Bạn biết bao nhiêu về tiết Đông chí? Những điển cố văn hóa và phong tục dân gian ngày Đông chí
Vào ngày Đông chí hằng năm, những tia sáng bình minh đầu tiên sẽ chiếu lên tấm biển ở chính giữa đại điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành, báo tin “khởi đầu của một năm mới.” Đây là khung cảnh “sơ tuế” (bắt đầu một năm mới) được các triều đại Nguyên, Minh, Thanh kính ngưỡng, chứa đựng ánh sáng văn minh Trung Hoa 5.000 năm.
Bạn biết được bao nhiêu về ý nghĩa văn hóa của ngày “Đông chí”? Ở đây chúng tôi điểm lại một số nét đẹp văn hóa và những điển cố quan trọng liên quan đến ngày Đông chí.
Từ “Đông chí” có những hàm nghĩa gì?
Sách cổ nói Đông chí có ba ý nghĩa: “Nhất giả âm cực chi chí, nhị giả dương khí thủy chí, tam giả nhật hành nam chí, cố vị chi Đông chí dã.” Ý rằng, vào ngày Đông chí, mặt trời ở rất xa Bắc bán cầu bắt đầu quay trở lại, đây cũng là thời điểm bước ngoặt khi âm khí biến mất và dương khí mạnh lên giữa trời đất.
Tại sao lại nói “ngày đông chí lớn như một năm”?
Người ta thường nói, “Ngày đông chí lớn như một năm.” Trên thực tế, trong lịch pháp xa xưa nhất, Đông chí là ngày đầu tiên của năm mới. Lịch pháp thời Thượng cổ lấy “Đông chí trước nửa đêm ngày Giáp Tý tháng 11 (Hoàng lịch) làm Lịch nguyên (khởi điểm của chu kỳ lịch pháp)”. Ban đầu, lịch pháp chính là lấy Đông chí làm ngày đầu năm mới chế định. Đến thời nhà Chu và nhà Tần, cũng lấy tháng có ngày Đông chí làm tháng đầu tiên. Sau này, khi Hán Vũ Đế thay đổi lịch Thái Sơ, lấy tháng Dần là tháng Một. Tuy nhiên, một số thành ấp có lịch sử lâu đời vẫn giữ phong tục dân gian đón năm mới vào ngày Đông chí này.
Thời nhà Hán, vào ngày Đông chí, quân binh được nghỉ ngơi, trống lệnh cũng an tĩnh, triều đình dừng bàn chính sự, quan phủ không xét án, cử hành lễ tế lớn cuối năm; quan lại địa phương và dân gian đều nhàn hạ, bày tiệc rượu tiễn mùa đông. Vào ngày Đông chí, cửa biên giới sẽ đóng lại nên mọi người phải nhanh chóng trở về quê trước ngày Đông chí. Người thời nhà Tống mừng ngày Đông chí với tâm trạng của đón tết Nguyên đán. Nhà nhà đều mang tiền bạc tiết kiệm của cả năm để mua quần áo mới, mũ mới, cùng nhau chúc mừng, tụ họp vui chơi, khắp nơi vô cùng sôi động. Tập tục này lưu truyền đến thời nhà Minh và nhà Thanh, mà một vùng Tô Châu (Ngô Trung) nay vẫn còn bảo lưu phong tục này.
Trong “Sử ký” gọi Đông chí là “sơ tuế” (bắt đầu một năm). Điều này cũng phản ánh lịch pháp và phong tục dân gian lấy “Đông chí” làm ngày bắt đầu một năm thời Thượng cổ.
“Đông chí nhất dương sinh” có nghĩa là gì?
“Đại đới lễ ký-Hạ tiểu chính” ghi chép “Nhật Đông chí, dương khí chí, thủy động,” tức là người nhà Hạ đã quan sát thấy hiện tượng dương khí bắt đầu sinh vào ngày Đông chí.
“Nhật Đông chí, dương khí chí” có phải là một khái niệm bí ẩn? Không, đây là hiện tượng tiết khí có thể quan sát được, thậm chí có thể “nắm bắt được.” Vậy người xưa làm thế nào để nắm bắt được “nhất dương chi khí” của ngày Đông chí? Có một cách làm cụ thể được gọi là “hậu khí.”
