Lợi ích của tiếng ngâm nga với sức khỏe tinh thần và thể chất
Tiếng ngâm nga có những tác dụng sinh lý có thể đo lường được giúp chữa lành và cải thiện sức khỏe.
Ngâm nga những âm thanh đơn giản chỉ trong năm phút có thể giúp giảm huyết áp và căng thẳng, và giữ cho mũi và các xoang khỏe mạnh.
Tiếng ngâm nga không yêu cầu về khả năng âm nhạc. Đó là âm thanh mà bất kỳ ai nói được đều có thể tạo ra, ngay cả với em bé hoặc người già.
Tuy nhiên, những lợi ích của tiếng ngâm nga không chỉ là niềm vui khi ngâm nga một giai điệu yêu thích. Nghiên cứu cho thấy tiếng ngâm nga có thể là một công cụ tự trợ giúp quan trọng ở mọi thời điểm, để giảm căng thẳng, thư giãn, cải thiện sức khỏe khoang mũi và các xoang, v.v.
Khái niệm cơ bản về bài tập ngâm
Ngồi thẳng, nhắm mắt, thở sâu vài lần, rồi đẩy hơi từ miệng lên mũi trong khi môi khép lại. Bạn có thể ngâm trong 10 giây hoặc lâu hơn, trong năm phút rồi nghỉ năm phút, và tiếp tục lặp lại.
Ông Jonathan Goldman, một chuyên gia về chữa bệnh bằng âm thanh, đã nghiên cứu tất cả các loại hình âm thanh trong 40 năm. Ông và vợ, bà Andi Goldman, một nhà tâm lý trị liệu được cấp phép, đã làm việc trong lĩnh vực chữa bệnh bằng âm thanh trong 20 năm qua. Họ đã tìm kiếm một hình thức chữa bệnh bằng âm thanh dễ tiếp cận cho đa số con người. Khi xem xét hành động ngâm nga đơn giản và thực hiện nghiên cứu về những lợi ích của tiếng ngâm, ông Jonathan và vợ rất ngạc nhiên về các phát hiện và đã tổng hợp thông tin vào trong cuốn sách “Tác động của tiếng ngâm nga: Chữa bệnh bằng âm thanh đối với sức khỏe và hạnh phúc.”
Những điều quan trọng cần biết về tiếng ngâm nga
Âm thanh tác động đến cơ thể bằng hai cách:
- Thông qua âm thanh tâm lý khi nghe hoặc lắng nghe, từ đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Thông qua âm thanh rung động bằng cách tạo ra âm thanh làm rung động cơ thể, tới cấp độ tế bào.
“Theo quan điểm của tôi, tiếng ngâm nga là một loại âm thanh rung động mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể tạo ra,” Ông Jonathan Goldman nói.
Hãy nhớ rằng tiếng ngâm nga có nhiều cao độ, và mỗi người là một bản thể rung độc nhất. [Vì vậy], điều có tác dụng với người này không nhất định tốt cho người khác. Ông Goldman và vợ khuyên rằng, với khả năng rung độc nhất, hãy ngâm nga theo cao độ và cách phù hợp nhất với bạn.
Ngoài ra, để đạt được nhiều lợi ích nhất, ông Jonathan Goldman nói rằng khoảng dừng nghỉ là bắt buộc. Sau khi bạn ngâm nga khoảng năm phút, hãy tĩnh lặng trong một vài phút.
“Khoảng tĩnh lặng mang tính âm so với tính dương của âm thanh. Đây là lúc âm thanh có thể tạo ra những biến chuyển và thay đổi ở cấp độ rung động, thể chất, tình cảm, tinh thần, và tâm linh,” ông nói.
Các nghiên cứu dưới đây cho thấy một số lợi ích sức khỏe quan trọng của bài tập ngâm, bao gồm giảm huyết áp, nhịp tim, căng thẳng, và tăng mức nitric oxide, một chất đóng vai trò quan trọng để giữ khoang mũi và các xoang khỏe mạnh.
Huyết áp và nhịp tim
Trong một nghiên cứu năm 2020, những người tham gia thực hành một loại hình ngâm cụ thể kết hợp với hít thở sâu (một môn tập yoga gọi là bhramari pranayama) trong năm phút. Việc ngâm nga ở nhịp độ chậm đã làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giảm một cách đáng kể, đồng thời có sự giảm nhẹ nhịp tim.
Các tác giả kết luận rằng loại hình ngâm này giúp “tăng ưu thế của hệ phó giao cảm” ở hệ tim mạch. Tác dụng này là có ích, vì thần kinh phó giao cảm đôi khi được xem là hệ thống xóa bỏ căng thẳng và đưa cơ thể quay trở về với trạng thái cân bằng. Năm phút dường như là thời gian tối thiểu cần thiết để âm thanh tạo ra hiệu ứng có ích.
Ông Goldman và vợ đã trải nghiệm sự giảm huyết áp và nhịp tim này.
“Bà Andi và tôi đã phát hiện ra rằng khi tham gia một cuộc họp hoặc làm một số công việc khó khăn và cảm thấy lo lắng, chúng tôi chỉ cần dành một vài phút để thực hiện một bài tập thở sâu với tiếng ngâm nga,” Ông Jonathan Goldman nói. “Nhịp tim và huyết áp thường sẽ giảm xuống một cách đáng kinh ngạc – về mức giống như khi dùng thuốc.”
Lặp lại tiếng ‘ừm’ có thể giảm phản ứng căng thẳng
Một nghiên cứu trên tập san Quốc tế về Yoga năm 2011 phát hiện ra rằng khi những người tham gia nghiên cứu lặp lại tiếng “ừm” thường được xem là giống tiếng ngâm nga, hệ limbic đã ngừng hoạt động.
