Gừng giúp làm ấm cơ thể nhưng một số người nên tránh
Nhân loại đã ghi nhận công dụng của loại thảo dược cổ xưa hàng thế kỷ này
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiệt độ lạnh của mùa đông làm tăng nguy cơ bệnh tim và làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp, đồng thời là mối đe dọa đối với sức khỏe và sự an toàn của con người.
“Nước khoáng có ga (sparkling) chanh gừng” gần đây đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Thức uống có thể làm ấm cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm cân.
Công thức làm nước sparkling chanh gừng rất đơn giản. Xay gừng thành bột, cho vào nước sparkling cùng nước cốt chanh, và khuấy đều.
Sparkling chanh gừng giúp giảm cân
Toshio Moritani, giáo sư danh dự tại Đại học Kyoto ở Nhật Bản, cho biết mùi thơm của chanh và vị cay nồng của gừng có thể làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm đảm nhận chức năng của cảm giác no, từ đó có thể ức chế sự thèm ăn và đóng vai trò trong giảm cân. Hoạt động thần kinh giao cảm cũng thúc đẩy hiệu quả đốt cháy mỡ
Khi thần kinh giao cảm trở nên có hoạt tính và dễ phản ứng hơn, chuyển đổi giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm diễn ra suôn sẻ hơn.
Giáo sư Toshio khuyến khích uống sparkling chanh gừng trước bữa ăn để tránh ăn quá nhiều.
Thời tiết lạnh có thể nguy hiểm như thế nào
Một trong những điều nguy hiểm nhất của nhiệt độ lạnh trong mùa đông là nguy cơ của những vấn đề tim mạch, như đau tim và đột quỵ tăng lên.
Lạnh cũng có thể có tác dụng xấu đến hệ hô hấp và làm trầm trọng những căn bệnh hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn kinh niên.
Một nghiên cứu được xuất bản trong tập san The Lancet vào năm 2015 phân tích trên 74 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và nhận thấy rằng hơn 7% ca tử vong được quy cho là tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Antonio Gasparrini, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư tại Khoa Y dược Nhiệt đới và Vệ sinh Đại học London, nói rằng “có bằng chứng mang tính thuyết phục rằng có nguy cơ tăng về nhiều hậu quả sức khỏe liên quan nhiệt độ lạnh.”
Gừng có công dụng làm ấm, giảm ho
Gừng là một loại gia vị phổ biến và và là một loại thảo dược Trung Hoa. Từ thời xưa, người Trung Hoa đã nói rằng, gừng là một phần của cách ăn uống lành mạnh.
Theo Luận ngữ, khi Khổng Tử dùng bữa, ông ăn gừng trong món phụ mà không bỏ đi.
Khổng Tử là nhà triết học, nhà chính trị, nhà giáo dục Trung Hoa, mà thông điệp về tri thức, nhân đức, lòng tin và đạo đức của ông là triết lý dẫn đường quan trọng nhất của Trung Hoa trong hàng nghìn năm. Khổng Tử tin rằng việc học tập suốt đời và sống có đạo đức sẽ đem lại lợi ích cho xã hội.
Dược lý học hiện đại cho rằng gừng chứa gingerol (hợp chất phenolic trong gừng), shogaol (xuất hiện khi nướng hoặc sấy gừng), zingerone (thành phần chính tạo nên vị cay nồng của gừng), và các nguyên liệu hoạt tính khác có thể mang tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư.
He Xia, bác sĩ Đông Y làm việc ở Nhật Bản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng gừng có vị cay nồng và tính ấm, khiến đổ mồ hôi, xua tan cái lạnh, ngăn ngừa nôn mửa và giảm ho. Gừng thường được dùng để chữa trị các triệu chứng cảm thông thường, dạ dày yếu và lạnh bụng, và giảm thèm ăn.
Gừng rất hợp với chanh. Chanh chứa vitamin C và chất chống oxy hóa tự nhiên giảm sự sản xuất melanin. Vitamin C cũng là một dưỡng chất liên quan đến việc tổng hợp collagen, cần thiết để duy trì tính đàn hồi của da.
Đông Y đã khám phá rằng hầu hết thực phẩm có tính “hàn” hay “nhiệt”. Đông y phân thực phẩm thành ba loại nhiệt: hàn, nhiệt, và cân bằng, tức là trung tính.
Thức ăn có tính hàn sẽ tăng thêm tác dụng làm lạnh, và dùng thực phẩm nhiệt sẽ thêm tác dụng ấm cho cơ thể bạn. Do đó, thực phẩm nhiệt và hàn có thể được dùng để cân bằng cơ thể. Theo lý thuyết Đông Y truyền thống, thuốc và thực phẩm có cùng nguồn gốc, và thực phẩm có thể được dùng như dược liệu.
Những người nào nên tránh gừng
Thầy thuốc He Xia nói rằng người có thể chất khác nhau cần những phương pháp giảm cân khác nhau. Gừng có thể kích thích chuyển hóa, nhưng nó không thích hợp với tất cả mọi người. Ví dụ, những người có thể trạng âm hư không nên sử dụng gừng.
Lý thuyết Trung Hoa cổ đại về âm-dương là nền tảng nhận thức được dùng để quan sát và phân tích thế giới vật chất. Lý thuyết này hiện diện ở tất cả khía cạnh Đông Y truyền thống.
Thông thường, dương liên kết với khía cạnh chức năng của vật thể – ví dụ, di chuyển, tăng dần, dãn nở, nhiệt, sáng, tiến triển, chủ động, và trạng thái hiệu suất cao. Dương mang tính chất nhiều năng lượng hơn.
Ngược lại, âm liên kết với hình thức vật chất của vật thể, như sự tĩnh tại, giảm dần, co lại, lạnh lẽo, tối tăm, thoái hóa, tiềm ẩn, và trạng thái hiệu suất thấp. Âm mang tính chất ít năng lượng hơn
Âm và dương là hai yếu tố đối lập và cân bằng. Âm chịu trách nhiệm làm ẩm và làm mát cơ thể. Khi âm bị thiếu hay mất cân bằng, cơ thể có dấu hiệu nóng lên.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times