Bệnh Lupus: Chăm sóc cá nhân giúp cải thiện và giải quyết triệu chứng
Trong khi chăm sóc dự phòng có thể ngăn chặn sự tiến triển của lupus, nhưng chăm sóc y tế vẫn rất quan trọng. Mô hình y học lối sống cá nhân hóa để kiểm soát bệnh tự miễn nhằm làm giảm tình trạng viêm và tự miễn do Lupus là khác nhau ở mỗi người.
Mô hình chăm sóc cá nhân để kiểm soát bệnh lupus bao gồm việc xác định các yếu tố kích hoạt miễn dịch – thực phẩm, hóa chất, nhiễm trùng, tác nhân gây căng thẳng – đồng thời giúp bệnh nhân thay đổi cách ăn uống và lối sống để làm giảm tình trạng viêm và tự miễn.
Lupus là một trong những bệnh tự miễn đa dạng nhất mà tôi từng gặp trong hơn 20 năm điều trị bệnh tự miễn.
Do ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, bệnh lupus thường khó chẩn đoán và kiểm soát. Lupus cũng gây ra những ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, chẳng hạn như tổn thương mạch máu, điều mà tôi sẽ minh họa trong trường hợp dưới đây.
Lupus có tên chính thức là lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Mặc dù các nhà nghiên cứu đã định danh nhiều loại lupus, nhưng trên thực tế, bệnh lupus có thể biểu hiện theo nhiều cách ở những người khác nhau.
Vì lupus là bệnh tự miễn tấn công vào DNA, bệnh có thể biểu hiện ở khớp, não, da, các cơ quan hoặc nhiều mô khác nhau, khiến căn bệnh rất khó chẩn đoán.
Ví dụ, một người nào đó bị đau khớp và chưa được chẩn đoán bệnh lupus có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa thấp khớp, nhưng xét nghiệm viêm khớp dạng thấp lại cho kết quả âm tính.
Hoặc họ có thể gặp tình trạng tăng chỉ dấu của thận, nhưng phòng thí nghiệm không thể làm thêm xét nghiệm khác, nên họ cần được theo dõi thêm.
Một số khác có triệu chứng thần kinh khó hiểu, và một số bị ban da kinh niên hoặc có triệu chứng giống viêm da cơ địa. Nhưng hiếm khi các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh lupus trong những tình huống này.
Khi mô hình chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn tìm kiếm dấu hiệu suy tạng hoặc phát ban hình cánh bướm trên mặt để sàng lọc lupus, những triệu chứng này có thể không bao giờ xuất hiện ở nhiều bệnh nhân. Phát ban hình cánh bướm đặc trưng cũng có thể xuất hiện ở chân hoặc tay. Đó là lý do vì sao có thể mất hàng thập niên để chẩn đoán bệnh lupus.
Sàng lọc ban đầu cho lupus là xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA). Điều quan trọng là, đôi khi xét nghiệm kháng thể có thể cho kết quả âm tính do chức năng miễn dịch dao động và cần làm xét nghiệm lại. Một bảng đánh giá lupus hoàn chỉnh hơn là sàng lọc kháng thể chống lại nhiều đoạn DNA khác nhau để xác nhận chẩn đoán lupus trong mô hình chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn.
Khi bệnh lupus ảnh hưởng đến hệ thần kinh và não, các triệu chứng gồm có sương mù não, trầm cảm, vấn đề về trí nhớ, thay đổi hành vi, lú lẫn, đau nửa đầu và đột quỵ.
Khi hệ tim mạch bị ảnh hưởng, chẳng hạn như ở bệnh nhân bên dưới, các dấu hiệu có thể gồm xơ cứng động mạch, bệnh động mạch vành và đau tim.
Da là một cơ quan đích tấn công khác của bệnh với biểu hiện phát ban, đau và loét.
Khi điều trị bệnh tự miễn như lupus, không quan trọng mô nào bị tấn công—chiến lược chính là tìm ra tác nhân gây viêm và làm bùng phát bệnh, đồng thời loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân đó.
