Siêu thực phẩm mới? Nấm có thể phòng suy giảm nhận thức, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ hậu COVID-19
Bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn cho biết nấm có thể phòng ngừa suy giảm nhận thức. Ông cũng chia sẻ cách lựa chọn và sơ chế nấm để tận dụng tối ưu dưỡng chất trong đó.
Sa sút trí tuệ là căn bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của não, đến phản ứng nhận thức và hành vi và làm giảm khả năng sống một cuộc sống bình thường của bệnh nhân.
Trong chương trình Youtube “Bài giảng của Hồ Nãi Văn,” của mình, bác sĩ Hồ đã chỉ ra các nghiên cứu đã xác nhận nấm có thể giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức. Bác sĩ Hồ cũng chia sẻ hiểu biết của mình về cách chọn và sơ chế nấm để tận dụng tối đa loại thực phẩm này.
Căn bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Vào tháng 03/2023, Hiệp hội Alzheimer của Hoa Kỳ đã công bố dữ liệu mới nhất cho thấy có khoảng 6.7 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên bị bệnh Alzheimer. Nếu không có nhiều đột phá trong phòng ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị, dự kiến con số này có thể lên tới 13.8 triệu người vào năm 2060.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát, một số nghiên cứu đã tập trung vào cả tác động của nhiễm trùng và vaccine đối với não và hệ thần kinh.
Một nghiên cứu năm 2022 trên 6,245,282 người Mỹ từ 65 tuổi trở lên cho thấy số người bị nhiễm COVID-19 và sau đó được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trong vòng 360 ngày kể từ ngày chẩn đoán ban đầu cao hơn đáng kể so với những người không bị nhiễm COVID-19. Các nhóm có nguy cơ cao nhất là những người từ 85 tuổi trở lên.
Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y học Tự nhiên vào tháng 09/2022, dựa trên phân tích toàn diện về dữ liệu y tế liên bang của Hoa Kỳ, cho thấy so với những người không bị nhiễm bệnh, những người bị nhiễm COVID có nhiều triệu chứng thần kinh hơn trong năm đầu tiên sau khi bị bệnh. Các triệu chứng bao gồm đột quỵ, suy giảm nhận thức và trí nhớ, chứng đau nửa đầu và co giật.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tập san Y học Tự nhiên vào năm 2021 cho thấy rằng so với nhóm đối chứng, những người được chích ngừa COVID-19 có nguy cơ gặp các biến chứng thần kinh cao hơn.
Nấm có thể ngăn ngừa thoái hóa não
Về việc kiểm soát nguy cơ sa sút trí tuệ, bác sĩ Hồ chỉ ra rằng nấm có thể có vai trò phòng ngừa vì chứa nhiều ergothioneine, một hợp chất tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm mạnh giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi bị hư hại. Đây có thể là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Bác sĩ Hồ đã đề cập đến một nghiên cứu năm 2019, đã tiến hành một cuộc nghiên cứu theo dõi kéo dài 6 năm ở 663 người trên 60 tuổi được công bố trên tập san Bệnh Alzheimer, cho thấy so với những người tham gia tiêu thụ nấm ít hơn một khẩu phần (150 gram hoặc 5.3 ounce) nấm mỗi tuần, những người tham gia tiêu thụ trên hai khẩu phần nấm mỗi tuần có nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ thấp hơn 43% (p=0.006), và mối liên hệ này không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, hút thuốc lá, uống rượu, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, hoạt động thể chất và hoạt động xã hội.
Phân loại nấm và công dụng tương ứng
Bác sĩ Hồ cho biết nấm thường được chia thành hai loại chính: nấm tươi và nấm phơi nắng. Do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nấm phơi nắng thường chứa nhiều vitamin D hơn, có thể giúp cơ thể hấp thụ và cân bằng calcium.
Về mặt ứng dụng, bác sĩ Hồ chỉ ra rằng nấm có thể được chia thành ba loại: nấm dược liệu, nấm độc và nấm ăn được.
- Nấm dược liệu là các loại nấm có tác dụng chữa bệnh như đông trùng hạ thảo, bạch phục linh, nấm linh chi và nấm ngưu chương chi.
- Tuy nhiên, rất nhiều loại nấm mọc trong tự nhiên có độc, có thể làm tổn thương các chức năng sinh lý và thậm chí có thể gây chết người.
- Các loại nấm ăn được phổ biến bao gồm nấm sò, nấm sồi, nấm kim châm, nấm sò vàng, nấm hương và nấm rơm.
Trong số đó, nấm sò có hình dáng nhỏ nhắn và thời gian bảo quản tương đối ngắn, nên được dùng sớm khi vẫn còn tươi. Nấm sò có hương vị êm dịu và rất lý tưởng để xào với thịt heo băm nhỏ. Nấm sồi rất thích hợp cho món súp hoặc salad lạnh nhưng không nên dùng cho món thịt nướng vì nó sẽ ảnh hưởng đến hương vị chung của món ăn.
