Thủ tướng Đức vận động Trung Quốc chơi công bằng trên thị trường EU
Thủ tướng nói: ‘Các quyết định chính sách kinh tế đơn phương ở Trung Quốc đang tạo ra những khó khăn lớn về cấu trúc cho các công ty ở Đức và châu Âu.’
Hôm thứ Ba (16/04), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh để thảo luận về chính sách thương mại và đối ngoại.
Ông Scholz cho biết điều quan trọng là phải thiết lập các quy trình để giải quyết những lo ngại về trợ cấp của nhà nước Trung Quốc, vốn đang gây ảnh hưởng đến thương mại, đồng thời nói thêm rằng ông đã thảo luận với Tập về cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể tạo thuận lợi cho việc này.
“Tổ chức Thương mại Thế giới là một tổ chức tốt mà chúng ta đã nói đến ở đây, và mọi khoản trợ cấp phải luôn được ghi danh với tổ chức này,” ông Scholz nói với các phóng viên ở Bắc Kinh. “Tôi tin rằng đây là bước tiến cần thiết mà chúng ta cần đạt được.”
Ông kêu gọi tiếp cận thị trường tốt hơn và một sân chơi bình đẳng cho các công ty Đức trong cuộc đàm phán với ông Tập Cận Bình.
Ông Tập trước đó nói rằng hợp tác Đức-Trung là cơ hội chứ không phải rủi ro.
Chuyến thăm ba ngày của ông Scholz tới đối tác thương mại lớn nhất của Đức diễn ra sau khi Liên minh Âu Châu tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược vào hàng hóa Trung Quốc — một chính sách được mệnh danh là “giảm rủi ro” — và thăm dò xem liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có bán phá giá hàng hóa được trợ cấp trên thị trường của họ hay không.
Ông Tập bác bỏ những khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen về việc Trung Quốc sản xuất quá mức công nghệ xanh, chẳng hạn như xe điện, được trợ cấp một cách không công bằng thông qua các khoản trợ cấp “cực lớn” của nhà nước.
Ông Scholz tỏ ra thận trọng trong việc đẩy Trung Quốc, một thị trường quan trọng của Đức, ra xa, cho rằng EU không nên hành động vì lợi ích riêng của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, ông nói tại Thượng Hải rằng sự cạnh tranh giữa hai nước phải công bằng.
Trong cuộc gặp với ông Lý, Thủ tướng Đức thúc giục Trung Quốc cải thiện điều kiện kinh doanh cho các công ty Đức, bảo đảm tiếp cận thị trường bình đẳng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và có một hệ thống pháp lý đáng tin cậy.
Ông Scholz nói: “Tôi bày tỏ mối lo ngại của mình… rằng các quyết định chính sách kinh tế đơn phương ở Trung Quốc đang tạo ra những khó khăn lớn về cấu trúc cho các công ty ở Đức và châu Âu.”
Đây là chuyến đi thứ hai của ông Scholz tới Trung Quốc kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào cuối năm 2021. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi chính phủ Đức trình bày chiến lược Trung Quốc vào năm ngoái và thu hút chỉ trích từ Bắc Kinh. Ông Lý đã đến thăm Đức vào tháng Sáu năm ngoái.
Ngành công nghiệp xe hơi
Ông Scholz đã tới Trung Quốc cùng với các giám đốc điều hành cấp cao của Đức, như Chủ tịch Mercedes-Benz Ola Kallenius và Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse, để nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Scholz cũng đã đến thăm nhà máy sản xuất pin nhiên liệu hydro của nhà cung cấp xe hơi Bosch của Đức tại thành phố Trùng Khánh phía Tây Nam Trung Quốc.
Ông Kallenius nói với đài truyền hình ARD của Đức tại Bắc Kinh rằng mối quan hệ kinh tế Đức-Trung không chỉ cần được vun đắp mà còn phải mở rộng. Ông nói về chiến lược của Mercedes-Benz tại Trung Quốc: “Rút lui khỏi một thị trường rộng lớn như vậy không phải là một giải pháp thay thế mà là củng cố vị thế của chúng tôi.”
Ông Zipse cũng bày tỏ quan điểm tương tự về Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Ông nói với chương trình tin tức Tagesschau của ARD: “Chúng tôi thực sự nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là rủi ro.”
Ông Tập nói với Thủ tướng rằng Trung Quốc và Đức có “tiềm năng rất lớn” để hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất máy móc và xe hơi cũng như các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh và trí tuệ nhân tạo kỹ thuật số.
Kết quả tích cực từ chuyến thăm của ông Scholz là Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập cảng thịt bò và táo từ Đức.
Theo Eurostat, văn phòng thống kê của EU, Đức là nước xuất cảng hàng hóa lớn nhất sang Trung Quốc vào năm 2023 trong số các quốc gia thành viên EU.
EU điều tra trợ cấp của Trung Quốc
Tháng 03/2023, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu nói rằng việc tách khỏi Trung Quốc là “không khả thi — cũng như không có lợi cho châu Âu” và thay vào đó đề nghị giảm thiểu rủi ro về mặt ngoại giao và kinh tế.
Trong khi nhận thấy mục tiêu rõ ràng của ĐCSTQ là thay đổi trật tự quốc tế bằng cách lấy Trung Quốc làm trung tâm, bà von der Leyen cho biết mối quan hệ của khối này với Trung Quốc là “bất cân xứng và ngày càng bị ảnh hưởng bởi những bóp méo” do hệ thống kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc tạo ra.
Theo Eurostat, năm 2023, Trung Quốc là đối tác lớn thứ ba trong xuất cảng hàng hóa của EU, chiếm gần 9% và là đối tác lớn nhất trong nhập cảng hàng hóa của EU, chiếm hơn 20%.
Bà von der Leyen nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc tiến hành cưỡng ép kinh tế đối với các thành viên EU khi họ vạch trần những hành vi áp bức nhân quyền của chính quyền Trung Quốc là điều không thể dung thứ được.
Bà nói, ví dụ về chính sách có chủ ý của Trung Quốc nhắm vào các quốc gia khác là “tẩy chay các thương hiệu quần áo vì lên tiếng về nhân quyền hoặc trừng phạt các Nghị viên Nghị viện Âu Châu, các quan chức và tổ chức học thuật vì quan điểm của họ về các hành động của Trung Quốc.”
Bà von der Leyen cho biết, một ví dụ về chính sách yêu cầu “tuân thủ và thuận theo” của Trung Quốc là các hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc đối với Lithuania khi nước này mở văn phòng đại diện Đài Loan tại thủ đô của mình.
Bà von der Leyen đã cố gắng đề ra một ranh giới rõ ràng về các chính sách đối với Trung Quốc trong bài diễn văn của mình gửi tới Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) có trụ sở tại Đức:
“Chúng ta cần bảo đảm rằng vốn, chuyên môn, và kiến thức của các công ty của chúng ta không được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự và tình báo của các nước cũng là các đối thủ có hệ thống.”
Bà von der Leyen nói: “Trong trường hợp không thể loại trừ các mục đích sử dụng lưỡng dụng (dân sự-quân sự), hoặc nhân quyền có thể bị vi phạm, cần phải xác định rõ ràng liệu đầu tư hay xuất cảng có vì lợi ích an ninh của chúng ta hay không.”
Tháng 06/2023, Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của EU, đã công bố chiến lược an ninh kinh tế tập trung vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề ép buộc kinh tế. Theo một tài liệu của Ủy ban, an ninh năng lượng và an ninh của cơ sở hạ tầng trọng yếu cũng như nguy cơ rò rỉ công nghệ, đặc biệt là công nghệ có thể được sử dụng cho cả ứng dụng dân sự và quân sự.
