4 loại đau nửa đầu và 4 cách điều trị đau nửa đầu tại nhà

Chứng đau nửa đầu có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày nhưng không có cách điều trị chung cho tất cả mọi người. Vì vậy, việc phân loại và tìm nguyên nhân cho mỗi trường hợp có thể hữu ích.

Chứng đau nửa đầu đặc trưng bởi cảm giác đau nhói hoặc đau buốt ở một bên đầu. Đau nửa đầu thường đi kèm với buồn nôn, nôn, và nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Bác sĩ Trung Y cao cấp Thư Vinh ở Anh quốc đã đưa ra một số lời khuyên giúp phát hiện các triệu chứng của chứng đau nửa đầu từ quan điểm của Trung Y, và cách làm dịu hoặc đáp ứng với từng loại đau nửa đầu khác nhau.

4 loại đau nửa đầu theo Trung y

Trong Trung Y, khí (năng lượng quan trọng), huyết, tinh, và dịch cơ thể là những chất cần thiết cho các hoạt động sinh lý. Những chất này bắt nguồn từ các cơ quan nội tạng và lưu chuyển liên tục bên trong cơ thể. Vì vậy, việc bảo đảm cho các chất thiết yếu này đầy đủ và lưu thông khắp cơ thể là điều tối quan trọng để có một sức khỏe tốt. Sự xuất hiện của bệnh tật hoặc các biến chứng khác có thể là do sự ứ đọng hoặc thiếu hụt các chất này.

Bác sĩ Thư nói: Trung Y tin rằng “cơn đau là do tắc nghẽn.” Đau có nghĩa là khí và huyết đang tắc nghẽn.

Đau nửa đầu phần nhiều là do can thận âm hư hoặc do kinh huyết không đủ cộng thêm phong hàn ẩm thấp gây nên khí trệ. Tức là khí ở các cơ quan nội tạng và kinh lạc bị tắc nghẽn nên sinh ra đau nhức.

Trên lâm sàng, đau nửa đầu có thể được chia thành bốn loại:

1. Can hư và khí trệ

Loại đau nửa đầu này chủ yếu xảy ra do tắc nghẽn kinh can. Các nguyên nhân bao gồm suy nhược, thất tình, cùng với sự xâm nhập của lạnh, ẩm và các mầm bệnh bên ngoài khác.

Bác sĩ Thư đưa ra một vài ví dụ. Một trong những bệnh nhân nữ trẻ tuổi của ông đang đi leo núi với bạn trai vào ban đêm và xảy ra cuộc cãi vã. Cô ấy tức giận và ngồi trên một tảng đá khá lâu. Không nhận ra cơn gió lạnh và đang trong kỳ kinh nguyệt, cô đã bị đau nửa đầu ở bên có gió thổi. Rất lâu sau chuyến đi chơi, các triệu chứng này vẫn tiếp tục tấn công cô mỗi khi trời trở lạnh. Đây là một loại can hư và khí trệ điển hình – tâm trạng u uất dẫn đến can hư, cùng với sự xâm nhập của ngoại tà.

Ví dụ thứ hai là một bệnh nhân nữ khác tối nào cũng tắm và đi ngủ với mái tóc ướt nên bị chứng đau nửa đầu dữ dội suốt 4 năm. Kiểu bệnh nhân này có một đặc điểm khác biệt là da đầu mềm khi ấn vào. Điều này cho thấy có khoảng trống giữa da đầu và hộp sọ tích ẩm.

Bác sĩ Thư giải thích rằng khi một người ngủ, dương khí sẽ ẩn vào bên trong các cơ quan nội tạng và bề mặt cơ thể sẽ tương đối yếu. Dương khí được dùng để chống gió, chống lạnh, và ẩm ướt. Nếu tóc không được sấy khô hoàn toàn, độ ẩm sẽ xâm nhập vào cơ thể và rất khó thoát ra ngoài.

