của U.S. National Toxicology Program (Chương trình Chất độc Quốc gia Hoa Kỳ) năm 2018 đã đưa ra “bằng chứng rõ ràng” về các khối u tim do tần số vô tuyến gây ra ở chuột, cùng với “một số bằng chứng” về ung thư não và tuyến thượng thận.
Nghiên cứu năm 2018 của Viện Ramazani cũng thấy các khối u ở tim và não chuột, phù hợp với những phát hiện kể trên.
EMF và ung thư não
Kjell Hansson Mild, chuyên gia tư vấn cao cấp về khoa học bức xạ tại Đại học Umea, Thụy Điển, nói với The Epoch Times rằng mối liên hệ giữa phơi nhiễm EMF với ung thư não và các khối u là rõ ràng.
Một nghiên cứu từ những năm 1980 cho thấy do tiếp xúc với các EMF, nguy cơ ung thư não cao hơn 39% ở những người điều hành đài phát thanh nghiệp dư.
Giáo sư danh dự Magda Havas nói với The Epoch Times qua email rằng, “U thần kinh đệm não liên quan đến điện thoại di động được nghiên cứu nhiều nhất. Các u thần kinh đệm xuất hiện sau 10 năm sử dụng điện thoại di động vừa phải, chủ yếu là ung thư cùng bên (ung thư ở cùng một bên đầu nơi bạn cầm điện thoại di động).”
U thần kinh đệm là ung thư não ác tính.
Một nghiên cứu năm 2017 đã liên kết việc sử dụng điện thoại di động cùng bên trong thời gian dài với tăng 40% nguy cơ bị bệnh u thần kinh đệm phát triển chậm. Một nghiên cứu lớn của Pháp được tiến hành từ năm 2004 đến năm 2006 phát hiện thấy những người “sử dụng điện thoại di động nhiều” tăng nguy cơ bị bệnh u thần kinh đệm sau nhiều năm sử dụng.
Năm 2004, bác sĩ chuyên khoa ung thư kiêm giáo sư Lennart Hardell tại Đại học Orebro, Thụy Điển đã công bố một nghiên cứu liên quan đến hơn 1,600 bệnh nhân bị u não lành tính. Nghiên cứu của ông cho thấy khả năng bị u não cao hơn 30% ở những người sử dụng điện thoại không dây. Những khối u này chủ yếu phát triển ở bên đầu tiếp xúc với điện thoại, với nguy cơ cao hơn 60% sau 10 năm sử dụng điện thoại.
Các khối u lành tính thường không trở thành ung thư; mà phát triển chậm hơn và không xâm lấn các mô lân cận hoặc các vùng khác của cơ thể.
Một nghiên cứu khác của Thụy Điển vào năm 2004 cho thấy trong năm đầu tiên dùng điện thoại, không có sự gia tăng nguy cơ bị u dây thần kinh thính giác (u não lành tính). Tuy nhiên, đến năm thứ 10, nguy cơ tăng lên đến 90%.
Nghiên cứu khác về những khối u não đến từ các công trình liên quan với tiếp xúc nghề nghiệp.
Vào cuối những năm 1990, một nghiên cứu tiến hành trên khoảng 880,000 nhân viên Lực lượng Không quân Hoa Kỳ với ít nhất một năm phục vụ. Nghiên cứu này phát hiện 230 trường hợp ung thư não có khả năng liên quan đến phơi nhiễm tần số vô tuyến, cho thấy nguy cơ do tiếp xúc nghề nghiệp tăng cao hơn 39%. Năm 2001, một bài tổng quan chứng minh rằng những người làm việc với điện phải đối mặt với nguy cơ phát triển ung thư não cao hơn tới 20% so với người bình thường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rủi ro này là quá thấp để đảm bảo một cuộc thảo luận về quan hệ nhân quả.
Mặc dù mức độ phơi nhiễm tần số vô tuyến môi trường trong công chúng ngày càng tăng, nhưng mối quan tâm chính của ông Hansson Mild là đường dây điện và tiếp xúc nghề nghiệp.
