Dưỡng sinh một năm bắt đầu từ tiết Lập đông, bổ thận và dưỡng nuôi tinh khí
Tiết Lập đông đến rồi. Trong tiết Lập đông cần chú trọng điều gì? “Đông kinh mộng hoa lục” thời Tống ghi chép, từ dân gian cho đến cung cấm hoàng thất đều tích trữ lương thực và các loại thực phẩm khác nhau trước khi tiết Lập đông đến để chuẩn bị cho mùa đông. Vào thời điểm đó, giao thông trên đường đông đúc, xe ngựa, lạc đà chở đầy lương thực, thực phẩm dùng trong mùa đông đi lại khắp đường phố, ngõ hẻm, tạo thành khung cảnh tiết Lập đông.
Tiết Lập đông rơi vào ngày 07 hoặc 08 tháng Mười Một hàng năm. Đây là “tiết khí tháng Mười” âm lịch và là một trong “Tứ Lập” của bốn mùa trong năm, đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông. Theo ý nghĩa tinh thần của ‘thiên nhân hợp nhất,’ làm thế nào để vượt qua mùa đông? “Chu Bễ Toán Kinh – Quyển Hạ” giải thích: “Tứ lập giả, sinh, trưởng, thu, tàng chi thủy.” Ý rằng, tinh thần của “Lập đông” nằm trong ở việc thâu trữ, dưỡng nuôi trong âm thầm.
Ý nghĩa của Lập đông đối ứng với tư duy nhân văn của xã hội, chính là truy thưởng những người có công lao, hy sinh vì đất nước, cấp dưỡng cho những người đơn lẻ, cô quả, để tưởng nhớ cuộc đời của họ, cảm tạ sự phó xuất của họ. Sách “Lễ Ký – Nguyệt Lệnh” thời nhà Chu ghi chép: “Vào ngày Lập đông, Thiên tử dẫn Tam công, Cửu khanh, chư hầu, đại phu, nghênh đón mùa đông ở ngoại thành phía Bắc. Không những vậy, còn thưởng cho những người đã mất, cấp dưỡng những người cô quả.” Chính là thể hiện tinh thần như thế. Ý nghĩa của Lập đông đối ứng với thân thể người của chúng ta, chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể bắt đầu cần thâu tàng, dưỡng tinh, chứa đựng sự nhạy bén, tinh nhuệ.
Những lưu ý và kiêng kỵ trong dưỡng sinh khi Lập đông
Những ghi chép trong sách “Hoàng Đế Nội Kinh -Tố Vấn” khuyên mọi người nên “bế tàng” (đóng cửa, thâu dưỡng) trong ba tháng vào mùa đông để dưỡng sinh. Nếu làm trái lại sẽ gây tổn hại lớn đến tinh và khí của sinh mệnh. Vậy cần làm như thế nào ?
Dưới đây là một số lưu ý và kiêng kỵ dựa trên hướng dẫn của “Hoàng Đế Nội Kinh -Tố Vấn,” mời quý vị cùng tham khảo.
1. Thói quen sinh hoạt
Đi ngủ sớm và dậy muộn
Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” nhắc nhở mọi người nên đi ngủ sớm vào mùa đông, và đợi cho đến khi dương khí ấm lên, mặt trời chiếu sáng khắp mặt đất mới rời khỏi giường. Giấc ngủ đầy đủ, ngủ sâu ngon giấc có thể nuôi dưỡng, bảo vệ và phục hồi sức khỏe thân thể, tinh thần.
Giữ ấm, tránh bị lạnh
Chú ý tránh lạnh, giữ ấm cơ thể, không để cơ thể tiếp xúc với gió và không khí lạnh. Mặc quần áo nhẹ và ấm. Đồng thời đừng lơ là trong việc giữ ấm tay, chân, đầu bằng cách quàng khăn, đội mũ, đeo găng tay và mang vớ.
Giữ ấm khi thức dậy
Đừng lơ là việc giữ ấm khi thức dậy và lúc đi vệ sinh sau khi đi ngủ vào buổi tối. Khi thức dậy, trước tiên hãy xoa hai bàn tay vào nhau để làm ấm tay. Sau đó xoa lên vùng mặt trước khi ra khỏi giường, và hãy uống nước ấm. Chờ cho đến khi nhiệt độ ấm lên mới ra ngoài hoạt động để tránh co thắt tim mạch, nhồi máu cơ tim.
