Liệu pháp hương thơm cải thiện khứu giác và vị giác bất thường do COVID kéo dài
Kể từ khi đại dịch COVID-19, nhiều người đã gặp rắc rối vì COVID kéo dài. Cô Trần (Chen), 29 tuổi, là một trong số đó.
Cô Trần, 29 tuổi, là một trong số nhiều người phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, cô đã mất khứu giác và dễ bị mệt mỏi.
Bác sĩ Trung y Lý Chủ Cường (Lee Choi-Keung) tại phòng khám Trung y Tinh Hà Đài Loan, phát hiện cô Trần có màng lưỡi dày, lá lách và dạ dày yếu. Bác sĩ Lý đã kê toa Thương nhĩ tán, bổ sung với Hoàn thiếu đan, Thạch xương bồ, và Tế tân để tiêu đờm và làm ấm phổi.
Sau khi uống thuốc khoảng bốn ngày, bệnh nhân đã lấy lại được khứu giác. Sau một tuần, cảm nhận về mùi của bệnh nhân bắt đầu rõ ràng hơn.
Các phương pháp điều trị mất vị giác và khứu giác hiện nay của Tây phương chủ yếu dựa vào việc rèn luyện khứu giác (phương pháp phục hồi chức năng). Trung y từ lâu đã sử dụng các kỹ thuật tương tự.
Nhưng Trung y cũng đưa ra các phương pháp điều trị bổ sung dựa trên những hiểu biết sâu sắc được truyền lại qua nhiều thế hệ nhằm cung cấp các lựa chọn điều trị ngay cả đối với các bệnh mới, như COVID kéo dài. Các phương pháp tiếp cận của Trung y đối với COVID kéo dài tập trung vào mối liên quan giữa COVID-19 và phổi, lá lách, thận.
Các phương pháp điều trị phù hợp có thể khôi phục khứu giác và vị giác, nhưng vì những giác quan này có thể cần được tái tạo lại trong hệ thần kinh nên có thể mất một thời gian mới thấy được kết quả. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt, nhưng không cần phải hoảng sợ.
COVID kéo dài
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến tháng Tám, hơn 796 triệu người dân trên toàn thế giới đã được chẩn đoán nhiễm bệnh COVID-19. Khoảng 10% đến 20% trong số những người này tiếp tục bị COVID kéo dài rất lâu sau lần nhiễm đầu tiên.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi, khó thở, mùi vị bất thường, ho, sương mù não, đau ngực, và đau cơ.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trong số tất cả bệnh nhân Covid-19, 40% đến 50% bệnh nhân trên toàn thế giới cho biết có các triệu chứng rối loạn khứu giác và vị giác. Trong các thử nghiệm khách quan, có tới 98% số người bị suy giảm chức năng khứu giác.
Theo phân tích gộp được công bố trên Tập san British Medical Journal (Tập san Y khoa Anh Quốc) vào năm 2022, các rối loạn về mùi và vị biểu hiện chủ yếu là giảm hoặc mất, bất thường, cảm giác ôi thiu hoặc thậm chí là ảo giác.
74.1% bệnh nhân phục hồi khứu giác trong vòng 30 ngày và 85.5% phục hồi trong vòng 60 ngày. Đối với vị giác, 78.8% bệnh nhân hồi phục trong vòng 30 ngày, 87.7% trong vòng 60 ngày, 90.3% trong vòng 90 ngày và 98% trong vòng 180 ngày.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ mất khứu giác và nghẹt mũi trầm trọng hơn khi mới nhiễm bệnh sẽ ít có khả năng hồi phục hơn. Ngoài ra, mặc dù hầu hết bệnh nhân mong đợi có thể lấy lại khứu giác hoặc vị giác trong vòng ba tháng, nhưng hầu hết sẽ bị rối loạn chức năng [cảm nhận mùi vị] lâu dài.
COVID-19 ảnh hưởng đến khứu giác như thế nào?
Nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2022 trên Science Translational Medicine (Tập san Y khoa Giải mã Khoa học), là tập san chị em của Khoa học, đã tiết lộ nguyên nhân chính gây mất khứu giác sau khi nhiễm COVID-19.
Mặc dù biểu mô khứu giác không còn virus COVID-19 nhưng vẫn xuất hiện tình trạng viêm và số lượng tế bào thần kinh khứu giác đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy nhiễm virus gây ra phản ứng miễn dịch bất thường trong cơ thể con người, tiếp tục phá hủy các tế bào thần kinh khứu giác trong mũi, khiến các tế bào đó giảm mạnh và dẫn đến mất khứu giác. Đây là lý do vì sao quá trình phục hồi đòi hỏi sự tái tạo của các tế bào thần kinh khứu giác.
Liệu pháp tinh dầu
Bác sĩ Lý Gia Lăng (Li Jialing), nhà trị liệu bằng hương thơm có chứng chỉ kép về Trung y và Tây y, đồng thời là giám đốc Phòng khám Trung y Phúc Thiên, cho biết trên chương trình “Health 1+1” của NTDTV rằng những người bị rối loạn khứu giác hoặc vị giác trước tiên nên giải quyết vấn đề dinh dưỡng và tránh thức ăn dầu mỡ. Mọi người cũng có thể sử dụng các loại tinh dầu, như cam quýt, Bạch đàn, Hoắc hương, cam quýt Đức, gỗ Hồng mộc, và hoa Oải hương, để phục hồi các giác quan. Tùy vào thể trạng mỗi người mà lựa chọn các loại tinh dầu khác nhau.
Bác sĩ Lý nói, “Khi ngửi tinh dầu không nên dùng loại có nồng độ 100% vì sẽ gây kích ứng mạnh. Tiếp xúc lâu dài với các loại tinh dầu có nồng độ cao như vậy sẽ làm giảm độ nhạy cảm với mùi.”
“Tốt nhất là bạn nên thêm một số loại dầu nền, như dầu hạnh nhân ngọt hoặc dầu hướng dương để pha loãng [tinh dầu] ở mức 5% đến 10%. Nếu bạn thấy có sự cải thiện khứu giác thì hãy giảm nồng độ. Lặp lại quá trình này và thử xem bạn có ngửi mùi được không, nếu có tức là khứu giác đang dần hồi phục.”
Nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cũng cho thấy ngửi tinh dầu có thể giúp bệnh nhân hồi phục khứu giác nhanh hơn. Việc ngửi các tinh dầu hoa hồng, chanh, khuynh diệp, đinh hương trong khi xem hình ảnh của các mùi hương tương ứng sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi khứu giác ở mức độ nhất định.
Về việc phục hồi vị giác, bác sĩ Lý cho biết các giai đoạn khác nhau (đầu, giữa, cuối) của quá trình điều trị cần dùng các loại tinh dầu khác nhau. Đối với giai đoạn đầu, hãy sử dụng các tinh dầu phân tử nhỏ, như tinh dầu cam quýt. Ở giai đoạn cuối là các tinh dầu nhựa phân tử lớn, như Cỏ xanh, gỗ Đàn hương, Trầm hương, hoặc Hoắc hương. Việc lựa chọn loại dầu sẽ phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Sau đó điều chỉnh mùi [phù hợp] và hít các tinh dầu phân tử lớn nhỏ hàng ngày.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times