Trong loạt bài “vaccine ngừa HPV: Con dao hai lưỡi?” chúng tôi sẽ cung cấp bằng chứng được ghi lại về trường hợp tử vong và tổn thương trầm trọng liên quan đến vaccine Gardasil, phân tích nguyên nhân gốc rễ gây ra tác hại của vaccine này và đưa ra giải pháp.
Phần 1: Những trường hợp tử vong không thể phủ nhận sau khi chích vaccine HPV
Phần 2: Những tổn thương nặng nề và không thể phủ nhận sau khi chích vaccine HPV
Không thể phủ nhận rằng vaccine ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) Gardasil có liên quan đến tử vong và tổn thương trầm trọng như đã báo cáo trước đây trong loạt bài này. Một thành phần trong Gardasil có thể góp phần gây ra những tác hại này.
Hãy chuyển ống kính sang vùng Pyrenees xinh đẹp ở Âu Châu, nơi những chú cừu yêu quý được nuôi để lấy sợi len, làm thức ăn và làm bạn với con người. Tuy nhiên, một căn bệnh bí ẩn đã xuất hiện trên những chú cừu khoảng một thập niên trước.
Căn bệnh bí ẩn ở cừu sau khi chích vaccine
Tháng 08/2006, dịch bệnh lưỡi xanh bùng phát nhanh chóng lan sang các nước Âu Châu đã gây ra tình trạng khẩn cấp.
Bệnh lưỡi xanh do virus lưỡi xanh (BTV) gây ra, xuất hiện ở động vật nhai lại, chủ yếu là cừu, với các triệu chứng sốt, xuất huyết, suy nhược, phù nề, tím tái toàn thân và quan sát dễ nhất ở lưỡi. Vì thế căn bệnh này có tên là “lưỡi xanh”.
Sự bùng phát đầy bất ngờ do một kiểu huyết thanh BTV mới xuất hiện đã dẫn đến chiến dịch chích ngừa bắt buộc quy mô lớn ở Âu Châu được thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010. Ngoài loại bất hoạt, vaccine BTV được chích có chứa một thành phần tá dược mới chưa được sử dụng trong các vaccine BTV trước đây. Đó là nhôm (Al) với hàm lượng 2.08mg/ml.
Chiến dịch dường như đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus, tuy nhiên, cũng trong thời gian chích ngừa, một loạt bệnh trầm trọng chưa được báo cáo trước đây đã xuất hiện ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh và Tây Ban Nha, với biểu hiện yếu nhược và các triệu chứng thần kinh khác. Các bác sĩ thú y bối rối vì không có căn bệnh nào giải thích được cho thảm kịch này.
Nghiên cứu trên cừu giúp xác định vấn đề
Tiến sĩ Lluis Lujan, phó giáo sư bệnh lý thú y tại Đại học Zaragoza ở Tây Ban Nha, đã thực hiện một nghiên cứu trên cừu để xác định nguyên nhân gây ra những căn bệnh bất thường.
Tổng cộng có 21 con cừu được chia thành ba nhóm (đỏ, vàng và xanh lục), mỗi nhóm có bảy con như sau:
- Nhóm màu đỏ được chích vaccine thương mại có chứa nhôm hydroxide.
- Nhóm màu vàng nhận được lượng nhôm tương đương hòa tan trong nước (Alhydrogel®, một chất trợ giúp với nền tảng là nhôm).
- Nhóm màu xanh lá được dùng dung dịch nước mặn trung tính.
Điều đáng ngạc nhiên là cả nhóm đỏ và vàng đều trở nên hung dữ hơn đáng kể và thể hiện nhiều đặc trưng cũng như mức độ căng thẳng cao hơn.
Nồng độ nhôm được phát hiện trong các hạch bạch huyết ở tủy sống thắt lưng cao hơn nhiều ở cả nhóm chỉ dùng nhôm (màu vàng) và nhóm chích vaccine (màu đỏ) so với nhóm đối chứng. Từ đó cho thấy [việc nhận thêm] nhôm đã làm tăng gánh nặng đào thải.
Điều này giải thích hiện tượng cừu bị bệnh chỉ xảy ra sau khi nhôm được thêm vào vaccine như một tá dược. Tiến sĩ Lujan phát biểu trong bộ phim tài liệu “Under the Skin” (Dưới Lớp Da) trên Epoch TV, “Đối với tôi thì đúng vậy – lý do tại sao động vật bị bệnh sau khi chích ngừa là do cách cơ thể đào thải nhôm.”
Không chỉ là dừng lại ở cừu. Chúng tôi đang tìm kiếm điều gì đó có thể xảy ra ở con người.
Người tham gia thử nghiệm ‘giả dược’ có hơn 40 triệu chứng
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với Gardasil (nghiên cứu FUTURE II) bắt đầu vào năm 2002 đã tuyển một số lượng lớn người tham gia ở Đan Mạch.
Cô Sesilje Petersen, người tham gia thử nghiệm lâm sàng Gardasil, bị mệt mỏi trầm trọng và có tổng cộng 40 triệu chứng sau mũi chích thứ hai và thứ ba.
Cô Sesilje nói, “Vì tôi là sinh viên đại học nên đó là vấn đề lớn nhất. Tôi rất khó đến lớp do hàng ngày thường ngủ quên. Tôi đã viết một danh sách các triệu chứng của mình, có hơn 40 triệu chứng với một số rất nặng. Tôi có một khối u trên tuyến yên. [là cấu trúc giải phẫu nằm trong não].”
Cô Sesilje nhớ lại, “Tôi nhận được một lá thư và được mời tham gia nghiên cứu này. Nghe rất thú vị nên tôi quyết định tham gia.”
Cô Sesilje giữ tập tài liệu thông tin mà những người tham gia nhận được khi bắt đầu nghiên cứu. Họ nói rằng vaccine đã được kiểm tra cẩn thận về độ an toàn và không có bất kỳ tác dụng phụ trầm trọng nào.
Thông tin về giả dược hóa ra là lời nói dối. Cô nói, “Ở đây nói rằng giả dược là nước muối – tiếng Đan Mạch có nghĩa là nước mặn.”
Nhôm: Một độc chất được cho vào vaccine trong 90 năm qua
Thuốc giả dược “nước muối” có chứa một thứ rất bất thường – nhôm, là tá dược thường được sử dụng trong các loại vaccine hiện đại.
Rõ ràng là cô đã hiểu sai về thiết kế nghiên cứu và không biết mình đang nhận được thứ gì. Trước khi tham gia nghiên cứu Gardasil, cô Sesilje biết rằng cô không thể dung nạp chất khử mùi có chứa nhôm.
