Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cảnh báo về sự thống trị thị trường thanh toán toàn cầu của Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) và các đồng sự thuộc Đảng Cộng Hòa của ông trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đã cảnh báo rằng tham vọng của Trung Quốc nhằm biến đồng nhân dân tệ thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với đồng USD và thâm nhập vào mạng lưới thanh toán của Hoa Kỳ đang đặt ra những mối đe dọa đáng kể đối với nền kinh tế và an ninh Mỹ.
Các thượng nghị sĩ cho biết mạng lưới thanh toán đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc có thể “làm suy yếu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, gây nguy hiểm cho quyền riêng tư dữ liệu về tài chính và tiêu dùng nhạy cảm của người Mỹ, đồng thời vi phạm các thông lệ thương mại quốc tế.”
Các thượng nghị sĩ Mike Crapo (Cộng Hòa-Idaho), Mike Rounds (Cộng Hòa-South Dakota), Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina), John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), Cynthia Lummis (Cộng Hòa-Wyoming), J.D. Vance (Cộng Hòa-Ohio), Katie Britt (Cộng Hòa-Alabama), Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota), và Steve Daines (Cộng Hòa-Montana) đã cùng Thành viên Cao cấp Scott gửi đi bức thư đề ngày 25/10 này, để gửi đến Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và Đại sứ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai.
Ngoài việc yêu cầu chính phủ Tổng thống Biden điều tra việc các mạng lưới thanh toán của Trung Quốc xâm nhập vào Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ còn yêu cầu chính phủ “đánh giá các hoạt động thương mại không công bằng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các công ty Hoa Kỳ và xem xét các lỗ hổng trừng phạt tiềm tàng của Hoa Kỳ liên quan đến Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới của Trung Quốc.”
“Chúng tôi lo ngại về những nỗ lực không ngừng của ĐCSTQ nhằm mở rộng sự hiện diện của họ trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ và thị trường thanh toán toàn cầu,” các thượng nghị sĩ viết. “Các biện pháp mà ĐCSTQ đang thực hiện làm suy yếu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, đe dọa quyền riêng tư dữ liệu về tài chính và tiêu dùng nhạy cảm của người Mỹ, đồng thời vi phạm các thông lệ thương mại quốc tế.”
Trích dẫn việc sử dụng rộng rãi UnionPay ở Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ nói rằng sự chấp nhận rộng rãi đối với UnionPay đã mang lại thành công trong việc thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ.
Theo trang web của UnionPay, vào năm 2022, China UnionPay đã trở thành mạng lưới thanh toán toàn cầu lớn nhất tính theo tổng khối lượng, với hơn 80% người bán ở Hoa Kỳ và 90% máy rút tiền tự động ở Hoa Kỳ chấp nhận thẻ UnionPay.
Các thượng nghị sĩ viết: “Sự chấp nhận rộng rãi và phổ biến của UnionPay ở Hoa Kỳ là một dấu hiệu khác cho thấy ĐCSTQ đang sử dụng hệ thống tài chính để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của riêng họ.”
Mã QR thay thế cốc thiếc
Thật vậy, theo nghiên cứu của Viện Brookings, Trung Quốc đã có những bước tiến nhanh chóng trong lĩnh vực thanh toán toàn cầu, với hệ thống thanh toán kỹ thuật số thay thế thẻ và tiền mặt tại quầy tính tiền, bao gồm cả cách những người hành khất xin tiền bằng mã QR thay vì sử dụng chiếc cốc thiếc.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không phải là mới.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, Trung Quốc đã cố gắng quốc tế hóa đồng tiền của mình thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngừng sáng kiến đó vào năm 2015 để bảo đảm ổn định tài chính trong nước sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ mất giá mạnh vào năm đó.
Tuy nhiên, trong vài năm tiếp theo, Bắc Kinh đã tiếp tục thử nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau, chẳng hạn như tạo ra một thị trường nhân dân tệ nhỏ ở ngoại quốc, một hệ thống thanh toán dựa trên đồng nhân dân tệ, tự do hóa tài khoản vốn (có giới hạn), và gần đây nhất là cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương hoặc tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POBC) để thay thế việc sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, trước các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bắc Kinh đã bắt đầu đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Về phương diện này, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc khai triển năm 2013, là một ví dụ điển hình. Sáng kiến này nhằm tăng cường kết nối của Trung Quốc với thế giới bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, bao trùm một phạm vi địa lý mở rộng, và bao gồm các nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng cứng, cơ sở hạ tầng mềm, và các mối liên hệ về văn hóa.
Tại Diễn đàn BRI ở Bắc Kinh kết thúc hôm 18/10, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã ký một loạt hợp đồng cho vay bằng đồng nhân dân tệ với các tổ chức cho vay ngoại quốc để quảng bá đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế.
