Công hiệu thần kỳ của Thiền đả tọa: Giúp thông kỳ kinh bát mạch
Ngày 4 tháng 8 năm 2003, trên tạp chí Times đăng hình một người phụ nữ xinh đẹp ngồi tĩnh tọa. Thời gian đó rất nhiều người tìm hiểu tĩnh tọa, còn gọi là đả tọa (ngồi xếp bằng), hay minh tưởng. Vậy đả tọa có tác dụng tốt hay không tốt?
Thầy thuốc Hồ Nãi Văn cho rằng thiền đả tọa có thể giúp tuần hoàn máu trở nên tốt hơn. Vì sao tuần hoàn máu lại thông suốt hơn? Một khái niệm hoàn toàn tương phản so với cách nghĩ của người hiện đại.
Kiến thức khoa học hiện đại thì cho rằng, khi đả tọa thì chân phải xếp bằng rất cứng, rất chặt, sẽ khiến cho huyết quản bị đè ép rất ghê gớm, vậy nên tuần hoàn máu chắc chắn sẽ không tốt. Nhưng theo thầy thuốc Hồ Nãi Văn, khi ngồi xếp bằng hai chân, máu dừng lại ở chỗ bị đè, nhưng chính chỗ đó đang tích lũy năng lượng rất lớn. Khi đứng dậy thì lập tức chỗ mạch máu đang bị đè ép sẽ khôi phục trở lại, máu được chảy thông suốt từ đó mạch máu lưu thông tốt hơn, năng lượng tích lũy lớn thì lực chảy của máu cũng sẽ lớn.
Tháng 06 năm 2018 ở Thái Lan có mười mấy vận động viên trẻ bị kẹt trong hang động hơn 10 ngày, nhờ huấn luyện viên dạy cách đả tọa nên tất cả đều thoát được mà không bị thương tích gì. Ngoài ra có một ngôi sao võ thuật bị bệnh đến mức phải uống rất nhiều Corticoid, khiến cho mặt “tròn như mặt trăng” (hội chứng Cushing), sau đó nhờ mỗi ngày đả tọa hơn 10 tiếng đồng hồ, từ từ khôi phục được tình trạng sức khỏe như trước. Có thể thấy rằng đả tọa không gây ra tác dụng phụ cho tuần hoàn máu.
Đả tọa có thể thông suốt kỳ kinh bát mạch
Trung y cho rằng cơ thể người có “12 kinh lạc” cũng như “kỳ kinh bát mạch”. Khí huyết của 12 kinh lạc này sẽ tuần hoàn theo 12 thời thần mỗi ngày, đây là điều mọi người đã khá quen thuộc; Kỳ kinh bát mạch cũng có tuần hoàn tương tự.
Nói một cách đơn giản, kỳ kinh bát mạch bao gồm “Nhâm mạch, Đốc mạch, Xung mạch, Đới mạch, Dương Kiều mạch, Âm Kiều mạch, Dương Duy mạch, Âm Duy mạch”. Tám mạch này có tám huyệt đạo tương thông phân bố ở tay chân. Tám huyệt đạo này là “Nội Quan”, “Công Tôn”, “Ngoại Quan”, “Lâm Khấp”, “Liệt Khuyết”, “Chiếu Hải”, “Hậu Khê”, “Thân Mạch”.
Thầy thuốc Trung y đều biết trong kỳ kinh bát mạch, hai huyệt “Nội Quan” và “Công Tôn” là một nhóm, “Ngoại Quan” và “Lâm Khấp” là một nhóm, “Liệt Khuyết “và “Chiếu Hải” là một nhóm, “Hậu Khê” và “Thân Mạch” là một nhóm. Vì sao phân thành nhóm như vậy?
Thì ra trong lúc đả tọa, khi hai tay kết ấn đặt trên chân đã xếp bằng, nách hơi hở ra, sẽ phát hiện huyệt Công Tôn bên trái và huyệt Nội Quan bên phải ở trên một đường thẳng, huyệt Liệt Khuyết bên trái và Chiếu Hải bên phải hình thành một đường thẳng,… Có lẽ người xưa đã phát hiện tư thế đả tọa có thể khiến cho kỳ kinh bát mạch tương thông như vậy.
Nếu thường xuyên đả tọa thì kỳ kinh bát mạch sẽ thông rất tốt, như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng gì, điều này rất khó phỏng đoán, có thể là thông tuần hoàn đại chu thiên?
Xếp bằng (đả toạ) và kết ấn như thế nào?
Môn tập khác nhau có phương thức xếp bằng và kết ấn khác nhau. Tuy nhiên, đa số cách ngồi xếp bằng đơn bàn là nam đặt chân trái lên trên chân phải đã gập lại, nếu là xếp bằng song bàn thì sau đó đặt thêm chân phải lên trên đùi của chân trái đã đặt trên chân phải. Tư thế ở nữ ngược lại với nam.
