ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 1/3)
Dịch vụ lưu trữ video TikTok của Trung Quốc đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Mỹ ngày nay. Do các mối lo ngại về các vấn đề bảo mật dữ liệu của TikTok và khả năng truyền bá quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nên nền tảng này đã bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng lực lượng chính tuyên truyền quan điểm của Bắc Kinh nằm ở một số hãng thông tấn ủng hộ ĐCSTQ, WeChat, và các mạng truyền hình phủ sóng toàn bộ cộng đồng người gốc Hoa ở Hoa Kỳ.
Hồi năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ định tư cách “phái đoàn ngoại quốc” đối với 15 hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Theo Đạo luật Phái đoàn Ngoại quốc tại Hoa Kỳ, tất cả các hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc tại Hoa Kỳ phải được chỉ định là “các phái đoàn ngoại quốc” và những nhân viên làm việc ở đó phải được ghi danh là “các đại diện ngoại quốc,” giống như nhân viên của các đại sứ quán ngoại quốc.
Những chỉ định trên được thực hiện theo ba đợt và bao gồm Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Toàn cầu, và Nhật báo Kinh tế.
Sau đó, vào năm 2021, khi tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông được một công dân Trung Quốc mua lại, thì tờ báo này buộc phải ghi danh làm một “đại diện ngoại quốc” với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Nhưng Chinese TV (SinoVision) và Kiều Báo (The China Press), vốn được thành lập ở New York, được Trung Quốc Tân Văn Xã tài trợ và bố trí nhân viên, chưa bao giờ bị gán nhãn như vậy.
Một lỗ hổng truyền thông khác mà ĐCSTQ lợi dụng khi tuyên truyền là cách chính phủ Hoa Kỳ không quản lý các dịch vụ truyền phát trực tuyến qua internet Over the Top (OTT) và Truyền hình Giao thức Internet (IPTV). Ví dụ: người Mỹ gốc Hoa ở New York có thể trả 180 USD cho một bộ thu phát trực tuyến qua Internet nhỏ cho phép họ truy cập hơn một trăm kênh Hoa ngữ từ hơn một chục đài truyền hình trung ương và địa phương của Trung Quốc thông qua WiFi.
Với sự phát triển của Internet, một số hãng thông tấn địa phương thuộc sở hữu nhà nước của ĐCSTQ cũng đã thành lập chi nhánh tại Hoa Kỳ. Do đó, các cơ quan tuyên truyền ở hải ngoại này đưa ra nhiều lựa chọn đài truyền hình có chương trình Hoa ngữ.
Mặc dù các hãng thông tấn này thường không được chính phủ Hoa Kỳ chú ý, nhưng họ đã chứng tỏ sự thành công trong việc gây ảnh hưởng và thao túng khán giả người Mỹ gốc Hoa bằng sự kiểm duyệt và thông điệp của ĐCSTQ.
Đơn cử, trong vụ án gần đây (pdf) mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) truy tố ĐCSTQ vì đồn công an ở hải ngoại của đảng này tại thành phố New York do Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (American ChangLe Association) điều hành. Bản cáo trạng đề cập đến Văn phòng Công an Phúc Châu nơi đã yêu cầu một trong các bị cáo, ông Trần Kim Bình (Chen Jinping), xóa một bài báo khỏi chi nhánh Hoa Kỳ của trang web Đông Nam Mạng (fjsen.com) thông báo về việc mở đồn công an thứ hai của ĐCSTQ ở thành phố New York.
Trang web fjsen.com là do Ban Tuyên giáo của Ủy ban Tỉnh ủy Phúc Kiến của ĐCSTQ quản lý và nằm dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Nhật báo Phúc Kiến.
Hồi tháng 12/2017, hãng thông tấn này đã xuất bản một bài báo đưa tin về một sự kiện ở thành phố New York kỷ niệm đài Southeast Net’s American (Đông Nam Mạng tại Hoa Kỳ) tròn năm năm. Những người tham dự gồm có một số trợ lý của các chính trị gia, bao gồm cả đại diện của Thị trưởng đương nhiệm Winnie Greco. Ông Lô Kiến Vượng (Lu Jianwang), bị cáo thứ hai trong vụ án của DOJ, đã được mời với tư cách là một trong những vị khách danh dự của sự kiện này.
Trong lễ kỷ niệm này, người đứng đầu chi nhánh của Đông Nam Mạng tại Hoa Kỳ, bà Vương Diễm Linh (Wang Yanling), đã trình bày một bài diễn văn. Bà bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác trong việc thúc đẩy tư tưởng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội Trung Quốc trong kỷ nguyên mới tại các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại và xã hội Mỹ quốc. Sự kiện này cũng bao gồm một “Hội nghị chuyên đề của các Nhà tuyên truyền ở Ngoại quốc để Nghiên cứu và Thực hiện Tinh thần của Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ.”
Vào một thời điểm mà các mối căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lên cao, những hoạt động của các tổ chức tuyên truyền này có khả năng gây ra các mối lo ngại trong các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Họ làm điều này bằng cách nhấn mạnh những bất công được cảm nhận đối với Trung Quốc, kích động tình cảm chống Mỹ, và cuối cùng cố gắng gây ảnh hưởng đến các chính sách của Hoa Kỳ.
Ví dụ, một ngày sau khi FBI bắt giữ hai lãnh đạo đồn công an ở hải ngoại của ĐCSTQ hôm 17/04, Kiều Báo đã đưa tin rằng “những kiều bào đang làm việc không thể nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.” Bài báo này đã dẫn lời ông Châu Lập Nghiệp (Zhu Liye), Giám đốc Điều hành của Đông Nam Mạng tại Hoa Kỳ. Ông đã nói về hai người bị DOJ truy tố, “họ sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.” Bài báo đã không đề cập đến mối quan hệ của ông Châu Lập Nghiệp với Đông Nam Mạng, mà chỉ mô tả ông là một người dân trong cộng đồng.
Hôm 19/04, Tinh Đảo Nhật Báo đã đăng một dòng nhan đề trên trang nhất nhằm quảng bá phản ứng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đối với các cáo buộc của Hoa Kỳ về các đồn công an ở hải ngoại của ĐCSTQ. Nhan đề này như sau: “Phủ nhận Sự tồn tại của các Đồn Công an Hải ngoại, Trung Quốc Cáo buộc Hoa Kỳ về những Tuyên bố Vô căn cứ.”
Xem tiếp các phần sau:
ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 2/3)
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times