‘Đến một lúc nào đó tất cả sẽ qua đi’: Nghị viên EU Michael Gahler nói về nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Đã 24 năm trôi qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại các học viên Pháp Luân Công, một nhóm người thực hành thiền định ôn hòa. Theo Nghị viên EU Michael Gahler, trường hợp của một nông dân trồng chè ở Trung Quốc chỉ là một ví dụ trong cuộc bức hại này.
Bắt giữ, tra tấn, thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Vào ngày 18/01/2024, Nghị viện Âu Châu tại Strasbourg, Pháp, đã lên tiếng phản đối cuộc đàn áp tàn bạo và việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc qua Nghị quyết số 2024/2504 (RSP). Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã trao đổi với người khởi xướng nghị quyết, ông Michael Gahler, Nghị viên Đức đến từ tiểu bang Hesse, về những gì mà công chúng có thể — và không thể kỳ vọng từ nghị quyết này.
Sự kiện dẫn đến nghị quyết này là trường hợp xảy ra đối với ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), một nông dân trồng chè đến từ một ngôi làng ở phía đông Trung Quốc. Ông bị bắt giữ trong khi đang làm việc, vì ông tu luyện Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Một nghịch lý ở đây là tại Trung Quốc, tự do tôn giáo về căn bản là được luật pháp bảo vệ và bảo đảm. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không dung thứ cho bất kỳ quyền lực nào ngang bằng hoặc cao hơn so với chính đảng này. Ai không phục tùng sự kiểm soát sẽ bị “quấy rối, đàn áp và bắt giữ một cách tùy tiện,” theo mô tả trên trang web của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGHR).
Cho đến ngày nay, hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang phải chịu đựng cuộc đàn áp tàn bạo ở Trung Quốc, họ đã bị bức hại kể từ tháng 07/1999 chỉ vì sống theo chân, thiện, và nhẫn — những nguyên lý Phật gia vốn không hòa điệu với ý thức hệ cấu thành từ sự hủ bại, áp bức, và bạo lực của ĐCSTQ.
Trường hợp của người nông dân trồng chè ở Trung Quốc này — một ví dụ điển hình cho vô số học viên Pháp Luân Công bị cầm tù — đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhờ nỗ lực của con trai ông là anh Đinh Nhạc Bân (Ding Lebin) cư trú tại Berlin. Nghị viên Âu Châu (MEP) đến từ Đức, ông Michael Gahler, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại của nhóm Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) và là nhà vận động lâu năm cho nhân quyền, sau đó đã trình bày nghị quyết này trước Nghị viện EU.
Đối với ĐCSTQ, ông Gahler không phải là một người xa lạ. Tháng 03/2021, ông và bốn nghị viên khác của Nghị viện Âu Châu đã bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt, vì Liên minh Âu Châu đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của ĐCSTQ do tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã trao đổi với ông Michael Gahler về nghị quyết mới này và cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra tại Trung Quốc.
Nghị quyết có đặc biệt đề cập đến trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức. Trường hợp này có đóng vai trò quan trọng trong nghị quyết không?
Ông Gahler: Ý tưởng chủ đạo đằng sau các nghị quyết khẩn cấp này là nhấn mạnh một trường hợp cá nhân về việc vi phạm nhân quyền, nhưng thường là biểu tượng cho một cuộc đàn áp rộng lớn hơn. Trong trường hợp này, ông Đinh Nguyên Đức đã bị kết án chỉ vì việc thực hành Pháp Luân Công. Rất nhiều người khác cũng đang trong tình trạng tương tự.
Nghị quyết này có tác động gì đến EU và các quốc gia thành viên?
Ông Gahler: Nghị quyết này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo khi làm việc với Trung Quốc nhằm nhấn mạnh yêu cầu trả tự do cho những người bị bức hại vì lý do chính trị. Người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông, người theo đạo Cơ Đốc trong các nhà thờ bí mật và cả các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại.
Khi chúng tôi đã đề ra một nghị quyết, thì điều này giúp cho người khác dễ dàng tham khảo hơn.
Nghị quyết này ảnh hưởng đến ĐCSTQ như thế nào? Nghị quyết sẽ buộc ĐCSTQ phải trả tự do cho ông Đinh Nguyên Đức ở mức độ nào?
Ông Gahler: ĐCSTQ nhận thức rất rõ về những nghị quyết như vậy. Tuy nhiên, nghị quyết này có khả năng không dẫn đến việc trả tự do ngay cho ông Đinh Nguyên Đức.