Đa số bệnh nhân tự miễn cũng phải tuân theo cách ăn uống và lối sống chống viêm để ổn định chức năng miễn dịch và đẩy nhanh quá trình giảm viêm.
Bệnh tự miễn hiện đang phổ biến hơn bao giờ hết, mặc dù số liệu thống kê cho thấy phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn và tỷ lệ được chẩn đoán có thể gấp đôi so với nam giới.
Các bệnh tự miễn phổ biến bao gồm viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, bạch biến, bệnh celiac, bệnh Graves, tiểu đường type 1, lupus và một số bệnh ruột viêm. Để tìm hiểu thêm về tự miễn dịch, vui lòng đọc các bài viết của tôi về chủ đề này trên The Epoch Times.
Câu chuyện của cô Marta: Lupus và hệ tim mạch
Tôi đã chứng kiến những bệnh nhân bị rối loạn thần kinh và tình trạng tự miễn kinh niên phức tạp. Vì bệnh lupus của cô Marta ảnh hưởng đến hệ tim mạch, có thể nói cô là một trong những trường hợp nguy kịch hơn cả.
Cô Marta trông rất khỏe mạnh. Không ai nhìn và nghĩ rằng cô đang bị lupus thể nặng.
Tuy nhiên, chỗ sưng của cô tệ đến nỗi đôi tất bó chặt vào mắt cá chân và làm đau nhức ngón chân. Cô cảm thấy như luôn đắp một chiếc chăn trên người. Cô thức dậy với tình trạng cứng người, đau nhức và sương mù não. Tầm nhìn của cô mờ đi, và cô bị chứng đau nửa đầu và đau ngực kinh niên.
Cô Marta lên cơn nhồi máu cơ tim vào ngày thứ ba sau sinh nhật lần thứ 40. Người ta tin rằng bệnh lupus đã gây ra cơn đau tim vì khi bác sĩ phẫu thuật cố gắng đặt stent vào động mạch, động mạch bị rách và cuộc phẫu thuật đã không thành công. Cô được chẩn đoán bị bệnh lupus ngay sau đó.
Bệnh tự miễn thường không biểu hiện trong một đêm, mà tiến triển trong nhiều năm, phá hủy các mô cho đến khi triệu chứng trở nên trầm trọng đủ để chẩn đoán. Bạn không bị đau tim và phải phẫu thuật động mạch trong một sớm một chiều. Thay vào đó, đây là kết quả của tình trạng viêm và tổn thương lâu dài ở động mạch.
Các triệu chứng của cô Marta bắt đầu xuất hiện vào năm 2000 với cảm giác tê và ngứa ở bên trái khuôn mặt. Cô được kê gabapentin, một loại thuốc chống co giật để điều trị đau dây thần kinh. Sưng bàn tay và bàn chân cũng là một tác dụng phụ phổ biến, khiến bệnh càng khó chẩn đoán trong tương lai.
Bác sĩ của cô đã không xem xét tình trạng này có thể là bệnh tự miễn thần kinh.
Cô xuất hiện một cơn đau tim một năm sau đó, khiến cô bị đau ngực, khó thở, tăng cân, sưng khắp cơ thể và cảm thấy nặng nề do chứng viêm toàn thân trầm trọng.
Các triệu chứng của Marta tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Cô bị đau lưng, đau khớp và thoái hóa cột sống sớm, và rất dễ bị bầm tím. Những triệu chứng này cho thấy tình trạng tự miễn ở khớp và dễ bị bầm tím thường là triệu chứng của bệnh tự miễn kháng phospholipid, có thể xảy ra ở một tình trạng rối loạn nguyên phát hoặc trong bệnh cảnh lupus.
Khi cô Marta đến gặp tôi, mọi thứ trên cơ thể cô đều đang tổn thương. Cô bị đau nửa đầu dù đã dùng thuốc điều trị. Cô cũng được phục hồi chức năng tim ba lần một tuần.
