ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 2/3)
Xem phần trước:
ĐCSTQ đang thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới (Phần 1/3)
Trong thập niên vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang sử dụng nhiều phương thức truyền thông để gây ảnh hưởng và thao túng các cộng đồng người Hoa ở Mỹ quốc. ĐCSTQ đã mở rộng các phương thức truyền đạt tin tức của mình bằng cách sử dụng truyền hình trực tuyến qua Internet, mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin bằng WeChat.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhiều lần nói về các chiến lược hội nhập truyền thông của Trung Quốc, tuyên bố rằng: “Chúng ta nên tận dụng triệt để các công nghệ mới và ứng dụng mới để đổi mới các phương thức truyền tin của truyền thông và nắm bắt lợi thế lớn trong việc phổ biến thông tin” và “cho dù là độc giả và khán giả đang ở đâu, thì các tuyên truyền và tin tức của chúng ta cần phải tiếp cận đến đó, và chúng ta nên đặt nỗ lực và trọng tâm của công tác tư tưởng vào chỗ đó.”
Cái nhìn sâu sắc ban đầu về chiến lược này đã được ông Hắc Á Phi (He Yafei), phó giám đốc Văn phòng Ngoại vụ của Trung Quốc, truyền đạt trong một hội nghị năm 2015. Ông nói: “Thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển tiếp giữa trật tự quốc tế cũ và mới… để làm tốt công tác truyền thông ở hải ngoại của Trung Quốc, chúng ta phải tập trung vào lợi thế của mình và đột phá sự phong tỏa của giới truyền thông phương Tây.”
Ông Hắc Á Phi đã đề xướng sử dụng xu hướng nghiêng về chủ nghĩa toàn cầu và tạo ra “những câu chuyện Trung Hoa” để lồng ghép các ý tưởng và khái niệm của Trung Quốc vào trong những ngôn luận được quốc tế công nhận. Ý tưởng này nhằm mục đích “xây dựng các giá trị đặc trưng của Trung Quốc và hệ thống ngôn luận của mình,” theo đó họ “cần xây dựng các trang web đa ngôn ngữ, đài phát thanh trực tuyến và đài truyền hình trực tuyến, đài phát thanh di động và ứng dụng TV, cũng như các dịch vụ đầu cuối tin tức ứng dụng để hình thành một mô hình truyền thông ở hải ngoại,” ông nói. Tóm lại, mục đích là “giương cao lá cờ đỏ [cộng sản] trên toàn thế giới.”
Sự hiện diện của các kênh truyền thông của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ là rất lớn. Ví dụ: ở Bắc Mỹ có một số nền tảng truyền hình internet over-the-top (OTT) lớn, bao gồm KyLin TV, Great Wall Platform, iTalkBB, và Charming China. OTT là nội dung và dịch vụ được thiết lập trên internet để người dùng truy cập vào, thường là thông qua một chiếc hộp (box) có thể thay thế truyền hình cáp và được sử dụng cùng với WiFi. Người dùng không phải trả phí thuê bao hàng tháng cho dịch vụ này.
Ở Trung Quốc, ngành công nghiệp OTT-TV là một lĩnh vực được quản lý chặt chẽ, tương tự như khu vực cấm của quân đội, trong khi ở Hoa Kỳ thì lại rất rộng mở. Những nền tảng này được khai triển lần đầu tiên hồi năm 2006 và hiện khá phổ biến trong cộng đồng Trung Quốc. Chúng truyền tải các kênh chính thức chính của ĐCSTQ và hàng trăm đài truyền hình Trung Quốc. Một số nền tảng cũng đã phát triển các ứng dụng dành cho thiết bị di động, chẳng hạn như ứng dụng KyLin TV cho iPad, ứng dụng iTalkBB TV và ít nhất 10 ứng dụng tương tự có sẵn trên Apple Store.
Một ví dụ khác là nhiều mạng internet tuyên bố cung cấp dịch vụ thông tin Hoa ngữ “tất cả trong một” cho các cộng đồng trên khắp Hoa Kỳ. Những mạng thông tin lớn nhất bao gồm Mạng thông tin Hoa ngữ New York (NYChinaRen.com), Mạng thông tin Hoa ngữ Los Angeles (ChineseInLA.com), Mạng thông tin Hoa ngữ khu vực vịnh San Francisco (ChineseInSFBay.com), và Mạng thông tin Hoa ngữ Vancouver (ChineseInVan.com). Trụ sở chính của những mạng thông tin này không nằm ở Hoa Kỳ mà nằm ở Thiên Tân, Trung Quốc. Các trang web của họ do Công ty TNHH Kỹ thuật Mạng Lạc Tấn Thiên Tân (Tianjin Luoxun Network Technology Co., Ltd.) điều hành trong khi Công ty TNHH Kỹ thuật Mạng Tây Duy Thiên Tân (Tianjin Xiwei Network Technology Co., Ltd) vận hành WeChat, FaceBook, thư điện tử, và các trương mục ứng dụng trên điện thoại di động.
Khi khách hàng mở các Mạng Thông tin Hoa ngữ này, họ sẽ thấy 17 kênh phục vụ các cộng đồng lớn người Hoa ở các thành phố bên ngoài Trung Quốc, từ Hoa Thịnh Đốn đến Sydney và từ Las Vegas đến Seattle. Khách hàng ở những thành phố đó có thể không nhận ra những nội dung của kênh này bị kiểm duyệt ở Trung Quốc. Họ dịch và tóm tắt các tài liệu do các hãng truyền thông khác sản xuất và nhắm mục tiêu cụ thể đến những người từ Trung Quốc và Hồng Kông có thể đọc chữ Hán giản thể để họ có thể tiếp tục tẩy não những người này.
