Chống lại ảnh hưởng của ngoại quốc: Bắc Kinh khai thác lỗ hổng trong luật pháp Canada; luật sư David Matas đề xướng các biện pháp khắc phục
Bắc Kinh và các chế độ chuyên chế khác đang lợi dụng những lỗ hổng trong luật pháp Canada để thúc đẩy cuộc đàn áp xuyên quốc gia của họ ở Canada, và một luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng nói rằng đây là một vấn đề đòi hỏi phải có luật pháp toàn diện để chống lại sự can thiệp của ngoại quốc.
Luật sư David Matas, sống tại Winnipeg, cố vấn pháp lý cao cấp của tổ chức B’nai Brith Canada, cho biết các quốc gia đàn áp như Trung Quốc, Nga, và Iran đã lợi dụng các tổ chức như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để sách nhiễu và uy hiếp công dân của họ ngay cả sau khi họ đã chạy trốn ra hải ngoại để thoát khỏi sự bức hại ở quê nhà. Ông nói rằng những kẻ bất hảo dưới danh nghĩa quốc gia cũng đang lạm dụng các quy định thông thường để hợp tác quốc tế về các vấn đề hình sự.
Để giải quyết những vấn đề này và những lo ngại ngày càng tăng có liên quan, luật sư David Matas cho biết Canada cần phải có một luật toàn diện, trong đó yêu cầu những người hoạt động cho các tổ chức ngoại quốc phải ghi danh với chính phủ Canada, một bộ quy tắc ứng xử quy định những gì mà người ngoại quốc có thể và không thể làm, và những quy định phòng ngừa và thực thi mạnh mẽ để ngăn chặn, trục xuất, hoặc trừng phạt những người vi phạm pháp luật.
Tương trợ pháp lý
Ông Matas nói: “Canada không nên hợp tác với các chế độ chuyên chế về các vấn đề hình sự.”
Ông đưa ra ví dụ về việc các chế độ đó đã lạm dụng thông báo truy nã tội phạm đào tẩu quốc tế của Interpol — thường được gọi là Thông Báo Đỏ (Red Notices) — vốn được ban hành để xác định vị trí và bắt giữ những người “bị truy tố hoặc thi hành án.”
Một Thông Báo Đỏ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn pháp lý nhất định và phải tuân thủ Hiến Chương Interpol, trong đó Điều 3 cấm Interpol thực hiện “bất kỳ sự can thiệp hoặc hoạt động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo, hoặc chủng tộc.” Ông Matas cho biết bất chấp quy định này, các chế độ chuyên chế đang trở nên “đủ tinh vi để biết rằng họ sẽ không thể cáo buộc các mục tiêu của họ phạm tội dựa trên những cơ sở bị quốc tế cấm.”
“Các chế độ này thường quy trách nhiệm về những hành động sai trái của chính họ cho những người thấp cổ bé họng, cáo buộc họ phạm tội theo luật thông thường,” ông nói. “Các cáo buộc này đều có động cơ chính trị nhưng bản thân những cáo buộc cho những hành vi phạm tội đã được thực hiện là không liên quan đến chính trị.”
Một trường hợp mới xảy ra hôm 03/07 khi cảnh sát Hồng Kông ban hành lệnh bắt giữ tám nhà hoạt động dân chủ đang sống lưu vong, với phần thưởng 1 triệu dollar Hồng Kông cho mỗi người cung cấp tung tích hiện tại của họ. Những người này đã bị buộc tội “kích động ly khai,” “lật đổ,” “xúi giục lật đổ,” và “thông đồng với một quốc gia ngoại quốc hoặc với các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Hôm 04/07, chính phủ Hồng Kông đã công bố bản ghi một cuộc phỏng vấn với Giám đốc Cục An ninh Hồng Kông Đặng Bính Cường (Chris Tang), trong đó các phóng viên đã hỏi liệu cảnh sát Hồng Kông có tìm kiếm sự trợ giúp từ Interpol hoặc cộng đồng người Hoa địa phương ở các quốc gia mà những người bị truy nã đang cư trú hay không. Ông Đặng nói: “Chúng tôi đang dùng mọi cách có thể để bắt những kẻ bị truy nã này.”
Ngoài Interpol, ông Matas còn nêu lên lo ngại về việc các chế độ chuyên chế lạm dụng các hiệp định trợ giúp pháp lý thông thường, chẳng hạn như Công ước Ljubljana-La Haye về Hợp tác Quốc tế trong Điều tra và Truy tố Tội diệt chủng, Tội ác Phản Nhân loại, Tội ác Chiến tranh và các tội ác quốc tế khác, đã được thông qua hồi tháng Năm.
Ông Matas đề nghị rằng, khi xem xét việc ký kết các hiệp ước như vậy, Canada nên đưa ra cái được gọi là một “điều kiện hạn chế” để chỉ giới hạn các nghĩa vụ của mình đối với những quốc gia mà họ có hiệp ước dẫn độ đang có hiệu lực — những quốc gia được cho là sẽ tiến hành xét xử công bằng — và sẽ rút lui nếu các quốc gia khác thấy điều này không thể chấp nhận được.
Ông Matas đặc biệt lưu ý rằng Canada không nên hợp tác “trong nỗ lực trục xuất một người nào đó khỏi Canada mà một chế độ chuyên chế cho là đã phạm tội.”
Nhắm vào các thành viên gia đình
Trung Quốc cũng đã khai thác các lỗ hổng pháp lý ở các quốc gia khác thông qua trực tiếp các lãnh sự quán của mình, và nhắm mục tiêu vào các quan chức ngoại quốc như nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Michael Chong (Trang Văn Hạo). Hồi đầu tháng Năm, Ottawa đã tuyên bố viên chức lãnh sự Trung Quốc Triệu Nguy (Zhao Wei) là người không được hoan nghênh sau khi tờ The Globe and Mail đưa tin, trích dẫn một nguồn tin an ninh quốc gia ẩn danh, rằng ông Triệu đã giúp tìm kiếm thông tin về các thành viên gia đình của ông Chong sống ở Hồng Kông để trừng phạt họ.
Được biết, ông Chong bị nhắm mục tiêu vì đã bảo trợ cho một kiến nghị tại Hạ viện vào năm 2021 nhằm tuyên bố việc Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ khác là một tội ác diệt chủng.
Ông Matas nói: “Nếu hành vi đó có thể hướng đến một người có địa vị cao và thẳng thắn công khai như ông Michael Chong, thì người ta có thể dễ dàng hiểu được mức độ lan rộng của hành vi đó đối với mục tiêu là những người bình thường và những người cảm thấy sợ hãi đến mức không dám lên tiếng.”
“Theo một ý nghĩa ngược lại, ông Triệu Nguy đã giúp chúng ta bằng cách đưa ra một cái nhìn thoáng qua về tình trạng lạm dụng khắp nơi mà ông ấy đã cung cấp một ví dụ điển hình. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ trong khi mọi người nhận thức ra được hành vi không phù hợp của ông ta.”
Can thiệp bầu cử
Kể từ cuối năm 2022, một loạt các bài tường thuật được phát hành trên các hãng truyền thông đã nêu bật sự can thiệp của Bắc Kinh vào các cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021 của Canada, đồng thời trích dẫn các tài liệu tình báo bị rò rỉ cho thấy 11 ứng cử viên liên bang bị cáo buộc đã nhận tài trợ chiến dịch tranh cử từ Bắc Kinh trong cuộc bầu cử năm 2019. Theo nhiều bài tường thuật trên các hãng truyền thông, chính quyền Trung Quốc còn bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử thành phố Vancouver năm 2022.
Việc Trung Quốc điều hành ít nhất bảy đồn công an chìm trên lãnh thổ Canada cũng kêu gọi cảnh giác về sự can thiệp của ngoại quốc. Hồi tháng 09/2022, tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha lần đầu tiên báo cáo về sự tồn tại của các “trạm dịch vụ” cảnh sát ngoại quốc này ở hàng chục quốc gia. Tổ chức này đã mô tả những trạm dịch vụ đó như là cánh tay nối dài làm tay sai của chế độ này trong hoạt động kiểm soát và đàn áp xuyên quốc gia.
Các báo cáo về sự can thiệp ngoại quốc lan rộng của Bắc Kinh đã thúc đẩy nhiều lời kêu gọi thành lập cơ quan ghi danh đại diện ngoại quốc để tăng cường tính minh bạch xung quanh các hoạt động của những ai làm việc tại Canada nhằm thúc đẩy các lợi ích của một tổ chức ngoại quốc.
Trước sự phản đối kịch liệt của công chúng, hồi tháng Ba, chính phủ Đảng Tự Do đã bổ nhiệm cựu thống đốc David Johnston làm báo cáo viên đặc biệt để đánh giá tác động của sự can thiệp của ngoại quốc trong hai cuộc bầu cử liên bang vừa qua và để xác định liệu Canada có nên tiến hành một cuộc điều tra công khai hay không.
Ông Johnston đã quyết định không tổ chức một cuộc điều tra công khai, với lý do lo ngại về an ninh nếu các tài liệu mật được công khai. Trong báo cáo đầu tiên của mình — được công bố hồi tháng Năm — ông cũng nhấn mạnh nhiều quy định khác nhau hiện có để giải quyết vấn đề ảnh hưởng của ngoại quốc. Tuy nhiên, báo cáo của ông không đề cập đến việc Trung Quốc điều hành các đồn công an chìm ở Canada. Ông cũng nói rằng ông đã không xem xét tất cả các thông tin tình báo trước khi đưa ra kết luận của mình.