Cô Sesilje nói, “Chúng tôi không được thông báo về việc sử dụng nhôm. Từ ‘nhôm’ không được nói cho chúng tôi trong quy trình cũng như trong mẫu đơn đồng ý qua điện thoại của họ.”
Trên thực tế, một nghiên cứu của Doshi và cộng sự phát hiện ra những người tham gia thử nghiệm Gardasil không được thông báo đầy đủ rằng giả dược là nhôm hydroxyphosphate sulfate vô định hình (AAHS). Những người tham gia thử nghiệm được thông báo rằng họ có thể nhận được “giả dược” mà không được thông báo về thành phần không trơ (AAHS). Điều này đặt ra những lo ngại đạo đức trầm trọng trong việc tiến hành thử nghiệm.
Nhôm lần đầu tiên được sử dụng trong vaccine cho người vào năm 1932 và là tá dược vaccine duy nhất được cấp phép trong khoảng 70 năm. Hợp chất gây tranh cãi này vẫn được sử dụng làm tá dược trong vaccine, tuy nhiên vai trò thực sự của nó là gì?
Nhôm là kim loại phổ biến thứ ba trong vỏ trái đất và xuất hiện rộng rãi trong môi trường – trong thực vật, đất, nước, không khí, thực phẩm và dược phẩm với dạng ion là Al3+.
Sự hấp thụ nhôm phụ thuộc vào một số yếu tố như độ pH và sự hiện diện của acid hữu cơ (citrate, lactate). Nhôm được hấp thu với tỷ lệ chỉ 0.1 – 0.3% ở đoạn trên của ruột.
Tuy nhiên, khi được chích vào cơ, nhôm trong vaccine sẽ được hấp thụ gần như 100%. Sau đó, nhôm di chuyển và vượt qua hàng rào máu não và tích tụ trong não cũng như các cơ quan khác.
Nhôm là một chất diệt tế bào nổi tiếng. Nhôm tạo ra các phân tử có hại gọi là mảnh oxy dạng hoạt động, đánh lừa hệ thống miễn dịch gây phản ứng quá mức với các thành phần cơ thể, làm hỏng chuỗi cung cấp năng lượng và gây độc cho DNA.
Nhôm đặc biệt có hại cho não và dây thần kinh do khả năng kết tụ các chất có hại (β-amyloid, protein tau) trong não, dẫn đến cái chết của các tế bào bảo vệ (tế bào hình sao) và phá vỡ bức tường bảo vệ xung quanh khiến não dễ bị tổn thương hơn trước các chất có hại.
Ông Christopher Exley, giáo sư hóa vô cơ sinh học người Anh, là một trong những nhà nghiên cứu hiểu biết nhất về nhôm và được trích dẫn rộng rãi trên thế giới, với hơn 200 bài viết khoa học được bình duyệt về nhôm và hơn 12,000 trích dẫn.
35 năm nghiên cứu của ông đã chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với nhôm và các bệnh như Alzheimer, tự kỷ, bệnh đa xơ cứng, và bệnh Parkinson.
Bệnh nhân suy thận trải qua thẩm phân đã phát triển bệnh viêm não liên quan đến sự tích tụ quá nhiều nhôm trong não. Những người tử vong có hàm lượng nhôm trong chất xám cao gấp 10 lần, dẫn đến các bệnh não gây tử vong từ 30-50% trường hợp. Các triệu chứng về não có liên quan đến nồng độ nhôm trong máu, bao gồm các vấn đề về giọng nói, khả năng phối hợp, nhận thức và các cơn co giật gây tử vong.
Là một chất độc nguy hiểm, nhôm có thể gây tổn hại trầm trọng đến nhiều cơ quan. Tác dụng độc hại của nhôm đối với dây thần kinh, phổi, cơ, ruột, thận và gan đã được ghi nhận rõ ràng.
Thận có thể đào thải Ion nhôm trong thức ăn, tuy nhiên, hầu hết các hỗn hợp kháng nguyên-nhôm trong vaccine đều có kích thước quá lớn khiến thận không thể đào thải ra khỏi cơ thể. Theo đó, việc tiếp xúc với nhôm trong vaccine có nguy cơ cao hơn nhiều so với việc tiếp xúc với nhôm trong thức ăn.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), giả dược được định nghĩa là “một viên thuốc, chất lỏng hoặc bột không có hoạt tính, không có giá trị điều trị”. Do đó, với các đặc tính độc hại đã được xác định rõ ràng, nhôm không thể là một loại giả dược hợp lệ.
Độc tính khiến nhôm trở thành tá dược
Hầu như tất cả các bệnh hiện đại đều do hệ miễn dịch bị rối loạn. Không có loại thuốc nào can thiệp vào hệ miễn dịch mạnh mẽ như vaccine. Vai trò của các thành phần vaccine đối với khả năng miễn dịch của con người đã được thảo luận một cách công khai trong cộng đồng khoa học.
Tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiệu quả của vaccine dựa trên mức độ kháng thể được tạo ra. Ban đầu, người ta không hài lòng với một loại virus bất hoạt thuần túy để kích thích phản ứng miễn dịch mà muốn tìm ra một chất giúp tăng khả năng miễn dịch và tạo ra phản ứng mạnh mẽ hơn với các kháng thể tồn tại lâu hơn. Đó là tá dược.
Nhôm được xem là một chất tá dược mạnh.
Theo ông Exley, “Độc tính đã biết của nhôm gần như chắc chắn là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của muối nhôm trong vai trò tá dược.”
Một nghiên cứu trên Tập san Nature (Tự nhiên) năm 2016 đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về độc tính tế bào của nhôm được sử dụng làm tá dược trong vaccine cho người được chấp thuận trên lâm sàng.
Khi chích vaccine nhôm vào cơ, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng về những phản ứng lý – hóa nào sẽ xảy ra. Lúc đầu, có thể có ít phản ứng tại chỗ chích. Phản ứng duy nhất có thể là do vết thương do kim gây ra.
Ông Exley nói trong bộ phim tài liệu “Under the Skin,” “Khi vaccine được chích sâu vào mô cơ, các ion nhôm bắt đầu hòa tan và tấn công các tế bào xung quanh. Vì vậy, tùy thuộc vào tốc độ hòa tan, bạn sẽ biết được mức độ gây độc tế bào.”
Các ion nhôm giết chết các tế bào khỏe mạnh, gây phóng thích các chất truyền tin hóa học để kêu gọi sự trợ giúp từ các tế bào miễn dịch khác.
Các tế bào miễn dịch phản ứng ngay lập tức và bắt đầu tấn công bất cứ thứ gì đáng ngờ tại nơi chích ngừa. Một trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra.