Tháng 10/2023, Ủy ban Âu Châu đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc.
Tháng 09/2023, bà von der Leyen cho biết trong bài diễn văn Thông điệp Liên minh rằng thị trường toàn cầu đang tràn ngập xe điện giá rẻ ở mức giá thấp giả tạo do “các khoản trợ cấp cực lớn của nhà nước.”
Đầu năm nay, Ủy ban Âu Châu đã tiến hành điều tra các nhà cung cấp tuabin gió, tấm pin quang năng, và tàu hỏa của Trung Quốc để xác định xem liệu các khoản trợ cấp của chính quyền Trung Quốc có mang lại cho họ lợi thế không công bằng trên thị trường EU hay không.
Một nghiên cứu mới của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (KIEL) có trụ sở tại Đức khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho các ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là các công nghệ xanh như xe điện và phong năng.
Cuộc điều tra này bắt đầu sau khi EU thông qua “Quy định trợ cấp ngoại quốc” mới vào năm ngoái, yêu cầu các công ty hoạt động ở EU phải báo cáo các khoản đóng góp tài chính vượt quá ngưỡng nhất định do các chính phủ ngoài EU cung cấp cho họ trong ba năm qua.
EU đang xem xét áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất của mình trước hàng nhập cảng xe điện rẻ hơn của Trung Quốc, sản phẩm mà một số người lo ngại sẽ làm ngập thị trường Âu Châu.
Không tách rời, khó giảm thiểu rủi ro
Ông Scholz cho biết trong chuyến thăm rằng Đức không muốn “tách rời” khỏi Trung Quốc, nhưng kêu gọi tiến bộ về các vấn đề cấu trúc và nâng cao chất lượng hợp tác.
Phía Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cho biết trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày hôm sau: “Hai bên nhất trí phản đối việc tách rời và cắt đứt chuỗi công nghiệp và cung ứng, đồng thời sẽ hợp tác cùng nhau để ứng phó với những thách thức toàn cầu và cùng nhau mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho thế giới.”
Bà Katja Drinhausen, người đứng đầu Chương trình Chính trị và Xã hội tại MERICS, đã chỉ trích kết quả chuyến thăm cấp cao của Đức tới Trung Quốc. MERICS là một tổ chức nghiên cứu của Đức đã bị Bắc Kinh trừng phạt vì nghiên cứu của họ.
“Mặc dù Thủ tướng Scholz đã nêu lên những điểm lo ngại chính của Đức và EU, nhưng chuyến thăm đã nêu bật thành công của Trung Quốc trong việc điều khiển cuộc đối thoại và giới hạn câu chuyện nội trong những vấn đề mà Trung Quốc có thể làm chệch hướng hoặc đẩy lùi,” bà nói hôm thứ Năm (18/04). “Tuy nhiên, sự im lặng chiến lược của cả hai bên đã che đậy các vấn đề — từ nhân quyền đến an ninh mạng — mà cuối cùng sẽ xuất hiện trở lại và khiến mối quan hệ song phương khó có thể thuận buồm xuôi gió.”
Theo Viện Kinh tế Đức (IW), trong ba năm qua, các công ty Đức tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc nhiều như trong vòng sáu năm trước đó, đạt mức đầu tư trực tiếp cao kỷ lục 11.9 tỷ euro (12.7 tỷ USD) vào năm 2023.
Bất chấp những xung đột về chính trị và thương mại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong năm thứ tám liên tiếp vào năm 2023, với 253.1 tỷ euro (270 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ được trao đổi giữa hai bên, nhiều hơn một chút so với những gì Đức giao dịch với Hoa Kỳ nhưng thấp hơn một chút so với năm trước. Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Đức, khối lượng thương mại giữa hai nước đã giảm 15.5% so với năm 2022.
Bản tin có sự đóng góp của Shawn Lin, Michael Zhuang, Reuters, và The Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times