PHÂN TÍCH: Kinh tế Trung Quốc rơi vào trong khủng hoảng sâu hơn do bị nhà nước can thiệp nhiều hơn
Đồng nhân dân tệ yếu đi; nhiều khoản nợ xấu ngân hàng được chuyển cho người dân Trung Quốc và các cổ đông ngoại quốc
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong năm nay do các biện pháp can thiệp thất bại của chính quyền, trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Nhà phân tích tài chính Hà Băng (He Bing) cho biết, các tổ chức tài chính của ĐCSTQ phát hành thêm tiền để sử dụng như một biện pháp phòng bị của chính quyền chống lại sự sụp đổ của hệ thống tài chính và ngân hàng, chuyển gánh nặng nợ của quốc gia sang các công dân Trung Quốc, điều sẽ làm nền kinh tế quốc gia xấu đi.
Hôm 01/07, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ (CNH) ở thị trường quốc tế đã suy giảm xuống còn 7.26 đồng nhân dân tệ đổi một USD, thiết lập mức thấp kỷ lục trong tám tháng kể từ tháng 11/2022, với mức giảm giá trị gần 5% trong năm nay.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc, trong nửa tháng qua, tỷ giá hối đoái trung bình của đồng nhân dân tệ đã mất giá mạnh 769 điểm cơ bản từ mức 714.89 hôm 15/06 xuống mức 722.58 hôm 30/06.
Hôm 24/06, bà Hà Băng cho biết trên “Diễn Đàn Tinh Anh” (Elite Forum), một chương trình Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, đồng nhân dân tệ suy yếu nhanh chóng một phần là do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Bank of China) hạn chế lãi suất, xuất phát từ lo ngại cần phải kích thích nền kinh tế đang trì trệ.
Hôm 20/06, ngân hàng trung ương đã giảm Lãi suất Cho vay Cơ bản (LPR) 10 điểm cơ bản so với kỳ hạn trước cho cả loại kỳ hạn 1 năm và 5 năm sau khi giảm Lãi suất Mua lại Đảo ngược 7 ngày, Cơ sở Cho vay Thường trực (SLF), và Cơ sở Cho vay Trung hạn (MLF) 10 điểm cơ bản trên thị trường mở hôm 13 và 15/06.
Việc giảm 10 điểm cơ bản đó không phải là một hành động lớn và ít hơn nhiều so với 25 điểm cơ bản thông thường của việc cắt giảm lãi suất. Nhưng theo quan điểm của bà Hà Băng, họ đã phá giá đồng nhân dân tệ một cách đáng kể, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc “đang rất dễ bị tổn thương.”
Ngoài ra, trong khi các quốc gia khác đang chống lạm phát và thắt chặt tiền tệ của họ trong thời kỳ hậu COVID, thì chỉ có ngân hàng trung ương của Trung Quốc chọn nới lỏng tiền tệ, nêu bật thực tiễn rằng nền kinh tế của quốc gia này đang mắc kẹt trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan “độc nhất vô nhị,” bà nói, đồng thời lưu ý rằng sau hôm 01/06, chỉ số USD (DXY) đã giảm so với các đồng tiền chính ngoại trừ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Bà Hà Băng tin rằng một lý do khác khiến đồng nhân dân tệ yếu đi là lãi suất đối với đồng USD đang tăng lên. Ngược lại, lãi suất trên đồng nhân dân tệ thay đổi tương đối ít, trong khi nền kinh tế của Trung Quốc lại đang suy thoái và dòng vốn đang chảy ra khỏi thị trường chứng khoán.
Việc tiền Trung Quốc tiếp tục mất giá đã thách thức dự báo mà Viện nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố hôm 01/03. Dự báo này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ sẽ “ổn định đồng thời tăng” vào năm 2023.
Theo dữ liệu kinh tế tháng Năm, do Công ty Chứng khoán Thượng Hải công bố hôm 20/06, dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc về sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định, và tiêu dùng đã không đạt kỳ vọng, với giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp tăng 3.5%, giảm 2.1% so với mức 5.6% của tháng Tư; đầu tư tài sản cố định tăng 4.0% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Năm, giảm 0.7% so với mức 4.7% của tháng Tư; và tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 12.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Năm, giảm 5.7% so với mức 18.4% của tháng Tư.
Ông Lý Canh Nam (Li Gengnan), nhà bình luận của cổng thông tin Trung Quốc Sina Finance cho biết trong một bài báo hôm 21/06: “Các bên tham gia thị trường [Trung Quốc] không đủ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, không có nhiều cơ hội đầu tư vào nền kinh tế thực, và sức sống của nền kinh tế thì yếu. Trong khi đó, thị trường địa ốc vẫn trong tình trạng sụt giảm và người dân thích gửi tiền hơn là tiêu dùng.”
