Tận dụng bốn lợi ích của công nghệ mới

Làm thế nào và khi nào việc sử dụng công nghệ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta? Công nghệ giống như một phương tiện để nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng chúng ta cũng có thể tắt đi.

Thời nay, công nghệ gặp phải sự chỉ trích rất nhiều từ báo chí, một số rất có lý. Các công ty công nghệ lớn không phải lúc nào cũng tôn trọng quyền riêng tư và nhiều người trong chúng ta nghiện dùng điện thoại.

Tuy nhiên, đừng quên rằng chúng ta có thể quyết định thời điểm và cách sử dụng những công cụ này. Sẽ là một bước tiến lớn để ngừng xem bản thân là nạn nhân của sự thay đổi và bắt đầu nghĩ về cách chúng ta có thể dùng những công cụ này để cải thiện bản thân và cộng đồng của bạn. Công nghệ thường là phương tiện sử dụng thụ động, nhưng không nhất thiết phải như vậy.

4 cách để tận dụng công nghệ

Tôi sẽ nêu bật một số cách đơn giản để sử dụng công nghệ nhằm phát triển bản thân thay vì tiêu khiển. Thay vì tập trung vào những kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi những kỹ năng và đào tạo đặc biệt, tôi sẽ chia sẻ với những cách mà hầu hết chúng ta đều có thể bắt đầu sáng tạo ngay hôm nay.

1. Chụp ảnh: Với máy ảnh kỹ thuật số được tích hợp trong điện thoại thông minh, hầu hết chúng ta giờ đây luôn sở hữu một chiếc máy ảnh tuyệt vời mọi lúc mọi nơi. Chụp những bức ảnh ý nghĩa về những khoảnh khắc bình thường và đáng nhớ rồi chia sẻ với người thân yêu hoặc hồi tưởng về họ là cách dùng công nghệ tuyệt vời để kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Đúng vậy, việc chụp ảnh đôi khi có thể kéo bạn ra khỏi khoảnh khắc hiện tại, nhưng cũng có thể giúp bạn tận hưởng cuộc sống từ góc nhìn độc đáo của một nhiếp ảnh gia. Cũng giống như cách các bộ phim hoặc chương trình truyền hình hay có thể nâng cao trải nghiệm [của người dùng] ở nhà và nơi làm việc bằng nghệ thuật chất lượng cao, việc học cách chụp những bức ảnh đẹp có thể làm phong phú cho trải nghiệm của riêng bạn.

2. Viết blog: Thời nay, khi hầu hết mọi người nghĩ về mạng xã hội, họ nghĩ đến việc mọi người vô thức lướt điện thoại từ tiếp xúc nông cạn này sang giao tiếp tiếp theo. Nhưng theo tôi, một trong những hình thức truyền thông xã hội đầu tiên – viết blog – là tuyệt vời nhất. Viết blog giúp gia tăng giá trị của một tác giả bình thường khi chia sẻ những ý tưởng bình thường với những người khác.

Thời kỳ đỉnh cao của viết blog có lẽ đã khiến nhiều người viết lách hơn bao giờ hết. Tôi không ảo tưởng rằng mình là một nhà văn vĩ đại, nhưng hàng tuần, tôi nhận được thư điện tử (email) từ những người được truyền cảm hứng hoặc cảm động bởi điều gì đó mà tôi viết. Thế giới rất rộng lớn và sự khao khát những ý tưởng cũng như quan điểm mới lạ gần như không bao giờ dừng lại. Chúng ta có thể khuyến khích lẫn nhau để suy nghĩ theo những cách sâu sắc hơn là một đoạn video dài bảy giây.

3. Gửi thư qua email: Tôi đặc biệt thích đọc những cuốn sách tập hợp những bức thư mà một người nào đó đã gửi và nhận từ những người quen trong cuộc đời họ. Điều này mang đến cái nhìn rõ ràng về khía cạnh cá nhân và riêng tư hơn trong trải nghiệm của con người. Những cách thức, thói quen trao đổi tin nhắn giữa hai người cũng khiến tôi cảm thấy có chút ấm lòng. Dù người ta không còn gửi thư nhiều nữa nhưng truyền thống đó vẫn tồn tại cho đến thời nay.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng hộp thư email là nơi chứa thư rác và tin nhắn tự động. Tuy nhiên, nếu siêng năng hủy đăng ký và đánh dấu các email không mong muốn, hộp thư đến của bạn có thể trở thành ốc đảo chứa các tin nhắn cá nhân. Bạn cũng có thể sử dụng email để gửi cho mọi người những bức thư sâu sắc, hài hước hoặc triết lý. Và có thể một ngày nào đó, nếu bạn may mắn (hay không may mắn?), những lá thư điện tử này sẽ được sưu tầm và viết thành sách để người khác thưởng thức.

4. Chủ động công việc: Chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàng kim của việc tiếp cận cách chủ động giải quyết vấn đề mà không nhận ra. Trước đây, việc tham gia vào các dự án sẽ bị hạn chế vì bạn cần quen biết người có thể giúp đỡ mình khi gặp khó khăn hoặc cần một cuốn sách tại thư viện địa phương để tìm ra câu trả lời. Nhưng thời nay, chỉ cần tìm kiếm trên YouTube, bạn có thể tìm thấy câu trả lời cụ thể cho vấn đề mà mình đang cố gắng giải quyết.

Hơn nữa, nếu bạn không biết mình muốn thực hiện dự án gì, thì đã có những trang web tuyệt vời, như Pinterest, nơi bạn có thể xem những gì người khác đang làm và tham khảo cách làm của họ để bắt đầu thực hiện. Trong cuộc đời mình, tôi đã giải quyết các dự án tu sửa lớn cũng như các công việc sửa chữa ô tô và thiết bị mà lẽ ra cần thuê người làm nếu không có các nguồn thông tin tuyệt vời có thể tùy ý sử dụng.

Vẫn còn nhiều điều khác nữa. Trên đây chỉ là lời nhắc nhở về sức mạnh của con người trong việc quyết định những gì chúng ta muốn làm với những lựa chọn mà công nghệ đem lại. Một bài nghiên cứu năm 2015 trên Art Education (Tập san Giáo dục Nghệ thuật) đưa ra quan điểm rằng công nghệ không phải là ngõ cụt sáng tạo. Đôi khi, các công nghệ mới tạo ra những làn sóng sáng tạo mới, như cách iPhone tạo ra hàng nghìn ứng dụng.

Tôi thấy quá nhiều người đổ lỗi cho công nghệ khiến con người sống thụ động. Và chắc chắn, công nghệ ví như internet có thể tạo điều kiện cho điều đó xảy ra trên quy mô lớn, khiến người dùng thích thú và dành toàn thời gian để sử dụng hơn trước.

Nhưng đó chỉ là một khả năng.

Tôi thấy sẽ hữu ích hơn khi tập trung vào những cơ hội tích cực mà công nghệ đã tạo ra và những cách thức mới để theo đuổi những giá trị cũ không bao giờ lỗi thời, như làm việc chăm chỉ và sáng tạo. Tôi không thể kiểm soát tất cả mọi người, nhưng tôi có thể cố gắng biến chính mình – một góc bé nhỏ của thế giới thành hình mẫu và điểm sáng cho bản thân và gia đình.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mike (và vợ anh ấy, Mollie) viết blog tại This Evergreen Home. Đây là nơi họ chia sẻ những kinh nghiệm sống đơn giản, có chủ đích và có tương quan trong thế giới hiện đại này. Bạn có thể theo dõi bằng cách đăng ký nhận bản tin hai lần một tuần của họ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn