Các nghiên cứu cho thấy cà phê ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng có 7 nhóm người nên tránh
Ba tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các bệnh tim mạch, nhưng không phải tất cả mọi người đều phù hợp với caffeine.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Mọi người yêu thích cà phê vì hương thơm và vị ngon khó cưỡng, vì khả năng cung cấp năng lượng và vì cà phê giúp đầu óc tỉnh táo.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một lượng caffeine thích hợp hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, còn được gọi là bệnh Alzheimer, đồng thời làm giảm đáng kể các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch.
Tiến sĩ He Wenxing, bác sĩ tại Khoa Y học Cổ truyền Trung Quốc của Bệnh viện Nhân dân Yingde tỉnh Quảng Đông, giải thích chi tiết về tác động của việc uống cà phê đối với bộ não và sức khỏe của con người. Ông đặc biệt đề cập đến bảy nhóm người nên tránh caffeine và cà phê.
Tác động của caffeine đối với bộ não
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tập san Lão khoa, đã theo dõi 6,467 phụ nữ từ 65 tuổi trở lên trong vòng 10 năm, điều tra mối quan hệ giữa lượng caffeine tiêu thụ và suy giảm nhận thức hoặc chứng mất trí có thể xảy ra.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên hệ nghịch đảo giữa lượng caffein và rối loạn chức năng nhận thức liên quan đến tuổi tác. Phụ nữ lớn tuổi với lượng caffeine cao hơn mức trung bình được phát hiện là ít có khả năng mắc chứng mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác.
Mức tiêu thụ caffeine trung bình là 261mg, tương đương với ba tách cà phê 250ml hoặc sáu tách trà đen.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san Dinh dưỡng lâm sàng Âu châu năm 2007 cho thấy uống cà phê có thể làm giảm sự suy giảm nhận thức ở nam giới lớn tuổi.
Tổng cộng có 676 người đàn ông lớn tuổi khỏe mạnh đến từ Phần Lan, Ý và Hà Lan, sinh từ năm 1900 đến 1920, đã tham gia vào nghiên cứu tiến cứu kéo dài 10 năm. Nghiên cứu cho thấy rằng những người đàn ông cao tuổi không uống cà phê có sự suy giảm nhận thức cao hơn so với những người uống cà phê, với sự suy giảm nhận thức ít nhất đối với những người uống ba tách cà phê mỗi ngày.
Theo Tiến sĩ He, caffeine ức chế các phản ứng viêm vô trùng trong não, đồng thời làm giảm quá trình sản xuất và lắng đọng các protein bất thường gây ra chứng sa sút trí tuệ. Do đó, cafein làm giảm sự xuất hiện của bệnh Alzheimer.
Bao nhiêu caffeine là nhiều?
Nếu cà phê tốt cho việc ngăn ngừa suy giảm nhận thức, vậy thì có phải là càng nhiều cafein thì càng tốt?
Nghiên cứu được công bố trên Tập san học thuật quốc tế Nutritional Neuroscience vào năm 2022 cho thấy rằng tiêu thụ nhiều cà phê có thể dẫn đến teo thể tích não và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hoặc đột quỵ.
Nghiên cứu đã phân tích thói quen uống cà phê của 398,646 người tham gia Ngân hàng Mẫu sinh học Anh trong độ tuổi từ 37 đến 73 và kiểm tra mối liên hệ với khối lượng não và tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ.
So với những người tham gia chỉ uống một lượng nhỏ cà phê, kết quả cho thấy những người uống hơn 6 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 53% so với những người uống 1 đến 2 tách mỗi ngày và ít bằng chứng liên quan đến đột quỵ.
Lượng caffeine lý tưởng hàng ngày là bao nhiêu?
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Phòng ngừa Tim mạch Âu châu vào năm 2022 cho thấy hai đến ba tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong so với những người không uống cà phê.
Một đánh giá được công bố trên Tập san Y học Anh năm 2017 cho thấy rằng tiêu thụ tối đa bốn tách cà phê mỗi ngày có thể giảm thiểu các rủi ro sức khỏe cụ thể so với việc không uống cà phê, bao gồm tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong do tim mạch, bệnh tim mạch và bệnh gan và thận.
