ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 3/3)
Xem các phần trước:
ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 1/3)
ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 2/3)
Ở Hoa Kỳ, rất khó để tìm được hãng truyền thông Hoa ngữ nào không chịu sự ảnh hưởng hoặc không chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ. Sự phát triển mạng lưới truyền thông của ĐCSTQ đã và đang được tạo thuận lợi ở mức độ lớn nhờ việc sử dụng rộng rãi dịch vụ nhắn tin WeChat của Trung Quốc trong các cộng đồng nói tiếng Hoa ở Mỹ.
Nói chung, qua việc kiểm soát các tài khoản WeChat, ĐCSTQ có thể chèn ép các nhóm cộng đồng và hãng truyền thông Hoa ngữ độc lập, chiếm lĩnh môi trường thông tin, và đưa nhiều người hơn vào tầm kiểm soát của mình. Điều này có thể tước đi khả năng tham gia độc lập vào các cuộc thảo luận chính trị của các cộng đồng người Hoa.
Hãy xem xét nhận định này được đưa ra trong báo cáo tóm tắt chính sách năm 2020 của Viện Chính sách Chiến lược Úc có nhan đề “Môi trường ảnh hưởng: Khảo sát về các hãng truyền thông Hoa ngữ ở Úc.” Báo cáo cho biết, “WeChat, một ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc do Tencent tạo ra, có thể đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể và nguy hại nhất từng được quan sát thấy trong lĩnh vực truyền thông Hoa ngữ của Úc.”
“WeChat đã thúc đẩy sự phát triển của các hãng truyền thông liên kết với ĐCSTQ. Các hạn chế mở tài khoản và quy trình kiểm duyệt không rõ ràng của ứng dụng này đã ngăn cản nội dung chính trị, góp phần làm cho các cộng đồng người Hoa thiếu nhận thức về chính trị và khiến họ dễ bị thao túng.”
Trong một báo cáo khác có nhan đề “Đảng Nói Thay Quý Vị,” Viện Chính sách Chiến lược Úc đã xác định 26 tài khoản truyền thông Hoa ngữ trên WeChat được ghi danh dưới tên chi nhánh của Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service, CNS) thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Các hãng truyền thông có quan điểm chỉ trích ĐCSTQ, chẳng hạn như The Epoch Times hoặc các hãng truyền thông bài xích chủ nghĩa cộng sản khác, không được lập tài khoản WeChat để chia sẻ tin tức của họ.
Mọi tin tức do WeChat công bố đều bị ĐCSTQ kiểm duyệt trước khi được phân phối ra công chúng, ngay cả khi tin tức này được một hãng truyền thông ở New York viết cho cộng đồng Hoa kiều ở địa phương. ĐCSTQ cũng kiểm duyệt nội dung WeChat do các cá nhân sản xuất. Anh Lăng Phi (Ling Fei), một blogger người Trung Quốc ở New York, cho biết đầu tháng Hai năm nay, anh đã bị cấm truy cập vào tài khoản công khai WeChat “Tiếng kèn của Lăng Phi” (The Horns of Ling Fei) của mình vĩnh viễn. Hành vi vi phạm của anh ấy là do tuyên bố rằng chiến đấu cơ F-22 của Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc chỉ với một hỏa tiễn nhưng chính quyền Trung Quốc lại nói rằng Hoa Kỳ đã sử dụng ba hỏa tiễn. Anh Lăng cho biết anh chỉ đăng những gì anh tin là sự thật.
Một tài khoản blog WeChat khác bị ĐCSTQ cấm vĩnh viễn là “Moshang USA”. Blog được thiết kế nhằm mục đích nói sự thật về cuộc sống ở Mỹ cho cư dân Trung Quốc và người nhập cư trên toàn thế giới. Biên tập viên của blog, cô Lydia Liu, cho biết nội dung của cô đã nhiều lần bị kiểm duyệt vì mâu thuẫn với quan điểm của ĐCSTQ về thương mại và về đại dịch COVID-19. Cô nói người Hoa ở hải ngoại đang sống trong một cơ chế kiểm soát dưới cánh tay vươn dài của ĐCSTQ. “Giờ đây, tất cả các vòng kết nối WeChat của Trung Quốc chỉ có thể quảng bá nội dung được ĐCSTQ chấp thuận, nếu không, họ không thể tồn tại trong các vòng kết nối WeChat. Điều này tương đương với việc biến toàn bộ cộng đồng người Hoa thành một cộng đồng gián điệp và trở thành con ngựa thành Troy của ĐCSTQ. Đây chẳng phải là họ đang muốn sát hại chúng ta sao?”