Người ta có thể thấy được mức độ mà ĐCSTQ thao túng tin tức trên toàn thế giới trên Baidu khi tìm kiếm cụm từ “Chiêm Quyên (Zhan Juan), Tổng biên tập Mạng thông tin Hoa ngữ New York.” Tìm kiếm này cho thấy cách các hãng truyền thông đại lục và hải ngoại của Trung Quốc như Observer, Tencent, Sohu, và Phoenix đều chia sẻ lưu lượng truy cập và các bài báo liên kết liên tục bằng cách sử dụng chữ Hán giản thể.
Chiến lược mà ĐCSTQ sử dụng để bí mật tẩy não người ngoại quốc là mua lại các hãng truyền thông ở hải ngoại và mua quảng cáo chèn thêm. Trung Quốc thường xuyên thao túng nội dung tin tức mà họ sở hữu trên The News Break, một nền tảng tổng hợp thông tin và ứng dụng tin tức bằng Anh ngữ được sử dụng rộng rãi thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc. Công ty này cũng sở hữu cả TikTok.
Năm 2011, ông Lý Tòng Quân (Li Congjun), cựu chủ tịch của Tân Hoa Xã, đã viết một bài xã luận cho Wall Street Journal với tiêu đề “Xây dựng Trật tự Truyền thông Thế giới Mới.” Ông Lý đã vận động cho “các quy tắc và trật tự mới” trong phương thức truyền tải thông tin truyền thống từ “Tây sang Đông” và từ các nước “phát triển sang các nước đang phát triển.” Ông lập luận rằng các quy tắc cũ đã lỗi thời và không phản ánh những diễn biến chính trị và kinh tế đang nổi lên ở phương Đông có thể dễ dàng ảnh hưởng đến phương Tây như thế nào.
Khi bài xã luận của ông Lý được công bố, nhiều người tin rằng vì ĐCSTQ thiếu uy tín nên Trung Quốc sẽ không thể “xây dựng một trật tự truyền thông thế giới mới.” Mọi người đặt câu hỏi đùa rằng: “Điều này làm sao khả thi nếu các phóng viên khách quan bị thay thế bằng các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ?”
Đã hơn một thập niên kể từ khi ông Lý công bố bài xã luận của mình và ĐCSTQ đã đạt được những bước tiến trong việc thao túng cách nhìn của phần còn lại của thế giới về Trung Quốc.
Các kênh truyền thông ngoại quốc giả mạo của Trung Quốc
Trong Hội nghị “Lưỡng hội” của ĐCSTQ năm 2018, bà Trương Huệ Quân (Zhang Huijun), giám đốc điều hành của American Multimedia Television USA (AMTV), đã hỏi các quan chức Trung Quốc một câu hỏi dài dòng và có ý tâng bốc. Trong khi bà đang nói, máy quay truyền hình lia tới một nữ phóng viên đứng phía sau bà Trương. Người phóng viên này đến từ chương trình “Bản tin tài chính đầu tiên” của Shanghai TV, cô đảo mắt như muốn nói: “Ai chẳng biết những gì bà Trương đang nói là giả dối và gây hiểu lầm.”
Vụ việc này đã làm dấy lên những nghi vấn của công chúng, từ đó phơi bày một sự thật đáng xấu hổ. Mặc dù bà Trương gọi AMTV là một hãng truyền thông đã ghi danh tại Hoa Kỳ, nhưng việc ghi danh ở ngoại quốc này chỉ đơn thuần là để che đậy sự thật. Mặc dù ghi danh tại Hoa Kỳ, nhưng AMTV được bảo trợ và hoạt động dưới ảnh hưởng của ĐCSTQ. Các tuyên bố trước đây của những người lãnh đạo AMTV thậm chí còn gọi Trung Quốc là “đất nước của chúng tôi.”
Ông Nan Su, một nhà bình luận tin tức, nói với The Epoch Times hôm 27/04 rằng các kênh truyền thông ngoại quốc giả mạo như AMTV đóng một vai trò kép. Họ làm cho những người Hoa lầm tưởng rằng các hãng truyền thông ngoại quốc đều ủng hộ ĐCSTQ. Họ cũng tuyên truyền luận điệu tẩy não của ĐCSTQ trong cộng đồng người ngoại quốc và người Hoa ở hải ngoại. Khi tranh chấp nảy sinh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, các kênh truyền thông ngoại quốc giả mạo khiến khán giả ủng hộ Trung Quốc. ĐCSTQ nhận ra rằng nếu các kênh truyền thông nhà nước của họ cố gắng làm điều này, thì khán giả sẽ ít có xu hướng tin vào những gì họ được nghe.
Năm 2001, Quỹ Jamestown có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã phát hành một bài báo nói rằng ĐCSTQ tận dụng sức mạnh của đồng tiền để tài trợ cho việc gây ảnh hưởng ở hải ngoại. Các kênh truyền thông Hoa ngữ ở Hoa Kỳ đã bị mua lại hoặc tuân theo mệnh lệnh của Trung Quốc vì sợ rằng họ có thể xúc phạm ĐCSTQ. Vì họ sẵn sàng nghe lời nên nội dung tin tức của họ bắt đầu giống hệt như của các kênh truyền thông Trung Quốc. Bài báo của Quỹ Jamestown đã liệt kê bốn tờ báo Hoa ngữ ở Hoa Kỳ do ĐCSTQ trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát gồm: Tạp chí Thế giới (World Journal), Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily), Minh Báo (Ming Pao), và Kiều Báo (Qiao Bao). Tổng cộng lại, các hãng truyền thông này có số lượng phát hành rơi vào hơn 700,000.
Xem tiếp phần sau:
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times