PHÂN TÍCH: Những mối lo ngại về vụ nổ nhà máy hạt nhân xuất hiện sau một tháng căng thẳng trong mối bang giao Nga–Trung–Mỹ
Các chuyên gia cho hay các cường quốc thế giới đang đánh liều với nguy cơ xung đột lớn ngày càng tăng
Hồi cuối tuần qua (26/06-02/07), các nhan đề báo toàn cầu đã cảnh báo về một vụ nổ có thể xảy ra do Nga kích động tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine.
Trích dẫn thông tin tình báo Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nhà máy hạt nhân đang bị Nga chiếm đóng này là một “mối đe dọa nghiêm trọng.” Ukraine đã và đang tổ chức các cuộc tập trận để chuẩn bị cho một thảm họa phóng xạ tiềm ẩn nếu Nga cho nổ tung nhà máy này.
Tình hình căng thẳng này là kết quả của nhiều tuần hoạt động ngoại giao cao cấp giữa Nga, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình hình quốc tế đang ở một thời điểm cam go và nguy cơ xung đột quân sự giữa ba cường quốc này là rất cao.
Hôm Chủ Nhật (02/07), trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS News, cựu phó tổng thống và là ứng cử viên tổng thống đầy triển vọng Mike Pence đã nói về mối liên hệ giữa Trung Quốc và cuộc xung đột Ukraine. Ông Pence nói: “Không có cách nào hiệu quả hơn việc gửi một thông điệp chói tai tới Trung Quốc cộng sản, để ngăn chặn những tham vọng quân sự của họ ở Châu Á-Thái Bình Dương, tốt hơn việc cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Tôi biết Trung Quốc đang theo dõi.”
Đầu tháng vừa qua (06/2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm Trung Quốc, đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ kể từ năm 2018.
Ông Blinken: Việc khôi phục thông tin liên lạc quân sự ‘rất là khó khăn’
Hôm 19/06, ông Blinken đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, nói rằng liên lạc quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa được khôi phục. Ông nói: “Điều này cần một quá trình.”
Sau khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ hồi tháng Hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt đứt liên lạc quân sự giữa hai nước.
Việc thiếu các phương thức liên lạc cởi mở giữa cả hai quốc gia đã khiến quốc tế lo lắng, với việc Bắc Kinh miễn cưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán quân sự thường kỳ với Hoa Thịnh Đốn khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.
Về cuộc xung đột Ukraine, hôm 19/06, ông Blinken cho biết mặc dù Hoa Kỳ không thấy dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng có những lo ngại rằng các công ty tư nhân Trung Quốc sẽ cung cấp cho quân đội Nga vật liệu và công nghệ có thể được sử dụng trong chiến tranh.
‘Một trò chơi chính trị và ngoại giao thâm căn cố đế’
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến mối bang giao giữa Nga, Hoa Kỳ, và Trung Quốc trở nên căng thẳng, thu hút sự chú ý của quốc tế.
Chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc trùng với một chuyến thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Đức và Pháp, chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức hồi tháng Ba.
Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Tòa Bạch Ốc đã chào đón nồng nhiệt Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi là nhà lãnh đạo thuộc thế giới thứ ba từng được vinh danh trong một chuyến thăm cấp quốc gia dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Chuyến thăm này đã được nhiều người coi là một thông điệp thầm lặng gửi tới Trung Quốc về việc chống lại sự thống trị của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hôm 22/06, nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times: “Chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và là điểm mấu chốt trong quan hệ Trung-Mỹ.”
Ông Lý nói: “Rõ ràng là có một trò chơi chính trị và ngoại giao thâm căn cố đế giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Nga đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken.”
Một ngày trước chuyến thăm của ông Modi, Trung Quốc đã đáp trả sau khi ông Biden gọi nhà lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình là một “nhà độc tài,” nói rằng những nhận xét đó là vô lý và là một sự khiêu khích. Sự leo thang ngoài ý muốn này xảy ra sau những nỗ lực giảm căng thẳng của cả hai bên.
Nỗi sợ hãi hạt nhân
Hôm 16/06, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng Nga đã chuyển giao lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên cho Belarus.
