Nhân dân tệ mất giá là một kết quả không mong đợi của nỗ lực đưa nhân dân tệ thành đồng tiền toàn cầu của Bắc Kinh
Giá trị của đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã giảm liên tục trong những tháng mới đây sau khi quốc gia này mở cửa trở lại từ những đợt phong tỏa do COVID, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong cuộc họp quý 2 đã bỏ qua bất kỳ đề cập nào đến việc “cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ Trung Quốc.” Theo một chuyên gia tài chính, chính quyền Trung Quốc hiện đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan khó khăn, vì tham vọng thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã gây ra áp lực lớn cho chính họ trong việc duy trì tỷ giá hối đoái.
Sau khi phá vỡ mức chuẩn 7 nhân dân tệ đổi 1 USD hôm 17/05, tỷ giá hối đoái nhân dân tệ của Trung Quốc đã tiếp tục giảm. Hôm 30/06, tỷ giá hối đoái của cả đồng nhân dân tệ ở nội địa và ngoại quốc đã giảm xuống dưới mức 7.26 và 7.28 một cách nhanh chóng. Hôm 03/07, tỷ giá mở của đồng nhân dân tệ ra ngoại quốc đã cải thiện nhẹ lên 7.2550.
Hôm 01/07, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), đã bổ nhiệm ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), phó thống đốc PBoC và là người đứng đầu cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc, làm Bí thư Đảng ủy mới của ngân hàng này. Hành động trên phần lớn được xem như là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc.
Sinh năm 1963, ông Phan là một nhà kinh tế đã làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cambridge từ năm 1997 đến năm 1998 và nghiên cứu tại Trường Chính sách Chính phủ Kennedy của Đại học Harvard trong nửa đầu năm 2011.
Theo trang web chính thức của Cục Ngoại hối Trung Quốc, từ tháng 04/2008 đến tháng 06/2012, ông giữ chức chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Quốc tế Trung Quốc tại Hồng Kông và chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Vương quốc Anh trong nhiệm kỳ của mình tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
Tiến thoái lưỡng nan khó khăn
Ủy ban Chính sách tiền tệ của PBoC đã tổ chức cuộc họp thường kỳ quý 2 hôm 28/06 và thảo luận về “môi trường bên ngoài phức tạp và khắc nghiệt” cũng như “những tác động liên tục của việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển.”
Ông Tống Duy Tuấn (Albert Song), một nhà nghiên cứu tại Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Thiên Quân, nói với The Epoch Times hôm 03/07 rằng ông đoán là ĐCSTQ hẳn đã ngày càng lo ngại về sự mất giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ Trung Quốc, và rằng vấn đề bắt nguồn từ bên trong thay vì “môi trường bên ngoài.”
Ông nói, “Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhấn mạnh trên trang web của mình hôm 30/06 về sự cần thiết phải kiên quyết đề phòng những biến động lớn trong tỷ giá hối đoái và duy trì sự ổn định căn bản của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ, đồng thời không ủng hộ chủ trương ‘nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái nhân dân tệ Trung Quốc’ thêm nữa. Định hướng này ngụ ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng lo ngại về sự sụt giảm nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ.”
Ông Tống có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc, chuyên về tác động của môi trường chính trị Trung Quốc đối với nền kinh tế quốc gia này.
“Về vấn đề đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá, ĐCSTQ hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan và việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng đang ở trong một tình huống bất thường,” ông cho hay. “Ví dụ, Argentina đã trao đổi 450 ngàn tỷ peso với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để lấy 130 tỷ nhân dân tệ. Sau khi có được nhân dân tệ, Argentina đã đổi nó thành USD Hoa Kỳ trên thị trường quốc tế để mua những hàng hóa cần thiết. Tuy nhiên, Saudi Arabia lại trực tiếp trao đổi dự trữ đồng nhân dân tệ Trung Quốc của mình để đổi lấy vàng trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải.”
Các hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương
Argentina hiện đang ở trong tình trạng lạm phát cao và các dòng ngoại hối chảy ra ngoài. Dữ liệu do Viện Thống kê Quốc gia Argentina công bố vào giữa tháng Sáu cho thấy tỷ lệ lạm phát của tháng Năm là 7.8%. Lạm phát lũy kế từ tháng Một đến tháng Năm năm nay lên tới 42.2%, trong khi lạm phát lũy kế 12 tháng qua đã lên tới 114.2%. Người ta dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát cho năm nay sẽ đạt 148.9%.
Lạm phát cao đồng nghĩa với việc sức mua của đồng peso ngày càng yếu đi. Để đối phó với lạm phát, nhiều người dân Argentina đang chi nhiều tiền nhất có thể để tích trữ hàng hóa trước khi đồng tiền để dành của họ mất giá trị.
Youtuber Trung Quốc “Financial Insight” nhận xét rằng việc ngân hàng trung ương Trung Quốc đổi nhân dân tệ lấy peso trong môi trường này tương đương với việc đổi lấy một đống giấy vụn.
Ngân hàng Trung ương Argentina đã thông báo hồi cuối tháng Sáu rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được đưa vào loại tiền được phép gửi và rút tiền trong hệ thống ngân hàng của nước này.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đưa tin về việc hoán đổi này trong một bài báo hôm 01/07, nói rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ủy quyền cho 31 ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ ở 29 quốc gia và đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương hoặc cơ quan tiền tệ ở 40 quốc gia. Tổng giá trị của các thỏa thuận này vượt quá 4 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 560 tỷ USD).
Ông Tống cho biết chính việc phi USD hóa và thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của ĐCSTQ đang tự đặt quốc gia này vào một tình thế khó khăn.
Ông giải thích: “Càng có nhiều nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, thì càng có nhiều ‘đạn dược’ cho những người bán khống quốc tế, và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ càng giảm. Do đó, nếu ĐCSTQ muốn kiểm soát tỷ giá hối đoái, thì đơn giản là họ không thể quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Ngược lại, nếu ĐCSTQ muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thì họ phải cho phép đồng nhân dân tệ được trao đổi tự do. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại không thể đạt được hoàn toàn cả hai khía cạnh này.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times