Phép hậu khí, là sử dụng ống luật lữ [dụng cụ điều chỉnh âm thanh thời xưa; cắt những ống trúc chia làm âm, dương, mỗi thứ 6 ống; ống dương là Luật, ống âm là Lữ], thêm tro cây sậy rất nhẹ để ở trên cùng, đặt trong mật thất có tường bao quanh ba tầng, để cảm ứng khí bốn mùa của trời đất. Sách “Hậu Hán thư” nói, “Luật khí (*tiết khí) ứng với việc tro bị bỏ đi.”
“Chu tử ngữ loại” viết rằng: “Ngày nay, các nhà tính toán lịch pháp dùng luật lữ hậu khí, cách này rất chính xác. Lúc khí đến, một phân một tấc cũng không sai, hơn nữa khí này đều thấu xuyên từ mặt đất lên. Ví dụ, trong ngày Đông chí vào tháng Mười Một, ống chuông màu vàng cách mặt đất chín tấc, dùng tro cây lau (tro cây sậy) đặt bên trong. Vào ngày (đông) chí, khi khí đến tro sẽ mất đi, thời khắc không hề sai sót.” Chính là nói, dùng phương pháp hậu khí để đo lường dương khí dưới lòng đất xung lên vào chính lúc tro lau sậy tuôn ra từ ống chuông vàng. Đây là thời điểm Đông chí tinh chuẩn nhất.
Ngày Đông chí “nhất nguyên phục thủy” tượng trưng cho điều gì?
“Kinh Dịch” lấy ngày Đông chí làm tiêu chí của “nhất nguyên phục thủy.” Tháng Đông chí đối ứng với quẻ “Phục.” Quẻ này có hình tượng Khôn (trời) ở trên, Lôi (sấm sét) ở dưới, tượng trưng cho sấm sét ẩn dưới lòng đất. Trong sáu hào quẻ Phục, một hào dương ở dưới và năm hào âm ở trên, là hiện tượng “nhất dương sinh” vào ngày Đông chí. Sau đó, dương khí dần dần hồi phục, âm khí dần biến mất. Đây chính là ý nghĩa của “nhất nguyên phục thủy” mà quẻ “Phục” thể hiện.
“Hán thư-Ngũ hành chí hạ chi hạ” nói: “Đông chí dương hào khởi sơ, cố viết phục.” Vào ngày Đông chí, âm dương tuần hoàn quay trở lại điểm bắt đầu. Ngụ ý rằng trong trời đất lại đạt đến khởi điểm vạn vật canh tân, nên người ta nói “nhất nguyên phục thủy,” ứng hợp với lịch pháp thời Thượng cổ lấy ngày Đông chí làm ý nghĩa nhân văn của năm mới, thể hiện ý nghĩa thiên nhân hợp nhất.
Vì sao tế bái tổ tiên vào ngày Đông chí?
Việc tế bái Thần linh, tổ tiên trong ngày Đông chí đã có lịch sử lâu đời. Ba ngàn năm trước, Chu Công đã đo ngày có bóng mặt trời dài nhất là vào ngày Đông chí và ngắn nhất là vào ngày Hạ chí. Vào ngày Đông chí, Thiên tử dẫn bá quan cử hành đại lễ, cúng tế Thiên thần, Địa thần, tổ tiên và tám vị Thần (gọi là Bát Chá, Bát Lạp), long trọng nghiêm trang. “Chu Lễ-Xuân quan-Đại tư nhạc” ghi lại rằng, lễ nghi thời đó “tấu chuông vàng, ca bài Đại lữ, múa khúc Vân môn,” lấy điển nghi ca múa long trọng để tế bái, cầu mong Thần linh ban sự che chở cho con người. Tất cả các triều đại đều kính ngưỡng, thận trọng kế thừa những lễ chế này.
Quan lại địa phương thì tế tự thần Thổ địa, mỗi nhà cúng tế Thần linh và tổ tiên. Vào sáng sớm ngày Đông chí, trước tiên tế bái Thần linh và tổ tiên ở đại sảnh. Dâng cúng những món bánh, món canh ngon ngọt, thức ăn mặn, cùng với những món ăn thịnh soạn khác. Lòng kính sợ và biết ơn bao trùm khắp thiên hạ. Các lễ tế được cử hành long trọng đến hết ngày Đông chí, nghênh đón năm mới vạn vật hồi sinh đổi mới.