Nấm kim châm là một loại nấm đáng được đề cập đặc biệt. Loại nấm này ít calo, nhiều chất xơ và thường được nhiều người ăn kiêng ưa chuộng. Ngoài ra, nấm kim châm có thế cải thiện tình trạng táo bón do chứa nhiều chitin, một loại amino polysacarit phổ biến trong tự nhiên có thể làm tăng số lượng lợi khuẩn đường ruột.
Bác sĩ Hồ gợi ý rằng khi thêm nấm kim châm vào lẩu, tốt nhất nên cắt thành ba hoặc bốn đoạn ngắn hơn, như vậy sẽ thuận tiện cho người già và trẻ em nhai và tiêu hóa. Tuy nhiên, do hàm lượng chất xơ trong nấm cao nên những người có chức năng tiêu hóa kém tránh ăn quá nhiều.
Nấm chứa ‘umami,’ hương vị bí ẩn thứ 5
Từ lâu người ta đã tin rằng chỉ có bốn vị cơ bản: ngọt, mặn, chua và đắng. Năm 1907, nhà hóa học Nhật Bản Kikunae Ikeda đã chiết xuất thành công L-sodium glutamate từ súp tảo bẹ và phát hiện ra rằng đó là chất có thể tạo ra vị umami. Nấm chứa nhiều acid glutamic, vì vậy thêm một ít nấm vào món xào hoặc món hầm có thể làm cho món ăn thêm hương vị.
Lẩu nấm chống thoái hóa não
Thành phần:
- Một nắm nấm hương
- Một số ít nấm sò
- Một ít nấm kim châm
- 1/4 bắp cải
- 1/4 bí ngô (thái lát)
- 5 quả táo tàu
- Một nắm nhỏ câu kỷ tử
- 1 lít nước
Chế biến:
- Cho tất cả các thành phần trên vào một nồi lẩu và ăn nóng
Bác sĩ Hồ cho biết bữa ăn này ít calo, nhiều chất xơ, tạo cảm giác no, nên không chỉ giúp duy trì sức khỏe, phòng ngừa sa sút trí tuệ, mà còn giúp duy trì cân nặng hợp lý.
Canh gà nấm: Dưỡng nhan, làm đẹp
Thành phần:
- 8 cái nấm hương
- Nửa con gà chặt miếng
- 1 miếng gừng già thái thành 10 lát
- 6 quả táo tàu
- 1.5 lít nước
- Muối vừa đủ
Chế biến:
- Rửa sạch nấm hương và ngâm trong 300ml nước ở nhiệt độ phòng cho đến khi mềm. Cắt thành lát dày 1mm để sử dụng sau.
- Đun sôi 1.5 lít nước rồi cho gà đã chặt miếng vào nồi.
- Hớt bọt
- Thêm các lát nấm hương, gừng, táo tàu, nước và muối.
- Đun sôi trở lại, sau đó chuyển sang nhiệt độ thấp và đun nhỏ lửa.
Bác sĩ Hồ nhấn mạnh rằng thời gian nấu càng lâu càng tốt vì gần như tất cả các chất dinh dưỡng sẽ được hòa vào món súp.
Lựa chọn và bảo quản nấm hương
Bác sĩ Hồ đã chia sẻ hai mẹo để chọn nấm hương tươi:
- Các mang (phần mặt dưới của tai nấm) phải rõ ràng và hướng tâm, sắp xếp gọn gàng và không xếp chồng lên nhau.
- Nấm tươi, độ đàn hồi tốt, bề mặt khô ráo, màu sắc sạch sẽ không bị mềm, thấm nước hay biến màu.
Bác sĩ Hồ cho biết, nấm hương tươi không cần ngâm nước trong quá trình làm sạch để tránh mất mùi thơm và vị ngon. Bạn có thể vỗ nhẹ nấm hương để loại bỏ cặn bẩn bên trong mang, sau đó rửa sạch những phần bẩn dưới vòi nước chảy hoặc dùng khăn giấy nhúng nước rồi lau sạch phần bẩn trên bề mặt.
Nấm khô thì nên sử dụng càng sớm càng tốt để tránh bị đổi màu và nấm mốc. Không nên ăn nấm đã bị mốc để tránh bị ngộ độc.
Nấm hương tươi được bảo quản bằng cách bọc trong giấy ăn khô và cho vào túi giữ tươi.
Những ai nên tránh ăn nấm hương?
Bác sĩ Hồ nhấn mạnh rằng một số loại người nên tránh ăn nấm hương.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times