Chỉ có quá trình viêm do nhôm gây ra mới có thể khiến các tế bào miễn dịch chú ý và mang các kháng nguyên [virus] thầm lặng đi. Các tế bào miễn dịch cũng xác định những protein virus thầm lặng là kẻ thù và tạo ra các kháng thể đặc hiệu để ngưng kết các protein virus đó.
Do đó, các nhà khoa học đang sử dụng độc tính gây viêm của nhôm để bắt đầu cuộc chiến chống lại kháng nguyên [virus] không hoạt động. Mức độ độc tính của nhôm là một thuật ngữ thay thế được dùng để mô tả khả năng tạo ra kháng thể của vaccine.
Nghiên cứu bị thao túng và phi đạo đức
Trải nghiệm của cô Sesilje khi nhận giả dược có chứa nhôm thay vì nước muối minh họa cho cách một thử nghiệm lâm sàng có thể được thiết kế để thao túng kết quả đồng thời đánh lừa những người tham gia nghiên cứu. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng Gardasil FUTURE II được xuất bản trên tập san Y học New England (NEJM) nêu rõ các đối tượng đang nhận Gardasil hóa trị 4 hoặc “một loại giả dược có chứa nhôm không thể phân biệt được bằng mắt thường.”
Tại sao các thử nghiệm lâm sàng vaccine Gardasil lại chọn dùng nhôm làm chất so sánh thay vì nước muối?
Dựa trên nghiên cứu lâm sàng dược phẩm tiêu chuẩn, thiết kế nghiên cứu vaccine thông thường nên sử dụng giả dược thực sự (ví dụ: nước muối) làm nhóm so sánh. Thay vào đó, nhóm giả dược trong nghiên cứu Gardasil FUTURE II đã sử dụng giả dược giả, có nghĩa là đây không phải là giả dược thực sự mà có chứa một hợp chất có hoạt tính dược lý – trong trường hợp này là nhôm. Điều này không bình thường.
Tiến sĩ Peter Gøtzsche cho biết trong bộ phim tài liệu “Under the Skin,” “Nếu một số cô gái này bị những tác hại hiếm gặp giống nhau, thì bạn không thể thấy sự khác biệt. Đây là hành vi che giấu. Điều này không được phép.”
Tiến sĩ Gøtzsche là một bác sĩ người Đan Mạch, giáo sư thiết kế và phân tích nghiên cứu lâm sàng, đồng thời là cựu lãnh đạo của Trung tâm Cochrane Bắc Âu ở Copenhagen, Đan Mạch. Ông cũng là người đồng sáng lập của Cochrane Collaboration và đã công bố hơn 70 bài viết trên các tập san “Big Five”: Tập san New England Journal of Medicine (Y học New England), The Lancet, Annals of Internal Medicine (Biên niên sử Nội khoa), British Medical Journal (Y học Anh) và Journal of the American Medical Association (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ). Các công trình khoa học của ông đã được trích dẫn hơn 30,000 lần.
Trong bài nghiên cứu của ông Exley nêu rõ, “Không nên dùng các tá dược từ nhôm làm giả dược trong các thử nghiệm lâm sàng.”
“Cần phải đưa ra một trường hợp khoa học rất chắc chắn về việc sử dụng giả dược, loại giả dược vốn được biết là gây ra tác dụng phụ và tôi chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó trong tài liệu chích ngừa trên người gần đây. Mặc dù các tác dụng phụ trầm trọng sau khi chích ngừa là rất hiếm, không thể chấp nhận được việc bỏ qua hoặc làm ngơ những tác dụng đó. Tá dược từ nhôm có thể hoạt động đơn độc hoặc kết hợp với kháng nguyên. Làm như vậy có thể khiến những người nhạy cảm gặp nguy hiểm.”
Chúng tôi thấy rằng đạo đức y khoa rõ ràng đã bị bỏ qua trong thử nghiệm vaccine Gardasil. Sức khỏe và thể chất của những người tham gia đã bị đe dọa mà không có sự đồng ý rõ ràng.
Bằng cách sử dụng thiết kế nghiên cứu có chủ ý như vậy, 2.3% số người tham gia trong nhóm Gardasil đã phát triển các rối loạn tự miễn dịch toàn thân xảy ra với tỷ lệ giống hệt như những người trong nhóm “giả dược” nhôm. Tuy nhiên, 2.3% trẻ em gái và phụ nữ bị tổn hại trong nhóm do dùng nhôm được xem là phi đạo đức. Điều này lẽ ra không bao giờ nên xảy ra.
Mục đích thực sự của việc thiết kế nghiên cứu phi đạo đức như vậy dường như là để che giấu tác hại của Gardasil.
Trong Phần 1 và Phần 2 của loạt bài này, chúng tôi đã trình bày những trường hợp tử vong và tổn thương trầm trọng không thể phủ nhận sau khi chích vaccine HPV. Các bác sĩ và nhà khoa học thường bỏ qua những tác hại này vì triệu chứng được che giấu một cách khéo léo bằng thiết kế nghiên cứu cẩn thận với nhóm dùng giả dược có tỷ lệ tác dụng phụ tương tự như nhóm chích vaccine. Điều này làm cho tác hại có thể là do nguyên nhân tự nhiên ở nhóm dân số không chích ngừa.
Nhiều người đã bị lừa bởi lời nói dối trắng trợn này.
Đánh giá rủi ro-lợi ích không hợp lệ
Tiến sĩ Enrica Alteri, cựu giám đốc quản lý rủi ro và dịch tễ học tại Merck-Serono ở Geneva, được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận An toàn và Hiệu quả Thuốc của EMA vào ngày 02/07/2012. Việc bà chuyển từ khu vực tư nhân sang vị trí công là một ví dụ về chính sách quản lý “cửa quay,” làm dấy lên mối lo ngại trầm trọng về khả năng có những thành kiến ủng hộ trong việc ra quyết định chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Gardasil được phát triển bởi hãng dược phẩm Merck.
Tiến sĩ Alteri đã tuyên bố hoàn toàn “vô tội” đối với việc chích ngừa HPV, như được đưa tin trong bộ phim tài liệu “Under the Skin”.
Bà nói, “Hôm nay chúng tôi có thể xác nhận tính an toàn của vaccine HPV. Không có lý do gì để thay đổi cách sử dụng vaccine hay sửa đổi thông tin sản phẩm hiện tại”.
Trong một báo cáo dài 40 trang, Cơ quan Dược phẩm Âu Châu (EMA) đã xem nhẹ những khiếu nại tương tự như của Elizabeth và Marika (Phần 2) vì không hề liên quan đến vaccine HPV.
Vậy là sự che giấu đã thành công – không chỉ các cơ quan y tế kết luận rằng Gardasil hoàn toàn an toàn mà cộng đồng khoa học cũng bị lừa dối bởi thiết kế thử nghiệm lâm sàng Gardasil.