Các hợp đồng này bao gồm các thỏa thuận cho vay bằng đồng nhân dân tệ giữa Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Maybank của Malaysia, ngân hàng trung ương Ai Cập, và BBVA Peru để tài trợ cho các dự án BRI. Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc cũng đã đàm phán một thỏa thuận cho vay bằng đồng nhân dân tệ với Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia, đồng thời Ngân hàng Trung Quốc cũng đã trợ giúp Ai Cập phát hành trái phiếu Panda bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên của Phi Châu. Bắc Kinh đã phân bổ thêm 80 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.94 tỷ USD) nữa cho Quỹ Con đường Tơ lụa cho các dự án BRI.
Các bản tin cho biết, lãi suất của Hoa Kỳ tăng mạnh là yếu tố thúc đẩy chính đằng sau sự gia tăng tài chính bằng đồng nhân dân tệ.
Đây là lý do tại sao BRI là chủ đề tranh luận giữa nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, những người tin rằng mặc dù Bắc Kinh mô tả sáng kiến này là một dự án đầu tư và phát triển lành mạnh, mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên tham gia, nhưng vẫn có những mục tiêu chiến lược mâu thuẫn với lập luận này.
Theo một ghi chú dành cho khách hàng do Natixis phát hành hôm 18/10 mà The Epoch Times truy cập được: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phát triển đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ thay thế cho thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong thương mại, điều này đặc biệt hấp dẫn đối với bất kỳ quốc gia nào muốn vượt qua các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến Hoa Kỳ hoặc các loại tiền tệ G7 khác.”
Ghi chú cho biết thêm, kể từ năm 2021 và cho đến tháng Sáu năm nay, tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng từ 15% lên 23% đối với thương mại và từ 21% lên 29% đối với dịch vụ.
Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng đã mang lại lợi ích cho Trung Quốc dưới dạng chi phí vay tiền thấp hơn, vì nhiều quốc gia — trong đó có Nga, Iran, Brazil, Argentina, Bangladesh, và Ấn Độ — đã bắt đầu sử dụng đồng tiền này để thanh toán các nghĩa vụ thương mại quốc tế khi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì hành động xâm lược Ukraine của Nga đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đồng USD của họ.
Ghi chú của Natixis cho biết thêm, “Nhìn chung, có vẻ như quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang tiến triển ở những lĩnh vực cần một loại tiền tệ thay thế cho USD nhất.”
Thư của các thượng nghị sĩ chia sẻ quan điểm tương tự. “Với Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới (‘hoặc CIPS’) của họ, Trung Quốc đang thách thức hệ thống nhắn tin dành cho các ngân hàng của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (‘hoặc SWIFT’).”
Bức thư cũng nhấn mạnh rằng “tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (‘BIS’) hồi tháng 03/2021, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Mục Trường Xuân (Mu Changchun), đã thừa nhận rằng ĐCSTQ muốn “bảo vệ chủ quyền tiền tệ… chống lại tình trạng USD hóa.”
Những lý do để lo ngại
Khi Bắc Kinh thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn, đồng tiền Trung Quốc đã bắt đầu giành được thị phần trong thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên biên giới của nước này.
Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) tiết lộ rằng đồng nhân dân tệ đã lần đầu tiên vượt qua đồng USD của Mỹ hồi tháng Ba và trở thành đồng tiền chính trong giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới của Trung Quốc.
Theo dữ liệu được SWIFT công bố hôm 18/10, đồng nhân dân tệ chiếm 3.71% giá trị thanh toán toàn cầu trong tháng Chín, mức cao kỷ lục và gần gấp đôi so với mức 1.91% trong tháng Một. Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ là không đáng kể so với tỷ trọng 46.6% của đồng USD.
“Đồng Nhân dân tệ đã giành được thị phần và do đó đã đạt được tiến bộ trong chức năng là một phương tiện trao đổi trên thị trường toàn cầu,” Goldman Sachs Intelligence cho biết trong một báo cáo hồi tháng Bảy, đồng thời cho biết thêm rằng việc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn cho các thanh toán thương mại qua biên giới của Trung Quốc dường như tương đối rộng khắp.
Theo ghi chú của Natixis, trong tương lai, “bất chấp những trở ngại đầu tư do đồng nhân dân tệ mất giá, việc sử dụng quốc tế [của đồng nhân dân tệ] có thể tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với tiền tệ không thuộc G7 để thanh toán thương mại và tài chính trong tư nhân và khu vực chính phủ.”
Các thượng nghị sĩ cho biết, Bắc Kinh ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu thông tin tài chính và nhận dạng cá nhân nhạy cảm với các quan chức ĐCSTQ.
Hơn nữa, mặc dù ĐCSTQ trước đây đã sử dụng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc để phục vụ các mục tiêu địa chính trị của mình, nhưng mạng lưới thanh toán của họ này không được quản lý như ở Hoa Kỳ, vốn bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, và bảo vệ chống lại các mối đe dọa ổn định tài chính.
Chính quyền Trung Quốc cũng không “cung cấp sự tiếp cận thị trường có đi có lại để trao đổi các quyền có được ở các quốc gia khác.” Theo bức thư, trong gần hai thập niên, ĐCSTQ đã chặn một thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các công ty thanh toán của Hoa Kỳ cạnh tranh công bằng với UnionPay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times