Luật chống gián điệp mới của Trung Quốc gây rủi ro cho các doanh nghiệp ngoại quốc
Người ngoại quốc có nguy cơ bị giam giữ vì hỏi những câu hỏi nhạy cảm
Theo luật chống gián điệp mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các hoạt động kinh doanh bình thường có thể bị xem là hoạt động gián điệp, dẫn đến việc người ngoại quốc bị cấm ra vào Trung Quốc.
Luật Chống Gián điệp sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực từ hôm 01/07, cấm chuyển giao thông tin liên quan đến an ninh quốc gia đồng thời mở rộng định nghĩa về an ninh quốc gia. Ngoài ra, luật này còn mở rộng phạm vi của những gì tạo thành hoạt động gián điệp.
Giờ đây, hoạt động gián điệp có thể bao gồm “các tổ chức hoặc cá nhân [mà] cấu kết với nhau để đánh cắp, do thám bí mật nhà nước, thông tin tình báo và các tài liệu, dữ liệu, tư liệu khác”. Trong khi định nghĩa về gián điệp ở hầu hết các quốc gia sẽ áp dụng cho các hành vi đánh cắp bí mật nhà nước, và việc do thám bí mật nhà nước thì không được xem là một tội. Loại ngôn ngữ chung chung và mơ hồ này gây lo ngại cho những người phương Tây, vốn có thể cho rằng việc đưa ra những câu hỏi nhạy cảm là chấp nhận được. Hiện nay dường như chỉ cần đặt câu hỏi thôi cũng là một hành động bất hợp pháp. Điều này gây nguy hiểm cho tất cả mọi người, từ các ký giả ngoại quốc tới các kiểm toán viên.
Luật này có mục đích bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, nhưng định nghĩa có thể mở rộng cho bất kỳ thông tin nào liên quan đến tài liệu, dữ liệu và tư liệu liên quan đến cơ quan nhà nước và cơ sở hạ tầng. Luật này cũng trao quyền cho các điều tra viên truy cập dữ liệu, thiết bị điện tử và, thông tin trên máy điện toán cá nhân và điện thoại. Các nhà điều tra cũng sẽ có quyền ngăn cản những người đang bị điều tra rời Trung Quốc.
Ông Jeremy Daum, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Đại học Yale, nói với AFP rằng luật sửa đổi này sử dụng “cách tiếp cận toàn xã hội để đối phó với bất kỳ điều gì là một nguy cơ đối với định nghĩa rộng rãi về an ninh quốc gia này”, dùng các công ty tư nhân và cá nhân làm tay sai cho ĐCSTQ. Điều 7 của luật này quy định, “Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có nghĩa vụ bảo vệ an ninh, danh dự, và lợi ích của quốc gia,” trong khi Điều 8 viết, “Tất cả công dân và tổ chức phải ủng hộ và trợ giúp các nỗ lực chống gián điệp.”
Cách tiếp cận toàn xã hội này phù hợp với Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia (sửa đổi năm 2018), trong đó có quy định, “Tất cả các tổ chức và công dân sẽ trợ giúp, giúp đỡ, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia.” Điều 24 của luật này quy định rằng, ngoài an ninh công cộng và các vấn đề dân sự, các lĩnh vực dự kiến sẽ trợ giúp thu thập thông tin tình báo bao gồm “các tổ chức dân sự, tài chính, y tế, giáo dục, nhân sự và an sinh xã hội, cựu chiến binh, và an ninh y tế, như cũng như các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công cộng.” Điều quan trọng cần lưu ý là luật này không nói rằng những trách nhiệm thu thập thông tin tình báo này chỉ giới hạn ở biên giới Trung Quốc. Trên thực tế, hai luật này khiến tất cả các công ty và cá nhân Trung Quốc trở thành tay sai của ĐCSTQ.