Tại sao lại “bổ đông” vào đêm Đông chí?
“Dưỡng tàng” vào mùa đông là phương pháp dưỡng sinh có Âm dương ngũ hành hòa hợp và Thiên nhân hợp nhất, được cuốn y thư cổ nhất Trung Quốc “Hoàng đế nội kinh” lưu lại. Ngày nay, mọi người đều quen với việc dùng dược thiện [cách ăn uống có tác dụng như thuốc] để “bổ đông.” Vậy “bổ đông” có nguồn gốc sớm nhất từ đâu? Truyền thuyết kể rằng đó là “đơn thuốc” do y Thánh Trương Trọng Cảnh (150-219), người thời Đông Hán lưu lại.
Vào cuối thời Đông Hán, thế cuộc vô cùng hỗn loạn, dịch bệnh hoành hành. Trương Trọng Cảnh đang làm quan ở triều đình thì cáo lão hồi về quê nhà ở Hà Nam, ngày đêm bận rộn chữa bệnh cho dân làng. Ông thương xót cho những người dân quê nghèo khổ không chịu nổi mùa đông lạnh giá, hai tai đều bị thối vì lạnh. Thế nên, ông đã nghiên cứu, chế ra một loại dược thiện – “Bổ hàn kiều nhĩ thang” để giúp họ “chữa lành tai.” “Kiều nhĩ” là một loại sủi cảo bọc nhân là dược liệu chống hàn và thịt cừu. Từ ngày Đông chí đến Tết Nguyên đán, ông bảo đồ đệ dựng lều, đặt một cái nồi lớn và nấu món “Bổ hàn kiều nhĩ thang” để bố thí cho người nghèo, lưu lại một cách “bổ đông.”
Phong tục ẩm thực tiêu biểu của ngày Đông chí
Vào đêm Đông chí, người dân thường ăn một số món gà vịt hầm thuốc giàu protein, bánh long nhãn .v.v. để “bổ đông.” Vào đêm này, ăn bánh trôi, sủi cảo và hoành thánh là phong tục ẩm thực phổ biến. Phong tục ăn uống ngày Đông chí ở phương Nam được thể hiện bằng món bánh trôi. Các món ăn từ gạo nếp như bánh trôi đã được yêu thích từ xa xưa. Trong cuốn “Thanh bại loại sao,” người Hoa Hạ thời xưa đã sớm biết đến vị ngon của bánh trôi và ăn chúng vào tất cả các mùa trong năm, không phân biệt xuân, hạ, thu, đông. “Nguyên Tiêu liên cú” (Câu đối trong tết Nguyên tiêu) của Hoàng đế Càn Long có đề cập đến bánh trôi: “Đạo cổ truyền Kinh Sở, nhi kim mãn thị thành” (Nếp xưa truyền Kinh Sở, nay có khắp thị thành), chính là nói phong tục dân gian ăn bánh trôi đã sớm có ở khắp dải đất Kinh, đất Sở thời Nam Bắc triều.
Bánh trôi (thang viên) còn được gọi là Thang đoàn, Đoàn tử, Phù viên tử, Hoàn tử, thời xưa gọi là Lao hoàn, Lao cửu .v.v. Dù được gọi như thế nào, bánh trôi đều có hình tròn đều, tượng trưng cho bầu trời và mặt trời. Ngày Đông chí đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới, dương khí sinh ra, nên ăn bánh trôi để chúc mừng, đồng thời ngụ ý đoàn tụ cuối năm. Người dân các vùng ven biển phương Nam thích ăn bánh trôi làm từ gạo nếp màu đỏ và màu trắng, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương và vạn vật phồn thịnh.
