Ngăn chặn thương mại tội lỗi của châu Âu với Trung Quốc cộng sản
Người Âu Châu đang quay trở lại con đường thương mại tự chuốc lấy thất bại và phá sản về mặt đạo đức với Trung Quốc cộng sản. Dẫn đầu là Đức và Pháp, châu Âu đang đặt nhu cầu kinh tế ngắn hạn lên trên sức mạnh kinh tế dài hạn, chưa kể đến hòa bình và an ninh quốc tế. Nhưng Hoa Kỳ có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Các công ty Âu Châu thu lợi nhuận ở Trung Quốc đang biện minh cho hành động của họ bằng nhiều lý do khác nhau. Theo The Wall Street Journal, các công ty này viện dẫn cuộc chiến với Nga, tình trạng kinh tế ảm đạm ở châu Âu, và, buồn cười thay, là triển vọng về một nhiệm kỳ tổng thống Trump 2.0 để bảo vệ cho việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Họ tuyên bố một cách ích kỷ rằng những vấn đề này bằng cách nào đó chứng tỏ sự cần thiết phải tái hợp tác với đối tác thương mại là Quốc gia Nguy hiểm Nhất (MDN) của họ ở phía Đông.
Hôm 14/04, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bay tới Trung Quốc cùng với ba bộ trưởng nội các và một số giám đốc điều hành, trong một chuyến đi bao gồm việc dừng chân ở Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình. Ông Scholz đã cố gắng thúc đẩy 5,000 công ty của Đức đang hoạt động tại Trung Quốc nhiều đến mức gần như hứa cắt giảm thuế quan của Liên minh Âu Châu đối với Trung Quốc như thể đó là “chủ nghĩa bảo hộ” vậy. Thuế quan của EU được đặt ra để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng và đa dạng hóa cơ sở công nghiệp của châu Âu, là điều cần thiết cho sức mạnh kinh tế và quân sự của khối này.
Bắc Kinh trước đây đã tận dụng vị thế độc quyền kinh tế của họ — ví dụ, sự kiểm soát đối với hoạt động xuất cảng các nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc — cho các mục đích chính trị độc đoán của họ. Trong khi ông Scholz rõ ràng đã lùi bước trong quan điểm về thuế quan của EU, thì ông Tập lại không nhượng bộ về Ukraine. Bất chấp những nỗ lực của ông Scholz, ông Tập không đồng ý tham dự hội nghị hòa bình vào tháng Sáu về Ukraine, và ông cũng không đồng ý việc ngừng cung cấp cho Nga các thiết bị quân sự lưỡng dụng.
Đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) của Đức vào Trung Quốc đã lập kỷ lục vào năm 2022. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đòi hỏi mức độ đầu tư như vậy như là chi phí cho việc được bán các sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Một khi đã đầu tư và phụ thuộc vào doanh thu tại Trung Quốc, thì các công ty Đức như Mercedes-Benz, BMW, và BASF trở thành những đòn bẩy chính trị mà Bắc Kinh có thể thúc đẩy để đạt được mục tiêu của họ ở Berlin. Các giám đốc điều hành của các công ty này đã có mặt trong chuyến đi.
Theo Car News China, BMW, Mercedes-Benz, Lexus, Porsche, và Audi là năm mẫu xe nhập cảng hạng sang hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 2023. Nếu họ muốn bán hàng ở Trung Quốc, thì họ phải sản xuất ở đó. Bắc Kinh đang cố gắng tận dụng yêu cầu địa phương-đổi lấy-địa phương này không chỉ để tăng việc làm ở Trung Quốc mà còn để thành lập các công ty xe hơi của Trung Quốc ở châu Âu. Điều đó sẽ mở cửa thị trường xe hơi của châu Âu, tăng cường ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh thông qua hàng ngàn nhân viên Âu Châu trong tương lai, và cho phép các kỹ sư Trung Quốc dễ dàng tiếp cận công nghệ Âu Châu hơn.
Các công ty của Trung Quốc — cùng với xe hơi của họ, các nhà khoa học, và nhà độc tài — không nên là điểm đến đối với các nền dân chủ tự trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ bắt tay ông Tập tại Paris vào tháng tới (05/2024).
Đại sứ Pháp tại Trung Quốc đã trả lời một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ South China Morning Post vào hôm 09/04. Việc ông sử dụng những từ ngữ thân Trung Quốc thông dụng và ủng hộ việc tăng thị thực sinh viên cho thấy Paris đang cúi mình đến mức nào để phù hợp với ĐCSTQ.
“Ngay từ đầu, tham vọng chung của hai nước về việc trao đổi giữa người dân với người dân đã là cốt lõi trong mối bang giao của chúng ta,” đại sứ Bertrand Lortholary nói với người phỏng vấn. “Số lượng sinh viên Trung Quốc tại Pháp gần như đã trở lại như năm 2019, với hơn 25,000 sinh viên Trung Quốc tại Pháp.”