“Đây là lô đầu tiên. Nhưng vào cuối mùa hè, vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này,” ông Putin trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.
Vị lãnh đạo Nga này cũng cho biết việc khai triển vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Belarus là nhằm cảnh báo các quốc gia phương Tây về việc cung cấp viện trợ quân sự và các viện trợ khác cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga khai triển vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Hôm 13/06, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết ông sẽ “không ngần ngại” sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga nếu Belarus bị tấn công.
Tại cuộc họp hôm 19/06 với các nhà tài trợ chính trị ở California, ông Biden cho biết mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin là “có thật.”
Ngoại trưởng Nga: ‘Hãy để họ chiến đấu’
Về phía Ukraine, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine hiện đại hóa quân đội tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng Bảy.
Tại một cuộc họp báo của NATO hôm 16/06, ông Stoltenberg đã đưa ra một chương trình kéo dài nhiều năm để giúp Ukraine “chuyển các tiêu chuẩn, học thuyết, thiết bị từ thời Liên Xô sang các tiêu chuẩn, học thuyết, và thiết bị của NATO, đồng thời có thể hoạt động tương thích hoàn toàn với NATO.”
Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 19/06, ông nói: “Tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc. Nhưng một nền hòa bình công bằng không thể đóng băng cuộc xung đột này và chấp nhận một thỏa thuận do Nga đưa ra.”
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 20/06, “Nếu NATO một lần nữa sử dụng ông Stoltenberg để tuyên bố rằng họ phản đối việc đóng băng cuộc xung đột ở Ukraine như họ nói, thì điều đó có nghĩa là họ muốn chiến đấu. Vì vậy, hãy để họ chiến đấu.” Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Nga “đã chuẩn bị sẵn sàng.”
Lo lắng về mối bang giao Trung Quốc–Cuba
Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ tiết lộ rằng Trung Quốc đang đàm phán với Cuba để thành lập một cơ sở huấn luyện quân sự chung mới ở miền bắc nước này, vốn có thể cho phép Trung Quốc duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Cuba và mở rộng hoạt động gián điệp.
Theo bài báo của Wall Street Journal, các cuộc đàm phán này đang ở trong một giai đoạn cao trào nhưng chưa hoàn thành.
Hôm 20/06, ông Blinken cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ có “những mối lo ngại sâu sắc” về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Cuba.
Ngày càng có nhiều mối lo ngại ở Hoa Thịnh Đốn về những tham vọng của Bắc Kinh ở Caribe và khu vực Mỹ Latinh, cản trở mong muốn của chính phủ trong việc giảm bớt căng thẳng lớn hơn với chế độ cộng sản này.
Trung Quốc: Chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu nhất’’
Hôm 07/06, trong một chuyến thị sát tại Nội Mông, ông Tập cảnh báo rằng chiến lược “lưu thông kép” của Trung Quốc là cần thiết để bảo đảm nền kinh tế quốc gia có thể hoạt động bình thường trong những hoàn cảnh “khắc nghiệt.” Tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) cho biết, đây là lời cảnh báo thứ hai của ông Tập trong những ngày gần đây để chuẩn bị cho các kịch bản ‘xấu nhất.’
Theo ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, “những hoàn cảnh khắc nghiệt” có thể được hiểu là “nguy cơ chiến tranh.”
“Lưu thông kép” là một chiến lược của Trung Quốc được The Economist định nghĩa là “giữ cho Trung Quốc mở cửa với thế giới (‘lưu thông quốc tế lớn’) trong khi củng cố thị trường của chính mình (‘lưu thông nội địa lớn’).” Chiến lược này liên quan đến việc cởi mở với các công ty ngoại quốc, khiến họ phụ thuộc vào Trung Quốc, điều sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế địa chính trị.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News hôm 29/06, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc có thể đang lặp lại điều mà chúng ta từng xem là nguồn gốc của Đệ nhị Thế chiến, và chúng ta phải cẩn thận.”
Ông Lý nói: “Các hoạt động ngoại giao gần đây của Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Nga có thể là kết quả của việc xác định và phơi bày các rủi ro địa chính trị quốc tế nhạy cảm như chiến tranh giữa Nga và Ukraine, vấn đề Eo biển Đài Loan, và quan hệ Mỹ-Trung.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times