Tòa Bạch Ốc: Hoa Kỳ sẽ không hạn chế quyết định tham gia BRICS của các nước đối tác
Tòa Bạch Ốc xác nhận, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không hạn chế quyết định gia nhập Nhóm các Nền kinh tế Mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) của các đối tác thương mại, trong bối cảnh có hàng chục quốc gia đang nộp đơn xin làm thành viên của khối này trước thềm hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.
Mới đây, ông Anil Sooklal, nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi, nói với các phóng viên ở Johannesburg rằng hơn 40 quốc gia đã hỏi về việc gia nhập khối này. Ông Sooklal lưu ý rằng 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập, trong khi “một số lượng tương đương các quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm một cách không chính thức đến việc trở thành thành viên của khối BRICS, bao gồm toàn bộ các quốc gia chủ chốt ở phía nam bán cầu.”
Một trong những ứng viên đáng chú ý nhất là Algeria. Quốc gia giàu dầu mỏ ở Bắc Phi này đã nộp đơn xin gia nhập khối kinh tế BRICS và ngay lập tức đề nghị đóng góp 1.5 tỷ USD cho Ngân hàng BRICS.
Các quốc gia khác đã bày tỏ nguyện ý muốn tham gia là Argentina, Iran, Kazakhstan,Saudi Arabia, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Chủ đề có nên mở rộng hay không sẽ là ưu tiên hàng đầu của nghị trình trong hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên lần thứ 15 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/08 tới đây. Các quan chức sẽ tranh luận xem liệu có thuận lợi hay không khi phát triển tổ chức này như một phần của các tác động rộng lớn hơn vốn có thể làm suy giảm vị thế lãnh đạo nền dân chủ của Hoa Kỳ. Trong những năm qua, một số nhà kinh tế cho rằng liên minh này có thể tăng số lượng thành viên tham gia nếu các bên quan tâm đáp ứng các tiêu chí ban đầu về dân số ngày càng tăng và một nền kinh tế nhiều triển vọng.
Chủ đề này được đưa ra ngay sau khi Nam Phi xác nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự sự kiện này.
Bất chấp mối đe dọa kinh tế tiềm ẩn mà khối BRICS có thể gây ra — tổ chức này chiếm 40% dân số thế giới và đại diện cho hơn 1/4 nền kinh tế quốc tế — Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng việc đưa ra các quyết định này tùy thuộc vào từng quốc gia; không phải chính phủ Hoa Kỳ.
“Chính sách của Hoa Kỳ không yêu cầu các đối tác của chúng tôi lựa chọn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác,” Tham vụ Báo chí Karine Jean-Pierre nói trong một cuộc họp báo hôm 24/07. “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không muốn hạn cuộc liên kết đối tác của các quốc gia với các quốc gia khác. Mà chúng tôi muốn các quốc gia có những lựa chọn về việc làm sao để mang lại kết quả cho công dân của họ.”
Tuy nhiên, bà khẳng định các nước khác phải bắt đầu đặt ra những câu hỏi hóc búa cho Nga, chẳng hạn như tại sao Moscow ngừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.
Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là một thỏa thuận được đàm phán vào tháng 07/2022 giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Liên Hiệp Quốc để bảo đảm một hành lang vận chuyển ngũ cốc cho Ukraine từ các cảng phía nam của nước này qua Eo biển Bosphorus quan trọng. Sau khi không đồng ý về tổng số lượng hàng xuất cảng, Moscow đã từ bỏ thỏa thuận này và cảnh báo rằng bất kỳ tàu nào rời cảng Ukraine đều được xem là mối đe dọa quân sự chính đáng.
Vì điều này, mà “nhiều người trên khắp thế giới sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua thực phẩm căn bản như một hệ lụy từ các hành động của Nga,” bà Jean-Pierre nói thêm.
Trong khi đó, các quan chức chính phủ khác cũng có chung quan điểm.
Hồi tháng Bốn, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với The Epoch Times rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ không bảo các quốc gia phải chọn một bên.
“Nhưng điều chúng tôi hy vọng họ hiểu là bằng cách hợp tác với các quốc gia như Trung Quốc và Nga, thì họ có thể sẽ hành động ngược lại với lợi ích của chính họ cũng như đối nghịch với sự thịnh vượng kinh tế của chính họ trong tương lai,” ông Kirby cho biết.
Sự mơ hồ về đồng tiền chung của BRICS
Trước thềm cuộc họp vào tháng tới, nhiều người đã kỳ vọng rằng liên minh này sẽ thảo luận việc tạo ra một loại tiền tệ chung của khối BRICS có thể cạnh tranh với đồng bạc xanh. Nhưng ông Sooklal đã truyền đạt với báo chí rằng “chưa bao giờ có cuộc nói chuyện nào về đồng tiền chung của BRICS, điều này không có trong nghị trình.”
“Những gì chúng tôi đã nói và chúng tôi tiếp tục đào sâu là giao dịch bằng đồng nội tệ và thanh toán bằng đồng nội tệ,” ông lưu ý. “BRICS đã khởi đầu một quá trình được đẩy nhanh do xung đột, do các biện pháp trừng phạt đơn phương. Thời đại của một thế giới với đồng dollar là chủ đạo đã qua, đó là một thực tế. Ngày nay, chúng ta có một hệ thống thương mại toàn cầu đa cực.”
Trong bài diễn thuyết năm 2022 trước những người tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, ông Putin nói rằng việc tạo ra một “đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia chúng ta” “đang được xem xét.”
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Babakov đã thông báo tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ở New Delhi, Ấn Độ, rằng đề nghị thiết lập đồng tiền chung của khối BRICS sẽ nằm trong nghị trình.
Nhưng chiến dịch phi dollar hóa rộng lớn hơn — một sáng kiến của một số cường quốc nhằm truất ngôi vua của đồng dollar — có thể không yêu cầu tạo ra đồng tiền chung của khối BRICS. Trong 18 tháng qua, đã có nhiều nỗ lực nhằm làm tiêu tan ảnh hưởng của đồng USD trên vũ đài thế giới.
Nhiều quốc gia đã chọn giải quyết thương mại song phương bằng đồng tiền tương ứng của họ. Chẳng hạn, Brazil và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận hồi mùa xuân vừa qua để giải quyết các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và không đổi.
Sự hiện diện của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong thương mại quốc tế đã tăng lên, mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để thách thức đồng dollar trong trường đấu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đó có thể là vấn đề của các hành động dò dẫm.
Tại một cuộc họp báo gần đây, bà Julie Kozack, phát ngôn viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gợi ý rằng tổ chức này có thể cho phép đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền để các quốc gia dàn xếp các nghĩa vụ của họ với IMF. Quyết định này xuất hiện sau khi Argentina gần đây đã thực hiện trả nợ bằng đồng nhân dân tệ.
Bà Kozack nói: “Như chúng tôi đã tuyên bố trước đây, chính phủ Argentina hiện tiếp tục duy trì các nghĩa vụ tài chính của họ đối với IMF. Nhân dân tệ là một trong năm loại tiền tệ có thể sử dụng tự do mà các thành viên có thể và đã sử dụng để dàn xếp các nghĩa vụ của họ với IMF.”
Theo dữ liệu của Thành phần Tiền tệ về Dự trữ Ngoại hối Chính thức (COFER) của IMF, đồng dollar Mỹ đã củng cố vị thế của mình trong quý đầu tiên, tăng gần 2% lên 6.58 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này giảm hơn 4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times