Ví dụ thứ ba và rộng hơn là của các sinh viên trong kỳ thi cuối kỳ đại học. Trong thời gian này cơ thể của họ tiêu hao rất nhiều năng lượng để đáp ứng cho việc ôn thi, do đó họ trở nên tương đối yếu. Ngoài ra, sự căng thẳng của kỳ thi ở mùa hè khiến học sinh đổ mồ hôi đầm đìa, giãn to lỗ chân lông. Nếu gặp gió và mưa hoặc cả hai, phong tà và thấp tà sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể và gây ra chứng đau nửa đầu.

Theo lý luận của Trung Y, trong tình huống bình thường, “phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hỏa (nhiệt)” là sáu biến đổi khí hậu trong tự nhiên, được gọi là “lục khí.” Sự vận hành và biến đổi bình thường của sáu loại khí này đều hữu ích cho sự sinh trưởng và biến đổi của vạn vật. Tuy nhiên, nếu thừa hoặc thiếu sáu loại khí này, và khi khả năng miễn dịch của cơ thể kém, thì mỗi loại khí lại có thể trở thành nhân tố gây bệnh, được gọi là “lục tà” – phong tà, hàn tà, nhiệt tà, thấp tà, táo tà, và hỏa tà.

2. Can dương cường thịnh

Loại này chủ yếu xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi. Trong trường hợp này, năng lượng của kinh can dồn lên đỉnh đầu nhưng không xuống được. Trong quá trình tuần hoàn bình thường, năng lượng đi lên đỉnh đầu sẽ lại đi xuống. Tuy nhiên, ở người già hoặc người làm việc quá sức, do âm khí hư và thận tinh hư, năng lượng dẫn khí đi xuống sẽ gây áp lực lên đầu và gây nhức đầu. Nhiều người sẽ kèm theo đau nhức mắt, trường hợp nặng còn có thể có triệu chứng như buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn.

3. Ứ đọng đờm ẩm

Đờm ẩm trong Trung Y đề cập đến sự mất cân bằng khí, huyết và dịch bên trong cơ thể, dẫn đến sự tích tụ bất thường của dịch cơ thể. Biểu hiện thường là béo phì, béo bụng và dễ buồn ngủ, kèm theo huyết hư, kinh lạc kém lưu thông do béo phì. Ăn quá nhiều cũng là một yếu tố góp phần tích tụ quá nhiều ẩm trong cơ thể, từ đó sinh ra đau nửa đầu.

4. Rối loạn chức năng tạng phủ

Rối loạn chức năng tạng phủ tức là công năng của toàn bộ tạng phủ (các cơ quan nội tạng nằm trong các khoang chính của cơ thể) đều ở trạng thái suy yếu. Thức ăn và kiệt sức thường là nguyên nhân của loại đau nửa đầu này. Bác sĩ Thư có một bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu hàng chục năm và cuối cùng cũng đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, sau khi nhiễm COVID-19 và thể trạng sa sút thì chứng đau nửa đầu lại tái phát.

Chứng đau nửa đầu theo vị trí và triệu chứng

Vị trí và các triệu chứng của cơn đau nửa đầu có thể được dùng để chẩn đoán sơ bộ loại đau nửa đầu.

1. Loại vị trí luôn thay đổi

Chứng đau nửa đầu thuộc loại phong tà là do phong hàn thấp gây ra. Vì “hàn tà” sẽ di chuyển vào bên trong cơ thể nên chứng đau nửa đầu cũng có thể xảy ra ở những vị trí khác nhau của đầu. Điều trị loại này sẽ nhắm đến mục tiêu là loại bỏ phong hàn và thấp tà.

2. Loại đau mắt

Đau mắt là một loại chứng đau nửa đầu kèm theo can dương cường thịnh, tức là năng lượng của kinh can không thông suốt. Trung Y cho rằng “can khai thị.” Nếu chức năng can suy yếu thì mắt dễ gặp vấn đề. Trong điều trị, cần làm dịu can và điều khí để can khí lên xuống thông suốt.

3. Loại tiếng ồn

Tiếng ồn liên tục, có âm lượng quá mức, chẳng hạn như ở công trường, cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu do quá mẫn cảm với tiếng ồn. Cơn đau đầu thường bắt đầu ở một bên tai rồi lan sang bên kia, cuối cùng lan đến nửa đầu.

4. Loại nhạy cảm với thực phẩm

Một số loại thực phẩm cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Loại đau nửa đầu này là do thức ăn làm tăng độ ẩm trong cơ thể, tỳ vị không tốt nên độ ẩm không thể được chuyển hóa hoàn toàn và đào thải ra ngoài. Điều trị tập trung chủ yếu vào việc giải quyết đờm và bổ tỳ vị.

5. Cột sống cổ bị lệch

Cột sống cổ là lối đi chính của kinh dương lên đỉnh đầu. Nếu cột sống cổ bị lệch thì toàn bộ kinh mạch không thể truyền năng lượng lên đầu tốt, dễ gây ra chứng đau nửa đầu. Loại đau nửa đầu này cũng có một số đặc điểm khác biệt như: đau dữ dội theo mạch đập, cứng cột sống cổ, tê tay và đau ở cánh tay. Trong điều trị nên xoa bóp, đả thông kinh mạch.

Chứng đau nửa đầu do bệnh lý

Đặc biệt, bác sĩ Thư nhắc nhở rằng một số bệnh cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Chứng đau nửa đầu do bệnh lý là rất nguy hiểm nên mọi người phải luôn cảnh giác. Cần tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức đối với tất cả các trường hợp sau:

1. Cao huyết áp

Những người cao huyết áp thường sẽ bị chứng đau nửa đầu ở một mức độ nhất định. Nhưng nếu cơn đau trở nên dữ dội đến mức có cảm giác như đầu bị xé toạc hoặc nổ tung, thì cần phải hết sức cẩn trọng. Các triệu chứng trầm trọng như vậy có thể là do huyết áp quá cao và các mạch máu sắp vỡ. Lúc này, tốt nhất là nên giữ bình tĩnh, ổn định cảm xúc, không nên quá kích động để không gây vỡ mạch máu.

2. Huyết khối

Triệu chứng đau nửa đầu giống như “xé và nổ” có thể là cục máu đông trong não. Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm buồn nôn, mờ mắt, nói khó, hoặc cảm giác yếu như trong đột quỵ. Lúc này, tốt nhất nên nằm yên tĩnh, nghỉ ngơi, đắp chăn.

3. U não

Đau nửa đầu do u não gây ra có vị trí tương đối cố định, cơn đau tương đối mạnh và hay tái phát. Ho, run, làm việc quá sức, khí huyết lưu thông kém đều có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng đau nửa đầu. Chứng đau nửa đầu cũng có thể đi kèm theo cảm giác buồn nôn.

4. Nhiễm trùng nội sọ

Viêm não và viêm màng não là tình trạng viêm nhiễm trong não khiến khí huyết lưu thông kém. Chứng đau nửa đầu do nhiễm trùng nội sọ thường kèm theo các triệu chứng như cứng cổ và sốt.

Bốn giải pháp điều trị chứng đau nửa đầu tại nhà

Ngoài chứng đau nửa đầu do các bệnh lý trên cần điều trị y tế ngay lập tức thì tất cả các loại đau nửa đầu đều cần điều trị cụ thể theo mỗi loại triệu chứng khác nhau. Bác sĩ Thư tin rằng châm cứu là cách nhanh nhất và tốt nhất để khai thông các kinh mạch tắc nghẽn. Nhưng nếu không có bác sĩ Trung Y thì vẫn có bốn cách giúp bạn tự giảm đau.

