Ông Trevor Loudon: Vai trò của ĐCSTQ trong nghị trình toàn cầu
Theo ông Trevor Loudon, một nhà nghiên cứu chính trị và người dẫn chương trình của EpochTV, để giành chiến thắng trước phương Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang gây ảnh hưởng lớn đối với các tập đoàn trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy các nghị trình xã hội chủ nghĩa của mình.
ĐCSTQ sử dụng ảnh hưởng của mình theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: áp dụng mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa nhà nước và ủng hộ các mô hình tương tự trên thế giới; đề xướng các chính sách toàn cầu hóa thúc đẩy các vấn đề công bằng xã hội và chủ nghĩa môi trường; đồng thời nhích lại gần hơn với các tổ chức theo chủ nghĩa toàn cầu hóa thúc đẩy những nghị trình này, chẳng hạn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Liên Hiệp Quốc (UN).
Hôm 10/07, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Giao lộ Thông tin (Crossroads) của EpochTV, ông Loudon đã đưa ra một ví dụ dường như cho thấy tác động qua lại giữa tất cả các nhân tố này: “Điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc rất giống với những gì chúng ta gọi là [điểm số] ESG — những điểm số về Môi trường, Xã hội, Quản trị mà chúng ta thấy ở rất nhiều tập đoàn thức tỉnh lớn ngày nay. Nếu quý vị nhìn vào lý do tại sao ngành thể thao lại trở nên thức tỉnh như vậy — thì đó là vì ngành thể thao chịu ảnh hưởng quá nhiều từ Nike, còn Nike thì chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ĐCSTQ.”
“Quý vị thấy điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc đang đến với phương Tây dưới dạng điểm số ESG, và quý vị sẽ thấy điều này được thúc đẩy bởi các công ty có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, hầu hết trong số họ có liên kết với Diễn đàn Kinh tế Thế giới,” ông Loudon nói tiếp. “Tôi không thấy có sự phân cách giữa chủ nghĩa toàn cầu và ĐCSTQ. Tôi thấy chúng là những bộ phận có liên kết với nhau.”
WEF ‘về căn bản là một bức bình phong cho ĐCSTQ’
Ông Loudon nói rằng kể từ cuối những năm 1970, ĐCSTQ đã áp dụng một mô hình kinh tế được gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước, hay “mô hình Trung Quốc” — đó là cách tiếp cận mà nhà cầm quyền cộng sản này đã áp dụng sau khi thất bại trong việc chuyển đổi trực tiếp từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa xã hội.
Ông cho biết: “Mô hình Trung Quốc hay ‘chủ nghĩa tư bản nhà nước’ là giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản trước khi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Marx có vài giai đoạn phát triển: cộng sản nguyên thủy, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. … [ĐCSTQ] đã cố gắng đi từ chế độ phong kiến lên chủ nghĩa xã hội, đó là một thất bại nặng nề. [Họ đã] quay trở lại với ý tưởng chủ nghĩa tư bản nhà nước.”
Từ ngày 27-29/06, WEF đã nhóm họp tại Thiên Tân, Trung Quốc với các đại diện từ hơn 90 quốc gia và khu vực. Sự kiện này bao gồm những lời ca ngợi đối với mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc.
Ông Loudon nói rằng mô hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước của ĐCSTQ “gần như giống hệt” với “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan” mà tổ chức toàn cầu hóa WEF này thúc đẩy.
“Tôi tin rằng Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi thúc đẩy chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan qua [người sáng lập WEF] Klaus Schwab, về căn bản đang hiện thực hóa nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông xem WEF “về căn bản là một bức bình phong cho ĐCSTQ.”
“[Chủ nghĩa tư bản nhà nước] là mô hình đang lừa bịp thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới để đưa các doanh nghiệp vào chủ nghĩa xã hội. Họ không nói với [các doanh nghiệp] giai đoạn tiếp theo sẽ là chủ nghĩa xã hội.”
“Đây là về kinh doanh thức tỉnh. Đây là về phương thức kinh doanh mới mà chính phủ và [các doanh nghiệp tư bản] làm việc cùng nhau. Đây là mô hình Trung Quốc.”
Nghị trình năm 2030 của LHQ
Ông Loudon cho biết ĐCSTQ tìm cách hủy hoại các nền kinh tế phương Tây một phần thông qua các chính sách thúc đẩy chủ nghĩa môi trường, và đây là lý do tại sao đảng này ủng hộ các sáng kiến toàn cầu hóa như Nghị trình năm 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững (Nghị trình 2030).
Ông lưu ý rằng hồi tháng 07/2022, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị lớn ở Trung Quốc với tên gọi “Diễn đàn Phát triển Thanh niên Thế giới,” vốn là một phần của chiến dịch thực hiện Nghị trình 2030. Sự kiện này có sự tham gia của nhiều người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Trong số các đối tác của hội nghị có WEF, các cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc, cũng như nhiều nhóm thanh niên cộng sản.
Nghị trình 2030 đề cập đến một loạt 17 mục tiêu được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2015 trải rộng trên nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống con người và nền kinh tế, rồi bao gồm cả việc kêu gọi phân phối của cải toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Loudon nói, “Nghị trình 2030 là một áp lực lớn buộc các tập đoàn phải trở nên thức tỉnh hơn. Và nghị trình này sẽ có một tác động tàn khốc trên phạm vi rộng lớn đối với các nền kinh tế phương Tây, nó sẽ cố gắng thúc đẩy tất cả các mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 này.”
“Tất cả những điều này là nhằm phá hủy các nguồn năng lượng của phương Tây, vốn là lợi thế chính của chúng ta — các nguồn năng lượng và công nghệ. Và tất cả là nhằm thay đổi cán cân quyền lực thế giới, làm suy bại các nền kinh tế phương Tây, để người Trung Quốc có thể giành được thắng lợi vẻ vang.”
Trong một ví dụ về việc Hoa Kỳ bị ảnh hưởng như thế nào, ông Loudon nói về việc Hội đồng Tài nguyên Quốc phòng có trụ sở tại New York, cơ quan có mối liên hệ thân thiện lâu đời với ĐCSTQ, là “một trong những tổ chức chính ngăn chặn những phát triển mới, hoạt động khoan dầu, đang sử dụng các biện pháp môi trường để đóng cửa các dự án có giá trị ở Mỹ quốc.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times