Cô cũng có một số triệu chứng liên quan đến thận và các chỉ dấu gợi ý nhiễm trùng thận hoặc bệnh thận liên quan đến bệnh lupus.
Ở cô Marta, chúng ta thấy tình trạng viêm và tự miễn lan rộng khắp cơ thể, dẫn đến số lượng thuốc men và những lần chữa trị ngày càng nhiều. Điều này thường không phổ biến ở bệnh nhân lupus.
Tình trạng này khiến cô có nguy cơ cao bị đột quỵ và trải qua một cơn đau tim khác, đồng thời cho thấy tình trạng của bệnh tự miễn trầm trọng như thế nào khi mạch máu bị tổn thương.
Mặc dù quá trình kiểm tra cho thấy cô có dấu hiệu của viêm thần kinh, chẳng hạn như sương mù não, mệt mỏi và trí nhớ, khả năng tập trung kém, nhưng may mắn thay, kết quả chụp não không phát hiện tổn thương chất trắng, tình trạng cho thấy não bị thoái hóa nặng. Lupus làm tăng nguy cơ viêm và thoái hóa não, đồng thời dẫn đến sẹo hóa và tổn thương các đường dẫn truyền trong não và tủy sống. Trong trường hợp của cô Marta, điều này đặc biệt đáng lo ngại do các vấn đề về mạch máu có thể làm giảm sự lưu thông máu khỏe mạnh ở não.
Cô Marta cũng có kết quả dương tính với bệnh mô liên kết hỗn hợp tự miễn (MCTD). Kháng thể ở bệnh này, ribonucleoprotein kháng U1 (RNP), thường xuất hiện trên cả bệnh nhân MCTD và lupus.
Lupus và bệnh mô liên kết có thể dẫn đến tình trạng bong võng mạc, tổn thương mô liên kết và mạch máu của mắt. Trên thực tế, Marta đang được điều trị bởi một bác sĩ nhãn khoa về chứng mờ mắt, nhìn đôi và bong võng mạc.
MCTD cũng ảnh hưởng đến mạch máu và khớp, có thể đóng vai trò trong các dấu hiệu và triệu chứng ở khu vực này.
Trước khi bị đau tim, cô Marta không uống thuốc và thậm chí không thích dùng Tylenol. Nhưng vì cô có quá nhiều triệu chứng, hiện Marta phải làm việc với nhiều bác sĩ và dùng nhiều loại thuốc.
Các loại thuốc hàng ngày của cô bao gồm thuốc chẹn beta, statin, thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm, prednisone, nitroglycerine, thuốc trị đau nửa đầu và gabapentin, cùng một số loại khác. Vì dễ bị nhiễm trùng nên cô cũng phải dùng thuốc kháng sinh nhiều lần. Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao cô cảm thấy lo lắng về tác dụng phụ và ảnh hưởng lâu dài của thuốc.
Đây là bệnh cảnh phổ biến với các trường hợp tự miễn mức độ nặng. Với bệnh lupus, thuốc là điều cần thiết cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng để ngăn ngừa tổn thương mô vĩnh viễn.
Trong trường hợp của cô Marta, việc điều trị có thể ngăn ngừa cơn đau tim hoặc tình trạng mù lòa. Cô rất may mắn khi có được đội ngũ bác sĩ chăm sóc tận tình: bác sĩ tim mạch, bác sĩ thấp khớp, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ thận, bác sĩ thần kinh và bác sĩ tổng quát. Đội ngũ y tế của cô theo dõi tình trạng tổn thương ở các cơ quan và mô cụ thể, đồng thời kê thuốc chống viêm và ức chế miễn dịch khi cần.
