Giải tỏa cảm xúc có thực sự hữu ích cho chúng ta?
Mặc dù việc bộc lộ cảm xúc tiêu cực giúp bạn cảm thấy tốt hơn lúc đó, nhưng khoa học cho thấy về lâu dài nó có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn
Mọi người luôn có những lúc cảm thấy khó chịu — một số có thể nhiều hơn. Chúng ta thường cảm thấy thư thái khi nói ra tất cả, dù đó là mất đi người thân yêu, tức giận với bạn bè hoặc gia đình, hay lo sợ về tình hình thế giới.
Bởi vì khi được giải tỏa, bên cạnh cảm giác thân thuộc, chúng ta cảm thấy giảm căng thẳng và gần gũi hơn với những người được sẻ chia. Khi chúng ta mở lòng và nhận được sự cảm thông, chúng ta cảm nhận được đồng cảm, thấu hiểu và hỗ trợ.
“Chia sẻ” gồm nhiều phương thức giao tiếp khác nhau. Nhưng xét về lâu dài, những phương thức ấy có hiệu quả như nhau không? Khoa học cho rằng điều đó phụ thuộc một phần vào cách bạn chia sẻ và cách mọi người phản hồi lại.
Việc giải tỏa cảm xúc quá thường xuyên có thể khiến người nghe cảm thấy tồi tệ, đặc biệt khi chúng ta không tự tìm ra lý do của cảm xúc tiêu cực đó và cách giải quyết vấn đề.
Tại sao chúng ta cần giải tỏa cảm xúc
Cảm xúc mang lại nhiều lợi ích, cảnh báo chúng ta rằng trong suy nghĩ hay môi trường sống có điều gì đó không ổn và cần chúng ta chú ý. Dù là đối mặt với kẻ ngược đãi mình, trốn tránh nguy hiểm hay tìm kiếm sự an ủi từ bạn bè, thì những cảm giác như tức giận, sợ hãi và buồn bã giúp chúng ta chuẩn bị đối mặt với thời điểm đó.
Nhưng nếu cảm xúc là những tín hiệu phát ra từ bên trong, tại sao chúng ta lại cần sẻ chia chúng với người khác?
Nhà nghiên cứu Ethan Kross, tác giả của cuốn sách “Chatter” cho biết: “Sự kết nối với người khác giúp chúng ta xác thực những gì đang trải qua và giải tỏa áp lực đáp ứng nhu cầu này. Thật tuyệt khi có người quan tâm và dành thời gian để lắng nghe chúng ta, cho chúng ta một bờ vai để chúng ta dựa vào.”
Ông Kross giải thích, việc chia sẻ giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề là gì và cách đề phòng chúng trong tương lai. Đôi khi, lời nói cũng đủ làm rõ tình huống và cảm xúc mà chúng ta gặp phải. Hoặc, trong những lúc khó khăn cùng cực, những người bạn tâm giao có thể đưa ra góc nhìn mới và những lời khuyên hữu ích.
Ông ấy cũng nói rằng, thật không may, phần sau của vấn đề thường không được để ý đến.
Ông Kross nói, “Khi chúng ta chia sẻ trong những buổi giải tỏa căng thẳng, chúng ta thường cảm thấy rất tốt vì đang kết nối với những người khác. “Nhưng nếu chỉ là giải tỏa cảm xúc, thì chúng ta cũng không giải quyết được nhu cầu cốt lõi của mình. Chúng ta không thể hiểu rõ những gì đã trải qua, và ý nghĩa của nó.”
Vì vậy, mặc dù việc giải tỏa cảm xúc giúp xây dựng các mối quan hệ và mang lại cảm giác tích cực vào lúc đó, nhưng nó vẫn chưa đủ để giúp chúng ta vượt qua. Nếu người khác chỉ đơn giản là lắng nghe và cảm thông, họ có thể vô tình khiến những cảm xúc tiêu cực đó kéo dài.
Mặt tiêu cực của việc giải tỏa cảm xúc
Trước đây, các nhà tâm lý học từng tin rằng chúng ta cần giải phóng những cảm xúc tiêu cực, như tức giận.. Điều này dẫn đến phong trào “giải tỏa mọi cảm xúc”, khi các nhà tâm lý học khuyên mọi người nên đánh vào các vật mềm, như gối hoặc túi đấm, để giải phóng cảm xúc bị dồn nén bên trong.
Tuy nhiên, hóa ra kiểu giải tỏa cảm xúc này lại không xoa dịu được cơn tức giận như chúng ta nghĩ. Thể hiện cơn giận khiến chúng ta nhớ đến nó, củng cố các đường dẫn truyền thần kinh và chúng ta dễ nổi nóng hơn vào lần sau. Các phương thức trút giận — dù bằng hành động hay lời nói, đã không đem lại phản hồi hiệu quả.
Điều này cũng đúng với cảm xúc đau buồn hay căng thẳng sau chấn thương.
Tất nhiên, khi chúng ta chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn và đau đớn, nếu chỉ đơn giản là hồi tưởng lại sự việc mà không có phương pháp để xoa dịu bản thân hoặc tìm thấy ý nghĩa của sự trải nghiệm, thì sự đau khổ này sẽ bị kéo dài.
Trong một khoảng thời gian, các nạn nhân chấn thương đã được khuyến khích nói về những việc đã xảy ra để tránh sang chấn tâm lý sau chấn thương. Nhưng một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy điều này không mang lại nhiều lợi ích, có thể là do việc hỏi han không giúp họ quên đi chấn thương đó.