2. Chăm sóc tinh thần
Hãy hướng nội và suy nghĩ ít hơn
Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viêt rằng, “mùa xuân, mùa hạ dưỡng dương, mùa thu và mùa đông dưỡng âm.” Vào mùa đông, thận khí được bổ sung, tinh khí trong cơ thể được nạp lại. Nếu bị đảo ngược sẽ tổn hại đến nền tảng của sinh mệnh.
Không lao tâm mệt nhọc, không làm xáo trộn dương khí
Vào mùa đông, đừng khiến tâm và thân vất vả, mệt mỏi, đừng nóng giận để giảm nguy cơ bị các bệnh về tim mạch vốn thường khởi phát vào mùa đông.
3. Vận động và chăm sóc sức khỏe
Vận động nhẹ nhàng, không tiêu hao chất dịch cơ thể
Không nên tập luyện nặng vào mùa đông, chỉ nên đổ một chút mồ hôi trong khi tập luyện để không làm cạn kiệt chất dịch của cơ thể. Tốt hơn hết, nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và tránh các bài tập mang tính cạnh tranh để tránh gây căng thẳng tâm lý. Nên lựa chọn tập thể dục vào ban ngày. Trong quá trình tập luyện, nên tắm nắng và hấp thụ dương khí.
Ngâm chân bổ thận, xua lạnh, làm ấm cơ thể
Ngâm chân còn gọi là “tắm chân.” Trung y cho rằng, ngâm chân là phương pháp tốt để bổ thận. Ngâm chân thường xuyên có tác dụng tốt cho sức khỏe. Những người dễ bị cảm lạnh có thể ngâm chân vào mỗi buổi sáng để xua tan cái lạnh, sưởi ấm cả ngày.
Cách làm: Ngâm phần dưới mắt cá chân trong nước ấm khoảng 42 độ trong khoảng 15 phút. Cũng có thể ngâm chân trong khi ăn sáng. Ngay cả khi chỉ ngâm chân trong 3 phút, cũng có thể mang lại kết quả tốt nếu quý vị kiên trì. Quý vị cũng có thể ngâm trong chậu và bồn tắm.
4. Cách ăn uống và chăm sóc điều dưỡng
Không ăn đồ lạnh
Mùa đông không nên ăn đồ sống, đồ lạnh để tránh làm tổn hại đến dương khí. Uống nước ấm và các loại đồ uống nóng có thể giữ ấm cơ thể và tâm trí từ bên trong.
Bồi bổ vừa phải, chỉ khi cơ thể bị thiếu hụt mới bồi bổ
Nếu cơ thể không thiếu hụt, có thể ăn những thực phẩm có tính ấm để chữa cảm như thịt gà, cá, quả óc chó, khoai mỡ, gạo nếp, hạt dẻ, ngân hạnh .v.v. Hơn nữa, không nên ăn quá nhiều đồ ăn nóng để tránh dương khí tăng và tiêu tán quá mức, không phù hợp với nguyên tắc ẩn tàng dương khí vào mùa đông.
Bồi bổ phải phù hợp với thể trạng, không nên bồi bổ mù quáng
Con người có sự khác biệt về giới tính và độ tuổi. Thể chất cũng có sự khác biệt về hư (thiếu), hàn (lạnh), thực (đủ), nhiệt (nóng). Thực phẩm bổ sung cũng có loại bổ hàn, bổ tính bình, bổ ấm, hoặc bổ ít, bổ nhiều. Vì vậy, không nên tự ý dùng thực phẩm bổ sung. Hơn nữa, theo các nguyên tắc dưỡng sinh trong y học cổ truyền Trung Quốc, lúc trẻ nên chú trọng dưỡng nuôi, đến tuổi trung niên chú trọng điều dưỡng, lúc về già chú trọng bảo vệ, người già cả trên 80 tuổi chú trọng việc giữ gìn. Vì vậy, việc bồi bổ vào mùa đông phải được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thể trạng của từng cá nhân.
Trước khi bổ thận, hãy hiểu rõ thể trạng của chính mình
Mùa đông là thời điểm tốt nhất để bổ thận, nhưng có sự khác biệt giữa “thận dương hư” và “thận âm hư.” Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc Trung y để hiểu rõ thể trạng của mình trước khi dùng thực phẩm bổ sung.
Tận dụng tốt thực phẩm màu đen trong dưỡng sinh
Mùa đông thuộc hành Thủy, thuộc màu đen trong Ngũ hành. Vì vậy, thực phẩm màu đen và các nguyên liệu có tính ấm nói chung rất thích hợp để dưỡng tinh vào mùa đông. Ví dụ: hạt vừng đen, đậu đen, chà là đen, gạo nếp đen, mộc nhĩ, nấm hương, hải sâm đen, hà thủ ô và các loại thực phẩm khác.
Tận dụng tốt đồ uống ấm để giảm cảm lạnh
Nước đường nâu có gừng sống, trà nhân sâm, trà nhãn,… đều là những thức uống nóng ấm, loại bỏ tính hàn, được sử dụng phổ biến.
Tận dụng tốt các gia vị tính ấm để làm ấm cơ thể, dưỡng thận
Các loại gia vị giữ ấm thích hợp để nấu ăn như: gừng, tỏi, nhục quế, vỏ quế, nhục đậu khấu, bạch đậu khấu, hạt tiêu, hồi, thì là, long nhãn khô, v.v.. có tác dụng giữ ấm, dưỡng thận, dưỡng tinh bồi bổ cơ thể.
Thực phẩm bổ sung và chăm sóc sức khỏe
Theo lý thuyết của Trung y, tính của thực phẩm có thể chia thành hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm) và bình; trong khi cơ thể con người có thể được chia thành âm, dương, khí và huyết. Vì vậy, nếu muốn chăm sóc tốt cơ thể, cần lựa chọn thực phẩm bổ sung phù hợp với thể trạng của mình.
Thực phẩm có tính bình phù hợp với các loại thể chất như: đậu đen, hạt vừng đen, ngũ cốc, cá chép, trứng, thịt gà đen, thịt heo và các loại rau có màu xanh đậm.
Thực phẩm có tính ấm, thích hợp cho người thiếu dương như: xôi đen, chà là đen, thịt gà, thịt bò, quả óc chó, hạt dẻ, lươn, tôm.
Thực phẩm có tính hàn, thích hợp cho người thiếu âm như củ sen, mướp đắng, đậu xanh, lê tuyết, thịt vịt, nghêu, .v.v.
Thực đơn dưỡng sinh
Các thực phẩm có màu đen là nguyên liệu bổ dưỡng tốt nhất trong mùa đông. Sau đây giới thiệu hai công thức dưỡng sinh với nguyên liệu màu đen, phù hợp với người bình thường.
Canh đậu đen hầm hải sâm
Nguyên liệu: Một con hải sâm khô, 50 gram đậu đen
Cách làm:
1. Ngâm hải sâm khô trong nước ấm từ 6 đến 8 giờ, loại bỏ cát trong bụng.
2. Cho hải sâm và đậu đen vào nồi, đun nhỏ lửa trong 8 giờ.
Cách ăn:
Sau khi hầm, chủ yếu uống nước canh hoặc có thể ăn thịt hải sâm.
Canh gà đen hầm đậu đen và nhân sâm
Nguyên liệu: nửa chén đậu đen rang, 1 con gà đen, một nắm nhỏ rễ nhân sâm, 1 thìa canh câu kỷ.
Cách làm:
1. Đậu đen rửa sạch, để ráo nước, không rửa quá lâu vì sẽ làm mất anthocyanin.
2. Không cho dầu vào nồi, cho đậu đen vào nồi rang vừa lửa. Sau đó vặn lửa nhỏ đảo từ từ cho đến khi có mùi thơm. Khi bề mặt đậu đen xuất hiện vài vết nứt thì dừng lại và đặt sang một bên. Không nên rang cho đến khi đậu đen tách đôi, nếu không đậu đen sẽ có vị cháy.
3. Rửa sạch và cắt thịt gà thành từng miếng, chần qua nước sôi rồi để riêng. Cho một lượng nước thích hợp và gà đen vào nồi, đun sôi ở nhiệt độ lớn; cho đậu đen và rễ sâm vào, vặn lửa vừa và đun nhỏ lửa trong 50 phút.
4. Cho câu kỷ đã rửa sạch vào đun thêm 5 phút thì tắt bếp và thêm muối cho vừa ăn.
Thức uống dưỡng sinh vào mùa đông
Nước thỏ ty là một thức uống bảo vệ sức khỏe vào mùa đông trong Trung y. Uống nước này hàng ngày có thể giúp cơ thể nhẹ nhàng hơn, cải thiện thị lực và kéo dài tuổi thọ. Đồ uống tốt cho sức khỏe này được chiết xuất từ hạt cây thỏ ty (còn gọi là cây tơ hồng).
Cách làm nước thỏ ty: 10 gam hạt thỏ ty + một lượng đường nâu thích hợp, pha với nước nóng rồi uống.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