1. Ấn huyệt

Ấn các huyệt Phong Trì (GB20), Nhất Phong (SJ17), Thái Xung (LR3), Hợp Cốc (LI4), Liệt Khuyết (LU7) để đả thông kinh mạch. Bạn cũng có thể xoa bóp dọc theo các kinh mạch trên đầu, ấn từ trán ra sau đầu rồi đến cổ, vai và cánh tay, mỗi lần di chuyển khoảng 1cm (0,4 inch). Ngoài việc ấn huyệt, bạn cũng có thể thực hiện tương tự đối với các cơ và giữa các khớp xương – nắn các cơ và nắn xương – cũng có thể xoa lưng, chân và bàn chân. Những kỹ thuật này có thể giúp giảm đau nửa đầu ngay lập tức.

“Huyệt” là một thuật ngữ riêng được dùng trong Trung Y, chủ yếu để chỉ các điểm cụ thể trên kinh lạc của cơ thể con người, là nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh và mạch máu. Trung Y có thể kích thích các “huyệt” tương ứng thông qua châm cứu, xoa bóp, giác hơi, và các phương pháp điều trị bệnh khác.

4 loại đau nửa đầu và 4 cách điều trị đau nửa đầu tại nhà
Điều trị thay thế cho chứng đau nửa đầu (Ảnh: The Epoch Times)
4 loại đau nửa đầu và 4 cách điều trị đau nửa đầu tại nhà
Điều trị thay thế cho chứng đau nửa đầu (Ảnh: The Epoch Times)

2. Xoa bóp các huyệt bằng dầu thuốc tán phong

Chứng đau nửa đầu phần lớn là do hàn thấp xâm nhập vào cơ thể. Khi xoa bóp, có thể thêm một ít dầu giảm đau hoặc dầu dưỡng có chứa các thành phần tán phong như Tiger Balm hoặc Fengyou. Xoa bóp các huyệt và cơ bằng các loại dầu này sẽ có hiệu quả tốt hơn.

4 loại đau nửa đầu và 4 cách điều trị đau nửa đầu tại nhà
Tuina và xoa bóp (Ảnh: The Epoch Times)

3. Ngủ đủ giấc

Bác sĩ Thư nói rằng giấc ngủ ngon và sâu là liều thuốc tự nhiên cho chứng đau nửa đầu. Trung Y cho rằng “khi nằm, máu trở về can,” có nghĩa là việc nằm xuống sẽ giúp máu trở về gan nhiều hơn. Khi ngủ, máu sẽ chảy vào gan nhiều hơn để nuôi dưỡng gan, đồng thời giúp máu lưu thông trơn tru và vận chuyển năng lượng cũng như dưỡng chất lên đầu. Mặt khác, máu được gan thanh lọc nhiều hơn, từ đó giảm tình trạng huyết ứ ở đầu.

Về điểm này, y học hiện đại cũng có bằng chứng tương tự. Một bài báo đăng trên Tập san Viện Y tế Quốc gia vào tháng 04/2021 đã lưu ý rằng cơ thể con người dùng giấc ngủ để sửa chữa mọi thứ, từ mạch máu đến hệ miễn dịch.

4. Tắm nước nóng

Có thể làm thuyên giảm chứng đau nửa đầu do bệnh thấp khớp gây ra bằng cách tắm nước nóng để kích thích lưu thông máu.

Bác sĩ Thư lưu ý rằng việc chú ý đến các thói quen hàng ngày cũng là một việc tốt. Để giảm tình trạng khí huyết hư, mọi người nên cố gắng tránh:

  • Thực phẩm làm khởi phát đau nửa đầu như phô mai, trứng và rượu.
  • Làm việc quá sức.
  • Tiếng ồn lớn và đèn sáng chói.
  • Cảm xúc tiêu cực.

4 loại đau nửa đầu và 4 cách điều trị đau nửa đầu tại nhà
Phòng ngừa và Sức khỏe (Ảnh: The Epoch Times)

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.


Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là huấn luyện viên cá nhân có chứng nhận. Cô đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ để phát triển và thực hiện các chương trình tập thể dục cá nhân hóa. giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn