Ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức chán nản với Trung Quốc
Mối bang giao Đức-Trung đã ngày càng trở nên phức tạp trong những năm gần đây. Nhưng với việc Bắc Kinh phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng khi sử dụng sự thống trị kinh tế của Trung Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và việc châu Âu tuyên bố Trung Quốc là một “đối thủ có hệ thống” vào năm 2023, các công ty Đức từng xem Trung Quốc là đối tác nay đang dần trở nên vỡ mộng.
Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Đức (AHK) tại Trung Quốc thực hiện, ngày càng nhiều công ty Đức đang rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc đang cân nhắc việc rút lui. Cuộc Khảo sát Niềm tin Kinh doanh năm 2023/2024 đã cho thấy khoảng 9% trong số 566 công ty thành viên ở Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát — với khoảng 2,100 công ty thành viên đang hoạt động tại Trung Quốc theo ước tính của AHK — cảm thấy chán nản với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vai trò là một thị trường.
Cuộc khảo sát cho thấy các công ty Đức phải đối mặt với một số thách thức, trong khi “năm ngoái đã là một thử thách thực tế đối với các công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc,” ông Ulf Reinhardt, chủ tịch phòng thương mại, cho biết trong một tuyên bố.
Những rào cản mà các công ty Đức phải đối diện bao gồm sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp địa phương, khả năng tiếp cận thị trường không đồng đều, các mối đe dọa địa chính trị, và những trở ngại kinh tế.
Những bất ổn về địa chính trị cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp Đức đánh giá lại hoạt động tại Trung Quốc và thực hiện các bước để tăng cường sự đa dạng và nội địa hóa chuỗi cung ứng. So với năm 2022, một lượng người trả lời nhiều hơn — 65% — trong tất cả các ngành công nghiệp chính cho biết họ đã dự kiến điều kiện sẽ “xấu đi” vào năm 2023 so với ý kiến cho rằng họ mong đợi sự “cải thiện.”
Tệ hơn nữa, sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư đã giảm đối với 54% số người được hỏi, trong khi 44% cho biết họ thất vọng với Trung Quốc “nói chung” vì Trung Quốc đang phải chật vật với tốc độ tăng trưởng thị trường ảm đạm và nền kinh tế đang suy thoái.
Theo tổ chức này, sau khi chính sách zero COVID-19 được bãi bỏ vào tháng 12/2022, và các hạn chế đi lại, xét nghiệm hàng loạt, cũng như các biện pháp khác vốn cản trở sự phát triển kinh tế vào năm 2022 được dỡ bỏ, nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi sinh ngắn.
Tuy nhiên, bất chấp những kỳ vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sau chính sách zero COVID-19, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, không làm hài lòng được các nhà đầu tư toàn cầu.
Các con số chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 5.2% trong quý 4 năm 2023 (từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023) so với một năm trước đó, cao hơn mục tiêu khoảng 5% của Bắc Kinh. Nhưng các nhà phân tích tin rằng nền kinh tế nước này thực sự suy thoái vào năm 2023, trong khi tăng trưởng GDP dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 4% và thậm chí có thể xuống dưới 3% trong trung hạn.
Phòng Thương mại Đức nêu, “Những rủi ro liên quan đến thị trường Trung Quốc tiếp tục cản trở các nhà đầu tư, và niềm tin của người tiêu dùng thấp là mối lo ngại đặc biệt đối với các công ty Đức,” đồng thời lưu ý rằng nền kinh tế định hướng xuất cảng của Trung Quốc — chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp ngoại quốc — cũng đã bị cản trở vì các vấn đề trong nước, nhu cầu toàn cầu yếu, và sự bất ổn địa chính trị.
Theo một bản tin của Financial Times, các nhà đầu tư ngoại quốc đã rút 29 tỷ USD khỏi chứng khoán Trung Quốc vào năm 2023. Một bản tin khác của Financial Times cho biết hơn 75% tiền ngoại quốc đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc vào năm 2023 đã rút lui, cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đã và đang mất niềm tin vào thị trường tài chính Trung Quốc.
Do đó, kỳ vọng tăng trưởng hạn chế đang nổi lên là mối lo ngại hàng đầu của các công ty khi nói đến đầu tư, với phần lớn (56%) những người quyết định giảm hoặc không đầu tư với lý do là việc mở rộng thị trường chậm ở Trung Quốc, tiếp theo là 40% viện dẫn sự cạnh tranh trong thị trường nước này gia tăng, theo Phòng Thương mại Đức. Tương tự, 30% doanh nghiệp đã cho rằng các chính sách kinh tế của Trung Quốc tập trung vào việc đạt được khả năng tự cung tự cấp là rào cản đối với các khoản đầu tư trong tương lai.
Căng thẳng địa chính trị
Trên thực tế, các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc đang cảm nhận được sức ép từ căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Liên minh Âu Châu.
Ví dụ, Hoa Kỳ đang khuyến khích các đồng minh có đường lối cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc vì Hoa Kỳ xem Trung Quốc là đối thủ có hệ thống và đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ủy ban Liên minh Âu Châu cũng sử dụng thuật ngữ “đối thủ” để mô tả Trung Quốc vào năm 2019 trong khi vẫn mô tả nước này như một đối tác.
Trong nỗ lực cân bằng giữa lợi ích thương mại với Trung Quốc và mối quan hệ địa chính trị với Hoa Kỳ, Đức, một thành viên EU và các doanh nghiệp nước này đã bị đặt vào thế khó khăn trước những diễn biến này.
Phòng Thương mại Đức cho biết, “Các công ty Đức đã đánh giá lại sự tham gia của họ vào thị trường Trung Quốc trong những năm qua. Họ hiện đang phải đối mặt với một môi trường mà quan hệ giữa cơ hội và rủi ro khó xác định hơn.”
Do đó, các công ty Đức đang thực hiện các bước để bảo vệ hoạt động của mình khỏi những tác động đột ngột từ bên ngoài, kể cả khi họ phải đối mặt với áp lực phải tăng tốc hoạt động ngày càng tăng do các doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển năng lực về đổi mới và tốc độ, theo phòng thương mại.
Nhu cầu giảm thiểu rủi ro
Các doanh nghiệp Đức cũng đang được chính phủ Đức kêu gọi bớt phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh như một phần trong chiến lược mới của Đức đối với Trung Quốc.
Vì lợi ích kinh tế và lợi ích chung của Đức, nước này phải ưu tiên an ninh kinh tế, đồng nghĩa với việc giảm thiểu rủi ro đầu tư tập trung vốn gây hại không chỉ cho người dân Đức mà còn cho toàn bộ nền kinh tế, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết trong một cảnh báo hồi tháng 07/2023, đồng thời lưu ý rằng các doanh nghiệp Đức phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc có thể gặp nhiều rủi ro tài chính hơn trong tương lai.
Bà cũng nhấn mạnh Đức cần phải “giảm thiểu rủi ro” bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất cảng bên ngoài Trung Quốc để giảm bớt rủi ro liên quan những tác động đột ngột bên ngoài.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times