Nhưng việc ông Đinh Nguyên Đức được nhiều người biết đến sẽ có tác dụng ngăn chặn việc ông biến mất mà không được chú ý. Và những câu hỏi liên tục từ những người tham gia đối thoại tại các sự kiện trong và ngoài nước có thể dẫn đến việc ông được trả tự do sớm hơn.
Trong nhiều năm qua, ông đã ủng hộ Pháp Luân Công, quan điểm của ông về nhóm này là gì?
Ông Gahler: Tôi ủng hộ Pháp Luân Công, cũng như tôi ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông hay người Tây Tạng, vì đây là liên quan đến hiện thực hóa nhân quyền.
Tu luyện Pháp Luân Công thể hiện sự tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm, không gây tổn hại cho bất kỳ ai khác và không nhằm mục đích chống lại bất kỳ bên thứ ba hoặc chính phủ nào.
ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công và cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân trong 24 năm. Ý kiến của ông về nguyên nhân tại sao ĐCSTQ lại làm điều này? Ông nghĩ sao về sự kết thúc của ĐCSTQ.
Ông Gahler: ĐCSTQ tự nhận một cách tự phụ rằng họ là bên đại diện duy nhất về mặt chính trị và tư tưởng (của người dân). Khi một số lượng lớn người dân có khuynh hướng tâm linh khác, thì điều này dường như được xem là một mối đe dọa đến sự độc tài trong quyền lực. Tôi tin rằng những người dân Trung Quốc thông minh và chăm chỉ một ngày nào đó sẽ thoát khỏi sự quản thúc của chế độ độc đảng tham nhũng có hệ thống này.
Nhìn lại quá khứ, cuộc nổi dậy ở Quảng trường Thiên An Môn (vào ngày 04/06/1989) có lẽ đã xảy ra sớm một năm. Nếu sự kiện này diễn ra sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và chế độ cộng sản ở Trung Âu, Đông Âu và Nga kết thúc, thì các phe phái sẵn sàng cải tổ khác bên trong ĐCSTQ rất có thể đã chiếm ưu thế.
Bây giờ người Trung Quốc đã mất 35 năm. Đảng cũng đang cố gắng duy trì quyền kiểm soát bằng mọi phương tiện và công nghệ mới nhất. Nỗ lực này đang ngày một lớn hơn. Đến một lúc nào đó tất cả sẽ qua đi. Nhưng tôi không biết là khi nào.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi phóng viên La Quỳnh.
Trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức:
Ngày 20/12/2023, gia đình của nông dân trồng chè Đinh Nguyên Đức hay tin ông vừa bị kết án 3 năm tù và phạt 15,000 nhân dân tệ (khoảng 2,000 euro) chỉ vì ông thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến Pháp. Liệu việc kháng cáo hiện đã đang trong quá trình tiến hành có cơ hội thành công hay không vẫn còn phải chờ xem, cũng như phản ứng đối với nghị quyết ở từng quốc gia thành viên EU.
Nghị quyết ngày 18/01/2024 của EU tuyên bố rằng ĐCSTQ đã cố gắng “xóa sổ” phong trào tín ngưỡng Pháp Luân Công kể từ năm 1999 thông qua đàn áp có hệ thống. Nghị quyết cho biết những người tu theo môn pháp thiền định tâm linh này thường “bị tra tấn và lạm dụng tinh thần cũng như bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng để buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.”
Ngoài việc yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Đinh Nguyên Đức và tất cả các học viên Pháp Luân Công khác, Nghị viện Âu Châu cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngừng giám sát, kiểm soát, và đàn áp quyền tự do tôn giáo ở cả trong và ngoài nước. Các quốc gia thành viên EU được yêu cầu “nêu lên vấn đề đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số trong tất cả các cuộc đối thoại chính trị và nhân quyền với chính quyền Trung Quốc” và cử quan sát viên tới các phiên điều trần tại tòa án.
Ngoài ra, Nghị viện Âu Châu cũng kêu gọi Liên minh Âu Châu và các quốc gia thành viên “công khai lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng tràn lan ở Trung Quốc” và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các thủ phạm và các tổ chức có liên quan. Điều này bao gồm đóng băng tài sản, trục xuất khỏi lãnh thổ của Liên minh Âu Châu, và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức