Nghiên cứu: Nitrate trong nước máy và nước đóng chai có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
Một nghiên cứu của Tây Ban Nha đã phát hiện việc tiêu thụ nước đóng chai hoặc nước máy chứa nitrate trong thời gian dài có thể là một yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt.
Nghiên cứu được công bố trên tập san Environmental Health Perspectives vào ngày 08/03, do Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) thực hiện. Nghiên cứu xem xét mối liên quan giữa nitrate và trihalomethanes (THM) trong nước với nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Cả nitrate và THM đều là những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất trong nước uống. Nitrate có trong nước uống là do phân bón và phân trong quá trình chăn nuôi gia súc bị mưa cuốn trôi vào sông và tầng nước ngầm, và THM là sản phẩm phụ của quá trình khử trùng nước.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 697 ca ung thư tuyến tiền liệt từ năm 2008 đến 2013, bao gồm 97 ca có khối u tiến triển. Nhóm đối chứng bao gồm 927 người đàn ông trong độ tuổi từ 38 đến 85, những người vào thời điểm đó chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Sau đó, nhóm nghiên cứu ước tính mức độ phơi nhiễm trung bình với nitrate và THM của tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Phân tích cho thấy lượng nitrate hấp thụ cao hơn có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.
Các cá nhân được phân loại là hấp thụ nhiều nitrate trong nước được phát hiện có khả năng phát triển ung thư tuyến tiền liệt mức độ trung bình hoặc thấp cao hơn gấp 1.6 lần. Họ cũng có khả năng phát triển khối u tuyến tiền liệt tiến triển cao hơn gấp ba lần so với những người có lượng nitrate thấp.
Nhà nghiên cứu Carolina Donat-Vargas của ISGlobal trong một thông cáo báo chí cho biết: “Có ý kiến cho rằng ung thư tuyến tiền liệt tiến triển liên quan đến tiên lượng xấu hơn, có các căn nguyên cơ bản khác với các khối u phát triển chậm với diễn biến từ từ, và phát hiện của chúng tôi đã xác nhận điều đó.”
Hiệu ứng ăn kiêng
Mối liên quan giữa việc hấp thụ nitrate và ung thư tuyến tiền liệt chỉ được tìm thấy ở những người đàn ông ăn ít chất xơ, vitamin C, trái cây và rau quả.
Trong số những người tham gia, người tiêu thụ ít hơn 11g chất xơ mỗi ngày và hấp thụ nhiều nitrate có khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn gấp 2.3 lần.
Để so sánh, trong số những người tiêu thụ nhiều hơn 11g chất xơ mỗi ngày, lượng nitrate hấp thụ cao hơn không liên quan đến việc tăng khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Cô Donat-Vargas cho biết: “Các chất chống oxy hóa, vitamin và polyphenol trong trái cây và rau quả có thể ức chế sự hình thành nitrosamine – một hợp chất có khả năng gây ung thư – ở trong dạ dày.
“Hơn nữa, vitamin C cũng có tác dụng kháng u hiệu quả. Và về phần mình, chất xơ có lợi cho vi khuẩn đường ruột, giúp bảo vệ chống lại các chất độc có nguồn gốc từ thực phẩm, bao gồm cả nitrosamine.”
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Tây Ban Nha, chiếm 22% tổng số khối u được chẩn đoán trong nhóm nhân khẩu học này.
Ung thư tuyến tiền liệt ở Hoa Kỳ – Nguy cơ đến từ tình trạng thiếu Vitamin D
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ước tính rằng sẽ có khoảng 288,300 ca mới mắc ung thư tuyến tiền liệt ở Hoa Kỳ trong năm nay, với 34,700 ca tử vong. Ước tính cứ 8 người đàn ông thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong suốt cuộc đời của họ.
Theo ACS, nam giới lớn tuổi và người da màu không phải gốc Tây Ban Nha có nhiều khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Khoảng 60% trường hợp là nam giới từ 65 tuổi trở lên và ung thư hiếm khi xuất hiện ở nam giới dưới 40 tuổi.
Một nghiên cứu năm 2017 đã tìm thấy mối liên quan giữa tình trạng thiếu vitamin D và ung thư tuyến tiền liệt. Những người đàn ông thiếu vitamin D được phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hơn.
Ông Adam Murphy, trợ lý giáo sư về chuyên ngành thận tiết niệu tại Đại học Northwestern và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Những người đàn ông có làn da sẫm màu hấp thụ ít vitamin D hoặc ít tiếp xúc với ánh mặt trời nên được kiểm tra tình trạng vitamin D khi được chẩn đoán có PSA tăng cao hoặc mắc ung thư tuyến tiền liệt. Sau đó, họ có thể dùng các chất bổ sung để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin D.”