Ví dụ, các tác giả của bài tổng quan trên Cochrane năm 2018 về thử nghiệm lâm sàng vaccine HPV khẳng định họ không tìm thấy tác hại thông thường và trầm trọng nào liên quan đến vaccine HPV.
Tại sao họ không thể nhìn ra sự thật với thiết kế nhóm giả dược? Họ có dễ bị lừa không hay [họ đang] đồng lõa?
Để tiết lộ thêm sự thật đằng sau các nghiên cứu, ba nhà khoa học, trong đó có hai nhà khoa học từ Trung tâm Cochrane Bắc Âu ở Copenhagen, Đan Mạch — Lars Jørgensen và Tom Jefferson, cùng với Tiến sĩ Peter Gøtzsche, người đồng sáng lập trước đây của Cochrane, đã tiến hành một cuộc khảo sát nghiêm ngặt, tổng quan hệ thống độc lập về 24 báo cáo nghiên cứu lâm sàng về vaccine HPV. Cuộc đánh giá bao gồm 95,670 người tham gia (83% là nữ) từ 8 đến 72 tuổi và được theo dõi trong thời gian trung bình là 49 tháng.
Một trong những phát hiện gây kinh ngạc nhất, dựa trên dữ liệu nguồn, là 96.3% người tham gia trong nhóm đối chứng của những nghiên cứu đó đã nhận được tá dược làm từ nhôm. Điều này đã bóp méo (ở một mức độ không xác định) đánh giá chính xác về tác hại do vaccine HPV gây ra.
Các tác giả đánh giá “tất cả 24 nghiên cứu đều có nguy cơ sai lệch cao” do thiết kế nghiên cứu. Các thử nghiệm được thiết kế chủ yếu để đánh giá lợi ích và không được thiết kế phù hợp để đánh giá tác hại từ việc sử dụng nhôm, một chất độc, làm chất so sánh. Điều này dẫn đến không thể xác định được tác hại thực sự do vaccine HPV gây ra.
Đánh giá rủi ro-lợi ích hiện tại đối với Gardasil là không hợp lệ, vì họ không so sánh vaccine Gardasil với một thứ gì đó lành tính (nước muối), mà thay vào đó so sánh nó với một thành phần chính của vaccine (nhôm).
Luận án tiến sĩ năm 2018 của Tiến sĩ Lars Jørgensen đã kết luận rằng không thể tiến hành phân tích rủi ro-lợi ích của vaccine Gardasil vì hầu hết các nghiên cứu về Gardasil đều sử dụng chất gây hại AAHS làm chất so sánh.
Nhôm trong vaccine Gardasil là một vấn đề trầm trọng. Nhôm trong bất kỳ loại vaccine nào cũng có thể gây ra hậu quả trầm trọng, đặc biệt là khi dùng cho trẻ sơ sinh, như chúng ta đã thấy trong trường hợp một em bé tử vong.
Trẻ sơ sinh tử vong sau khi chích ngừa
Vào ngày 28/10/2022, Sawyer, một em bé 62 ngày tuổi, đã tử vong 34 tiếng sau khi được chích vaccine theo chương trình [chích ngừa] cho trẻ em. Khi sống ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ, cha mẹ em đã tìm kiếm lời giải thích về nguyên nhân cái chết của con trai họ trong gần một năm. Cuối cùng, một báo cáo về chất độc cho thấy trong máu của Sawyer chứa 95μg/L nhôm, một mức được xem là độc hại đối với người lớn. Dấu hiệu nhiễm độc thần kinh được quan sát thấy khi nồng độ nhôm trong máu cao hơn 60μg/L. Trên thực tế, đến năm 2005, trẻ sơ sinh bắt đầu nhận được 4925μg nhôm trong 18 tháng đầu từ chích ngừa, chưa tính các nguồn phơi nhiễm khác như qua thực phẩm, qua da và qua sữa.
Nhôm trong vaccine ‘giống như xổ số’
Rất nhiều loại vaccine dành cho trẻ em ở Hoa Kỳ có tá dược nhôm. Hơn nữa, các cơ quan quản lý không kiểm soát chặt chẽ hàm lượng nhôm trong vaccine.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Journal of Trace Elements in Medicine and Biology (Nguyên tố Vi lượng trong Y học và Sinh học) cho thấy lượng nhôm mà trẻ sơ sinh nhận được trong vaccine không thể dự đoán hoặc kiểm soát “giống như xổ số.”
Theo nghiên cứu, 10/13 loại vaccine có lượng nhôm đo được không khớp với lượng nhôm được nhà sản xuất thông báo trong tờ rơi thông tin cho bệnh nhân.
Phân tích giữa các loại vaccine và lô vaccine cho thấy những điều sau:
- 6 trong số các loại vaccine, bao gồm Prevnar 13 của Pfizer, chứa lượng nhôm lớn hơn đáng kể về mặt thống kê so với công bố của nhà sản xuất.
- 4 trong số các loại vaccine chứa ít nhôm hơn đáng kể so với công bố của nhà sản xuất.
- Đối với mỗi hãng vaccine, hàm lượng nhôm “khác nhau đáng kể.”
Cả EMA và FDA đều không thể xác nhận việc đo hàm lượng nhôm trong vaccine dành cho trẻ sơ sinh một cách độc lập hay thường xuyên, thay vào đó họ dựa vào dữ liệu (thiếu sót) của nhà sản xuất.
Nguồn tiếp xúc với nhôm
Những người cho rằng lượng nhôm giới hạn trong vaccine dành cho trẻ em không thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, thường bỏ qua việc tích lũy nhôm (“gánh nặng toàn thân”) từ nhiều nguồn khác nhau trong môi trường.
Nhôm được tìm thấy rộng rãi trong môi trường, không chỉ như một tá dược cho vaccine mà còn trong nước, thực phẩm chế biến sẵn, bao bì thực phẩm, dụng cụ nấu nướng, mỹ phẩm, thuốc men và thiết bị y tế.
Nguồn nhôm từ thực phẩm và nước:
- Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hoặc sữa mẹ từ những bà mẹ đã tiếp xúc với nhôm.
- Dụng cụ nấu nướng, bao bì giấy bạc và lon nhôm.
- Muối nhôm trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Nhôm sulfate dùng để làm bánh mì trắng.
- Ô nhiễm thực phẩm do chế biến thực phẩm bằng máy móc nhôm.
- Cá tiếp xúc với chất ô nhiễm nhôm.