Tuy nhiên, mô hình này không xác định những yếu tố về lối sống, môi trường hoặc cách ăn uống có thể đóng vai trò cơ bản trong việc kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Khi một bệnh nhân tự miễn không kiểm soát được cơ chế tự miễn cơ bản, tình trạng sẽ trở nên tệ hơn khi hệ miễn dịch tiếp tục tấn công cơ thể. Một bệnh nhân thông thường phải đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, cố gắng tìm ra lý do vì sao mọi thứ trở nên tồi tệ thay vì tốt hơn và nhận được hết thuốc này đến thuốc khác.
Mô hình y học lối sống cá nhân hóa để kiểm soát bệnh tự miễn không phải là một phần của mô hình bảo hiểm hoặc y tế tiêu chuẩn. Mô hình này liên quan đến việc xác định các yếu tố kích hoạt miễn dịch – thực phẩm, hóa chất, nhiễm trùng và yếu tố gây căng thẳng trong lối sống – đồng thời hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thay đổi về cách ăn uống và lối sống để làm giảm tình trạng viêm và tự miễn.
Việc giảm viêm sẽ giúp cải thiện sức khỏe tế bào, khiến cơ thể điều chỉnh khả năng tự miễn hiệu quả hơn. Hoạt động thể chất hàng ngày là điều quan trọng với hầu hết bệnh nhân dù họ đang trong tình trạng đau đớn. Ví dụ, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp tiến triển và đau nhiều sẽ giảm đau và giảm tình trạng tự miễn khi tập thể dục hàng ngày. Những thay đổi về cách ăn uống và lối sống chống viêm sẽ kích hoạt tế bào miễn dịch chống lại khả năng tự miễn và chuyển cơ thể sang trạng thái hồi phục.
Phác đồ điều trị Lupus cá nhân hóa của cô Marta
Cách ăn kiêng cho bệnh tự miễn thường liên quan đến việc loại bỏ yếu tố kích thích trong bốn đến sáu tuần. Cách ăn này loại bỏ đa số các loại thực phẩm trừ thịt và rau không chứa tinh bột, từ đó giúp bệnh nhân xác định thực phẩm nào là tác nhân gây viêm.
Với cô Marta, đây là giai đoạn đầu trong phác đồ điều trị. Sau khi tình trạng viêm giảm, tôi sẽ hướng dẫn cô ấy tập thể dục hàng ngày với những động tác nhẹ nhàng, chẳng hạn như đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ.
Khi những thói quen được thiết lập và tình trạng viêm tiếp tục giảm, tôi sẽ thực hiện kiểm soát dinh dưỡng, tim mạch và insulin tùy chỉnh dựa trên xét nghiệm của cô.
Tôi cũng kiểm tra phản ứng miễn dịch với những thực phẩm cụ thể, hóa chất môi trường và mầm bệnh để xác định xem những thứ này có kích hoạt bệnh tự miễn hay không.
Ví dụ, khi trưởng thành, cô Marta làm việc trong một trang trại, nơi cô tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại. Cô cũng từng phẫu thuật nâng ngực. Một vật liệu lạ được đưa vào hệ miễn dịch có thể gây ra phản ứng miễn dịch, đặc biệt là khi vật cấy ghép bị đào thải.
Các hóa chất như thuốc trừ sâu, benzen trong khí thải ô tô hoặc khói thuốc lá và BPA trong nhựa cũng có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm phản ứng tự miễn.
Chúng ta có thể sàng lọc những yếu tố này bằng việc kiểm tra kháng thể miễn dịch đáp ứng với hóa chất. Nói cách khác, hệ miễn dịch phản ứng với chất hóa học như thể đó là chất kích hoạt miễn dịch, chẳng hạn như gluten.
Đây có thể là thông tin hữu ích khi không rõ tác nhân nào làm bùng phát biểu hiện tự miễn. Lượng hóa chất bao nhiêu trong cơ thể ở tình huống này không quan trọng bằng việc bạn có phản ứng với chúng hay không.
Tôi cũng muốn đánh giá tính toàn vẹn của vi hệ và đường ruột của cô.