ĐCSTQ tăng cường tuyên truyền ở hải ngoại
Khi mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng xấu đi, ĐCSTQ lại tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc hơn nữa, gây ra căng thẳng không cần thiết trong các cộng đồng người Hoa tại Mỹ quốc.
Chẳng hạn như, kể từ khi đưa tin về đại dịch COVID-19 của ĐCSTQ, các hộp báo của The Epoch Times đã bị bôi bẩn bằng những hình vẽ bậy đầy thù hận, cáo buộc rằng hãng truyền thông này là “Hán gian.” Việc này đã xảy ra nhiều lần.
Ví dụ, ngày 02/05/2022, The Epoch Times đã phát hiện hơn 44 hộp báo bị vẽ bậy ở trung tâm thành phố Manhattan.
Ngoài việc sử dụng WeChat để kiểm duyệt các đối thủ của mình, ĐCSTQ còn đầu tư vào quảng cáo để trợ giúp các hãng thông tấn ủng hộ ĐCSTQ và gây áp lực cho bất kỳ ai chỉ trích họ. Ví dụ, năm 2016, hiệu thuốc tại Đại học Quốc gia Úc đã bị gây áp lực buộc phải ngừng phân phối báo The Epoch Times. Áp lực này đến từ Hội Sinh viên Trung Quốc mà chủ tịch của hiệp hội này đã đe dọa sẽ tẩy chay hiệu thuốc chừng nào họ dỡ bỏ hộp báo của The Epoch Times thì thôi.
Mức độ ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với xã hội Hoa Kỳ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra cách để hạn chế ảnh hưởng đó mà không vi phạm nguyên tắc “tự do báo chí” của chính họ.
Các hành động mà chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện đối với ĐCSTQ trong năm 2020 là phân loại 15 hãng truyền thông của Trung Quốc tại Hoa Kỳ là “phái bộ ngoại quốc.” Nhưng hành động này vẫn tạo kẽ hở cho các đối tác truyền thông không chính thức của Trung Quốc tiếp tục thao túng tin tức thay cho ĐCSTQ.
Báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc ban hành đã đưa ra một số ý tưởng để điều chỉnh ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các hãng thông tấn Hoa ngữ ở Úc. Dưới đây là một vài trong số những ý tưởng đó: cung cấp kiến thức cho các chính trị gia về những hệ lụy của WeChat đối với bảo mật, quyền riêng tư, và hoạt động chính trị; khuyến khích người Trung Quốc sử dụng các nền tảng khác ngoài WeChat; phối hợp với các nước đồng minh gây áp lực lên WeChat; cải thiện việc báo cáo công khai về quyền sở hữu truyền thông của ngoại quốc; yêu cầu Lực lượng Đặc nhiệm Chống Can thiệp Ngoại quốc điều tra và can thiệp khi sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của ngoại quốc đối với hãng truyền thông không minh bạch; xây dựng bộ luật mới để mở rộng quy định về kênh truyền thông trên mạng internet và mạng xã hội.
Ông Phương Vĩ (Fang Wei), một nhà bình luận kiêm học giả người Mỹ, tin rằng một phương án bổ sung mà Hoa Kỳ có trong nỗ lực hạn chế sự thâm nhập ở hải ngoại của ĐCSTQ đã được cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đề xướng. Ông Phương cho biết: “Hoa Kỳ chỉ cần một hành động đơn giản: ‘đáp trả,’ không liên quan đến bất kỳ luật nào, để hạn chế các hoạt động thâm nhập của ĐCSTQ vào Hoa Kỳ.”
Theo ông Phương, ý tưởng của ông Pompeo về việc đáp trả hoặc đối xử với Trung Quốc giống như cách họ đối xử với Hoa Kỳ “phù hợp với Hiến Pháp, vốn cho phép chính phủ liên bang có toàn quyền quyết định đối với kiều dân ngoại quốc. Hơn nữa, Hoa Kỳ có thể thực hiện điều này mà không cần bất kỳ luật nào.”
Nếu Hoa Kỳ quyết định không đáp trả Trung Quốc, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Xiaoxu Sean Lin), một người Trung Quốc nhập cư đến Hoa Kỳ kiêm nhà bình luận chính trị, cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ có thể đang muốn xem xét phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các hoạt động tuyên truyền sai trái của ĐCSTQ. Sau đó, dựa trên dữ liệu, đề ra các dự luật để giải quyết các hoạt động đó một lần và mãi mãi. Đây rõ ràng là những gì Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định làm.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times