- Ô nhiễm trà, cà phê, thuốc lá, cần sa, đậu nành và các thực vật ăn được khác từ nhôm trong đất chua do thực hành canh tác kém. (Đất chua có khả năng hấp thụ nhôm tốt hơn và glyphosate là chất kết dính nhôm mạnh ở pH thấp.)
- Muối nhôm thường được sử dụng làm chất keo tụ trong quá trình lọc nước để loại bỏ tạp chất và hạt.
Nhôm từ thiết bị y tế:
- Các loại thuốc như thuốc kháng acid, chất kết dính phosphate dùng để lọc thận, chất đệm có trong nhiều loại thuốc giảm đau và chế phẩm chích truyền tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh và người lớn.
- Dịch truyền như thiết bị làm ấm máu.
- Thiết bị giả thay khớp háng và các sản phẩm nha khoa.
Mỹ phẩm và chất khử mùi cũng có thể chứa nhôm.
Các bệnh liên quan đến nhôm trong vaccine
Trong khi các loại vaccine cũ chứa kháng nguyên không có tá dược, thì thế hệ vaccine mới hơn thường yêu cầu bổ sung tá dược, một chất như đã nói ở trên có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên.
-
Viêm, dị ứng
Chỉ riêng tá dược nhôm đã có liên quan đến một số tác dụng phụ. Các dấu hiệu viêm tại chỗ (đau nhức tại chỗ chích, viêm da tiếp xúc) giải thích độc tính và khả năng phá hủy tế bào của nhôm.
Ngoài ra, tác dụng độc hại của muối nhôm gây chết tế bào và viêm cũng có thể giải thích tại sao một số người phát triển các khối bướu và u hạt dai dẳng tại chỗ chích.
Tá dược nhôm trong vaccine có thể tạo ra phản ứng miễn dịch không cân bằng, nghiêng về phản ứng rối loạn với Th2, một tế bào gây ra nhiều dị ứng và phản ứng trầm trọng hơn. Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở những trẻ dễ bị dị ứng. Trong một số trường hợp, vaccine có tá dược nhôm có liên quan đến các vấn đề về phổi khi người bệnh sau đó gặp phải loại virus dùng làm vaccine. Điều này giúp giải thích tại sao ngày nay ngày càng có nhiều trẻ em và người lớn bị dị ứng với nhiều chất hơn.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều lo ngại về an toàn với tác dụng lâu dài của nhôm hydroxide trong vaccine.
Muối nhôm cũng có thể gây ra các tác dụng phụ trầm trọng như viêm cơ đại thực bào (MMF), một tình trạng không rõ nguồn gốc, được tìm thấy ở những bệnh nhân bị đau cơ và mệt mỏi. Trong một nghiên cứu được công bố trên tập san Brain (Bộ não), tất cả bệnh nhân MMF đều đã được chích vaccine có chứa nhôm hydroxide, chẳng hạn như vaccine viêm gan B, viêm gan A hoặc uốn ván, trước khi phát triển các triệu chứng. Nghiên cứu cho thấy MMF có liên quan đến việc chích vaccine chứa nhôm hydroxide và cho thấy tình trạng viêm dai dẳng tại chỗ chích.
Ở cả chó và cừu, tá dược nhôm gây ra các tổn thương u hạt mạn tính, có thể tiến triển thành u xơ ác tính.
-
Hội chứng tự miễn
Một tác dụng phụ quan trọng của nhôm là “hội chứng tự miễn dịch/viêm do tá dược gây ra.” Điều này xảy ra vì nhôm có thể bám chắc vào tế bào và protein làm thay đổi hình dạng ba chiều của protein. Tế bào T có thể nhầm lẫn những protein bị biến đổi này là “không phải của cơ thể, dẫn đến phản ứng tự miễn.”
Hơn nữa, protein của virus HPV có một số cấu trúc giống với protein của con người, được gọi là phản ứng chéo. Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà khoa học Ý và Israel đã kiểm tra các protein được sử dụng trong vaccine HPV và kết luận rằng chúng trùng lặp với một số protein ở người.
Điều này đặc biệt bất lợi vì việc tạo ra kháng thể với protein của vaccine Gardasil sẽ có thể khiến hệ miễn dịch tự tấn công một số tế bào của cơ thể, dẫn đến một loạt bệnh tự miễn.
Kết quả là, một người được chích vaccine Gardasil có phản ứng miễn dịch không chỉ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên HPV mà còn tấn công các thành phần của dây thần kinh, ty thể và các chất bên trong nhân tế bào.
Mặc dù các cơ quan y tế và hãng dược phẩm Merck đã nhiều lần phủ nhận mọi tổn thương trầm trọng do Gardasil gây ra, nhưng các bác sĩ y khoa và nhà khoa học nghiên cứu vẫn tiếp cận bệnh nhân, tiến hành nghiên cứu để kiểm tra xem những loại vaccine này có gây hại hay không và xác định nguyên nhân nếu có.
Tiến sĩ Jesper Mehlsen, một bác sĩ y khoa ở Đan Mạch với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực rối loạn hệ thần kinh tự chủ, đã chẩn đoán cô Marika bị phản ứng tự miễn dịch có thể do vaccine HPV gây ra, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cô Marika đã tấn công các dây thần kinh của chính cô ấy, như đã báo cáo trước đây trong Phần 2 của loạt bài này.
Không chỉ cô Marika mà cả cô Paula và cô Sara (từ Phần 2) cũng có thể đã từng bị tổn thương nặng nề do rối loạn tự miễn dịch. Một số cô gái này đã không còn khả năng đứng, đi lại và tất cả họ đều mất hoạt động sống thông thường.
Nhà sinh vật học Gerd Wallukat, một chuyên gia xét nghiệm tự kháng thể liên quan đến vaccine HPV, đã phát biểu trong bộ phim tài liệu “Under the Skin”: “Đối với nhiều bệnh, các bác sĩ vẫn chưa nhận ra rằng đây có thể là một chứng rối loạn tự miễn dịch.”
Ông Wallukat đã thiết lập một phương pháp đặc biệt để phát hiện các kháng thể đáng ngờ bằng cách dựa vào nhịp tim. Nhịp tim được đo và sử dụng làm cơ sở để xác định sự hiện diện của kháng thể trong máu. Nhịp tim tăng lên có nghĩa là có kháng thể, cho thấy rối loạn tự miễn dịch.
Cuộc tấn công miễn dịch vào nhà máy năng lượng của tế bào (ty thể) giải thích rõ ràng sự mệt mỏi trầm trọng mà Sesilje và Elizabeth phải trải qua. Cả hai đều có kết quả xét nghiệm dương tính với ba loại tự kháng thể.