Những chiến lược này có thể sẽ hữu ích cho việc chẩn đoán. Liệu việc không dùng gluten có làm giảm đau nửa đầu và đau khớp không? Cô Marta vẫn ăn thực phẩm chứa gluten, trong khi ăn kiêng gluten là điều giúp ích cho đa số bệnh nhân tự miễn. Gluten có thể là tác nhân sâu xa gây ra triệu chứng và sự phá hủy tự miễn.
Liệu rằng các loại thực phẩm hoặc hóa chất cụ thể nào đó có liên quan đến triệu chứng cụ thể? Có những chiến lược nào để điều trị sương mù não?
Nhiễm trùng đóng vai trò gì? Các triệu chứng trở nên tệ hơn khi cô nhiễm COVID-19. Việc virus, bao gồm cả COVID, bùng phát khả năng tự miễn là điều thường thấy. Tôi là đồng tác giả của một nghiên cứu cho thấy 28 phản ứng tự miễn khác nhau có thể được kích hoạt bởi protein gai của SARS-CoV-2.
Cô Marta bị viêm họng nhiều lần, viêm phổi hai lần và viêm ở lồng ngực, tất cả đều là yếu tố khởi phát.
Không điều nào trong số này gợi ý rằng một kế hoạch lối sống và cách ăn uống cá nhân hóa nên thay thế phương pháp điều trị thông thường. Với tình trạng nghiêm trọng như bệnh lupus, cô Marta vẫn cần điều trị thông thường để giảm tải lượng viêm và ngăn chặn bệnh tiến triển. Chúng tôi cũng phải đánh giá và theo dõi mọi tương tác giữa thuốc và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Đây là tất cả các bước trong kế hoạch kiểm soát một ca bệnh lupus hệ thống tiến triển và rất phức tạp. Các bệnh tự miễn dịch khác, chẳng hạn như suy giáp Hashimoto hoặc tiểu đường type 2, cũng cần quản lý y tế bằng thuốc kê toa.
Tuy nhiên, bất kể loại mô bị tấn công hay phương pháp điều trị thông thường nào, không nên nhấn mạnh quá mức việc kiểm soát cơ chế tự miễn. Kiểm soát tự miễn có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tự miễn, bao gồm cả mô thần kinh.
Một kết thúc không trọn vẹn
Tôi ước mình có thể viết một kết thúc lâm sàng có hậu cho câu chuyện của cô Marta. Cô đã khổ sở về căn bệnh và lo lắng về nhiều loại thuốc khi lần đầu đến gặp tôi.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng trầm trọng của mình, cô cho biết những thay đổi cần thiết để ngăn chặn quá trình tự miễn tiến triển đã vượt quá khả năng kiểm soát của cô.
Cô là thành viên của một gia đình lớn thường xuyên gặp mặt và những món ăn là một phần không thể thiếu trong các buổi tiệc. Gia đình cô không hiểu rằng gluten, bơ sữa và ngô đã ngăn cản quá trình làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm triệu chứng của cô ấy.
Triệu chứng của cô cũng cho thấy tình trạng viêm ở não, thường gây ra trầm cảm. Có thể đơn giản là cô đã quá chán nản nên không thể thu xếp việc ăn uống với gia đình.
May mắn thay, đa số bệnh nhân của tôi đều có thể thực hiện thay đổi cần thiết để kiểm soát khả năng tự miễn, đặc biệt khi họ cảm thấy tốt hơn sau khi thay đổi. Nhưng không phải tất cả đều vậy. Đôi khi, cha mẹ của một trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên bị bệnh tự miễn trầm trọng không muốn tước đi cuộc sống “bình thường” của con cái mình.
Đây là con đường mà cả bệnh nhân và bác sĩ phải cùng điều hướng trong một mô hình phòng bệnh. Bệnh nhân phải giáo dục bản thân, thay đổi mạnh mẽ và khẳng định mình với những người thân trong gia đình và xã hội.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times