Tiến sĩ He gợi ý rằng tốt hơn hết là những người trung niên và người trên 50 tuổi nên uống từ 3 đến 4 tách cà phê mỗi ngày. “Mọi người có thể điều chỉnh số lượng tùy theo sở thích cá nhân và điều kiện thể chất. Uống cà phê hợp lý và lâu dài sẽ tốt cho sức khỏe của chúng ta,” ông nói.
Ai nên tránh dùng caffeine?
Mặc dù cà phê có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó không phù hợp với tất cả mọi người. Tiến sĩ He nói rằng có bảy nhóm người nên tránh tiêu thụ caffein.
1. Trẻ em: Trẻ em vốn tràn đầy năng lượng và năng động. Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh mạnh có thể gây mất ngủ và bồn chồn, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và tim mạch đang phát triển của trẻ.
Ban Nhi khoa Hoa Kỳ cảnh báo rằng trẻ em và thanh thiếu niên nên tránh đồ uống có chứa caffeine, có thể gây nghiện và phụ thuộc về thể chất.
2. Phụ nữ mang thai: Mặc dù phụ nữ có thể tiêu thụ được một lượng caffein khi mang thai, nhưng em bé của họ lại thiếu các enzyme cần thiết để chuyển hóa chất này.
Một nghiên cứu cho thấy rằng lượng caffeine có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên hoặc sảy thai ở các phụ nữ mang thai không hút thuốc.
Dựa trên những phát hiện mới nhất, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế tiêu thụ caffeine trong thời kỳ mang thai ở mức dưới 200mg mỗi ngày.
Nguồn caffeine gồm có cà phê, trà, chocolate, soda và thậm chí là một số loại thuốc đau đầu không kê đơn.
3. Người bị rối loạn giấc ngủ: uống cà phê dễ làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ và gây ra tình trạng thiếu ngủ nặng hơn, gây tổn hại đáng kể cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy rằng uống caffeine thường xuyên làm giảm chất lượng giấc ngủ chủ quan và kéo dài thời gian ủ giấc ngủ; caffeine cũng làm giảm giấc ngủ sâu (slow-wave sleep), tăng sự phân mảnh giấc ngủ và rút ngắn thời gian ngủ.
Ngoài ra, thời điểm tiêu thụ caffeine là một điểm quan trọng cần cân nhắc đối với những người bị rối loạn giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng lượng caffeine cấp tính có thể trì hoãn việc bắt đầu giấc ngủ và giảm cường độ giấc ngủ, đặc biệt là khi tiêu thụ vào buổi tối.
4. Người mắc chứng rối loạn hoảng sợ, lo âu: Caffeine có thể dễ dàng kích hoạt cơn hoảng loạn, lo lắng đột ngột.
Một phân tích gộp kiểm tra tác động của caffeine đối với các cơn lo âu và hoảng sợ ở bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ cho thấy rằng tiêu thụ lượng caffeine gần tương đương với khoảng năm tách cà phê kích hoạt lo lắng ở bệnh nhân Parkinson cũng như những người khỏe mạnh và gây ra các cơn hoảng loạn.
5. Bệnh nhân cao huyết áp: hãy lưu ý khi tiêu thụ caffeine. Tránh dùng caffeine ngay sau khi thức dậy hoặc ngay trước các hoạt động làm tăng huyết áp một cách tự nhiên, chẳng hạn như tập thể dục để tránh làm tăng huyết áp đột ngột.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy rằng uống nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do tim mạch trên những người bị tăng huyết áp nặng. Ngược lại, tiêu thụ trà xanh không liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do tim mạch đối với tất cả các loại huyết áp.
6. Người bị thiếu máu do thiếu sắt: Polyphenol, axit phytic và các thành phần khác trong cà phê có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt.
Một nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê trong khi ăn một bữa ăn hamburger có thể làm giảm 39% sự hấp thụ sắt và giảm tới 64% nếu uống một tách trà.
Tuy nhiên, không có hiện tượng giảm hấp thu sắt xảy ra khi uống cà phê một giờ trước bữa ăn. Những người bị thiếu máu do thiếu sắt nên biết về tác động của caffeine đối với sự hấp thụ sắt.
7. Người bị hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích là bệnh rối loạn chức năng tiêu hóa với biểu hiện đầy bụng từng cơn, đau bụng, tiêu chảy mà caffeine có thể làm các triệu chứng trầm trọng thêm.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times