Độc tính nhôm ‘được nâng cấp’ bởi Merck
Theo ông Exley, “Chúng tôi có thể mua tất cả các tá dược nhôm thông thường trong vaccine lâm sàng, nhưng chúng tôi không thể mua được loại dùng ở Gardasil. Sẽ không ai chia sẻ điều đó với chúng tôi.” (Phim tài liệu “Under the Skin”)
Điều gì làm cho Gardasil của Merck trở nên độc đáo? AAHS đã được Merck cấp bằng sáng chế vào năm 2012. Tuy nhiên, có thể có những bí mật thương mại khác không được tiết lộ trong bằng sáng chế.
Để kích thích phản ứng miễn dịch nâng cao nhằm kéo dài trong 50 năm, Merck đã đưa tá dược mới dựa trên nhôm đặc biệt độc hại, AAHS, như một dạng nhôm độc quyền vào vaccine Gardasil.
So với nhôm truyền thống, AAHS có kích thước hạt nhỏ hơn, thời gian hòa tan nhanh hơn, được tế bào miễn dịch hấp thu cao hơn, và hấp thụ nhiều kháng nguyên hơn, kết quả là độc tính cao hơn đối với hệ miễn dịch.
Các tá dược gốc nhôm cũ hơn, bao gồm nhôm hydroxide, có kích thước khoảng 100 nanomet nhưng kết tụ lại với nhau trong nước để tạo thành các hạt có kích thước lớn hơn, từ 1 – 20µm. Tuy nhiên, AAHS mới của Merck vẫn có kích thước nano, ngay cả trong dung dịch vaccine, khiến nó hòa tan nhanh hơn.
Hơn nữa, kích thước càng nhỏ thì tế bào miễn dịch có thể nuốt càng nhanh. Sau đó, các tế bào miễn dịch chết càng nhanh thì vaccine sẽ tạo ra càng nhiều độc tính.
Ông Exley nhận xét về lý do hóa học của việc sử dụng AAHS, “Dường như đó là một dạng nhôm hydroxy-phosphate, trong đó một số nhóm phosphate đã được thay thế bằng nhóm sulfate. Chúng tôi không biết tại sao và sẽ không đoán được tại sao nhóm sulfate có thể là một tá dược hiệu quả hơn. Nhóm sulfate là có tính acid mạnh hơn nhóm phosphate.” (Phim tài liệu ‘Under the skin’)
AAHS có thể hấp thụ nhiều kháng nguyên hơn so với các tá dược gốc nhôm truyền thống và có khả năng tạo kháng thể mạnh hơn các vi hạt nhôm cũ.
Hơn nữa, theo một phân tích gộp, Gardasil 9 có tác hại trầm trọng hơn 27% so với phiên bản gốc mà Merck tung ra năm 2006.
Các tác giả suy đoán có thể là do Gardasil 9 chứa lượng protein HPV nhiều hơn 2.7 lần so với loại ban đầu và lượng tá dược nhôm gấp hơn hai lần. Một liều 0.5ml Gardasil 9 và Gardasil lần lượt chứa 270μg và 100μg các hạt giống virus; 500μg và 225μg nhôm tương ứng.
Trước khi công bố, chúng tôi đã mời EMA bình luận về bài viết và họ đã phản hồi bằng một báo cáo đánh giá an toàn về nhôm. Báo cáo tuyên bố, “Tóm lại, các tính toán ở trên cho thấy mối lo ngại về an toàn, theo lý thuyết, đối với miễn dịch dị ứng duy trì 6 tuần ở trẻ em (20 kg) khi dùng các sản phẩm gây dị ứng có chứa lượng Al > 0,5mg mỗi liều.”
Rõ ràng, nồng độ AAHS trong vaccine HPV được xem là cao theo giới hạn này, cho thấy đã có mối lo ngại về an toàn.
Một kẻ giết người thầm lặng với quy định không đầy đủ
Tóm lại, bằng chứng lâm sàng và thực nghiệm được thu thập cho đến nay xác định ba rủi ro chính liên quan đến nhôm trong vaccine:
- Có thể tồn tại trong cơ thể và không thể đào thải ra ngoài do liên kết với protein của vaccine.
- Có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch bệnh lý.
- Có thể đi qua hàng rào máu não vào hệ thống thần kinh trung ương làm kích hoạt các quá trình viêm miễn dịch, dẫn đến viêm não và rối loạn chức năng thần kinh lâu dài.
Đại đa số mọi người đang tiêu thụ lượng nhôm cao hơn qua khẩu phần ăn và các con đường khác so với mức mà các cơ quan chuyên môn cho là an toàn.
Dựa trên những rủi ro trên, nhôm là tá dược được sử dụng phổ biến trong nhiều loại vaccine bao gồm DTaP, HepB, HepA, HiB và HPV.
Giới hạn trên do FDA đặt ra đối với nhôm trong vaccine là 850 – 1250μg/liều. Tuy nhiên, có ba vấn đề lớn với giới hạn này.
- Đầu tiên, dữ liệu cho thấy giới hạn lượng nhôm trong mỗi liều này đã nâng cao “tính kháng nguyên” và “hiệu quả” của vaccine, nhưng không bao gồm các cân nhắc về an toàn.
- Thứ hai, nếu chuyển thành liều dành cho trẻ em dựa trên trọng lượng cơ thể, thì nó sẽ vượt quá giới hạn an toàn của liều nhôm chích tĩnh mạch là 4 – 5 μg/kg/ngày do FDA đặt ra cho dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Giới hạn này cũng cao hơn nhiều so với mức mà các nhà khoa học tính toán là giới hạn an toàn của nhôm trong vaccine (10.31 đến 16.01μg/kg mỗi ngày khi mới sinh) (Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem phần thảo luận ở cuối về phản hồi của FDA vào ngày 12/10/2023.)
- Thứ ba, khuyến nghị này không tính đến sự tồn tại của nhôm trong cơ thể và lượng nhôm hấp thụ liên tục từ môi trường. Vì nhôm xâm nhập vào môi trường, nên cộng đồng khoa học đã dấy lên mối lo ngại về việc chúng ta tiếp xúc với nhôm trong nhiều năm.
Vào năm 2015, Ủy ban Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (FAO) đã nhấn mạnh thêm về mối lo ngại về nhôm trong khẩu phần ăn, trong đó đã giảm lượng nhôm tiêu thụ tạm thời hàng ngày xuống 7 lần.
Các hợp chất nhôm đã được chứng minh là tồn tại đến 8 năm sau khi chích ngừa trong cơ thể người, và các triệu chứng liên quan đến nhôm trong vaccine có thể tồn tại đến 8 năm. Thực tế này, kết hợp với việc tiếp xúc nhiều lần với môi trường, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng hoạt động của hệ miễn dịch và các bệnh mạn tính như dị ứng, chàm và hen suyễn ở một nửa số trẻ em Mỹ.
