Nghiên cứu: Stevia, chất làm ngọt nhân tạo không làm tăng cảm giác thèm ăn
Theo một nghiên cứu mới, việc thay thế đường bằng chất làm ngọt như stevia (cỏ ngọt) không làm tăng cảm giác thèm ăn và thậm chí có thể giúp giảm đường huyết.
Những người ưa dùng stevia và các loại chất làm ngọt thay thế đường khác sẽ nhận được nhiều tin tức thú vị. Theo những kết quả mới về thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, việc thay thế đường bằng chất làm ngọt như stevia không làm tăng cảm giác thèm ăn và thậm chí có thể giúp giảm đường huyết.
Nghiên cứu này được tập đoàn SWEET công bố trên Tập san eBioMedicine của The Lancet, do Đại học Leeds ở Vương quốc Anh và Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con người Rhône-Alpes ở Pháp chủ trì. Hiệp hội SWEET bao gồm 29 đối tác nghiên cứu, người tiêu dùng và công nghiệp có trụ sở tại châu Âu đang cộng tác để nghiên cứu xem liệu việc chuyển từ đường sang các chất làm ngọt khác có mang lại lợi ích cho con người hay không.
Nghiên cứu bao gồm 53 người đàn ông và phụ nữ trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 60 được xem là thừa cân hoặc béo phì. Nghiên cứu trên được xem là tiên phong vì đã tập trung vào thực phẩm có đường hơn là thức uống. Từ năm 2021 đến năm 2022, những người tham gia đã tiêu thụ bánh quy có chứa đường, stevia hoặc chất làm ngọt nhân tạo có tên Neotame 3 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 2 tuần. Neotame (được bán với tên Newtame) là chất làm ngọt nhân tạo có độ ngọt gấp 13,000 lần so với đường thông thường. Những người tham gia đã thử từng loại cookie nhưng theo một thứ tự khác nhau. Mức glucose, insulin và các hormone liên quan đến cảm giác thèm ăn của những người tham gia được ghi lại vào ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của mỗi khoảng thời gian hai tuần.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về mức độ thèm ăn giữa những người tham gia ăn bánh quy có đường và những người ăn bánh quy có cỏ ngọt hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt giữa các hormone liên quan đến sự thèm ăn như ghrelin, peptide giống glucagon 1 (GLP-1) hoặc polypeptide tuyến tụy.
Tuy nhiên, những người tham gia ăn bánh quy làm từ cỏ ngọt hoặc chất làm ngọt nhân tạo có mức đường huyết và insulin thấp hơn so với những người ăn bánh quy làm từ đường. Những người tham gia đã sử dụng bánh quy làm từ stevia cho thấy sự khác biệt về mức đường huyết có ý nghĩa thống kê nhất.
Đường và béo phì
Trong khi chất béo trong khẩu phần ăn từng bị nghi ngờ là nguyên nhân gây tăng cân và béo phì, thì trong những thập niên gần đây, người ta đã chuyển hướng sang nghi ngờ đường. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường có quá nhiều glucose hoặc mức đường huyết cao, vì vậy họ phải theo dõi lượng đường tiêu thụ. Ngoài ra, béo phì có thể khiến bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.
Thuật ngữ không chính thức “diabesity” dùng để chỉ người vừa béo phì vừa mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ Jay Waddadar đến từ Bệnh viện Cleveland giải thích: “Bệnh tiểu đường là một căn bệnh có khả năng cao gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể về lâu dài. … Bệnh tiểu đường là một căn bệnh gây tổn hại cho cơ thể thầm lặng nếu không được kiểm soát, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh.”
Cuối cùng, đường là thủ phạm gây ra cả bệnh béo phì và bệnh tiểu đường, hai tình trạng làm gia tăng lẫn nhau.
Liệu có một giải pháp thay thế an toàn cho đường?
Tác giả chính của công trình nghiên cứu, bà Catherine Gibbons, phó giáo sư tại Trường Tâm lý học của Đại học Leeds, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, để giảm bớt gánh nặng của các bệnh liên quan đến trao đổi chất như bệnh tiểu đường loại 2, cần thiết phải có một giải pháp thay thế an toàn cho đường để giảm thiểu lượng đường tiêu thụ. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ stevia hoặc chất làm ngọt nhân tạo trong việc kiểm soát cân nặng hoặc giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa.
Các nhà nghiên cứu viết: “Lý do căn bản đằng sau khuyến nghị này dường như là do thiếu những bằng chứng chắc chắn.”
Nghiên cứu mới mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đó từ năm 2023 về mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo với các mối lo ngại về sức khỏe như suy giảm phản ứng đường huyết, tổn thương ADN do độc tính và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Các tác giả cho rằng các nghiên cứu trước đây có chất lượng thấp hơn và WHO đưa ra quan điểm có lẽ hơi vội vàng. Tuy nhiên, mặc dù nghiên cứu của tập đoàn SWEET là nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên và có đối chứng, nhưng quy mô nhỏ vì chỉ trên 53 người.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times