Ông lưu ý rằng điện thoại di động được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây phát ra tín hiệu mạnh hơn so với điện thoại ngày nay.
Ông Hansson Mild nói rằng, “Ngày nay, bạn chỉ cần đi 200m là tới trạm tiếp theo. Nhưng trước kia, bạn phải đi 35km mới đến được trạm gốc.”
Bà Havas nhấn mạnh rằng bức xạ tần số vô tuyến vẫn gây nguy hiểm cho sức khỏe do mức độ phổ biến ngày nay cao hơn, dù trước đây điện thoại phát ra bức xạ mạnh hơn.
Trong quá khứ không phải ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại nhưng hầu hết mọi người ngày nay đều có một chiếc điện thoại không dây.
Bà Havas cho biết, “Hiện nay có rất nhiều người sử dụng điện thoại di động nên vẫn phát ra nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, đồng thời các khối u não (u thần kinh đệm) đang gia tăng trong dân số. Ngoài điện thoại di động ra thì rất nhiều thiết bị không dây hiện nay đang phát ra bức xạ tần số vô tuyến, như Wi-Fi, đồng hồ thông minh, điện thoại không dây, thiết bị không dây giám sát trẻ nhỏ, đồng hồ thông minh, v.v…, những thiết bị này hoạt động 24/7 ở hầu hết các gia đình, trường học và các cơ sở làm việc.”
EMF và bệnh bạch cầu ở trẻ em
Một trong số công trình sớm nhất liên kết các EMF không ion hóa với bệnh ung thư là các nghiên cứu về bệnh bạch cầu.
Tiến sĩ Carpenter nói rằng, “Từ Hiroshima và Nagasaki, chúng tôi biết rằng [thời gian tiềm tàng của bệnh bạch cầu] có thể là từ 5 đến 7 năm nhưng đối với bệnh ung thư não, khi bạn xem xét bức xạ ion hóa hoặc phơi nhiễm hóa chất, thời gian từ khi phơi nhiễm đến khi phát hiện ung thư thường là 20 đến 30 năm.”
Ông giải thích rằng thời gian tiềm tàng ngắn hơn giúp việc nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn.
Bệnh bạch cầu có liên quan chặt chẽ với phơi nhiễm EMF tần số cực thấp (ELF) thông qua đường dây điện và hệ thống dây điện trong nhà. Dòng điện tạo ra từ trường mạnh có thể xuyên qua tường và kính. (Chúng tôi sẽ giải thích chi tiết hơn trong các bài viết sau.)
Một trong những nghiên cứu đầu tiên điều tra mối liên hệ này đến từ một bài viết năm 1979 về bệnh bạch cầu ở Colorado. Các tác giả nhận thấy rằng từ năm 1976 đến năm 1977, tại các gia đình sống gần đường dây điện cao thế, tỷ lệ bệnh ung thư ở trẻ em vùng này không cân xứng so với vùng khác.
Nguy cơ bị ung thư dường như cũng có liên quan đến liều lượng; chẳng hạn, những trẻ không di dời nơi ở có nguy cơ bị ung thư cao nhất.
Các nghiên cứu từ đầu những năm 2000 cho thấy trẻ tiếp xúc với từ trường 0.3 đến 0.4 microtesla có nguy cơ bị bệnh bạch cầu trẻ em tăng gấp đôi so với trẻ tiếp xúc với từ trường dưới 0.1 microtesla.
Con số giới hạn an toàn chính thức đối với từ trường cao hơn nhiều, ở mức 100 microtesla.
EMF và ung thư vú
Ung thư vú, đặc biệt là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen (dùng hormone estrogen để phát triển), có mối liên hệ chặt chẽ với các EMF tần số cực thấp.
Nghiên cứu được công bố từ những năm 1990 cho thấy EMF từ 50Hz đến 60Hz thúc đẩy sự phát triển ung thư vú trong môi trường nuôi cấy tế bào, bằng cách ngăn chặn hoạt động của melatonin, một tác nhân chống khối u giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u.
