BRICS và chiến tranh tiền tệ
Những thảo luận về việc mở rộng số lượng thành viên BRICS và phi USD hóa đang thu hút sự chú ý, nhưng việc thành công mở rộng nhóm này hay từ bỏ đồng USD là vẫn chưa rõ ràng.
Gần đây, 19 quốc gia, trong đó có Saudi Arabia và Iran, đã hỏi về việc gia nhập khối BRICS do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi thành lập. Các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức hồi tháng Sáu đều là những nền kinh tế mới nổi, không hài lòng với trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Ngoại trưởng Cộng hòa Dân chủ Congo Christophe Lutundula Apala bày tỏ những cảm xúc chung của nhiều bên tham dự khi cho biết nước ông muốn gia nhập BRICS với hy vọng khối này có thể “mang lại sự thay đổi và tạo ra một trật tự quốc tế mới.”
Thay thế đồng USD trong thanh toán thương mại quốc tế được xem như là một bước quan trọng để phá vỡ quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Phong trào phi USD hóa đang đạt được sức hút theo nghĩa là nhiều quốc gia đang nói về việc từ bỏ đồng USD. Tuy nhiên, giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD là vô cùng khó khăn và tốn kém. Sự đón nhận toàn cầu đối với các loại tiền tệ khác là hữu hạn, và bên sử dụng phải chịu sự biến động tỷ giá hối đoái và rủi ro tiền tệ. Các loại tiền tệ khác cũng phải chịu chi phí giao dịch cao hơn, khả năng chuyển đổi hạn chế, tính không ổn định, và tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng thanh toán.
Một trường hợp điển hình của nỗ lực phi USD hóa là Argentina, quốc gia sử dụng đồng nhân dân tệ để giao dịch với Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế của Argentina đang trên bờ vực sụp đổ và đất nước này đang thiếu USD. Tỷ lệ lạm phát năm nay là 115.6%, trong khi đồng tiền của quốc gia này, đồng peso, đã giảm từ 128 peso đổi 1 đồng USD hồi tháng Bảy năm ngoái (2022) xuống còn 264 peso đổi 1 USD trong năm nay. Ngân hàng trung ương của Argentina đang sử dụng đồng nhân dân tệ để mua USD trên thị trường quốc tế nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế nước này.
Nga và Trung Quốc hiện tiến hành 80% hoạt động kinh doanh của họ bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp, trong khi đồng rúp được sử dụng trong 40% tổng số giao dịch xuất cảng giữa Nga và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đây không phải là bằng chứng chính xác cho thấy quá trình phi USD hóa trên diện rộng đang được tiến hành hoặc thậm chí là khả thi. Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga ngăn Moscow sử dụng USD và ngăn Nga giao dịch với hầu hết các nước phát triển. Do đó, Nga đã phải tìm cách vòng qua hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ dẫn đầu chỉ để tồn tại. Tuy nhiên, nền kinh tế này đang bị thu hẹp và việc thiếu dòng vốn USD chảy vào đang khiến đồng rúp mất giá. Đồng rúp đã giảm từ 74.45 rúp đổi 1 USD vào ngày 10/05 xuống còn 90.03 rúp đổi 1 USD vào ngày 17/07.
Mặc dù Nga và Trung Quốc giao dịch bằng đồng nội tệ, nhưng không bên nào muốn giữ đồng tiền của bên kia làm dự trữ. Ngân hàng trung ương Nga vẫn có hơn một nửa dự trữ bằng đồng USD, với đồng euro là đồng tiền dự trữ số 2. Trên thực tế, Moscow đang nắm giữ lượng dự trữ đồng USD cao gấp 30 lần so với đồng nhân dân tệ. Và tỷ lệ này là phù hợp với các quốc gia khác, vì trung bình toàn cầu chỉ có 3% dự trữ ngoại hối được giữ bằng đồng nhân dân tệ.
Vì không có thành viên nào của BRICS sẵn sàng giữ tiền tệ của các nước khác làm dự trữ, nên đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của các thành viên BRICS. Khoảng 60% dự trữ của ngân hàng trung ương thế giới được giữ bằng đồng USD. Và 88% của tổng số giao dịch thương mại toàn cầu được thanh toán bằng USD. Một lựa chọn được đưa ra bởi các quốc gia trong nhóm phi USD hóa là tiến hành giao dịch bằng đồng tiền của chính họ trong khi vẫn giữ dự trữ bằng USD. Hiện tại, các quốc gia có thể có dự trữ ngoại hối bằng cách bán hàng xuất cảng của họ bằng USD. Ngoài việc giao dịch bằng đồng nội tệ là phiền toái và chịu rủi ro lớn hơn so với giao dịch bằng đồng USD, các quốc gia vẫn phải tham gia thị trường ngoại hối và mua USD để dự trữ. Và liệu các quốc gia có thể thực sự tuyên bố là phi USD hóa nếu họ vẫn giữ dự trữ bằng đồng USD?
BRICS đã thành lập một ngân hàng phát triển ở Trung Quốc tên là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Tuy nhiên, để có một loại tiền tệ BRICS, BRICS sẽ cần một ngân hàng trung ương. Vì không có phương tiện khả thi nào để kết hợp đồng real, đồng rúp, đồng rupee, đồng nhân dân tệ, và đồng rand nên Ngân hàng Phát triển Mới là một ngân hàng dựa trên đồng USD. Hơn nữa, không chỉ phi USD hóa của BRICS vẫn là phần của một tương lai giả định, mà sự mở rộng của khối này cũng vậy.
Bất chấp các cuộc đàm phán gần đây, BRICS vẫn chưa thêm được bất kỳ quốc gia mới nào. Trên thực tế, cho đến nay, không có quy định gia nhập chính thức nào được đưa ra để làm như vậy. Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo được ấn định vào tháng Tám khi khả năng một quốc gia gia nhập có thể sẽ được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đang tỏ ra có vấn đề vì dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện là mục tiêu của lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành. Với thực tế rằng Nam Phi là thành viên của ICC, Pretoria có thể sẽ bắt giữ ông Putin nếu ông xuất hiện.
Quốc gia này cũng có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin theo luật pháp Nam Phi. Nam Phi đã không lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và không rõ liệu Pretoria có vi phạm luật pháp quốc tế và trong nước hay không nếu cho phép ông Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Đảng đối lập chính của Nam Phi, Liên minh Dân Chủ, đã đệ đơn lên tòa án buộc chính phủ phải bắt giữ ông Putin nếu ông nhập cảnh vào nước này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times