Điều cần thiết là phải xem xét việc tuân theo nguyên tắc “đầu tiên là không gây hại” khi chích chất độc rõ ràng như vậy trong vaccine Gardasil vào những người khỏe mạnh trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn đạo đức của ngành dược phẩm đòi hỏi phải có quy định nghiêm ngặt.
Theo ông Exley, “Khi một thứ gì đó hoạt động tốt như muối nhôm, thì trước hết, đó là một tin tuyệt vời. Muối nhôm có hiệu quả vô cùng kỳ tốt, giúp bạn làm những việc bạn muốn nó làm. Muối nhôm rất rẻ tiền. Vì thế, nhôm không tốn kém gì trong vaccine. Vậy nên đó là điều tốt khi không làm tăng thêm giá cả và chi phí. Nhưng ‘có những quy định nào về việc sử dụng nhôm trong cuộc sống hàng ngày?’ Không có gì cả. Vì điều này không được quy định.” (Phim tài liệu “Under the skin”)
Nghi vấn về sự chấp thuận của EMA đối với nhôm trong Gardasil
Có vẻ như việc EMA chấp thuận AAHS đã không tuân theo các quy trình quản lý tiêu chuẩn mà mang tính tùy tiện và không có bất kỳ dữ liệu an toàn nào được ghi lại.
Để làm rõ quy trình phê chuẩn AAHS theo quy định của EMA, Tiến sĩ Christian Gluud từ Vương quốc Anh đã gửi thư điện tử đến “Ask EMA” để đặt câu hỏi sau: “Tá dược AAHS được giới thiệu lần đầu tiên khi nào và trong loại vaccine nào?”
- Gonzalez thuộc bộ phận Truyền thông và Các bên liên quan của EMA đã trả lời, “Theo hiểu biết của chúng tôi, ‘nhôm hydroxyphosphate sulfate vô định hình’ lần đầu tiên được sử dụng và cấp phép ở châu Âu qua quy trình tập trung dành cho Procom Vax (Hib-HBV; EU MA 1999). Vaccine này không có còn có sẵn ở EU (giấy phép tiếp thị đã hết hạn vào năm 2009).”
Theo EMA, AAHS được giới thiệu ở châu Âu vào năm 2004, khi tên của tá dược trong vaccine Procomvax được sửa đổi từ nhôm hydroxide thành AAHS. Hãng dược phẩm Merck đã yêu cầu thay đổi này để điều chỉnh danh pháp của tá dược trong tất cả các loại vaccine của Merck được cấp phép có liên quan tại thời điểm đó. EMA giải thích rằng tá dược AAHS là hợp chất hóa học giống như hợp chất ban đầu – nhôm hydroxide, nhưng thực ra, bất kỳ ai có kiến thức ở bậc tiểu học đều sẽ biết rằng chúng KHÔNG giống nhau. Điều đáng ngạc nhiên là EMA đã chấp thuận thay đổi này mà không có câu hỏi nào được đặt ra.
Theo phân tích, tài liệu do Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch thu được cho thấy sự khác biệt trong các tài liệu thử nghiệm của hai thử nghiệm lâm sàng cấp phép trước với Gardasil vào năm 2002 và 2003. Đối với cả hai thử nghiệm, Cơ quan này dường như đã cấp phép cho potassium aluminum sulfate (kali nhôm sunfat) làm tá dược chứ không phải AAHS.
Vào tháng 04/2002, Merck đã gửi tài liệu tới EMA về việc sản xuất Gardasil trong thử nghiệm lâm sàng Future II. Các tài liệu có chỗ nói tá dược là AAHS, trong khi ở những phần khác lại mô tả tá dược là potassium aluminum sulfate. Điều này làm nổi bật sự khác biệt trong mô tả về chất tá dược.
Tóm lại, EMA báo cáo rằng AAHS đã được đưa vào vaccine mà không có bất kỳ đánh giá an toàn trước khi cấp phép. Tá dược được công ty mô tả là khác biệt cả về mặt vật lý và chức năng so với tất cả các tá dược nhôm trước đây.
Theo hướng dẫn riêng của EMA, một tá dược nên được thử nghiệm riêng lẻ ở tối thiểu hai loại, trừ khi có lý do khác, vì bản thân tá dược có thể gây miễn dịch, trường hợp này chính xác là đối với nhôm.
Vì vậy, hãy tóm tắt lại. Cả hợp chất nhôm cũ và mới trong vaccine đều chưa được kiểm tra độ an toàn bằng các phương pháp khoa học nghiêm túc. Nếu chúng ta thực sự nhìn xuống phía “bên dưới lớp da” mọi thứ mà không được đề cập trong bất kỳ tờ hướng dẫn sử dụng nào sẽ sáng tỏ. Các nhà chức trách dường như không muốn đặt câu hỏi về danh tiếng của vaccine và muốn tránh hoàn toàn vấn đề nhạy cảm này.
Cho dù mọi người chọn phớt lờ hay cố gắng che giấu chúng thì những tổn thương trầm trọng liên quan đến vaccine HPV và độc tính của thành phần nhôm trong vaccine HPV là không thể phủ nhận.
Những gì Tiến sĩ Lujan tiết lộ về nguyên nhân sâu xa của căn bệnh bí ẩn ở cừu sau một chiến dịch vaccine quy mô lớn lại không may là điều tương tự cũng xảy ra ở người sau khi chích vaccine Gardasil. Cả hai đều liên quan đến cùng một chất độc – nhôm.
The Epoch Times đã liên lạc với EMA, FDA và Merck để đề nghị bình luận. Không có phản hồi nào từ FDA hoặc Merck tại thời điểm công bố bài viết.
EMA đã trả lời như sau:
“Về câu hỏi của quý vị về Gardasil, việc sử dụng tá dược nhôm trong các thử nghiệm lâm sàng đã được mô tả trong báo cáo ‘Đánh giá công khai tại Âu Châu’ (EPAR), được công bố công khai trên trang web của EMA: Gardasil, INN-Human Papillomavirus Vaccine [Types 6, 11, 16] , 18] (Tái tổ hợp, hấp phụ) (europa.eu). Ở trang 10, có giải thích rằng tính an toàn của các công thức vaccine HPV khác nhau đã được đánh giá trên 16,041 đối tượng. Trong số này, 11,813 người nhận vaccine HPV tứ trị, phần còn lại nhận vaccine đơn trị. Tất cả các nghiên cứu đều được kiểm soát bằng giả dược và tổng số đối tượng được dùng giả dược là 9,701 (giả dược là tá dược nhôm trong tất cả các nghiên cứu ngoại trừ nghiên cứu 018 (nghiên cứu về độ an toàn trước/ trong độ tuổi vị thành niên) sử dụng giả dược không chứa nhôm).”