Người thời Tống ăn bánh trôi trong Tết Nguyên tiêu (Chu Tất Đại có bài thơ miêu tả “Bánh trôi trong dịp Nguyên tiêu”), và đa phần ăn hoành thánh trong ngày Đông chí. Trần Nguyên Tịnh thời Nam Tống đã đề cập đến phong tục ngày Đông chí trong tác phẩm “Tuế thời quảng ký”: “Người dân ở kinh sư đa phần ăn hoành thánh trong ngày Đông chí.” Chu Mật, người thời Nam Tống cũng đề cập trong “Võ lâm cựu sự” rằng: trong tế tự dùng hoành thánh để cúng tế tổ tiên. Ăn hoành thánh biểu thị lời chúc mừng điều mới mẻ, sử dụng ba tầng nội dung từ hình, âm và nghĩa. Từ “hoành thánh” (hồn đồn, 餛飩) đồng âm với từ “hỗn độn” (混沌), và hoành thánh được làm bằng bột mỏng màu trắng bọc nhân bên trong rồi nhồi thành viên tròn, tượng trưng cho sự hình tượng trời đất hỗn độn. Truyền thuyết kể rằng, ý nghĩa của việc ăn hoành thánh trong ngày Đông chí là để tưởng nhớ sự ra đời của Bàn Cổ, thủy tổ của người Trung Hoa trong thời kỳ “hỗn độn” và để chúc mừng sự khởi đầu của năm mới.
Phong tục trong ngày Đông chí ở phương Bắc là ăn sủi cảo. Trước thời nhà Minh, sủi cảo còn được gọi là “Hồn” (hoành thánh), vì nguyên liệu và cách làm hoành thánh và sủi cảo rất giống nhau. Vì vậy, việc ăn hoành thánh và sủi cảo trong ngày Đông chí có thể có cùng nguồn gốc nhưng phong tục dân gian lại khác nhau tùy theo thời gian và địa điểm. “Sủi cảo” (餃子) cũng đồng âm với “交子 (tháng)”, nên ăn sủi cảo trong ngày Đông chí tượng trưng cho việc chào đón năm mới.
Vì sao tục ngữ nói “ăn xong ngày Đông chí sẽ già thêm một tuổi”?
Người ta thường công nhận rằng, sau khi ăn bữa tối đêm giao thừa, người ta sẽ già đi một tuổi. Vì sao câu nói “ăn ngày Đông chí sẽ già thêm một tuổi” cũng được lưu truyền trong dân gian lâu đời như vậy? Trên thực tế, mấu chốt nằm ở chỗ sao đổi năm dời, đồng thời thời gian cũng thay đổi “định vị” của “năm”.
Như đã đề cập ở trên, ban đầu, lịch pháp thời Thượng cổ là lấy Đông chí làm khởi điểm của năm mới để chế định. Vì vậy, vào đêm Đông chí, “ăn xong ngày Đông chí sẽ già đi một tuổi” chính là câu nói rất hợp lý. Đến thời Hán Vũ Đế, lịch pháp sử dụng đã xuất hiện sự sai khác rõ ràng với Thiên tượng, vì vậy đã sửa đổi lại lịch pháp. Năm đầu niên hiệu Thái Sơ (năm 104 TCN) lịch Thái Sơ được ban hành. Lịch Thái Sơ lấy tháng Dần (tháng bắt đầu mùa xuân) làm tháng Một, Đông chí trở thành tiết Đông chí, Á tuế, Đông chí. Lúc này, câu nói “sau khi ăn ngày đông chí sẽ già đi một tuổi” phản ánh những thay đổi lịch sử và cũng phản ánh một thực tế không thay đổi – ngày Đông chí luôn là điểm khởi đầu của “nhất nguyên phục thủy,” âm dương tuần hoàn trong trời đất.
Ngoài phong tục ẩm thực, ngày Đông chí còn có những phong tục dân gian đặc biệt nào?
Có một phong tục dân gian rất ấm lòng trong ngày Đông chí – “tặng vớ và giày” cho những người lớn tuổi. Con dâu gửi tặng giày, vớ cho cha mẹ chồng (dì, chú) trong ngày Đông chí, cầu chúc người lớn tuổi may mắn, nhiều phúc, thọ mệnh dài lâu, đối ứng với ý nghĩa của mặt trời đạt đến cực điểm vào ngày Đông chí. Đôi giày và vớ đem tặng là do chính người con dâu thêu, không chỉ thiết thực, ấm áp, mà hình dáng và hoa văn đẹp đẽ. Nó giống như một bức tranh thêu đẹp mắt vừa ý. Sự khéo léo và tấm lòng ân cần chu đáo của người con dâu mang đến sự an ủi ấm áp cho những người lớn tuổi trong gia đình.