Tương tự như vậy, những sinh viên là nạn nhân của vụ việc ngày 11 tháng 9 năm 2001, các cuộc tấn công khủng bố phải chịu căng thẳng lâu hơn đến 4 tháng so với những người không như vậy. Như các tác giả nghiên cứu đã viết, “nguyên nhân của chứng căng thẳng kéo dài đến từ cách tập trung và giải tỏa cảm xúc của họ”.
Giải tỏa căng thẳng bằng các phương tiện mạng xã hội cũng tương tự. Một khảo sát đánh giá việc giải tỏa cảm xúc qua mạng xã hội giúp ích như thế nào trên các sinh viên Đại học Công nghệ Virginia và Bắc Illinois sau các vụ xả súng hàng loạt xảy ra tại khuôn viên trường chứng minh rằng, bản thân sinh viên nghĩ rằng việc làm này là có lợi, nhưng điểm số căng thẳng và trầm cảm sau chấn thương của họ thực sự tăng lên khi họ làm vậy.
Chia sẻ và lắng nghe một cách cẩn thận
Ngoài việc khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn, việc trút giận cũng có thể tác động tiêu cực đến người lắng nghe.
Tất nhiên bạn bè và gia đình luôn đủ quan tâm để lắng nghe và thông cảm, nhưng họ có thể khó chịu với một người thường xuyên than thở và chìm đắm trong cảm xúc ấy mà không có phương pháp giải quyết vấn đề. Và người lắng nghe sẽ phớt lờ cảm xúc khi cứ có những lời phàn nàn, tức giận hay đau buồn quanh quẩn họ.
Ông Kross nói, “Liên tục giải tỏa cảm xúc có thể tạo ra xích mích trong các mối quan hệ xã hội. “Người lắng nghe cũng có giới hạn của họ”.
Tôi biết rằng đây là lỗi của tôi khi muốn có người lắng nghe và không muốn có lời khuyên ngay lập tức. Nhưng trong lúc đau buồn đó, việc cố gắng kéo tôi ra khỏi cảm xúc tiêu cực hay các lời khuyên dường như không có hiệu quả.
Ông Kross lại không ủng hộ điều đó. Thay vào đó, ông ấy nói, có một nghệ thuật dành cho người lắng nghe. Chính là kết hợp giữa sự đồng cảm — và chờ đợi thời điểm thích hợp để đưa ra quan điểm.
“Mỗi người là khác nhau, tùy thuộc tình huống xảy ra, và những trải nghiệm của họ. Thực tế là một số người sẽ cần thêm thời gian để chuyển từ than vãn sang suy xét lại vấn đề.”
Ông Kross lưu ý rằng có vài cách tốt hơn để giải tỏa, gồm những nguyên tắc sau:
Thời điểm giải tỏa rất quan trọng
Có rất nhiều cách để đối phó với những khó khăn, và không phải tất cả vấn đề đều liên quan đến người khác. Có nhiều biện pháp khác nhau, bằng cách viết ra suy nghĩ hoặc thiền định. Ông Kross khuyến khích nên thay đổi môi trường xung quanh, như thêm cây cối hoặc đi đến một nơi khác, sẽ giúp bạn xử lý cảm xúc và giảm bớt sự suy ngẫm mà bạn đang mắc kẹt trong đó.
Khi trút bầu tâm sự với người khác, hãy xin lời khuyên của họ
Khi đã giải tỏa mà cảm xúc không biến mất — hoặc trở nên tồi tệ hơn — bạn có thể đang bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của “sự tư lự”: cảm xúc cứ lặp đi lặp lại.
Để thoát khỏi điều đó, bạn có thể điều chỉnh lại trải nghiệm của mình bằng cách hỏi: “Tình huống này còn cách nhìn nào khác?” hoặc “Tôi nên làm gì?”
Điều này sẽ gợi ý họ đưa ra quan điểm và bạn đạt được nhiều hơn một đôi tai chỉ biết lắng nghe.
Lựa chọn người lắng nghe phù hợp
Trước khi trút bầu tâm sự, hãy tự hỏi bản thân: “Người này có thực sự giúp tôi hay chỉ khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn?” Nếu ai đó chỉ lắng nghe, nhưng không đưa ra quan điểm nào khác, thì bạn có thể vẫn còn mắc kẹt trong dòng cảm xúc. Cân nhắc kỹ hơn về người lắng nghe có thể giúp ích cho bạn về lâu dài.
Hãy cẩn thận khi than vãn trên mạng xã hội
Mặc dù chia sẻ cảm xúc trực tuyến có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn vào lúc đó và có nhiều người ủng hộ chúng ta, nhưng các kết quả mang lại thì không rõ ràng. Có điều, cảm xúc tiêu cực dễ dàng lan truyền trực tuyến, tạo ra tâm lý bầy đàn, dẫn đến tình huống bắt nạt hoặc trêu ghẹo – đặc biệt khi bạn xác định đích danh người gây ra cảm xúc tồi tệ cho mình.
Mặc dù việc giải tỏa qua mạng trực tuyến là tốt hay xấu vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó không giúp bạn có được quan điểm cần thiết để giải quyết vấn đề.
Tóm lại, ông Kross cho rằng việc giải tỏa cảm xúc là một điều tốt, giúp chúng ta đối phó với những lúc khó khăn. Nếu chúng ta có thể giải tỏa đúng cách, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn và về lâu dài các mối quan hệ của chúng ta càng bền chặt.
Giải tỏa cảm xúc mang lại một số lợi ích, giúp bản thân chúng ta thỏa mãn các nhu cầu xã hội và tình cảm.
Jill Suttie, Psy.D., là biên tập viên bình phẩm sách của tạp chí Việc tốt và là cộng tác viên thường xuyên cho tạp chí. Bài báo này ban đầu được xuất bản tại Greater Good online magazine.