Hệ limbic là một phần của bộ não giúp điều chỉnh các chức năng tự chủ và hormone, đặc biệt khi phản ứng với các cảm xúc dữ dội như sợ hãi hoặc tức giận. Khi hệ limbic bị kích hoạt, chúng ta thường gặp tình huống “chiến đấu hoặc chạy trốn.” Khi hệ limbic ngừng kích hoạt, chúng ta sẽ giảm căng thẳng và lấy lại bình tĩnh.
Nhiều nitric oxide hơn trong khoang mũi
Nghiên cứu bổ sung cho thấy tiếng ngâm nga giúp tăng nitric oxide trong một khu vực cục bộ của cơ thể – khoang mũi. Nitric oxide là một chất dẫn truyền thần kinh cơ bản đối với sức khỏe và hạnh phúc, giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể: tăng sức khỏe miễn dịch, tim mạch, và hô hấp. Đặc biệt, nitric oxide làm giãn mạch máu, hoặc mở rộng mạch máu, tăng lưu lượng máu và giảm huyết áp. Sự sản xuất nitric oxide trong khoang mũi là một phần của hệ thống bảo vệ chống lại vi khuẩn và virus. Nitric oxide cũng đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển phản ứng miễn dịch bẩm sinh đối với nhiều loại vi khuẩn và virus.
Một nghiên cứu trên tập san Y học về Hô hấp và Chăm sóc Cần thiết của Hoa Kỳ cho thấy tiếng ngâm nga làm tăng mức nitric oxide lên gấp 15 lần so với hít thở thông thường. Các tác giả giải thích rằng tác động này dường như là do sự tăng cung cấp nitric oxide từ các xoang cạnh mũi –- hệ thống xoang nhỏ, rỗng, và được lót bởi chất nhầy nằm xung quanh khoang mũi. Tiếng ngâm làm dao động không khí, từ đó làm tăng sự trao đổi không khí giữa các xoang và khoang mũi.
Tiếng ngâm có thể giữ cho các xoang khỏe mạnh
Viêm xoang là một tình trạng gây đau phổ biến, ảnh hưởng tới hơn 16% dân số Hoa Kỳ. Viêm xoang xảy ra khi các xoang cạnh mũi bị viêm, gây ra các triệu chứng như đau đầu, đau, và nghẹt mũi. Sự giảm sản xuất nitric oxide có thể làm tăng nhạy cảm đối với nhiễm trùng xoang.
Nghiên cứu cho thấy bài tập ngâm có thể giúp các xoang luôn khỏe mạnh. Một bài báo nghiên cứu năm 2008 của ông Jon O. Lundberg thuộc Viện Karolinska ở Stockholm, giải thích:
“Một điều thú vị hơn là bản thân việc ngâm nga có thể ngăn ngừa hoặc giải quyết bệnh viêm xoang. Cơ chế chỉ đơn giản là bài tập ngâm làm tăng tốc độ trao đổi khí trong các xoang mạnh mẽ, giúp không khí trong lành đi vào, từ đó ngăn chặn các quá trình bệnh lý liên quan đến giảm nồng độ oxy.”
Nói cách khác, tiếng ngâm nga có thể cải thiện thông khí trong các xoang. [Nếu] chỉ thở bằng mũi, thời gian để thay đổi toàn bộ khí trong các xoang là từ năm đến ba mươi phút. [Nhưng] với bài tập ngâm, việc này chỉ cần một lần thở ra.
Vì vậy, nếu lần tới bạn bị nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn các xoang, ông Goldman và vợ khuyên bạn nên thử bài tập ngâm để tạo ra lượng nitric oxide tối đa. Chỉ cần một vài lần hít thở sâu, ngâm nga trong bốn đến năm lần, và ngồi im lặng khoảng ba phút. Bạn có thể lặp lại thêm một lần nữa nếu muốn.
Họ cũng khuyến nghị không nên tự gây áp lực và ngâm nga quá to hoặc trong thời gian quá dài. Chỉ nên ngâm ở mức vừa phải với âm lượng và độ cao giống như khi nói chuyện bình thường.
Tiếng ngâm nga có thể hữu ích với những bộ phận khác không?
Tiếng ngâm là một âm thanh tạo ra rung động trong cơ thể. Nếu bạn không tin, hãy thử ngâm nga nhẹ nhàng và ấn nhẹ các ngón tay vào tai. Bạn sẽ thấy sự rung động trong khoang mũi.
Nghiên cứu của ông John Beaulieu phát hiện ra rằng rung động âm thanh kích thích các tế bào trong đĩa petri tiết ra nitric oxide. Hơn nữa, trong một bài đánh giá năm 2003 về việc thư giãn bằng liệu pháp âm thanh, ông Beaulieu và cộng sự đã giải thích rằng nitric oxide tạo ra cảm xúc tích cực và thư giãn cơ thể trong các tác động của âm nhạc với sức khỏe.
Tổng hợp lại các thông tin, ông Goldman và vợ tin rằng việc [ngâm nga] tập trung và thay đổi một chút cao độ sẽ dễ dàng truyền rung động đến các bộ phận khác của cơ thể, như các phần của hộp sọ và ngực. Bằng cách này, các bộ phận nhận cảm có thể tiết ra nitric oxide và tăng lưu lượng máu ở những vùng đó không? Giống như những người khác, ông Goldman và vợ cũng tin câu trả lời là có. Họ nghĩ rằng tiếng ngâm nga có thể hữu ích như một phương pháp massage tạo sóng âm (rung động) nội tại.
Hãy thử thực hiện nhiều giai điệu ngâm nga khác nhau và xem liệu bạn có nhận thấy cảm giác cộng hưởng ít nhiều ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times