Tuy nhiên, dựa trên độc tính và tác động sức khỏe của nhôm, nhôm không bao giờ có thể được coi là giả dược. Phản hồi của EMA một lần nữa xác nhận rằng hầu hết tất cả các thử nghiệm vaccine HPV đều sử dụng nhôm như nhóm đối chứng “giả dược” sai.
EMA khẳng định rằng “sự an toàn của tá dược nhôm riêng lẻ hoặc kết hợp với kháng nguyên đã được xác lập rõ ràng. Dữ liệu được tạo ra từ các thử nghiệm lâm sàng với vaccine chứa nhôm trên toàn thế giới và dữ liệu an toàn thu thập được từ việc sử dụng vaccine chứa nhôm trong sáu thập niên qua đã cho thấy hồ sơ an toàn của chúng là có thể chấp nhận được, chỉ có các phản ứng cục bộ là tác dụng phụ xảy ra liên quan đến nhôm, bình thường sẽ hết trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, một đánh giá kỹ lưỡng về độ an toàn và độc tính trong các nghiên cứu tiền lâm sàng được thực hiện trước khi bất kỳ loại vaccine nào có thể được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Không có lý do khoa học nào để cân nhắc lại việc sử dụng nhôm.”
Báo cáo đánh giá do EMA cung cấp về độ an toàn của nhôm không cung cấp đầy đủ dữ liệu để xác nhận việc sử dụng nhôm an toàn trong vaccine. Ngược lại, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng về độc tính của nhôm ở động vật và con người, đặc biệt được ghi nhận bởi nhóm “giả dược” nhôm trong các thử nghiệm lâm sàng vaccine HPV.
Cập nhật: FDA đã đưa ra phản hồi sau đây cho đề nghị bình luận của chúng tôi vào ngày 12/10/2023:
“Nhôm hydroxyphosphate sulfate vô định hình, được sử dụng trong Gardasil để giúp tạo ra phản ứng miễn dịch, đã được sử dụng trong một số loại vaccine được FDA chấp thuận trong hơn sáu thập niên. Lượng nhôm trong nhóm vaccine và nhóm đối chứng là như nhau, 225 microgram Tiêu đề 21 của Bộ luật Quy định Liên bang, Phần 610.15(a), giới hạn lượng nhôm trong các sản phẩm sinh học, bao gồm cả vaccine, ở mức 850 – 1,250 microgam/liều, trừ khi nhà sản xuất được miễn yêu cầu này. FDA chưa cấp quyền miễn trừ nào như vậy cho bất kỳ loại vaccine nào. Lượng nhôm trong vaccine hiện được cấp phép ở Hoa Kỳ phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới trên mỗi liều sản phẩm dành cho người.”
Giới hạn 850μg nhôm mỗi liều của FDA được lấy từ dữ liệu chứng minh với lượng này mỗi liều giúp tăng “tính kháng nguyên” và “hiệu quả” của vaccine, nhưng không dựa trên các cân nhắc về an toàn. Điều này dựa trên một bài viết vào năm 2002 trên Tập san Vaccine from the FDA Center for Biologics Evaluation and Research (Vaccine của Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học FDA) trong đó tuyên bố: “Lượng 15mg phèn hoặc 0.85mg nhôm mỗi liều đã được chọn lọc theo kinh nghiệm từ dữ liệu chứng minh rằng lượng nhôm này đã nâng cao tính kháng nguyên và hiệu quả của vaccine (Joan May, FDA/CBER, thông tin cá nhân).”
Hơn nữa, liều thuốc dành cho trẻ em thông thường phải được tính toán theo tỷ lệ dựa trên trọng lượng cơ thể. Tương tự, liều nhôm tương đương dành cho trẻ em cũng phải được tính dựa trên trọng lượng cơ thể.
Tuy nhiên, lượng nhôm khuyến nghị của FDA trong mỗi liều vaccine dành cho trẻ em không tính đến trọng lượng cơ thể. Họ chưa tính toán liều lượng an toàn cho trẻ em dựa trên những rủi ro có thể gây hại. Lịch chích ngừa hiện tại không tính đến những yếu tố này, đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết.
Các nhà khoa học đã chuyển đổi từng liều 850μg và 1250μg trong vaccine đã được FDA chấp thuận thành liều tương đương dành cho trẻ em, với kết quả như sau:
Đối với 850μg trong mỗi liều vaccine, được điều chỉnh theo trọng lượng cơ thể:
- So với một người trưởng thành có trọng lượng cơ thể là 60kg, đối với trẻ em nam, 850μg tương đương với 254μg/kg khi sinh; 152.7µg/kg lúc 2 tháng; 121.4µg/kg lúc 4 tháng; 107.1μg/kg lúc 6 tháng; 92.8μg/kg sau 1 năm; và 69.9μg/kg lúc 2 tuổi (so với 12.5 đến 14.2 μg/kg đối với người lớn).
- Đối với trẻ nữ, trọng lượng cơ thể thường thấp hơn trẻ nam nên gánh nặng nhôm càng cao hơn.
Đối với 1250μg trong mỗi liều vaccine, được điều chỉnh theo trọng lượng cơ thể:
- So với một người trưởng thành có trọng lượng cơ thể là 60kg, đối với trẻ em nam, 1250μg tương đương với 373.5μg/kg khi mới sinh; 224.5μg/kg lúc 2 tháng; 178.5μg/kg lúc 4 tháng; 157.5μg/kg lúc 6 tháng; 136.4μg/kg sau một năm; và 102.9 μg/kg lúc 2 tuổi (so với 18.4 đến 20.8 μg/kg ở người lớn).
- Tương tự, đối với trẻ nữ, trọng lượng cơ thể thường thấp hơn trẻ nam nên gánh nặng nhôm càng cao hơn.
Giới hạn liều lượng an toàn hiện có duy nhất đối với việc tiếp xúc với nhôm qua đường chích truyền theo Bộ luật Quy định Liên bang (CFR/FDA 21CFR201.323) là 4 đến 5μg/kg/ngày.
Theo đó, giới hạn liều vaccine nêu trên là 850 đến 1.250μg/liều nhôm do FDA quy định vượt quá giới hạn an toàn về liều chích nhôm là 4 đến 5μg/kg/ngày.
Con số này cũng cao hơn nhiều so với giới hạn an toàn về nhôm của vaccine được các nhà khoa học tính toán là không quá 10.31 đến 16.01μg/kg mỗi ngày khi mới sinh.
Chúng tôi chưa xem xét những trẻ bị rối loạn chức năng thận, một tình trạng rất phổ biến ở trẻ sinh non.