Theo ông Lý, với sự can thiệp của nhà nước, nền kinh tế Trung Quốc hiện có đặc điểm là thanh khoản thị trường dồi dào và “tiền tệ nới lỏng.” “Tiền tệ nới lỏng” đề cập đến một chính sách tiền tệ trong đó các ngân hàng điều chỉnh tính thanh khoản của thị trường bằng cách tăng nguồn cung tiền.
Hệ thống tài chính ngân hàng
Tịnh Viên Tài Kinh (Jing Yuan Finance), một kênh video bình luận kinh tế do bà Hà Băng sản xuất, đã đưa tin hôm 22/06 rằng khối lượng đồng nhân dân tệ được phát hành có thể sẽ được tính toán dựa trên số nợ khó đòi của các ngân hàng. Nói cách khác, các ngân hàng càng có nhiều nợ xấu thì ĐCSTQ sẽ in ra càng nhiều nhân dân tệ và những đồng nhân dân tệ trong tay người dân Trung Quốc sẽ ngày càng mất giá hơn.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn nào. Tuy nhiên, tờ báo này viết, theo các chỉ số kinh tế của phương Tây, thì hệ thống tài chính của ĐCSTQ đang trên bờ vực sụp đổ, “Đó là bởi vì ĐCSTQ đã gieo rắc khủng hoảng cho người dân Trung Quốc,” và việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Tịnh Viên Tài Kinh đưa tin nói rằng thông qua các biện pháp đe dọa và ép buộc, ĐCSTQ đã cắt đứt những yêu cầu rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng của người gửi tiền, bất chấp sự tuyệt vọng của người dân về triển vọng kinh tế và nỗi bất an về tài chính của họ.
Hơn nữa, trích dẫn dữ liệu nghiên cứu từ năm 1999-2000 mà họ có được, Tịnh Viên Tài Kinh cho biết ĐCSTQ thường loại bỏ các khoản nợ khó đòi của các ngân hàng và buộc mỗi một người dân Trung Quốc phải chi trả.
Vào thời điểm đó, bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc — Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, và Ngân hàng Xây dựng — đã tích lũy một khối lượng đáng kể các khoản nợ xấu, khiến các ngân hàng này gần như phá sản. Đối mặt với một vương quốc tài chính đang sụp đổ, chính quyền đương thời của ĐCSTQ do ông Giang Trạch Dân lãnh đạo đã thành lập bốn công ty quản lý tài sản lớn — Huarong Assets, Great Wall Assets, Orient Assets, và Cinda Assets — để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ xấu.
Đầu tiên, Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã phân bổ 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.2 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái trung bình năm 1999) cho mỗi công ty trong số bốn công ty làm vốn điều lệ. Sau đó, ngân hàng trung ương cung cấp 570 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68.4 tỷ USD) cho mỗi công ty để cho vay tái cấp vốn; và thứ ba, bốn công ty này đã phát hành trái phiếu trị giá 820 tỷ nhân dân tệ (khoảng 98.4 tỷ USD) cho các ngân hàng tương ứng của họ. Do đó, mỗi công ty đã có quyền truy cập được hơn 1.4 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 168 tỷ USD) để trả các khoản nợ khó đòi.
Nói một cách dễ hiểu, các công ty quản lý tài sản giúp các ngân hàng chuyển các khoản nợ khó đòi sang công khố dưới dạng “các khoản nợ chính phủ,” do đó khiến toàn thể người dân Trung Quốc phải gánh chịu các khoản nợ này.
Tuy nhiên, theo một bài báo đăng ngày 06/04/2018 trên Diễn đàn Tài chính 40, số lượng nợ xấu tại bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc vẫn còn cao ngay cả sau khi đã loại bỏ hàng tỷ USD nợ xấu: vào cuối năm 2002, tỷ lệ nợ xấu lên tới mức đáng kinh ngạc là 26.12%, bao gồm cả 26.01% đối với Ngân hàng Công thương, 36.65% đối với Ngân hàng Nông nghiệp, 25.56% đối với Ngân hàng Trung Quốc, và 15.28% đối với Ngân hàng Xây dựng.
ĐCSTQ sau đó đã đề ra cái gọi là “cải tổ chứng khoán,” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng lớn của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu để huy động tiền, với Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc lần lượt được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào năm 2005 và 2006.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times