Có người khi ngồi xếp bằng vì bắp chân và xương khớp còn cứng nên tư thế đơn bàn giống như pháo cao xạ, đầu gối không hạ xuống được. Như vậy phải làm thế nào? Cách xử lý chỉ là kiên nhẫn một chút. Kỳ thực, nếu trong lòng mình muốn ngồi đả tọa cho tốt thì sẽ làm được. Thầy thuốc Hồ Nãi Văn kể có quen biết một cụ già, khi ông bắt đầu học đả tọa thì có tư thế chân đặt cao như pháo cao xạ vậy, mọi người đều cười ông, lúc đó ông không sợ người khác cười mà tĩnh tâm như “Ngu Công dời núi”, tiếp tục ngồi, sau 4 năm cuối cùng đã ngồi được song bàn, tư thế ngồi lại cực kỳ chuẩn, mỗi lần ngồi được 1 tiếng đồng hồ, chẳng thua kém gì những người trẻ tuổi.
Những người luyện võ không phải cũng luyện tập mỗi ngày sao? Họ phải kéo gân dạng chân, duy trì đứng tấn cũng cực khổ như vậy, đến lúc “đột phá” học được rồi giống như ở một cảnh giới khác vậy.
Đả toạ rất đau rất khó làm được?
Có người nói ngồi đả toạ đau lắm, rất khó làm, quả thực lúc bắt đầu tập ngồi đả toạ rất đau, nhưng nếu không thử thì mãi không thể có được niềm vui sướng khi đả tọa.
Tuyệt đối không được nghĩ rằng bản thân không làm được, vì suy nghĩ như vậy sẽ khó thành công.
Thời xưa ở Trung Hoa, trong dân gian có truyền thống “tu Phật”, “tu Đạo”, đều có thói quen đả tọa, Lão Tử, Hoàng Đế, Toàn Chân Thất Tử, Đạt Ma,… đều là những trường hợp nổi tiếng. Kỳ thực, Nho gia cũng có phương pháp đả tọa, trong sách cổ ghi lại cách ngồi nghiêm chỉnh “chính khâm nguy tọa”, đây có thể là một loại phương thức tĩnh tọa của Nho gia; y phục phải mặc chỉnh tề gọi là “chính khâm”, ngồi cao ngay thẳng gọi là “nguy tọa”. Y phục chỉnh tề thể hiện bề ngoài tôn trọng, ngồi cao ngay thẳng biểu hiện tâm thái ngay thẳng không loạn.
Thông chu thiên, đi trên con đường tu luyện thành Phật
Giới khí công thường nói khi hai mạch Nhâm Đốc thông suốt, tức là tuần hoàn “tiểu chu thiên” được đánh thông. Rất nhiều khí công sư cả đời chỉ mong được thông tuần hoàn “tiểu chu thiên”. Ngoài ra còn một phương thức tuần hoàn chu thiên khác gọi là tuần hoàn “đại chu thiên”, việc này không đơn giản, để thông tuần hoàn “đại chu thiên” chính là người luyện công đó thực sự đi trên con đường “tu luyện” rồi. Thực sự tu luyện không chỉ có động tác hình thể như đả tọa, mà người đó phải chú trọng tu tâm tính, tâm tính được đề cao cùng với hình thức luyện công, làm cho bát mạch luôn được nối với nhau thì có thể đạt được.
Thực sự đi trên con đường tu luyện không phải là một việc đơn giản, trước tiên cần chú trọng tu luyện tâm tính.
Những người tu Phật, tu Đạo đều biết rằng tu luyện có thể tu thành Phật, tu thành Đạo, đại ý là đi trên con đường trở thành Phật, trở thành Thần Tiên. Vì vậy, họ thường đả tọa, tu luyện tâm tính, đây là một thói quen rất tốt, phải không?
Đi trên con đường tu luyện thì con người trở nên khỏe mạnh, ít bệnh tật, đúng không nào?
Đả tọa có cần hô hấp bằng bụng không?
Lúc đả tọa có nhất thiết hô hấp bằng bụng không? Điều này không có quy định nào, nên có lẽ không phải rất quan trọng.
Theo Tây y, hô hấp phải dùng đến cơ, bao gồm cơ liên sườn và cơ hoành. Hầu hết mọi người thở bằng ngực là vận động co lại của cơ liên sườn, chỉ dùng áp lực âm của lồng ngực để hô hấp thì không đủ lắm, lượng khí hô hấp khá ít. Nếu dùng thêm cơ hoành, hô hấp ngực thêm hô hấp bụng nữa thì áp lực âm sẽ tăng lên nhiều, lượng khí hít thở cũng gia tăng, như vậy có thể thu được nhiều khí Oxi hơn. Lúc đả tọa nếu sử dụng phương thức hô hấp này cũng tốt.
Ngoài việc thu được nhiều khí Oxi hơn, phương thức hô hấp bụng còn những lợi điểm khác. Cách hô hấp này mượn sức vận động của cơ hoành, vận động này cũng kích thích và xoa bóp các tạng trong bụng, thúc đẩy nhu động ruột, tăng trao đổi chất; còn giúp đại não sản sinh thêm các sóng alpha, tiết endophine hỗ trợ hoạt động tư duy và sáng tạo; kích thích tiết ra prostaglandin giúp chống oxi hóa và giảm tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Có một cách giúp bạn cảm nhận được lợi ích của hô hấp bụng. Ở phía sau ngón tay cái phía trên cổ tay có một huyệt đạo gọi là “Dương Khê”, khi kích thích huyệt đạo này rồi hít thở sâu, sẽ thấy cơ hoành vận động sâu một cách dễ dàng, giúp đạt được hô hấp bụng, lúc này bạn cảm nhận xem có phải khỏe khoắn hơn không?
Biên dịch: Bách Hợp