Các luật hiện hành
Ông Matas đã đưa ra ba luật hiện hành ở Canada mà mỗi luật đang thiếu một số đặc điểm nhất định để có thể chống lại sự can thiệp của ngoại quốc một cách toàn diện.
Đạo luật Vận động Hành lang (Lobbying Act) yêu cầu bất kỳ ai nhận tiền thù lao để liên lạc với những người nắm giữ chức vụ công liên bang đều phải ghi danh với chính phủ. Tuy nhiên, đạo luật này không quy định các hình thức ảnh hưởng ngoại quốc khác, chẳng hạn như các hoạt động được thực hiện mà không phải trả tiền hoặc không liên quan đến việc liên lạc với các quan chức.
Đạo luật Bầu cử Canada (Canada Elections Act) nghiêm cấm “hành vi ảnh hưởng phi pháp” của người ngoại quốc trong các cuộc bầu cử liên bang Canada trong thời gian bầu cử, nhưng không có yêu cầu ghi danh.
Ông Matas cho hay: “Hai luật này không đủ để giải quyết vấn đề về những nỗ lực gây ảnh hưởng của các người ngoại quốc đang hoạt động tại Canada. Đôi khi, các đặc vụ ngoại quốc còn tham gia vào hoạt động ở Canada mà không cần liên lạc với những người nắm giữ chức vụ công liên bang và không cần phải cố gắng gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở Canada.”
Về việc trừng phạt những người có liên quan đến ảnh hưởng của ngoại quốc, chẳng hạn như trường hợp của ông Triệu, Đạo luật về Tổ chức Quốc tế và Cơ quan Ngoại giao (FMIOA) cho phép Canada tuyên bố bất kỳ thành viên nào của nhân viên lãnh sự hoặc nhân viên ngoại giao là người không được hoan nghênh vì bất kỳ lý do gì hoặc không có lý do nào cả.
Mặc dù FMIOA yêu cầu các quốc gia ngoại quốc gửi tên nhân viên lãnh sự của họ cho chính phủ liên bang, nhưng đạo luật này không yêu cầu ghi danh công khai hoặc cung cấp quy tắc ứng xử cho những người đại diện ngoại quốc. Và như một biện pháp đối phó với sự ảnh hưởng của ngoại quốc, việc trục xuất các nhà ngoại giao ngoại quốc ra khỏi Canada “chỉ có thể đến mức nào đó mà thôi,” ông Matas nói.
Các đề xướng
Để bù đắp cho những bất cập trong luật pháp Canada, ông Matas cho biết Canada cần có luật cụ thể hơn để giải quyết tất cả các phương diện ảnh hưởng của ngoại quốc. Luật này nên bao gồm nhưng không giới hạn ở một hệ thống ghi danh. Thay vào đó, luật cũng nên đặt ra các hoạt động bị cấm đối với người ngoại quốc.
Những đối tượng bị cấm không chỉ là những người được trả lương cho công việc của họ, mà còn là những người làm việc tình nguyện hoặc không trả tiền cho công việc đó, tùy thuộc vào hoạt động mà họ tham gia.
Ông Matas đã đưa ra ví dụ về công dân Mỹ Lương Lợi Đường (Litang Liang), người đã bị buộc tội hồi tháng Năm tại Hoa Kỳ theo Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc (FARA) của Hoa Kỳ. Ông Lương đã bị truy tố vì hoạt động như một đặc vụ bất hợp pháp cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Trong số các hoạt động khác, vào năm 2018, ông Lương được cho là đã cung cấp cho Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York danh tính của một người từng là nhà hoạt động sinh viên, nói rằng nhà hoạt động này phải chịu trách nhiệm về việc tiêu hủy lá cờ CHND Trung Hoa tại Khu phố Tàu ở Boston.
Ông Matas cũng cho biết luật này không nên chỉ nhằm vào người ngoại quốc mà còn bao gồm cả những công dân Canada nào đang tham gia vào các hoạt động bị cấm này.
Ông cũng đưa ra trường hợp của ông Chong, nói rằng, “Việc tạo ra, dự trù, tạo thuận tiện, hoặc tổ chức những mối đe dọa đó phải là một hoạt động bị cấm, cho dù hoạt động đó là do người ngoại quốc hay người dân địa phương thực hiện.”
Ông Matas cho biết Canada cũng cần một ủy viên chuyên trách về ảnh hưởng ngoại quốc, giống như ủy viên vận động hành lang. Ủy viên chuyên trách về ảnh hưởng ngoại quốc này có thể tiếp nhận cả các khiếu nại công khai và riêng tư về hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, bao gồm cả hành vi vi phạm của các đại sứ quán và lãnh sự quán ngoại quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times