Hoa Kỳ và Ba Lan ra mắt trung tâm nhằm chống tin giả của Nga
Cả hai nước cũng đã ký một thỏa thuận, được 17 quốc gia khác tán thành, về việc chống lại hoạt động thao túng thông tin của các tác nhân ngoại quốc.
Hôm 10/06, Hoa Kỳ và Ba Lan khởi động một chiến dịch quốc tế tại thủ đô của Ba Lan nhằm giúp Ukraine chống lại tin giả của Nga.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ James Rubin, chịu trách nhiệm chống lại thông tin giả, và Đại diện toàn quyền của Bộ Ngoại giao Ba Lan Tomasz Chłoń, được giao nhiệm vụ tương tự, đã thành lập một Nhóm Truyền thông Ukraine mới để chống lại thông tin giả của Nga về Ukraine.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, nhóm này bắt đầu hoạt động hôm 11/06, gồm các đại diện từ 12 quốc gia, trong đó có các thành viên NATO là Canada, Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Ý, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Slovenia, và Hoa Kỳ, cũng như Ukraine.
Tuyên bố nói trên cho biết NATO và cơ quan ngoại giao của Liên minh Âu Châu cũng tham gia vào nhóm này.
Ông Chłoń nói rằng khoảng một chục chuyên gia sẽ có mặt tại trung tâm mới thành lập tại Warsaw này để theo dõi và ứng phó trước những tin giả của Nga về Ukraine, theo PolskieRadio, một đài phát thanh Ba Lan.
Các thành viên của nhóm có mục đích “điều phối thông điệp, phổ biến báo cáo chính xác về cuộc xâm lược toàn diện của Nga, tăng cường tiếng nói của Ukraine, và vạch trần hành vi thao túng thông tin của Điện Kremlin,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Theo PolskieRadio24.pl, ông Rubin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, vì thông tin giả của Nga được Trung Quốc trợ giúp. Ông nói rằng Trung Quốc lặp lại mọi lập luận ngoại giao của Nga liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine trong không gian thông tin, đài phát thành này cho biết thêm.
Các quan chức Ba Lan ngày càng cho rằng Ba Lan, quốc gia giáp với Ukraine, cũng là một mục tiêu phá hoại và các biện pháp gây rối khác của các mật vụ Nga.
Ông Rubin, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Warsaw là một địa điểm hợp lý cho Nhóm Truyền thông Ukraine, vì nhiều quan chức đã đi qua thủ đô của Ba Lan để ra vào Ukraine trong cuộc chiến tranh này.
Thỏa thuận về tin giả
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm 10/06, ông Rubin và ông Chłoń cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa Hoa Kỳ và Ba Lan để chống lại hành vi thao túng thông tin của các quốc gia ngoại quốc.
Tuyên bố cho biết, việc hợp tác này sẽ dựa trên một kế hoạch do Bộ Ngoại giao vạch ra hồi tháng Một và đã được 17 quốc gia khác trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi, và Bắc Mỹ tán thành.
Theo Bộ Ngoại giao, việc chống lại sự thao túng thông tin của ngoại quốc đòi hỏi các bên ký kết phải áp dụng một phương pháp tích cực hơn chiến thuật “giám sát và báo cáo.” Bộ này nói rằng các quốc gia tán thành thỏa thuận này nên áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền tự do biểu đạt, bảo vệ “các nhóm bị cho là không quan trọng,” bảo đảm tính minh bạch trong quyền sở hữu phương tiện truyền thông, và bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi sự ảnh hưởng của ngoại quốc.
Bộ này khuyên các nước cũng nên thành lập một cơ quan chính phủ để điều phối cuộc chiến chống lại thông tin giả ở cấp quốc gia và tham gia vào các nỗ lực quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times