Luật Chống Gián điệp này đặt các công dân Trung Quốc làm việc cho các công ty ngoại quốc vào một tình thế đặc biệt khó khăn, vì họ có thể bị kết tội vì “các hoạt động do các cơ quan, tổ chức và cá nhân ngoại quốc thực hiện, xúi giục, hoặc tài trợ ngoài các tổ chức gián điệp và đại diện của họ, hoặc trong đó cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thông đồng.” Việc ĐCSTQ đàn áp Cơ Đốc Giáo thường được biện minh là ngăn cản công dân thông đồng với các thế lực ngoại quốc. Nhưng nội dung của luật sửa đổi này có thể được áp dụng cho bất kỳ công dân Trung Quốc nào làm việc trong một công ty ngoại quốc hoặc làm việc với tư cách là đại diện địa phương của một công ty ngoại quốc.
Luật Chống Gián điệp sửa đổi quy định rằng luật này được áp dụng cho công dân ngoại quốc và những người vi phạm có thể bị trục xuất. Luật còn cho biết người nước ngoài bị xem là đã vi phạm luật cũng có thể bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này. Việc cấm nhập cảnh cho thấy một khía cạnh ngoài lãnh thổ của luật, vì hành vi vi phạm có thể xảy ra khi người đó đang ở một quốc gia khác. Tuy nhiên, một lệnh “cấm xuất cảnh” tiềm tàng đối với công dân ngoại quốc thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Điều 33 quy định rằng các cơ quan an ninh nhà nước “từ cấp tỉnh trở lên có thể thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không cho những người bị tình nghi có hành vi gián điệp xuất cảnh.”
Hồi tháng Tư, cảnh sát Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động của công ty tư vấn quản lý Hoa Kỳ Bain & Company. Vài tuần trước đó, văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Hoa Kỳ Mintz Group đã bị đột kích và đóng cửa, làm dấy lên lo ngại rằng hoạt động bình thường của các công ty tư vấn quản lý liên quan đến việc đặt các câu hỏi nhạy cảm và thu thập dữ liệu và thông tin có thể mâu thuẫn với luật Chống Gián Điệp sửa đổi. Luật sửa đổi này cũng có thể bị lợi dụng như một cái cớ để ĐCSTQ tiếp cận các bí mật thương mại hoặc dữ liệu độc quyền hoặc thông tin về khách hàng của một công ty.
Bình luận về luật sửa đổi này, Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC) đã đưa ra cảnh báo đối với người Mỹ và các công ty Mỹ ở Trung Quốc: “Những luật này cung cấp cho chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa các cơ sở pháp lý mở rộng để truy cập và kiểm soát dữ liệu của các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Các công ty và công dân Hoa Kỳ ở Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với các hình phạt trong các hoạt động kinh doanh truyền thống mà Bắc Kinh xem là hành vi gián điệp hoặc các hành động mà Bắc Kinh tin rằng chúng trợ giúp các lệnh trừng phạt của ngoại quốc đối với Trung Quốc. Các luật này cũng có thể buộc các công dân CHND Trung Hoa làm việc cho các công ty Hoa Kỳ tại địa phương giúp đỡ các nỗ lực tình báo của CHND Trung Hoa.”
Trong số các hoạt động mà NCSC cảnh báo gồm có xử lý dữ liệu cá nhân, cả trong và ngoài Trung Quốc, cũng như thu thập và lưu giữ dữ liệu cá nhân. Hôm 30/06, Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Mỹ cân nhắc lại việc đi du lịch đến Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao “do việc thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện, trong đó có những việc liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh và nguy cơ bị giam giữ sai trái”.
Trong ba năm qua, các công ty ngoại quốc nhận thấy Trung Quốc là một thị trường kinh doanh kém hấp dẫn hơn trước. Luật mới này chỉ là lý do mới nhất để các công ty rời khỏi Trung Quốc. Theo Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu, niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc đang ở mức thấp nhất, khiến các công ty chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc với số lượng kỷ lục. Cứ 10 công ty thành viên của Phòng Thương mại Âu Châu thì có 1 công ty đã chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, trong khi đó cứ 5 công ty thì có 1 công ty đang cân nhắc chuyển đầu tư sang nơi khác.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times