Ông lưu ý rằng Pháp đang gia hạn thị thực cho “các cựu sinh viên Trung Quốc, vì họ là đại sứ của một quốc gia này đối với quốc gia kia.” Ông bỏ qua rằng họ là nguồn tiền lớn cho các trường đại học đang thiếu tiền mặt cũng như nguồn rò rỉ công nghệ cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ Liên minh Âu Châu khỏi đồng minh Hoa Kỳ của họ. Ngoài Đức và Pháp, một số quốc gia Âu Châu khác đã mắc bẫy. Mặc dù ĐCSTQ không cho phép người Mỹ đi du lịch miễn thị thực đến Trung Quốc, nhưng họ đã bắt đầu cho phép việc đi lại như vậy đối với năm nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào tháng 11/2023. Đây đúng là năm quốc gia Âu Châu có ảnh hưởng chính trị nhất. Mới đây hơn, Bắc Kinh đã bổ sung thêm sáu quốc gia Âu Châu khác vào nhóm miễn thị thực. Hồi tháng 01/2024, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảng thịt bò Ireland và thịt lợn Bỉ. Những “đặc quyền” này có thể đối với một quốc gia bất cứ lúc nào nếu quốc gia đó chống lại ĐCSTQ, chẳng hạn như bằng cách ủng hộ EU có thuế quan mạnh mẽ hơn. Các quốc gia biết điều này và vì vậy có xu hướng khen ngợi hơn là chỉ trích Bắc Kinh.
Liên minh Âu Châu hiện đang cứng rắn hơn một chút với ĐCSTQ so với các quốc gia thành viên của khối. Ví dụ, họ đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra về các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp xanh của Trung Quốc, và khuyến khích các công ty EU giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ trong năm qua.
Tuy nhiên, bằng cách mang lại lợi ích cho từng quốc gia Âu Châu thay vì toàn bộ Liên minh Âu Châu, Bắc Kinh đang nỗ lực thực hiện một chiến lược chia để trị chống lại sự thống nhất của châu Âu. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với ĐCSTQ, giống như hầu hết các hành động khác của EU, đòi hỏi sự đồng thuận. Chẳng hạn, Hungary từng phủ quyết các lệnh trừng phạt trong quá khứ đối với Trung Quốc và Nga. Đổi lại, Bắc Kinh đã cố gắng tỏ ra đối xử đặc biệt với Hungary, như gọi nước này là “trung tâm” đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu và đề nghị hợp tác an ninh với nước này.
Chia rẽ sức mạnh thương mại của Liên minh Âu Châu, làm loãng NATO thông qua các thỏa thuận an ninh với các thành viên, và chia tách Liên minh Âu Châu khỏi Hoa Kỳ sẽ làm mất đi khả năng phối hợp các lệnh trừng phạt của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực sự có thể buộc ĐCSTQ phải lựa chọn giữa, một mặt là việc cải thiện nhân quyền trong nước và cách cư xử trên trường quốc tế, hoặc mặt khác là phải giao dịch ở mức độ thấp hơn nhiều với thế giới đang phát triển. Các biện pháp trừng phạt kết hợp giữa Hoa Kỳ và EU sẽ làm giảm mạnh hoạt động thương mại quốc tế và khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, do đó làm giảm ngân sách quốc phòng và năng lực quân sự của họ.
Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã trở thành một cái cớ yếu ớt để tăng cường thương mại giữa EU và Trung Quốc. Các hãng truyền thông chính thống và các công ty tiếp tục kinh doanh với Trung Quốc có xu hướng phớt lờ rằng hoạt động thương mại như vậy sẽ trợ giúp cho ĐCSTQ, làm lợi cho công nghệ của Trung Quốc, và gián tiếp trợ giúp đối tác của Trung Quốc là Nga. Thương mại với Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh trợ giúp Iran về mặt ngoại giao, xâm chiếm Đài Loan, và cạnh tranh về mặt công nghiệp với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, và các đồng minh khác của Nhóm G7.
Xu hướng này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ, ở chỗ chúng ta sẽ ngày càng phải đối mặt với sự lựa chọn giữa những kết quả xấu — ví dụ, trợ cấp thêm cho quốc phòng của châu Âu nhiều hơn mức chúng ta có và bằng tiền đi vay hoặc có nguy cơ xảy ra sự kiện thiên nga đen: mất châu Âu vào tay quân đội Nga hoặc để châu Âu rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga. Trước những mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và sự thiếu phối hợp giữa các nền dân chủ dẫn đến việc chúng ta làm hại lẫn nhau vì lợi ích ngắn hạn, như ông Scholz đã làm ở Bắc Kinh, thì Hoa Kỳ cần bảo đảm rằng các đồng minh và công ty trên toàn thế giới đi theo một lộ trình thoát khỏi chiến tranh và chủ nghĩa toàn trị.
Kế hoạch này không thể đạt được thông qua xoa dịu, cách làm vốn chỉ giúp tăng thêm sức mạnh cho đối thủ của chúng ta. Kế hoạch này có thể đạt được thông qua các bước cụ thể nhằm tăng cường sự hiệp lực giữa các nền dân chủ, chẳng hạn như bảo đảm rằng bất kỳ công ty nào ở bất kỳ quốc gia nào làm lợi cho đối thủ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ. Các biện pháp trừng phạt này bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty ở Đức và Pháp vốn biện minh cho dòng tiền tội lỗi của họ từ Trung Quốc cộng sản với những lý do bào chữa không thuyết phục nhất.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times