EMF tần số cực thấp cũng được chứng minh là có tác dụng ức chế thuốc điều trị ung thư vú là tamoxifen trong môi trường nuôi cấy tế bào người. Tamoxifen cũng được sử dụng để ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các nghiên cứu dịch tễ học trên nam và nữ cho thấy các EMF làm tăng nguy cơ ung thư vú ở cả hai giới.
Tần số vô tuyến từ điện thoại di động cũng có liên quan đến ung thư vú.
Một nghiên cứu của Đài Loan năm 2020 về phụ nữ bị ung thư vú cho thấy những người có thói quen sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 43%.
Những phụ nữ thường xuyên đặt điện thoại di động áp vào ngực cũng có thể có nguy cơ cao hơn. Điều này đã được minh họa trong một nghiên cứu năm 2013 của Mỹ về bốn trường hợp ung thư vú bất thường ở phụ nữ dưới 40 tuổi không có tiền sử gia đình hoặc khuynh hướng di truyền.
Ung thư vú thường xảy ra ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có tiền sử gia đình hoặc khuynh hướng di truyền nhất định. Do đó, các tác giả đã tìm kiếm những lý do khác và phát hiện thấy tất cả các bệnh nhân này thường xuyên để điện thoại thông minh áp sát vào ngực tới 10 tiếng mỗi ngày trong vài năm, đồng thời phát triển khối u ở vùng ngực ngay bên dưới chỗ đặt điện thoại.
Những khó khăn trong nghiên cứu
Theo tiến sĩ Carpenter, việc chứng minh EMF chắc chắn gây ung thư vẫn còn là một thách thức, dù đã có các nghiên cứu như trên.
Do việc sử dụng rộng rãi điện và viễn thông trên toàn cầu, việc tìm kiếm một nhóm không tiếp xúc để so sánh trong các nghiên cứu về tỷ lệ ung thư đã trở nên gần như không thể.
Một vấn đề khác là sinh học rất phức tạp; không phải tất cả các tế bào đều phản ứng với EMF và không phải tất cả EMF đều gây ra phản ứng sinh học. Các tế bào có thể hoạt động rất khác nhau tùy thuộc vào các quá trình sinh hóa bên trong tế bào tại thời điểm tiếp xúc. Thậm chí các mẫu của cùng một dòng tế bào từ cùng một phòng thí nghiệm cũng có thể phản ứng khác nhau với EMF.
Ngoài ra còn có nghiên cứu đứng đầu bởi các nhà khoa học thiếu kinh nghiệm trong việc nghiên cứu tác động của EMF. Chẳng hạn, các nhà khoa học thử nghiệm từ trường đối với tế bào được nuôi cấy trong lồng ấp, nhưng họ có thể bỏ qua việc chính lồng ấp có thể phát ra từ trường mạnh hơn, khiến nghiên cứu mất đi giá trị.
Động cơ tài chính của ngành công nghiệp cũng có thể góp phần vào mối liên hệ không rõ ràng giữa EMF và bệnh ung thư. Nghiên cứu độc lập của tiến sĩ Carpenter và giáo sư danh dự Henry Lai từ Đại học University of Washington cho thấy các nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ thường không tìm thấy mối liên hệ nào giữa EMF và ảnh hưởng sức khỏe. Ngược lại, nghiên cứu độc lập và được chính phủ tài trợ có xu hướng phát hiện ra mối liên hệ.
Tiến sĩ Carpenter nói, “Nếu thiết kế một nghiên cứu sai lầm, bạn sẽ luôn không thể tìm thấy bất kỳ ảnh hưởng nào. Tôi cho rằng theo nhiều cách, ngành viễn thông đã cố tình làm vấn đề trở nên kém rõ ràng và khó hiểu hơn bằng cách tài trợ cho việc công bố các kết quả vốn được thiết kế để không cho ra tác động nào.”
Ông nói tiếp, “Và do đó”, họ tuyên bố rằng kết luận EMF gây ung thư là “không nhất quán và không thuyết phục.”
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times